- Những công dân trẻ tiêu biểu 2 thành phố lớn đang có nhiều dự định cho năm mới. Các du học sinh thì phần lớn mong trở về quê hương, ước được mức lương cao, còn diễn viên Xuân Bắc thì nỗ lực sống "là chính mình".
Dương Hiếu Trung (1994): Phụ tá đắc lực của mẹ
Dương Hiếu Trung là học sinh giỏi liên tục nhiều năm. Trong năm 2009, cậu được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ nghìn việc tốt” của Trung ương Đoàn. |
“Em không hiểu sao thông tin em cứu bà ngoại khỏi hỏa hoạn lại rò rỉ ra bên ngoài. Làm việc tốt mà ai cũng biết thì còn gì là tốt nữa” - Dương Hiếu Trung học sinh lớp 9A1, Trường THCS Nguyễn Huệ, Q.4 (TP.HCM) quan niệm như vậy khi nói về việc cậu đã làm cách đây gần 1 năm.
Lúc ấy, bà hàng xóm 80 tuổi được Trung gọi bằng cái tên thân thương là “bà ngoại”, đang ngồi bất động trong khi ngọn lửa của đám cháy đang tới gần, Trung lao vào ngôi nhà cùng hai người đàn ông khác để đưa bà ra ngoài. Bị bỏng ở chân nhưng Trung không mấy để ý, mà áy náy vì người cùng vào với em là chú Huyền bị chết ngạt.
Câu chuyện ấy cũng được nhắc đến khi Trung được phong tặng danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2009”, và cũng là Công dân trẻ tiêu biểu nhỏ tuổi nhất trong năm.
Chưa hết ngỡ ngàng khi nhận được danh hiệu này, cậu dũng sĩ nhí tâm sự: “Trong 10 đại biểu tham dự, toàn những người giỏi. Em đâu có đáng gì. Để có được những thành tích như các anh chị ấy, đối với em là một quãng đường quá dài”.
Trung nghĩ rằng, với tuổi của mình, cậu chưa đủ lớn để làm việc gì đó thật lớn lao giúp cho mọi người. Tuy vậy, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Trung cho biết: “Khu vực nơi em sống thường xuyên xảy ra hỏa hoạn. Vì thế, hàng ngày, em vẫn thường nói các cô, chú hàng xóm cẩn thận, phòng ngừa hỏa hoạn cho mọi người”.
Chiều chiều, sau buổi học, Trung còn là thầy dạy võ cho các em nhỏ mà không cần thù lao. Trung nói: “Học võ là vì đam mê, học để thư giãn và nhờ nó, em có sức lực, sự bình tĩnh để cứu bà”. Ngoài ra, Trung là phụ tá đắc lực của mẹ, giúp mẹ giặt đồ, rửa chén... Vì theo cậu, giúp mẹ được chừng nào, mẹ đỡ áp lực chừng ấy.
Được hỏi khi lớn lên, liệu có thích trở thành người lính cứu hỏa hay không? Trung hồn nhiên: “Em không làm đâu. Em sợ lửa lắm! Em mơ ước được làm bác sĩ hơn”.
Nguyễn Xuân Bắc (1976): Mỗi chúng ta phải có trách nhiệm với chính bản thân mình
Là 1 trong 10 gương mặt trẻ thủ đô được tuyên dương năm 2009, diễn viên Xuân Bắc (Nhà hát kịch Việt Nam) chia sẻ: Tôi thực sự bất ngờ khi biết mình được nhận danh hiệu này. Bởi tôi làm tất cả mọi việc không phải để lấy danh hiệu. Đơn giản, tôi nghĩ đó là công việc mình nên làm, trước hết là cho chính bản thân mình, cho gia đình mình và cho xã hội.
"Tuy nhiên trước khi hoàn thành trách nhiệm của mình trong xã hội, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm với chính bản thân mình. Chỉ cần mình là một công dân tốt thì mình cũng đã đóng góp cho xã hội 1 công dân tốt rồi. Ý thức được mình là người của công chúng, hành động mình làm cũng có sức lan tỏa nhất định".
Anh chia sẻ câu chuyện một lần dự ngày hiến máu nhân đạo, tham gia đoàn đi bộ quanh Bờ Hồ:
"Hôm đó, bố tôi xuống chơi, cụ đã 60 tuổi những tôi vẫn rủ cụ đi cho vui. Khi hai bố con đang đi, tôi nhìn thấy mấy chai nước mọi người uống dở vứt dưới lòng đường. Tôi cúi xuống nhặt, bố tôi kêu lên: “Làm cái gì đấy. Nước vẫn đang còn.Bố cầm đây này, mày uống không”.
Hóa ra, bố tưởng tôi nhặt lên để uống. Nhưng tôi nhặt để vứt vào thùng rác. Tôi không hô hào lên là: Các em ơi nhìn anh đây này. Mà tôi chỉ lẳng lặng làm, một việc làm không mấy khó khăn, không phải suy nghĩ cân nhắc mà ngay lập tức ai cũng có thể làm được.
Và tôi quan sát thấy nhiều người cũng nhặt những chai nước ở bên cạnh họ lên. Điều đó khiến tôi rất vui.
Diễn viên Xuân Bắc đã tham gia nhiều bộ phim được công chúng yêu thích. Vài năm gần đây, nổi bật hơn trong vài trò là 1 diễn viên hài và là MC của nhiều chương trình, game show truyền hình, là ủy viên Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội nghệ sỹ trẻ Hà Nội.
Anh thích câu nói của Trịnh Công Sơn: Chỉ sợ ngày mai không làm được những điều tốt cho người khác.
Nguyễn Thị Bích Diệp (1986): Sẽ về Việt Nam làm việc
Nguyễn Thị Bích Diệp đang học năm cuối ngành ngoại giao của gói học bổng toàn phần Stanford, Mỹ.. |
Năm 2001, khi mới 15 tuổi, Diệp đã xin được học bổng toàn phần Asean học ở Singapore cấp O-level (tương đương lớp 9, 10; tiếp đó là học bổng toàn phần A-level của Anh (tương đương lớp 11, 12).
Với Diệp, có được các học bổng này là cả một quá trình nỗ lực mày mò tìm kiếm và học hỏi. "Khi còn học cấp 2 xem tivi, tôi thấy có anh SV rất giỏi được đi học ở Mỹ. Tôi nói với mẹ rằng ước gì tôi cũng được đi du học như vậy. Mẹ tôi bảo đó chỉ là ước mơ. Từ đó, tôi nỗ lực học để thực hiện ước mơ của mình. Với tôi, có ước mơ thì phải nắm lấy và đừng để tuột mất" Diệp chia sẻ.
Diệp cho biết, chắc chắn sẽ về Việt Nam làm việc. Hiện Diệp đang làm Giám đốc maketing của công ty GMAT, bất cứ ai sang Mỹ học Quản trị kinh doanh đều phải trải qua kỳ thi sát hạch tại đây.
"Tôi mong rằng, Nhà nước có những chính sách mở hơn, chào đón chúng tôi hơn để có thể về nước làm việc. Vì những SV khi đi du học thường băn khoăn một điều về Việt Nam không biết sẽ có việc hay không, có được vào Bộ này, Bộ kia hay không" - Diệp nói.
-
Bảo Anh - Minh Quyên - Sinh Phạm (Ghi)
Dự định của bạn trong năm mới?