221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1265347
150 chữ thật thà đưa cô giáo Bến Tre tới ĐH Cambridge
1
Article
null
150 chữ thật thà đưa cô giáo Bến Tre tới ĐH Cambridge
,

- 150 chữ trong bài luận Tiếng Anh được cô giáo Lê Xuân Hằng viết và gửi chỉ với hy vọng nhận phần thưởng khuyến khích là bộ giáo cụ giảng dạy môn tiếng Anh. Thế nhưng, chính những dòng bộc bạch mộc mạc đó lại giúp cô giành giải đặc biệt trong cuộc thi “Giáo viên thế giới với Cambridge ESOL". Dù chỉ là một giải thưởng từ bài viết luận, nhưng với cô Hằng thực sự là cơ hội lớn.

Cô giáo Hằng và chồng đang chuẩn bị bữa cơm đạm bạc. Ảnh: Nguyễn Bằng

150 chữ thật thà

Cuộc thi mở của đại học Cambridge chỉ cho phép thí sinh viết bài luận ngắn bằng tiếng Anh gồm 150 chữ. Chủ đề xoay quanh việc cảm nhận được gì nếu tham gia vào khóa học trau dồi kỹ năng dành cho giáo viên dạy tiếng Anh toàn thế giới. Có khoảng 2.000 bài viết tham gia, 5 người nhận được học bổng.

“Điều gì đã khiến các vị giáo sư trường Cambridge chọn cô giáo Lê Xuân Hằng?”.

Sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bến Tre giới thiệu cuộc thi này, cô Hằng chỉ mong mình sẽ nằm trong 100 người gửi bài sớm nhất, nhận phần thưởng khuyến khích, là một bộ giáo cụ giảng dạy môn tiếng Anh.

Khi đó là 1h sáng, vừa soạn xong giáo án. Cô mở trang web chính thức của cuộc thi. Không phải nghĩ ngợi gì nhiều, cô viết 150 chữ thật thà, đúng như những gì mình vẫn cảm nhận.

Cô cho rằng, cơ hội để tham gia khóa học chính là cơ hội để chia sẻ. Điều cô muốn sẻ chia cùng đồng nghiệp khắp thế giới là mình đã phải gặp nhiều khó khăn như thế nào khi dạy tiếng Anh ở một trường vùng sâu như vậy. Cô thú thật - nói rất thật - rằng 10 năm nay, minh chưa có cơ hội tiếp xúc với một người nước ngoài nào, họa chăng là một lần duy nhất có ông Tây ba lô ghé vào thăm trường. Những gì dạy học sinh cũng chỉ là những gì cô được học ở trường cao đẳng, trường đại học. Và cô cũng nói rất thật rằng, cô cũng không có đủ kỹ năng tiếng Anh để chia sẻ hết những khó khăn ấy với đồng nghiệp.

150 chữ thật lòng đã mở ra cho cô giáo Lê Xuân Hằng một cơ hội lớn của riêng mình.


Cô giáo Hằng trên bục giảng. Ảnh: Nguyễn Bằng

“Chị gái” trên bục giảng

Lúc chúng tôi vác máy ảnh lẽo đẽo theo chân cô vào lớp 9/3 Trường THCS Tân Hào (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) , học trò 9/2 (nghỉ tiết 5) nhao nhao đòi sang… học ké.

4 cô cậu dạn dĩ nhất chạy tọt qua lớp bạn và mang đồ dùng dạy học của cô sang lớp 9/3 luôn. Mãi đến khi thầy Phạm Văn Tạo (chuyên trách phổ cập) ghé ngang lớp hỏi chuyện cô giáo Hằng, sợ bị lộ, các cô cậu này mới len lén chạy về lớp 9/2. Lớp cô Hằng dạy rất vui, và ồn. Học trò đối thoại với cô giáo thoải mái. Cô cũng không bắt học trò phải nghiêm trang khoanh tay ngồi trên bàn.

Chồng cô giáo, thầy Nguyễn Đức, cũng là giáo viên Trường THCS Tân Hào. Hai người đều là dân Bến Tre nhưng học xong Cao đẳng Sư phạm Bến Tre thì về Tân Hào dạy học. Trước, anh chị vốn học chung khóa, chung trường THPT Nguyễn Đình Chiểu nhưng “chỉ thấy mặt quen quen”. Sau rồi cứ cùng nhau cuối tuần về thăm nhà, đi riết mà thành duyên chồng vợ. Hai thầy cô đã có với nhau bé Nguyễn Đức Huy, đang học lớp 1. Lại cùng nhau học xong khóa tại chức đại học (do trường Đại học Đà Nẵng mở). 3 năm vừa xong, chẳng hè nào là hai vợ chồng không miệt mài đi học.

