221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1264670
Hiệu trưởng trường Y lo sinh viên thiếu nhân hậu
1
Article
null
Hiệu trưởng trường Y lo sinh viên thiếu nhân hậu
,

- PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, việc dạy y đức cho SV chưa được quan tâm đúng mức.

>> Bác sỹ ăn tiền bệnh nhân: Bóng ma trắng trong bệnh viện
>> Clip thứ 3: Nhìn rõ bác sỹ nhận tiền ở Viện Phụ sản
>> Con bác sỹ: Nếu mẹ "vòi" tiền bệnh nhân, em xấu hổ lắm...

Đúng là có vấn đề về y đức!

R1065357.JPG
"Bác sĩ cũng cần phải mang trái tim của một nghệ sĩ. Khi trái tim biết rung lên trước cái Đẹp thì cũng sẽ khóc trước những nỗi đau của bệnh nhân".

- Năm 2009, trường ĐH Y đã công bố một bản nghiên cứu khá dày dặn về vấn đề y đức. Đây cũng là vấn đề khiến dư luận "nhức nhối" trong nhiều năm qua. Việc dạy SV về y đức có thiếu sót gì không?

Ngành y tế có một lịch sử rất đáng tự hào và có nhiều đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ngành y đúng là có những vấn đề về y đức phải quan tâm nhưng tôi nghĩ không đến mức trầm trọng, nhức nhối như báo chí vẫn hay phản ánh.

Vấn đề ở chỗ là sự vận hành của y đức chưa theo kịp sự vận hành của cơ chế thị trường. Trước đây, người ta đến bệnh viện đều như nhau, dù là nông dân hay quan chức, nhưng nay các loại hình dịch vụ mở ra rất nhiều.

Ở nhà trường thì hiện nay chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này và luôn nói với SV rằng chúng tôi không sợ các em không đủ trình độ để học kiến thức khám chữa bệnh mà chỉ sợ các em thiếu trái tim nhân hậu để cứu chữa bệnh nhân.

- SV trường Y hiện đang được học về y đức như thế nào, thưa ông?

Trước đây, vấn đề y đức vẫn được lồng ghép vào nhiều môn học, xuyên suốt từ năm thứ nhất đến năm thứ 6. Tuy nhiên, y đức vẫn chưa phát triển thành một môn riêng và chưa được quan tâm đúng mức, tôi phải thừa nhận như vậy. Chương trình đào tạo vẫn chỉ tập trung vào phần kỹ thuật.

Nghiên cứu về y đức trong năm vừa qua của chúng tôi như một lời đánh động về thực tại dạy y đức hiện nay. Từ đó, chúng tôi sẽ có một nền tảng để củng cố, tìm ra giải pháp khắc phục vấn đề y đức.

Hơn nữa, khâu tuyển chọn của chúng ta hiện nay cũng chưa chú trọng về vấn đề y đức.

Có quốc gia quy định SV phải học xong một bằng cử nhân, nghĩa là phải tích lũy được nhiều trải nghiệm rồi mới được vào trường thuốc học. Hoặc có nước yêu cầu HS muốn thi vào ngành y thì khi học phổ thông phải đi làm từ thiện ở các bệnh viện, chứng kiến bệnh nhân đau đớn như thế nào, nỗi vất vả của bác sĩ, y tá khi chăm sóc bệnh nhân ra sao, nỗi đau khổ của người nhà bệnh nhân… Hoặc là phỏng vấn trực tiếp để xem HS đó có thích hợp với nghề y không?

Riêng tôi rất thích phương pháp phỏng vấn bởi qua đó có thể đánh giá 70% đến 80% tư chất người đó.

Bác sĩ không thể nhận tiền của bệnh nhân

- Một số SV “tiết lộ” mục đích học Y vì thấy nghề bác sĩ kiếm được nhiều tiền, được xã hội trọng vọng. Nhiều gia đình còn quyết “đầu tư” cho con học Y để sau này giàu có. Ông nghĩ gì về quan niệm này?

Theo tôi, quan niệm như thế là sai lầm. Trong một xã hội văn minh thì các công dân đều có bảo hiểm và bảo hiểm sẽ là nguồn chi trả cho bác sĩ chứ không phải là bệnh nhân. Bệnh nhân đã ốm yếu không làm ra được của cải, lại còn tốn tiền thuốc men thì bác sĩ không thể nhận tiền của bệnh nhân được.

