- Mùa tuyển sinh năm 2007 đã có 18 trường ĐH, CĐ bị phạt từ 40-60 triệu đồng vì tuyển vượt chỉ tiêu được giao. Cũng trong năm 2007, Bộ phát hiện 34 trường ĐH, CĐ tuyển vượt trên 20% chỉ tiêu, và đã trừ chỉ tiêu tuyển mới năm 2008 của các trường này.
Trong khi đó, danh sách các trường tuyển vượt chỉ tiêu năm 2008 do Bộ công bố lại trên 40 trường. Tình trạng này vẫn tiếp tục "tái diễn" trong năm 2009.
Thách thức cho các "chế tài"
Thí sinh sau giờ thi tuyển sinh 2009 (Ảnh Lê Anh Dũng)
Bắt đầu từ năm 2007, song song với phạt hành chính các trường tuyển vượt quá nhiều (trên 20%) chỉ tiêu được giao, Bộ GD-ĐT đã ban hành "chế tài" nhằm giao tự chủ cho các trường ĐH, CĐ và TCCN ấn định chỉ tiêu theo "năng lực" hiện có.
Cụ thể, những trường có tỉ lệ sinh viên (SV) qui đổi trên một giảng viên (GV) cao hơn hoặc bằng mức mà Bộ qui định, năm 2007 sẽ được tuyển số chỉ tiêu tối đa bằng năm 2006; nếu tỉ lệ SV/GV thấp hơn qui định sẽ được tăng chỉ tiêu, tối đa không vượt quá 10% chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2006.
Các cơ sở đào tạo các ngành trọng điểm, ngành xã hội có nhu cầu, ngành thuộc các lĩnh vực ưu tiên được áp dụng tỉ lệ tăng cao hơn, nhưng không quá 15% chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2006 và phải có thuyết minh cụ thể.
Khi chế tài được ban hành thì việc kiểm tra, giám sát lại trở thành một thách thức khác cho Bộ.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2008 có 40 trường ĐH, CĐ bị trừ chỉ tiêu tuyển mới năm 2009. Trong số này, Trường ĐH Mở TP.HCM đã tuyển vượt chỉ tiêu đối với hệ CĐ tới 235%, CĐ Bách nghệ Tây Hà: tuyển vượt 51,2%, ĐH Hùng Vương vượt 168%...
Năm 2009, số trường được kiểm tra trực tiếp mới dừng ở 11 cơ sở nhưng nhiều trường đã "lách luật" bằng cách tuyển vượt chỉ tiêu hệ CĐ và văn bằng 2 như: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển vượt 40 chỉ tiêu hệ văn bằng hai, ĐH Hàng Hải vượt 37 chỉ tiêu, ĐH Kinh tế TP.HCM vượt 251 chỉ tiêu hệ ĐH...
"Trên bảo dưới không nghe" đã thành tiền lệ?
Từ các cuộc họp báo, lãnh đạo của Bộ GD-ĐT chia sẻ: "Vì đội ngũ thanh tra của Bộ còn mỏng, không đủ để đi và phát hiện những điểm sáng - tối của ngành, chính bởi vậy, báo chí là một kênh cùng phối hợp với Bộ trong việc phát hiện và xử lý sai phạm".
Thế nhưng, trong 3 năm trở lại đây, hàng loạt trường vẫn “xé rào”, làm trái quy định. Không ít nhà quản lý cho rằng, thi "3 chung" nên để chống tình trạng thí sinh "ảo", các trường thường gọi vượt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi chỉ tiêu được giao. Đến khi thí sinh đến đông thì... Bộ và trường phải hợp thức hóa để đảm bảo "quyền được học của thí sinh".
Nhưng, có lẽ đây không phải là lý do chính bởi mỗi năm Bộ đều đã cho các trường được tuyển vượt từ 10-15% chỉ tiêu được giao.
Năm 2009 được coi là năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã phân loại nhóm trường bị cắt, giảm hoặc không được tăng chỉ tiêu, gồm: trường đã tuyển vượt 20% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2008, năng lực đào tạo quá tải...
Thế nhưng, số trường bị cắt, giảm hoặc không được tăng chỉ tiêu mới chỉ dừng ở 40 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ (chủ yếu là các trường ngoài công lập), chiếm khoảng 10% so với tổng số các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc.