Ngày 6/3 tới, cô giáo Hằng dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Anh Đức lại đe: “Đừng có mà ngủ quên trên chiến thắng đấy!”.

Bản dịch bài luận 150 chữ

"Tôi là Lê Thu Hằng, Giáo viên của Trường THCS Tân Hào, một ngôi trường ở vùng nông thôn - nơi mà điều kiện học của các học sinh không được thuận lợi như ở thành thị, đặc biệt là bộ môn ngoại ngữ. Mặc dù tôi đã đứng lớp 10 năm nhưng chưa được tiếp xúc với người bản xứ. Tôi dạy học sinh thông qua những gì mình đã được học ở trường Cao đẳng, Đại học. Khi nghe có cuộc thi, tôi rất mừng bởi đây là một cơ hội tuyệt vời không chỉ cho tôi mà cho tất cả những giáo viên trên thế giới.

Đến với cuộc thi, chúng tôi sẽ được học về phương pháp giảng dạy; về cách làm thế nào truyền đạt cho học sinh một cách hiệu quả nhất. Và tôi còn có thể chia sẻ được với nhau những gì đã làm ở quê hương- nơi tôi đang dạy.

Tôi không giỏi về kỹ năng viết nên không biết diễn tả như thế nào cho các bạn hiểu. Nếu được tham gia cuộc thi thì tôi sẽ cố gắng để có thể mang về những cách giảng dạy hiệu quả nhất cho học sinh của mình.

(Bản dịch tiếng Việt từ đoạn văn Anh ngữ giúp cô giáo Lê Thu Hằng đoạt giải dành cho giáo viên dạy tiếng Anh trên toàn thế giới)

Cô giáo Lê Xuân Hằng là một trong 5 người được nhận học bổng của Đại học Cambridge cho khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho giáo viên dạy Tiếng Anh trên toàn thế giới. Cô cũng là người Việt Nam duy nhất cho đến nay nhận được học bổng này.

Tối 28/2, cô Hằng đã gửi xác nhận sẽ tham gia khóa đào tạo 2 tuần về kỹ năng giáo viên ở ĐH Cambridge.

Văn phòng đại diện của Cambridge tại Việt Nam chỉ mới gọi điện thông báo chính thức về việc cô nhận được học bổng. Trụ sở Cambridge cũng chỉ mới gửi email đề nghị cô tham vấn văn phòng nếu cô đặt mua vé máy bay. Họ cũng thông tin đầy đủ, chi tiết về 4 sân bay gần trường mà cô có thể chọn để đáp đến. Họ cung cấp cụ thể phần nào sẽ được tài trợ trong khóa học, phần nào cô phải tự bỏ chi phí…18/7/2010 là ngày nhập học.
Chị Nguyễn Thị Ly, Phó Trưởng ban Thanh thiếu nhi - Trường học, tỉnh đoàn Bến Tre, khẳng định: “Tỉnh đoàn sẽ hỗ trợ hết sức cho chị Hằng. Trước mắt, chị Ly sẽ tham mưu để Tỉnh đoàn nhanh chóng giúp đỡ, tư vấn chị Hằng về mặt thủ tục giấy tờ”.

  • Nguyễn Bằng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc

Xin chuc mung chi da dat giai va mong chi hay co gang hoc hoi , tiep thu tat ca nhung gi chi duoc boi duong dem ve giang day tot o Viet Nam .

,
Tran Nguyen, Goslar- Germany, gửi lúc 03/03/2010 18:45:35

Trước tiên tôi xin chúc mừng cô giáo Hằng, chúc cô sức khoẻ dồi dào để tiếp tục cống hiến cho lý tưởng của mình và chức vợ chồng cô luôn hạnh phúc.
Sau nữa tôi xin góp ý với bạn Nguyễn Ngọc Thành, tôi không bết là bạn đã qua Nauy được bao lâu rồi nhưng tôi thấy Tiếng Việt của bạn có vấn đề rồi đó.

Tôi cũng xin góp ý với bạn LUUDUNG, bạn dừng có suy bụng ta ra bụng người như thế.

