221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1263208
Những màn tỏ tình đình đám 2009 và hiệu ứng 1.000
1
Article
null
Những màn tỏ tình đình đám 2009 và hiệu ứng 1.000
,

Năm 2009 có khá nhiều cuộc tỏ tình đình đám gây nhiều tranh cãi trong giới trẻ. Cùng lý giải những cuộc tỏ tình ồn ào trong năm cũ và dự đoán những xu hướng mới trong năm mới với các chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Qúy và bác sỹ Lương Cần Liêm.

Mô tả ảnh.
Trong màn tỏ tình độc đáo ở bãi sông Hồng chiều 24/12/2009, chàng trai đã tỉ mỉ viết chữ và ghép những bông hoa hồng để dành tặng bạn gái mình. Ảnh: Vũ Hoàng


Nhìn lại những vụ tỏ tình đình đám

Trong thời gian qua, sinh viên là tác giả của không ít những màn tỏ tình đình đám như xếp hàng trăm bông hồng hình trái tim, thắp hàng nghìn ngọn nến tạo chữ Anh yêu em trong sân ký túc xá. Gần đây nhất có bạn sinh viên còn ngồi xếp hàng nghìn bông hồng câu tiếng Nga Anh yêu em trên bãi bồi dưới chân cầu Long Biên. Các chuyên gia nghĩ gì về những hiện tượng này?

TS Nguyễn Kim Quý: Đó là hiện tượng phô trương tình yêu của những người trẻ thích thể hiện, thích khẳng định mình bằng những chiêu độc, chơi trội. Lãng mạn thì có đấy nhưng lại thiếu tính thực tế. Bản thân tôi không tán thành cách tỏ tình này.

Thứ nhất, nó vô tình gây một sự chú ý quá mức không cần thiết, tạo cho nhân vật chính những phiền toái do dư luận hiếu kỳ. Thứ hai, người tỏ tình sẽ tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức. Thứ ba, người trong cuộc có thể cảm nhận thấy sự thiếu tôn trọng khi đưa chuyện tình cảm tế nhị ra chốn đông người để công bố.

Bác sĩ Lương Cần Liêm: Có lẽ nhiều bạn trẻ ở Việt Nam bây giờ tỏ tình mạnh dạn hơn các thế hệ trước. Cái riêng tư có thể nói ra vì xã hội hiện nay cởi mở hơn. Bông hồng trên bãi cát sông Hồng - cái nảy nở thoáng chốc trên cái vĩnh cửu - là hình ảnh lãng mạn của con người giàu tình cảm!

Lại có trường hợp một cô gái viết một biển lớn Em yêu Anh to tướng mang đến trước cổng trường của một bạn trai. Cùng với tấm biển là loa phóng thanh và một đội ngũ bạn bè đông đảo. Kết quả là chàng trai sợ quá chạy mất tăm. Các chuyên gia nghĩ sao về trường hợp này?

TS Nguyễn Kim Quý:
Đây lại là hành động thái quá. Nếu như nam giới thích con gái ở sự tế nhị, duyên dáng thì việc hô khẩu hiệu bày tỏ tình yêu thế này thật khó chấp nhận. “Cọc đi tìm trâu” không có gì xa lạ, nhưng phải lịch sự và tôn trọng phía người được tỏ tình. Tôi thấy bạn gái này coi chuyện tỏ tình như một trò chơi vậy.

Hành động "loa phường" này vô tình xúc phạm tới bạn trai-nhân vật chính. Tôi thấy hiện nay nhiều bạn gái đang thiếu định hướng về giới, các bạn chưa hiểu được đặc trưng của nữ giới là gì, nên một bộ phận sống suồng sã, không biết gìn giữ và gây dựng đặc trưng nữ- nét đẹp mà phái mày râu thấy đáng trọng, hấp dẫn.

Bác sĩ Lương Cần Liêm: Yêu thì phải biết cách yêu và biết cách nói lên chứ! Thực ra, tình cảm - nhất là tình yêu - là một chuyện "bí mật của tập thể", vì ta yêu người chứ đâu phải yêu một món đồ vật! Chắc chàng trai này mắc cỡ…hay chưa chắc mình yêu cô bạn này… hoặc đang nhắm đến cô nào khác trong nhóm.

Hiệu ứng số 1.000

Năm 2010 là năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Sẽ có những đám cưới tập thể 1.000 đôi. Cư dân mạng cũng dự đoán sẽ có nhiều hơn những màn tỏ tình kiểu xếp 1.000 bông hoa hay 1000 chiếc nến... Tại sao thường có hiệu ứng tình cảm theo những con số như thế?


TS Nguyễn Kim Quý: Tôi thấy con số tròn trịa này cũng có ý nghĩa đấy chứ. Nếu dùng con số để làm điểm nhấn, tạo dấu ấn trong một năm hay một sự kiện cụ thể thì nên làm. Đó là tâm lý đặc trưng của người Việt. Người Việt thích số đẹp giống như biển số đẹp, sim đẹp vậy, không có ảnh hưởng gì cả. Miễn là không mê tín quá với con số là được.

Bác sĩ Lương Cần Liêm: Số 1000 - ngàn - trong Hán Nôm đọc là thiên, phiên âm giống như Thiên của Thiên-Địa-Nhân của quan niệm vũ trụ Phương Đông. Thiên là trời. Khi chuyển sang quốc âm và quốc ngữ, mình thêm chữ "g" vào thiên để diễn tả cái trừu tượng của những gì bất di, bất diệt, không bao giờ "chết", cứ phát triển mãi, tức là số ngàn tượng trưng cho thiêng liêng.

