Khi các nguồn dồn dập báo hung tin về chuyện trẻ em đánh nhau, nhiều quan chức vẫn xướng lên câu thần chú: “Đây là trách nhiệm của toàn xã hội”. Vậy là vẫn chuyện thần kỳ. Vì với nhiều phụ huynh, “toàn xã hội” gợi nhớ hình tượng “không ai cả" trong chuyện Ulitxơ của thần thoại Hy Lạp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những cách tiếp cận
Một phụ huynh Đông Âu kể chuyện con mình sang học phổ thông ở Anh cũng bị bắt nạt đến mức không còn muốn tới trường.
Cô giáo chủ nhiệm gọi “kẻ chủ mưu” và nạn nhân lại, cố làm cho hai em kết bạn với nhau. Việc kết bạn không thành, nhưng chuyện bắt nạt cũng chấm dứt. Điều quan trọng là nhà trường không dừng ở đó.
Ngay trong tiết học sau đó Personal, Social and Health Education (giáo dục nhân cách, xã hội và sức khoẻ), lập tức cả lớp được phát giáo trình chống bắt nạt trong nhà trường.
Trong suốt học kỳ, các em thảo luận thế nào là bắt nạt trong nhà trường, những hậu quả của nó, và làm thế nào để chấm dứt ngay hiện tượng này.
Tại một trường mang tên quốc tế ở TP.HCM, một em gái Việt trước học ở Nga, nay vào một lớp có nhiều học sinh đến từ một bán đảo lạnh buốt của châu Á. Em lập tức bị bạn cùng lớp bắt cống nạp những thứ này thứ nọ. Khi phụ huynh phản ảnh, hơn chục phụ huynh học sinh đến từ xứ xở lạnh buốt kia lập tức “đình công”, doạ nếu nhà trường không biết “cư xử’, họ sẽ cho con sang học trường khác. 20.000 USD là học phí một năm của một học sinh tất nhỏ hơn 20.000 đem nhân với 1 tá...
Còn nếu chuyện tương tự xảy ra ở một trường Việt Nam, nhiều phụ huynh cho rằng nó lập tức gợi nhớ nguyên tắc “ba không” thời chiến. Từ giáo viên, bạn cùng lớp, kẻ chủ mưu bắt nạt, đến cả nạn nhân … chẳng ai nhớ gì cả. Nếu là trường phổ thông của Pháp, nơi điện thoại di động bị cấm tiệt, cả quá trình bị bắt nạt từng dẫn đến những hậu quả khốc hại như tự tử, sẽ chỉ như “tháng ngày qua, những cơn gió bụi …”
Những mầm mống
Natasha Suvorova, tp. Tiumen, Nga, bị bạn hành hạ vì xinh đẹp. |
Một số học giả cho rằng, tệ bắt nạt xuất hiện ngay trong tập thể nhi đồng. Có thể đây là bản năng tranh giành không gian sống thấy rõ ở các loài chim thú. Có thể là cuộc tập dượt cho cuộc đấu tranh sinh tồn của cá thể trong một thế giới xa lạ, thù địch … nếu ta bị vương vấn bởi “thuyết hiện sinh”.
Khi những con lợn lòi Châu Phi vô cớ đánh nhau, có nhà khoa học cho rằng, chúng muốn khai sáng cho lũ lợn con về bài học sử dụng vũ lực. Nếu như vậy, việc bác gái hàng xóm đá con mèo, bố ném giày ống vào con chó đang có mang … sẽ lưu vào tâm thức của đứa trẻ, kể cả khi em chưa biết nói. Rồi việc bố mẹ cãi lộn, các cô chú nói hỗn với ông bà … đều được trí óc trẻ thơ ghi nhận.
Các tác giả Nga cho rằng nền giáo dục kiểu Xô viết không quan tâm đến cá tính, không dạy cách cư xử với những gì không giống với cái chung. Đó là nguyên nhân của không những tệ bắt nạt trong nhà trường, mà còn là đường dẫn tới tệ nạn lính ức hiếp nhau trong quân đội Nga (dedovsshina), đã hại đời biết bao thanh niên, rồi tệ chèn ép nhau trong công sở, rồi các biểu hiện sô-vanh, kỳ thị chủng tộc lan tràn trong xã hội Nga.
