- Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng không nên phân biệt công - tư trong mở chuyên ngành đào tạo đại học.
- Trường ngoài công lập không được phép dạy luật, báo chí, sư phạm
- Cấm dạy luật, báo: Trường ngoài công lập chỉ là "con ghẻ" sao?
- Cấm dạy luật, báo: Bộ Giáo dục ’mất kiểm soát’ chất lượng?
Thưa ông, Bộ GD-ĐT hiện đang lấy ý kiến về dự thảo quy định cụ thể một số điều kiện, hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ đại học, trong đó, không cho phép các trường ngoài công lập mở ngành Sư phạm, Báo chí, Luật. Quan điểm của ông về quy định này ra sao?
Ông Đào Trọng Thi. Ảnh: Lê Anh Dũng
- Không nên phân biệt trường công lập và ngoài công lập được đào tạo ngành nghề gì mà nên đặt ra những điều kiện, đảm bảo các yêu cầu về nội dung, định hướng để bảo đảm việc cung cấp kiến thức với những chuyên ngành đặc biệt.
Với một số chuyên ngành đặc thù thì cần phải có điều kiện mới được mở. Các trường ĐH kể cả công lập hay ngoài công lập nếu thoả mãn điều kiện thì đều được đào tạo.
Như vậy vẫn vừa đảm bảo sự quản lý chặt chẽ việc đào tạo một số chuyên ngành đặc biệt mà không tạo ra sự phân biệt giữa công lập và ngoài công lập. Trường công lập chắc gì đã đảm bảo thoả mãn các điều kiện vật chất và nhân lực?
Mục đích là có được sự quản lý chặt chẽ trong nội dung đào tạo. Vì mục đích đó đó thì không phân biệt công hay tư. Vì chúng ta đang tiến tới xoá bỏ việc phân biệt công - tư trong thực hiện các nhiệm vụ đào tạo. Chúng ta chỉ phân biệt dựa trên nguồn đầu tư từ đâu, của xã hội, hay của tư nhân.
Ngành nghề nào mà xã hội không quan tâm thì nhà nước đầu tư. Nhưng nếu ở ngoài cũng quan tâm thì cũng phải để xã hội cùng làm.
Như ông vừa nói thì với một số ngành đặc biệt cũng cần có điều kiện khi mở trường? Vậy các ngành Luật, Báo chí, Sư phạm theo ông có phải là ngành đặc thù cần được mở có điều kiện?
- Ngành đặc thù hay không phụ thuộc vào vai trò, vị trí, ảnh hưởng của những người sẽ hoạt động trong lĩnh vực đó với xã hội.
Chẳng hạn như báo chí là lĩnh vực ảnh hưởng xã hội lớn, là quyền lực thứ tư, là lực lượng có vai trò định hướng, dẫn dắt xã hội.
Nếu không quản lý nội dung chương trình, không có yêu cầu chặt chẽ về phẩm chất tư cách cho những người hoạt động trong lĩnh vực đó thì sẽ rất nguy hiểm.
Tuỳ vào việc mỗi một chuyên ngành đặc biệt có yêu cầu gì thì sẽ đặt ra điều kiện riêng.
Giả sử đứng từ góc độ cơ quan quản lý, ông có thể lý giải thích lý do vì sao lại cấm trường tư mở ba ngành nói trên?
- Có lẽ, vừa rồi trong các ngành nói trên đã xuất hiện một số hiện tượng.
Những hoạt động và hiện tượng đó không đáp ứng đúng yêu cầu quản lý của nhà nước chăng nên Bộ Giáo dục muốn tìm kiếm giải pháp để hạn chế.
Đây cũng mới chỉ là đề xuất, dự kiến, chỉ là văn bản ở cấp Bộ nên Quốc hội cũng chưa quan tâm và chưa được báo cáo. Nếu những quy định đó là vi phạm quyền tự do cơ bản của công dân, của các cơ quan tổ chức thì Quốc hội sẽ có ý kiến.
Đây là việc thuộc thẩm quyền chính phủ, của bộ, nhưng nếu liên quan đến rộng rãi người dân thì chúng tôi sẽ có ý kiến.
Hiện nay, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát việc thành lập các trường Đại học. Xin ông cho biết những đánh giá bước đầu qua khảo sát về đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường?
- Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đi khảo sát được 40 cơ sở ở phía Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên...
Quá trình khảo sát đang tiếp tục. Sắp tới chúng tôi sẽ vào Tây Nguyên và miền Trung và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là bộ có nhiều trường Đại học nhất để tìm hiểu cơ chế phối hợp giữa các bộ. Sau khi kết thúc chúng tôi sẽ có đánh giá chung.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không ít lần khẳng định sẽ giải thể các trường Đại học không đảm bảo chất lượng. Nhưng vẫn đang có không ít các trường mới đang được mở ra hoặc được nâng cấp lên trong khi các trường có những vi phạm về chất lượng thì chỉ bị phạt hành chính. Vậy theo ông phương án giải thể các trường có phải là bất khả thi?
- Giám sát theo chuyên đề như chúng tôi đang làm là để nắm bắt tình hình thực hiện chính sách pháp luật nhà nước. Chúng tôi cũng chỉ đi kiểm tra điểm.
Nếu chỗ nào mà họ làm không đúng theo yêu cầu và quy định thì trong một số trường hợp có thể đình chỉ và giải thể.
Đoàn giám sát không trực tiếp làm việc để xem các trường nào có đủ điều kiện tồn tại hay phải giải thế hay không.
Phần lớn họ thực hiện đúng quy định, chỉ có một số gặp sai phạm.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Văn Học.
Việc thành lập mới một số trường Đại học, Cao đẳng có một số dạng như sau. Thứ nhất là từ nâng cấp mà lên, ví dụ từ Cao đẳng lên Đại học. Thứ hai, thành lập mới hoàn toàn. Thứ ba, thành lập từ các khoa trực thuộc, ví dụ ở Đại học Quốc gia. Thứ tư, loại ít nhất là chia tách các trường từ một thành hai, ba trường. Theo chúng tôi, việc lập trường Đại học trên cơ sở một khoa là thuận lợi nhất, hầu như chỉ khó khăn ở cơ sở vật chất nhưng lại có sẵn đội ngũ đang trực tiếp giảng dạy. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Minh Hồng. Có một số trường, việc thành lập không đảm bảo dẫn đến ảnh hưởng chất lượng mà chúng ta chưa xử lý được, vẫn buông xuôi. Đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc để nếu trường nào đủ điều kiện thì giữ, nếu không có thể cho ngừng hoạt động, phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị và Luật Giáo dục sửa đổi. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo khá nhiều. Tuy nhiên việc đầu tư vẫn còn hạn hẹp so với yêu cầu. Suất đầu tư cho một sinh viên bình quân còn thấp, khoảng 5 triệu/sinh viên/năm. |
- Lê Nhung (Thực hiện)