Tuy nhiên, để bác sĩ làm việc hết trách nhiệm thì cũng cần bảo đảm đời sống cho họ. Xã hội có mức sống 10 thì bác sĩ cũng cần có mức sống ở mức 7, 8 điểm thì họ mới chuyên tâm làm việc được.

Hiện nay, ở các thành phố lớn, bác sĩ nói chung là có mức sống khá hơn ở các vùng nông thôn. Quy định cho mở phòng mạch tư cũng giúp cho các bác sĩ làm ngoài giờ, có thêm thu nhập, phục vụ cho bà con.

- Nhưng như thế dẫn đến tình trạng bác sĩ đưa người bệnh từ bệnh viện ra phòng mạch tư của mình, rồi kê đơn, chữa bệnh, kiếm lợi riêng?

Cũng có hiện tượng như vậy, nhưng phải thấy là hai hệ thống bệnh viện công và phòng mạch tư cùng hỗ trợ để phục vụ bệnh nhân, tạo điều kiện cho bệnh nhân được linh động hơn trong việc khám chữa bệnh, giảm tải cho bệnh viện công. Bệnh nhân khi đi khám hoặc chữa dịch vụ cũng sẽ thấy thoải mái, nhanh gọn hơn.

- Như thế liệu có việc người bác sĩ sẽ xem nhẹ nhiệm vụ chính của mình trong bệnh viện công?

Ở đây là vấn đề thương hiệu, người bác sĩ đã mở phòng mạch tư thì sẽ phải làm sao chữa bệnh tốt trong bệnh viện để người bệnh người ta tin tưởng, thì mới mở phòng mạch tư được. Ở một số nước như Mỹ, bác sĩ có thể không mở phòng mạch tư nhưng người ta làm 3, 4 bệnh viện là chuyện bình thường, vì làm nhiều sẽ thu nhập nhiều, không làm thì không có.

Cảm ơn là hành động đạo đức được đánh giá cao...

- Theo ông, việc dạy y đức của các trường Y nên tập trung vào vấn đề gì?

Theo tôi, tốt nhất là việc làm gương. Tôi vẫn nói với các thầy là để dạy y đức thì tốt nhất là các thầy hãy làm gương. Còn khi ra trường hay đi thực tập tại các bệnh viện, các em có thể chứng kiến các tiêu cực, khiến các em ảnh hưởng thì điều đó chúng ta phải điều chỉnh dần chứ không thể tránh khỏi được.

Trong căn phòng làm việc của PGS Nguyễn Đức Hinh, ngoài tấm ảnh của lương y Lê Hữu Trác treo ở trung tâm, còn có rất nhiều bức ảnh phong cảnh ông đã chụp trong những chuyến công cán nước ngoài. Khoảng giữa năm 2010, ông sẽ tổ chức một buổi đấu giá từ thiện, bán tranh để thành lập một quỹ ươm tài năng trẻ trường Y với tham vọng 50 năm nữa, Việt Nam sẽ có một giải Nobel Y học.
Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng lại chương trình Y học Xã hội học và Y đức như một bộ môn riêng biệt do Bộ trưởng Bộ Y tế làm chủ nhiệm danh dự và hiệu trưởng làm chủ nhiệm bộ môn. Bộ môn này sẽ dạy cho SV những kiến thức cơ bản về lịch sử Y học VN, lịch sử Y học thế giới, các quy tắc ứng xử đạo đức từ năm thứ nhất. SV cũng được học những kỹ năng mềm, nghệ thuật giao tiếp với bệnh nhân, những tham vấn về tâm lý khi gặp ức chế trong công việc…

- Một câu hỏi riêng tư, vì sao ông chọn ngành y? Quan niệm của ông về nghề?

Ở tuổi 17 vào những năm 70 của thế kỷ trước, sự lựa chọn vào ngành y của tôi là do bố tôi định hướng, tuy nhiên, càng về sau tôi càng thấy mình hợp với ngành này.

Khi đi học, tôi cũng chỉ nghĩ học cho giỏi, làm cho tốt chứ cũng không nghĩ đến mục tiêu, quan niệm cao siêu gì về nghề cả.

Tôi chỉ nghĩ là nghề y là một nghề đặc biệt, xã hội chắc chỉ có một, hai nghề như thế. Công sức của người bác sĩ không gì đo đếm được. Anh chữa xe, anh cắt tóc, sẽ nhận được một mức giá chung của xã hội, có thể kiểm định. Nhưng mà anh cứu một người, mang lại sức khỏe cho một người thì là vô giá, không đo được bằng tiền. Đó là sự đặc biệt của nghề nghiệp. Cho nên, từ ngàn xưa, người ta luôn có tâm lý biết ơn, mang ơn người thầy thuốc.