Những nạn nhân của vòng xoáy bạo lực suốt đời này không chỉ gồm những kẻ bị bắt nạt đến mức phải tự tử do thất vọng với bản thân, mà còn gồm những “gấu”, bị xử lý không nương tay bởi những kẻ còn gấu hơn.
Vết thương vì bị bắt nạt, rồi “sừng sẹo” vì đã bắt nạt, sẽ theo các em suốt cả cuộc đời, nghị sĩ nổi tiếng I. Khakamada và các giáo sư hàng đầu về tâm lý học như A. Barkan khẳng định.
Tâm lý học Nga có khái niệm “bạo lực tập thể” trấn áp mọi thứ “lòi ra khỏi đám đông”. Nhưng theo các nguồn tin Nga, tệ hiếp đáp nhau trong trường học hiện vẫn bị coi là ‘chuyện vặt” so với nỗ lực khôi phục tầm vóc siêu cường. Hiện còn chưa thiết lập những thiết chế để kiểm soát “cái sảy” này.
Gần đây, ở Nga đã xuất hiện nhiều vụ việc học sinh bị bạn đánh do học giỏi, hoặc xinh đẹp hơn người.
Có nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá quốc tế cho rằng, tâm lý “bắt nạt” có thể có mầm mống từ các nghi lễ tôn giáo chống những kẻ bị ma làm, bị quỷ ám, những con chiên ghẻ, kẻ tội đồ, ngoại đạo, dị giáo v.v.
Lại còn tâm lý sợ bị quy là “học sinh cá biệt” dẫn đến mỗi cá nhân đều cố giống với số đông. Sợ trả lời sai bị nâng lên thành quan điểm dẫn đến hình thành ‘sự im lặng đáng sợ”, hoặc văn hoá trả lời ‘ấm ớ’.
Trên nền của văn hoá nhóm dạng này, mọi sự khác biệt đều có thể trở thành đối tượng của bình xét, châm chọc, đả kích, trấn áp ở mọi mức độ. Vì công lao và lỗi lầm đều là của chung, các “tiểu tiết” như lời xin lỗi” hay cám ơn bị lãng quên …
Và những giải pháp
Có hai loại phong cách. Loại thứ nhất thì chi ly, kỹ tính, chăm chút đến tủn mủn, làm cái gì cũng muốn từ A đến Z (vì thế, thật dễ ghét). Loại thứ hai thì lẫm liệt trong cách xử lý đại cục, thôi thúc như hồi trống trường, lạc quan phơi phới về biết bao thành tích đã đạt được …
Được các bác sĩ cứu sống, Natasha vẫn không dám nói tên các hung thủ. |
Các nhà giáo dục học quốc tế cho rằng xu thế “bạo lực” nay như virus tràn ngập. Để đối phó với tệ nạn này trong trường học, đã có nhiều hệ thống giải pháp khác nhau được đưa ra.
Khá sớm, có chương trình quốc gia chống bắt nạt trong trường học của Dan Olweus nhà tâm lý học Na Uy. Được áp dụng từ năm 1983, nó tỏ ra hữu hiệu đến mức được nhiều nước phát triển áp dụng.
Số liệu thống kê cho hay, nhờ chương trình này, số lượng nạn nhân và số lượng “kẻ ăn hiếp” giảm từ 30 – 50%. Đồng thời, cũng nhờ nó mà tỷ lệ phạm tội trộm cắp, ăn cướp, cưỡng hiếp … trong trẻ vị thành niên thuyên giảm đáng kể.
Ở Canada, đã thiết lập trong trường học hệ thống chẩn đoán tâm lý của học sinh. Việc này đang được tiến hành ngày một kỹ càng hơn vì kết quả xét nghiệm độ hung hãn của từng học sinh giúp cho công tác chống bắt nạt trong trường sở ngày một hữu hiệu.
