Với Bill Gates, bộ phim "Chờ đợi siêu nhân" không chỉ đơn thuần là một bộ phim mà là bức tranh phản ánh vấn đề nhức nhối về giáo dục Mỹ hiện nay.
Bill Gates phát biểu tại buổi lễ |
Người sáng lập tập đoàn Microsoft, người đàn ông giàu nhất nước Mỹ đã đến liên hoan phim Sundance để tham dự lễ ra mắt bộ phim "Chờ đợi siêu nhân" vào thứ sáu tuần trước.
Đây là bộ phim tài liệu mới của đạo diễn Davis Guggenheim, đề cập đến thực trạng giáo dục hiện nay của Mỹ. Và cách nhìn của đạo diễn cùng trùng với quan điểm của tỷ phú Bill Gates rằng hệ thống trường công lập của Mỹ đang thực sự rất hỗn độn.
Nhà tỉ phú này đã phát biểu trong lễ ra mắt bộ phim như sau: “Chất lượng hệ thống giáo dục tại đã từng là niềm tự hào của nước Mỹ. Nhưng giờ đây, nó không còn được tốt như thế nữa. Nó cần phải được cải tổ”.
Chất lượng nhiều trường học phổ thông đang đi xuống một cách tệ hại. Và bộ phim "Chờ đợi siêu nhân" của đạo diễn Davis Guggenheim đã đề cập đến đến thực trạng này một cách xuất sắc. Chúng ta đã có một lịch sử huy hoàng về giáo dục, chúng ta hãy phát huy nó hơn nữa” - Bill Gates nói thêm.
Bill Gates không phải người xa lạ với giáo dục Mỹ. Tổ chức từ thiện mang tên ông và vợ - Bill and Melinda Gates Foundation - đã ủng hộ hàng triệu đô la để nâng cao chất lượng giáo dục nước Mỹ. Đó cũng là lí do vì sao ông quan tâm đến bộ phim này. Được biết đây là lần đầu tiên, Bill Gate dự lễ chiếu ra mắt phim liên quan đến giáo dục Mỹ.
Ông nhận thấy, bộ phim là bức thông điệp sâu sắc gửi tới người Mỹ để họ thấy rằng nền giáo dục của nước họ đã đi xuống thế nào và làm sao để vực dậy được nó”.
Đạo diễn Guggenheim tập trung nhấn mạnh vào khao khát của mọi học sinh sinh viên về một nền giáo dục tiên tiến hơn. Nhưng dường như, các em không thể đạt được ước muốn đó.
Thông qua bộ phim, đạo diễn muốn nói với những nhân vật có tầm cỡ như Bill Gates và thách thức vai trò của những nhà lãnh đạo hãy khẩn trương làm điều gì đó để "cứu" nền giáo dục của Mỹ.
“Bộ phim tài liệu này đã đặt ra nhiều vấn đề gây tranh cãi. Và xem ra nó đang gặp phải khá nhiều phản ứng gay gắt. Bởi lẽ nó đã phanh phui một vài sự thật không được dễ chịu cho lắm về các trường công lập của Mỹ. Tuy nhiên mục tiêu của chúng ta là nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của nước nhà. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật”, Bill Gates chia sẻ.
Bộ phim "Chờ đợi siêu nhân" sẽ được hỗ trợ bởi Participant Productions, nhà sản xuất đã từng giúp cho bộ phim tài liệu "An Inconvenient Truth" đạt giải Oscar. Và chính nhờ bộ phim này mà vấn đề khí hậu nóng lên toàn cầu đã được chính quyền Mỹ chú trọng giải quyết. Liệu rằng "Chờ đợi siêu nhân" có làm được điều đó cho ngành giáo dục nước này.
Bill Gates trả lời rằng: Ông cũng hi vọng vào điều đó và đây chính là mục tiêu của bộ phim và của những người quan tâm đến giáo dục.
Giáo dục Mỹ khó bảo toàn vị trí quán quân
Trong hàng thập kỷ nay, Mỹ luôn giữ vị trí quán quân với những cái tên đứng đầu bảng trong các thước đo về giáo dục. Nhưng trái với sự ngưỡng mộ của các nước dành cho mô hình giáo dục của nước này, nhiều người Mỹ đang lo sợ nếu không thay đổi, giáo dục Mỹ sẽ trở thành tụt hậu.
Hồi giữa năm 2009, tác giả bài viết "Giáo dục Mỹ khó bảo toàn vị trí quán quân" đăng tải trên tạp chí chuyên ngành về giáo dục đại học The Chronicle of Higher Education có nêu, chỉ trong 5 năm, từ năm 1998 đến năm 2003, số bài viết, công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí nổi tiếng của các nhà khoa học Mỹ đã giảm từ 63% xuống còn 58%. Hiện nay, số sinh viên theo học chuyên ngành kỹ thuật của Mỹ chỉ ở mức 4%. Trong khi đó, tỉ lệ này ở châu Âu là 13% và châu Á là 20%.
Trong bản báo cáo Rising above the gathering storm (Nổi lên trên bão tụ), ông Charles Vest, cựu Chủ tịch Học viện Massachussettts và hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật Quốc gia cảnh báo, nước Mỹ đang tụt sau các nước khác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Ông Vest nhận định: “Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đang dồn tận lực vì họ đang đói. Họ biết họ phải làm gì… Tôi sợ rằng đến khi chúng ta nhận ra vị thế của mình bị đe dọa thì đã quá muộn. Hãy nhìn xem chuyện gì đã xảy ra trong lĩnh vực sản xuất khi người Nhật tiến hành nghiêm túc. Đến bây giờ, chúng ta mới chỉ đuổi kịp phần nào".
Tháng bảy vừa qua, Don Tapscott - Giáo sư Đại học Toronto và nhà tư vấn cho Chính phủ và giới công thương, đã gửi bức thư gây tranh cãi cho Tổng thống Obama, đề xuất Mỹ nên theo đuổi mô hình giáo dục… Bồ Đào Nha.
Chính quyền Mỹ, qua Quốc hội, đang chỉnh sửa Luật Giáo dục liên bang theo hướng: riết ráo hơn các yêu cầu như năng lực sư phạm, và các tiêu chuẩn học thuật; tăng cường can thiệp của Chính phủ liên bang trong điều hành giáo dục.
-
Sinh Phạm - Huyền Trang (Tổng hợp)