- Một nam sinh lớp 9 từng bày tỏ với TS tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng: “Cô ơi, em Sở Khanh quá, mỗi năm em lại yêu một người”. Theo dõi những biểu hiện và hệ quả của "tình teen" biến thái, TS Hồng chia sẻ thêm những quan sát thực tế khi lên lớp và tiếp xúc với học trò.
Theo TS Hồng, xu hướng thể hiện cảm xúc giới tính của học trò bây giờ thể hiện tình yêu rất tự nhiên, thậm chí là ồ ạt khiến nhà trường chống đỡ không kịp, buộc phải dùng đến biện pháp cứng rắn. “Không như các “anh chị” của thế hệ trước, học trò hiện nay không yêu theo phong trào mà theo cảm xúc. Các em yêu sớm, yêu mạnh dạn và cũng dại dột hơn..
Cảm xúc giới tính của trẻ phát triển khá sớm. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) |
Lớp 12: 70 - 80% học sinh có đôi
Nhiều em khi cảm mến ai đó cứ tưởng là yêu nên biểu hiện theo kiểu người lớn. Vì nghĩ mình là người lớn các em biểu hiện bạo dạn hơn.
Tuy nhiên, ở tuổi học trò, cái gọi là “tình yêu” thực chất là cảm xúc giới tính. Và cảm xúc này được coi là bình thường chứ không có gì khác thường. Biểu hiện tình yêu như người lớn là do các em ngộ nhận.
Một nam sinh lớp 9 từng bày tỏ: “Cô ơi, em Sở Khanh quá, mỗi năm em lại yêu một người”. Điều đó cho thấy, lứa tuổi này cảm xúc giới tính không bền vững nên các em dễ “yêu” và chóng chán.
Thông thường, bắt đầu từ học kì 2 của lớp 6, các em có xu hướng dò dẫm, tìm hiểu bạn khác giới mang tính chất đơn phương. Nhưng đến năm lớp 8, lớp 9, các em bắt đầu chuyển sang bày tỏ, chinh phục.
Cấp 2, cảm xúc này dừng lại ở rung cảm tuổi teen.
Nhưng đến cấp 3, một điều tra bỏ túi cho thấy lớp 10 có 30% các em thừa nhận đã có đôi, lớp 11 con số này lên 50% và lớp 12 thì con số này là 70-80%.
Và với lớp 12, 20-30% số học sinh còn lại phải chăng là chuyên tâm học hành? Các bậc cha mẹ chớ vội yên tâm mà nên đặt câu hỏi, liệu con mình đang trong tình trạng thèm muốn hoặc tủi thân khi thấy các bạn có đôi?
Phản tác dụng khi can thiệp thô bạo
Khi chứng kiến các em học sinh phát triển quá sớm, giáo viên ở trường tỏ ra lúng túng và dễ cho rằng các em sai trái. Điều này là không thể tránh được. Chưa kể, hiện tượng thể hiện tình cảm trong lớp học không phải một, hai "cặp" như cách đây vài năm.
Tương tự, khi phát hiện con mình có bạn gái hoặc bạn trai, gia đình thường tỏ ra khó chịu hoặc cấm đoán, buộc cắt đứt mối quan hệ, la rầy...
Với biểu hiện tình yêu hay cách cư xử không phù hợp tuổi tác, sự trừng phạt hay cấm đoán cũng như hình ảnh cáo vồ thỏ, con cáo cố vồ lấy con thỏ nhưng cuối cùng chính con cáo chỉ còn bộ xương.
Càng cấm đoán, học trò càng thể hiện quyết liệt hơn. Từ đó, còn có thể dẫn đến việc các em bỏ học, bỏ nhà đi, hay có hành động cực đoan.
Còn những biểu hiện như học sinh hôn nhau công khai ở trường học, giáo viên không thể nói là xấu. Các em cần được hướng dẫn cho phù hợp với văn hóa và độ tuổi của mình.
Có thể, áp lực chương trình dạy, thời gian dạy khiến giáo viên khó quan tâm tới từng học sinh. Tuy nhiên, trong trường hợp thấy các em có “biểu hiện”, cô giáo nên can thiệp tế nhị bằng nhiều cách như: gởi thư tay cho học sinh, trao đổi với phụ huynh hoặc gặp riêng.
Thắc mắc của con: Không bậy bạ
Còn với phụ huynh, giáo dục giới tính cho con phải diễn ra tự nhiên. Cha mẹ có thể gần gũi, thân thiện để trò chuyện cùng con. Một trong những nguyên nhân khiến các em yêu sớm cũng vì thiếu thốn tình cảm ngay trong gia đình mình.
Nguyên tắc khi con cái thắc mắc, ba mẹ nhất thiết phải trả lời thật, trả lời tự nhiên và không la rầy hay cho rằng đó là thắc mắc bậy bạ. Thấy con có “vấn đề”, nên chủ động trò chuyện.
Câu chuyện của một người bạn sau đây liệu có gợi được điều gì chăng từ cách xử lý tình huống ngoài ý muốn của phụ huynh?
Khi phát hiện con trai lớp 8 xem phim sex của một cô bé học trò trên internet, chị để con coi hết mới gọi lại trò chuyện:
- Theo con, người như thế nào thì làm những “chuyện đó”?
- Là những người đã thành vợ chồng.
- Thế bao nhiêu tuổi mới có thể thành vợ, thành chồng?
- Con gái là 18 và con trai là 20 tuổi.
Rồi chịkhéo léo diễn giải: Vì ở tuổi 18, con gái đã tốt nghiệp THPT. Ở tuổi 20, con trai đã tốt nghiệp THPT và có thêm 2 năm gầy dựng sự nghiệp. Bà còn nhấn mạnh: những “chuyện đó” không hề xấu, thậm chí là nó có giá trị nên ta càng phải kín đáo, không thể công khai trên internet.
Với những hành động trong phim mà con trai xem, chi không hề cho rằng hành động đó là xấu. Tuy nhiên, nói cho con hiểu cô bé đã hành động sai, không phù hợp với lứa tuổi và không giữ gìn “giá trị”.
Mặc dù bận rộn với công việc giảng dạy và hoạt động tham vấn tâm lý, nhưng mỗi chiều,đều cố gắng trở về nhà để nghỉ ngơi và sum họp với gia đình. |
- Minh Quyên (ghi)