Các nạn nhân và nhân chứng của các vụ bắt nạt thường bị các “tặc tử” doạ nạt, nhằm lấp liếm sự vụ. Ở Séc đã áp dụng chương trình theo đó các em phát hiện cho nhà trường vụ việc hiếp đáp ở lớp, kể cho cha mẹ những chuyện như thế, bênh vực các bạn bị bắt nạt … được khen thưởng.
Đã thành lập ban quan sát toàn châu Âu về bạo lực trong nhà trường. Đã triển khai dự án Hiến chương châu Âu vì trường học dân chủ không bạo lực.
Theo đó, đã thiết kế nhiều trò chơi trên máy tính, rèn cho học sinh kỹ năng chống bắt nạt trong nhà trường, trên đường phố; khuyến khích các em tham gia những trò chơi tập thể trên lớp, dựng những vở kịch, viết văn, làm thơ, tham gia thảo luận về đề tài chống bắt nạt, hoá giải hành động, thái độ hung hãn.Đã xây dựng những quy tắc hành vi cho những em thường rơi cào tình thế bị bắt nạt, và những em có xu hướng dùng bạo lực giải quyết tranh chấp, những em có tình thích trêu chòng bạn bè quá mức …
Ở Trung Hoa vẫn kiên trì phương thức học tổ nhóm, kèm cặp nhau trong học tập, tương trợ nhau trong cuộc sống, ở điều kiện cho phép.
Ở Australia, đã thiết lập cơ chế “bảo hộ”, phân công một em lớn đưa đón một em nhỏ tới trường …
Nét chung của các chương trình chống bắt nạt quốc tế là sự tỉ mỉ, chu đáo, có hệ thống, và tôn trọng nhân cách của học sinh và phụ huynh.
Trông người lại ngẫm đến ta
Xét cho cùng, như sách dạy, thủ trưởng bao giờ cũng đúng. Kinh nghiệm của các nước bè bạn cũng cho thấy, ở tầm vĩ mô, uốn nắn các lệch lạc về hành vi trong trường quả là “trách nhiệm của toàn xã hội”.
Khi tuyên thệ nhậm chức, khi nhận chủ nhiệm lớp, khi đưa con nhập trường, khi nhận “sách mới áo hoa” để tựu trường, trẻ già chúng ta đều hứa hẹn, ít nhất với mình, rằng sẽ cư xử phải phép, rằng ‘tiên học lễ, hậu học văn” …
Ngặt vì nhiều quan chức quản giáo dục chỉ mải giúp “chuyển trường trái tuyến”, nhất là cho những em bị bắt nạt; thày cô thì lo đảm bảo thành tích thi đua, bố mẹ thấy con bị bạn đánh thì đánh bạn; trẻ em vào lớp là nhận thấy ngay có đứa “sứt môi lồi rốn” … thì phần hồn (và cả phần xác) của toàn xã hội còn sứt mẻ vì nạn “đầu bò đầu bướu”.
Con ta còn quá nhỏ để chịu trách nhiệm về hành vi, lãnh đạo ngành giáo dục thì phải lo về đại cục, nên mọi sự quy vào sợi dây liên hệ truyền thống của quy trình dạy và học: nhà trường và gia đình.
Nhưng qua việc xử án “nữ sinh đánh bạn” vừa qua ở Hà Nội, mới thấy nhà trường xử khổ chủ một “mức án” xem ra còn nặng hơn cả hung thủ … Có phụ huynh còn tự hỏi, liệu bên trong có chuyện “thằng Kèo phải bằng hai thằng Cột”?
Vậy là, giống ở Liên Xô cũ, trước khi nghe con kêu: “Bố mẹ ơi nó đánh con”, phụ huynh đã phải nghĩ cách cứu con rồi. Nếu không thì chỉ còn có … giời cứu chăng?
-
Lê Đỗ Huy (Tổng hợp)