221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1267340
Hồi đáp Bộ trưởng, Giám đốc ĐH Thái Nguyên thấy tủi thân
1
Article
null
Hồi đáp Bộ trưởng, Giám đốc ĐH Thái Nguyên thấy tủi thân
,

- "Không thể cứ nhận xét chung chung là chất lượng giáo dục yếu kém. Chúng tôi những người công tác ở trường thấy rất tủi thân" Giám đốc ĐH Thái Nguyên Từ Quang Hiển bộc bạch như vậy khi hồi đáp đề xuất "chúng ta cùng thay đổi cách làm" của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Dưới đây là ý kiến của ông Hiển và lãnh đạo 2 cơ sở đào tạo đại học vùng Huế, Cần Thơ.

TIN LIÊN QUAN

Mô tả ảnh.
Lên Văn Miếu cầu may trước giờ vào đại học. Ảnh: Lê Anh Dũng

Giám đốc ĐH Huế Nguyễn Văn Toàn: "Bộ và trường đều chưa xử nghiêm"

Xét về quản lý nhà nước và cơ quan trung ương, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và đặc biệt là vấn đề quản lý ở các cơ sở ĐH hiện vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Biểu hiện rất rõ ở chỗ là hệ thống văn bản pháp quy vừa thiếu, vừa không đồng bộ, không khả thi và không theo kịp với thực tiễn.

Mặt khác, vấn đề kỷ cương trong quản lý chưa nghiêm.

Ví như, đến ngày tổng kết năm học 2008 - 2009 mới chỉ có 50% các trường ĐH có báo cáo gửi Bộ.

Hoặc quy định ngày chốt báo cáo "3 công khai" lên trang web và Bộ cũng có chế tài "đến hết ngày 15/1/2010 các cơ sở nào không công khai sẽ có phương pháp xử lý"....

Thực tế thì chưa có cơ sở nào bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm dẫn đến việc chấp hành các quy định chưa nghiêm. Bản thân ĐH Huế cũng vậy, các trường thành viên chưa thực hiện nghiêm các quy định cũng chưa bị xử lý...

Việc phân cấp, phân công chậm trễ. Đặc biệt là vấn đề xử lý những công việc hành chính đối với các cơ sở GD ĐH. Công tác kiểm định chưa quyết liệt dẫn đến chưa hình thành được hệ thống kiểm định độc lập ở các cơ sở đào tạo. Cho nên, những đánh giá của chúng tôi đối với trường mình hoặc với trường khác mang tính chất định tính, bình quân và thiếu tính khuyến khích.

ĐH Huế cũng không khuyến khích tăng quy mô không chính quy làm ảnh hưởng đến uy tín chất lượng đào tạo của trường.

Tuy nhiên, nhà trường lại phải đối mặt với những hạn chế về kinh phí nhà nước cấp, học phí thấp, thu nhập của cán bộ công nhân viên thấp...Với những hạn chế trong điều kiện giá cả hiện nay thì quả là "cái khó bó cái khôn", biết nhưng chưa làm được.

Do vậy, trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn thì Bộ GD-ĐT và các Bộ ngành liên quan nên có cơ chế để tạo động lực. Tạo cơ chế để các cơ sở đào tạo tăng nguồn lực trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đa dạng hóa chất lượng đào tạo theo hướng: người học hưởng dịch vụ đào tạo chất lượng cao thì phải có mức chi trả cao hơn mức đại trà. Thực tế, chủ trương đã có nhưng khi làm lại vướng vào các cơ quan kiểm toán và tài chính.

Chúng tôi cũng rất kiên quyết để thực hiện 12 vấn đề chỉ đạo đặt ra trong Chỉ thị của Thủ tướng. Tuy nhiên, giai đoạn 2010 - 2012 thực chất chỉ thực hiện trong 2 năm học, thời gian rất ngắn. Nên, các cơ quan có thẩm quyền cần thiết phải có những động thái triển khai hết sức rốt ráo về thể chế và cụ thể hóa các nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt là những văn bản pháp quy liên quan để điều hành cũng như thực hiện các chủ trương đề ra.

GS Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: "Nâng chất lượng trách nhiệm của trường..."

Đổi mới quản lý giáo dục ĐH thực chất là đổi mới hệ thống. Cho nên, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ tạo hành lang thực hiện đổi mới là việc cần làm sớm.

Cùng với việc xây dựng và ban hành hệ thống văn bản luật thì việc thực hiện nghiêm cũng rất quan trọng. Chứ nếu quy định một đằng, thực hiện một nẻo thì đổi mới sẽ không có nghĩa và không đi tới đâu.

Việc nâng chất lượng đào tạo là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH. Trường ĐH Cần Thơ xác định, chất lượng gắn liền với danh giá và thương hiệu của trường. Do đó, song song với việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường cần có chế tài để hiệu trưởng tự quyết mức lương giảng viên căn cứ trên năng lực công tác. Có như vậy mới khuyến khích sáng tạo và nhiệt huyết cống hiến...

Giám đốc ĐH Thái Nguyên Từ Quang Hiển: "Trường thấy tủi thân"

Bộ GD-ĐT cần làm rõ với xã hội một số nội dung: Giáo dục ĐH trước đây trong 1.000 người chỉ chọn 10 người tinh hoa để đào tạo; còn nay nhu cầu học cao hơn, nhiều người học hơn thì chất lượng phải được đánh giá kiểu khác. Hơn nữa, nguồn đầu tư/ sinh viên ít (chỉ 7 triệu đồng/ sinh viên/ năm) thì những gì giáo dục ĐH làm được trong thời gian qua là cố gắng cần được ghi nhận.

Không thể cứ nhận xét chung chung là chất lượng giáo dục yếu kém. Chúng tôi những người công tác ở trường thấy rất tủi thân.

ĐH Thái Nguyên sẽ quán triệt và xây dựng thành chương trình hành động của trường trong việc đổi mới quản lý giáo dục đến năm 2015 và 2020. Chiến lược sẽ gồm nhiều bước ứng với từng giai đoạn cụ thể. Để làm được, cần sớm ban hành hệ thống văn bản làm cơ sở xây dựng các quy định thực hiện trong nhà trường.

Cùng với đó, công tác kiểm định cũng cần được đẩy mạnh. Kết quả đánh giá cũng phải được công bố để các trường coi đó làm "gương", khi soi biết mình "nhọ" chỗ nào để biết mình mạnh ở đâu, yếu ở chỗ nào có điều chỉnh phù hợp.

  • Kiều Oanh (Ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,