- Phải chăng vì thế mà nhiều bác sĩ nghĩ rằng bệnh nhân phải có nghĩa vụ trả ơn cho bác sỹ?

Nếu bạn nghĩ như thế thì “hạ giá” nghề thầy thuốc quá. Thầy thuốc đâu có yêu cầu bệnh nhân phải biết ơn mà đó là tâm lý thường tình của bệnh nhân khi được bác sĩ cứu chữa thành công.

- Vậy hành động tặng quà hay phong bì cho bác sỹ có thể được chấp nhận nếu nó thể hiện lòng biết ơn của bệnh nhân?

Tôi cho đó là một hành động đạo đức được đánh đánh giá cao nhưng đừng nhầm với hành động khiến bệnh nhân hiểu lầm bác sĩ vòi tiền, phải đưa tiền cho bác sĩ mới được chữa bệnh. Đó là hành vi cực kỳ xấu cần phải loại bỏ. Nhưng ranh giới hai hành vi đó cực kỳ mong manh và điều đó phụ thuộc vào nghệ thuật của người thầy thuốc.

Tuy nhiên, từ ngàn đời nay, Y đức vẫn là một phạm trù thuộc về lương tâm, đạo đức. Tôi cho rằng mình cứ cống hiến cho đời đi, rồi đời sẽ trả lại cho mình nhiều hơn thế…

- Xin cảm ơn ông về cuộc nói chuyện!

  • Sơn Khê (thực hiện)

    Chị Phạm Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam: "Lý thuyết trường dạy đầy đủ"

    4 năm ngồi trên ghế giảng đường ĐH, ngoài việc được trang bị kiến thức chuyên môn - những kinh nghiệm cần có cả về tinh thần và thái độ của một điều dưỡng viên khi gần bệnh nhân cũng được nhà trường lồng ghép trong các môn học.

    Riêng bộ môn Điều dưỡng (Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định) có phần riêng hướng dẫn y tá cách tiếp xúc bệnh nhân, trong đó có lưu ý: gần bệnh nhân y tá phải có thái độ tận tình chu đáo, chăm sóc bệnh nhân như người nhà... Như vậy mới chia sẻ và thông cảm được sự đau đớn của người bệnh.

    Tuy nhiên, lý thuyết trong nhà trường trang bị cho người học rất đầy đủ, tỉ mỉ nhưng thực tế làm việc không phải lúc nào cũng áp lý thuyết được. Không ít bệnh nhân vào viện với thái độ cư xử thiếu nhã nhặn, thậm chí chửi mắng cả y tá, bác sĩ. Nhiều người bệnh vào việc mang tâm lý "phải giúi tiền mới được khám" là do họ tự đặt "quy định" và truyền nhau phải thế nên thành... lệ.

    Nhưng không phải bác sĩ, y tá nào cũng có "tật" đó, thường ở những khoa bệnh mang tính chất khẩn cấp như: sản, chấn thương, nhi, xét nghiệm, cấp cứu...

    Ông Hoàng Năng Trọng, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Y Thái Bình: "Có 12 tiết riêng giảng đạo đức y học"

    Ở Trường Y Thái Bình, mỗi khóa mới vào trường, ngay tư buổi sinh hoạt công dân, đã có lồng ghép nói về trách nhiệm của một người thầy thuốc tương lai phải có. Nội dung này được lồng ghép trong suốt 6 năm học.

    Phần giảng đạo đức y học trên giảng đường có 12 tiết trang bị cho sinh viên: Khái niệm chung về đạo đức và các dạng đạo đức xã hội (4 tiết); Một số phạm trù cơ bản của đạo đức gắn liền với đạo đức y học (4 tiết) và Đạo đức Y học (4 tiết).

    12 tiết học đó giúp SV hiểu được các nguyên tắc, quy tắc chuẩn mực xã hội để chủ động, tự giác điều chỉnh hành vi, cách ứng xử phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội làm cho xã hội ngày càng văn minh; Đồng thời, không ngừng nâng cao nhận thức, thái độ hành vi ứng xử đối với người bệnh là rất cần thiết.

    4 tiết học về phạm trù cơ bản, SV có được các kỹ năng phân tích được các quan điểm về nghĩa vụ, lương tâm; Phân tích được thế nào là thiện, thế nào là ác để vận dụng vào thực tiễn đời sống.

    Kiều Oanh (ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,