Ở các nước khác có những hiện tượng như thế không, thưa các chuyên gia?


Bác sĩ Lương Cần Liêm: Các nước phát triển (Pháp chẳng hạn) cũng có hiện tượng phô trương sự cố cá nhân ra cho công chúng biết. Nhưng có lẽ kín đáo hơn…và tốn kém hơn. Ai mà chẳng thích được một lần làm tài tử…dù chỉ trong một phút chốc để ngàn cặp mắt ngắm nhìn.

TS Nguyễn Kim Quý: Ở nhiều nước vẫn có hiện tượng tỏ tình rùm beng giống kiểu một số bạn trẻ Việt, nhưng số vụ tỏ tình ít và thường rơi vào những bạn có chút tính lập dị, không bình thường.

Để có được ứng xử tình cảm đúng

Các chuyên gia dự đoán như thế nào về những diễn biến tâm lý trong tình yêu của giới trẻ Việt hiện nay?

Bác sĩ Lương Cần Liêm: Tôi nghĩ sẽ có hai khuynh hướng. Tây phương hóa hành vi "biểu diễn" trên một nền tảng dân tộc tiến bộ, tức là vấn đề tự do lựa chọn mà cách sống tập thể có thể chấp nhận được. Có luật cấm hôn nhau trên phố không? Tất nhiên là không. Ta sẽ vẫn thấy các cặp tình nhân ôm nhau về chiều bên Hồ Tây, nhưng sẽ không bao giờ có cảnh đó ở quảng trường Ba Đình. Tuổi trẻ là động cơ của trào lưu mới, trong khi chuẩn mực văn minh phải như là mái nhà che chở các giá trị trước những biến động của tất cả các điều kiện thời tiết.

TS Nguyễn Kim Quý: Tình yêu của người trẻ Việt Nam đang có sự thay đổi lớn. Quan niệm về tình yêu của họ không tròn trịa như ngày xưa. Nhiều bạn yêu chưa kịp tìm hiểu về nhau đã chia tay. Họ yêu dễ dãi, yêu nhanh và chia tay nhanh. Trên thế giới yêu và quan hệ tình dục là chuyện bình thường nhưng văn hóa Việt Nam có cái riêng. Hành vi chịu trách nhiệm trước mọi hành động với người yêu của người trẻ Việt Nam còn chưa tốt, nên nếu yêu chưa tìm hiểu kỹ đã trao thân thì bạn gái sẽ thiệt thòi nếu có hậu quả xảy ra. Có hai xu thế chính diễn ra trong tình yêu người trẻ. Một là dễ dãi trong tình cảm (trao và cho). Hai là xu hướng cùng một lúc yêu nhiều người (tình yêu không còn có ý nghĩa thiêng liêng, đáng trân trọng như trước đây quan niệm nữa).

Trong bối cảnh đang có rất nhiều biến đổi trên bình diện xã hội như hiện nay, giới trẻ Việt cần chú ý đến những điều gì để có thể có được những ứng xử đúng đắn trong tình cảm nói chung và tình yêu nói riêng?


Bác sĩ Lương Cần Liêm:
Cái gì gắn bó con người với nhau? Đó là tình cảm và sự chú ý lẫn nhau, nhất là khi có tình ý. Vấn đề rất mới cho một xã hội biến chuyển như tôi thấy là định nghĩa cái riêng tư và cái công chúng. Tức là quan hệ giữa tự do cá nhân và yêu cầu tập thể. Tôi cố ý dùng chữ yêu cầu vì có chữ "yêu" trong đó. Anh hôn em trước mắt công chúng là chuyện riêng hay cũng là chuyện của chung? Em mặc áo hở (chút chút) là chuyện riêng hay để gợi sự chú ý của người đi đường? Nó sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến quan niệm pháp luật và quan hệ giữa người với người. Nếu tôi quan niệm bãi cát sông Hồng là không gian tập thể do Nhà nước giữ gìn quản lý, thì như bên Pháp việc bày hoa lá tỏ tình như thế là phạm pháp và bị phạt với lý do: làm ô nhiễm môi trường, lấy không gian công cộng làm chuyện riêng...

TS Nguyễn Kim Quý: Sống chậm lại, lắng nghe những lời khuyên từ thầy cô, gia đình. Hiện người trẻ đang dễ bị cuốn theo những trào lưu, nhưng không làm chủ được chính mình khi thiếu hiểu biết về nhiều vấn đề trong tình yêu, tình bạn.

Nên học những bài học về giá trị, tôn trọng nhau trong tình yêu, chân thành, sẻ chia cùng bạn bè mọi lúc mọi nơi. Có thể tạo những diễn đàn trao đổi trực tiếp để những người trẻ cùng nhau thảo luận. Các bạn cũng nên chủ động tìm học những bài học về kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong tình cảm. Đó là những kỹ năng mềm cần thiết giúp bạn có những chọn lọc trong tiếp nhận mọi biến đổi của xã hội. Hiện có nhiều trung tâm mở các lớp dạy kỹ năng sống. Một số trường ĐH, Đoàn thanh niên đã làm điều này.

(Theo Sinh viên Việt Nam)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,