Đặc biệt, vẫn chưa có cơ sở giáo dục ĐH, CĐ nào bị tạm dừng tuyển sinh dù cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu đào tạo, đội ngũ GV vừa thiếu vừa yếu.
Điển hình như Trường ĐH Dân lập Phú Xuân, kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT công bố trước mùa tuyển sinh 2009 nêu rõ: "Trường thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH ngành Tài chính – ngân hàng trong khi mới có 1 GV cơ hữu có trình độ cử nhân".
Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân, trong văn bản gửi Bộ có ghi GV cơ hữu tại trường gồm: 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ, 62 cử nhân nhưng số lượng GV thực tế theo bảng lương mà thanh tra Bộ ghi được chỉ có 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 11 cử nhân.
Trường ĐH Phan Thiết được giao là 750 chỉ tiêu (trong đó 550 ĐH và 200 CĐ), nhưng trường đã tuyển hệ CĐ gấp 3 lần chỉ tiêu được giao, thậm chỉ tuyển cả hệ trung cấp dù chưa được phép.
Trường hợp khác, Trường ĐH Cần Thơ tự ý hạ từ 0,5 -1,5 điểm (theo Quy chế tuyển sinh thì các trường không được tự ý hạ điểm) để tuyển bổ sung 400 thí sinh khi chưa có ý kiến của Bộ. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, lãnh đạo Bộ phải chấp nhận để trường "xé rào".
Để "giám" cho "sát"
Tại Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu: các trường phải thực hiện 3 công khai (công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính).
Đến hết ngày 15/1/2010, cơ sở giáo dục ĐH nào không công bố 3 nội dung nói trên thì sẽ không được xem xét giao chỉ tiêu tuyển mới năm 2010.
Lướt qua trang web một số trường ĐH sáng 13/11 cho thấy, phần công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục (đội ngũ, cơ sở vật chất...) vẫn có trường còn bỏ ngỏ.
Trang web của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, phần giới thiệu cơ cấu tổ chức mới công khai danh sách các đơn vị chức năng, các khoa và trung tâm đào tạo..., chưa công khai chi tiết đội ngũ giảng viên từng khoa.
Trong khi đó, trường đã chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ từ năm 2007, như vậy, đội ngũ giảng viên từng bộ môn phải được công khai để SV lựa chọn. Nhưng thông tin trên đã được "cất kỹ", thậm chí phóng viên đến làm việc cũng không được "tiết lộ".
Tương tự, ĐH Điện Lực, ĐH Hoa Sen, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chưa công khai danh sách tên giảng viên từng khoa, bộ môn. ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thủy Lợi đã công khai tới tên các trưởng, phó khoa của từng bộ môn, còn danh sách chi tiết GV cũng chưa có.
Hy vọng từ nay đến hạn công bố (15/1/2010), các trường có đủ thời gian đưa các nội dung thông tin liên quan đến sứ mệnh cũng như chất lượng đào tạo của trường lên mạng để SV và xã hội cùng giám sát.
"Với những trường không "3 công khai" sẽ không được xem xét giao chỉ tiêu tuyển sinh 2010" - hy vọng sẽ không chỉ là sự "giơ cao, đánh khẽ".
-
Kiều Oanh
2010: Không còn chỉ tiêu ngoài ngân sáchTheo Bộ GD-ĐT, năm 2010, để xác định quy mô tuyển sinh hợp lý, đảm bảo chất lượng tuyển sinh, các trường cần đặc biệt lưu ý đến các điều kiện bảo đảm chất lượng: tỷ lệ SV/ 1GV quy đổi, cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành, thực tập, nhu cầu của xã hội đối với các ngành nghề đào tạo của trường.Đặc biệt, chỉ có duy nhất một loại chỉ tiêu do các trường tự xác định và báo cáo Bộ, không có khái niệm chỉ tiêu ngoài ngân sách. Những trường tuyển sinh và xác định điểm trúng tuyển theo ngành, nhất thiết phải xác định ngay chỉ tiêu cho từng ngành.
Đối với hồ sơ, thủ tục mở ngành đào tạo mới, các trường cần hoàn thành trước ngày 31/01/2010 để đưa vào cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010”.