,
VCB - Đà Nẵng, 140-Lê Lợi - Đà Nẵng, gửi lúc 03/03/2010 16:09:06

Chúc mừng cô giáo! Hoàn toàn cảm thông với sự khó khăn của cô giáo. Những ý kiến của bạn đọc cũng không nên xét nét quá. Vấn đề ở đây là chúng ta mừng cô giáo Hằng khi được tham gia khóa học. Đời sống quá ngắn ngủi. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Ngay cả khi cô giáo đọc được những lời góp ý của các bạn, cô giáo cũng nhận thấy trách nhiệm của mình với thế hệ học trò miền quê chứ. Hãy cùng chúc mọi chuyện tốt lành đến với cô giáo. Tôi cũng đang lo thay cho cô giáo. Liệu cô có đủ kinh phí để đóng thêm những khoản không được tài trợ để tham gia khóa học không nữa đây

,
phamngocluan, 176/15/15 Trương Công Định, Vũng Tàu, gửi lúc 03/03/2010 14:46:21

Trước hết là chúc mừng cô giáo, sau là có mấy điều muốn chia sẻ cùng cô giáo và các bạn về bài viết này:

1. Có thể cô giáo Hằng cũng sẽ cảm ơn sự động viên của các bạn, nhưng xin các bạn đừng dùng những từ ngữ to lớn quá, đừng "cảm phục" nhiều quá. Hoàn cảnh của cô giáo Hằng là tình trạng phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam, không có gì quá đặc biệt. Đáng khâm phục hơn thì phải là những thày cô giáo đang vật lộn với mấy lớp học ở vùng cao không điện không nước kìa. Tôi mà là cô giáo Hằng chắc sẽ cảm thấy hơi ngượng vì có quá nhiều người cảm phục hoàn cảnh của mình.

2. Nhà báo viết tin thì nên nhìn nhận vấn đề cho khách quan để dùng câu chữ cho phù hợp. Cả cái đoạn "... là một trong 5 người ... trên toàn thế giới. Cô cũng là người Việt Nam duy nhất cho đến nay nhận được học bổng này.", mặc dù không sai với thực tế, nhưng nó truyền đi một thông điệp không xứng tầm sự kiện. Người đọc sẽ lầm tưởng rằng cô giáo Hằng là một cá nhân kiệt xuất, trong khi thực tế chưa hẳn như vậy. Một học bổng chỉ dựa vào 150 chữ để cấp thì rõ ràng nhà tài trợ không quá chú trọng đến tài năng của ứng viên. Cô giáo Hằng là người thật thà, nên nhà báo cũng nên chất phác một chút.

3. Gửi cô giáo Hằng: đi ra nước ngoài là một cơ hội tuyệt vời để mở mang tầm mắt, dù thời gian đó là dài hay ngắn. Khóa học chỉ có hai tuần nên mọi người cũng đừng có kỳ vọng quá nhiều kéo làm cô giáo bị áp lực. Cô giáo chưa có nhiều dịp tiếp xúc với người bản ngữ nên ngôn ngữ chắc chắn sẽ là vấn đề lớn khi cô sang đó (tiếng Anh hàng ngày ở trường đại học cũng không giống với tiếng Anh bản ngữ trong băng đĩa của các giáo trình). Nếu cô giáo lại mất vài ngày làm quen múi giờ hoặc jet lag nữa thì thời gian lại còn ít hơn. Do đó, từ nay đến hôm đi, chắc cô giáo cũng đã có kế hoạch làm việc nhiều hơn vơi tiếng Anh Anh để sẵn sàng ở mức tối đa cho khóa học. Tuy nhiên, hày coi đây như một chuyến đi du lịch, những gì mình nhìn thấy có thể sẽ nhiều hơn những gì nằm lại trong đầu. Tóm lại là take it easy cô giáo ạ.

,
the Nguyen, Brooklyn, New York, USA, gửi lúc 03/03/2010 11:44:16

Cám ơn người viết bài rất nhiều vì đã kể cho bạn đọc nghe về một tấm gương như cô giáo Hằng. Tôi cảm thấy hãnh diện lây với cô giáo Hằng và cầu chúc cô có một chuyến đi học tập & thực tế đạt được nhiều thành quả tại Anh. Mong rằng có thêm thật nhiều người Việt Nam noi theo cô Hằng để có thêm cơ hội học tập tại các nước tiên tiến hơn.
Bạn Thành ở Oslo có lẽ chỉ muốn góp ý cho nhiều bạn đọc về cách học tiếng Anh, tận dụng mọi cơ hội để nâng cao vốn ngôn ngữ. Tôi cũng đã là người rất vất vả học ngoại ngữ và thừa nhận là đóng góp của bạn rất đúng. Tuy nhiên có lẽ hơi lạc đề ra ngoài bài báo này.
Bạn Luu Dung ở Hà Nội: có lẽ bạn viết comment trong lúc tâm trạng không tốt nên ý tứ có hơi chút hằn học. Tôi tin là trong lúc bình thường, bạn sẽ nghĩ khác.

,
xzitvn, Ha Noi, gửi lúc 03/03/2010 00:59:33
Trang trước 12345 Trang sau
,
,
,
© Báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng biên tập: Nguyễn Văn Bá
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,