- Những HS khiếm thị đã vượt lên trên số phận của mình để bước chân vào trường cấp 3 học hòa nhập với các bạn sáng mắt. Không nhìn thấy bảng đen, phấn trắng, nhưng các HS này đã tìm cách khắc phục để có được thành tích mà các bạn sáng mắt phải nể phục.
Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Với số điểm chuẩn đầu vào đứng ở vị trí gần top đầu của các trường công lập trên địa bàn Hà Nội (khoảng 48 điểm), Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là trường cấp 3 công lập duy nhất trên địa bàn Hà Nội nhận HS khiếm thị học hòa nhập.
Năm học 2008-2009, trường đã nhận 5 HS khiếm thị vào lớp 10 với số điểm chuẩn vừa đạt yêu cầu, gồm: Cao Thị Yến, Phạm Thị Huế, Nguyễn Thanh An, Dương Thị Xuân và một HS nay đã nghỉ học để chữa bệnh. Hiệu trưởng Trần Thanh Sơn cho biết, lúc đầu định xếp cả 5 HS này vào 1 lớp, nhưng thấy như vậy sẽ "rất căng" cho các thầy cô nên trường đã quyết định chia đều các em cho từng lớp.
Lý giải cho điều này, ông Sơn nói rõ, các em phải viết bằng chữ nổi, sau đó, đọc lại bài kiểm tra cho bạn chép lại giúp hoặc bài kiểm tra ngắn thì đọc cho cô nghe để cô chấm điểm riêng. Công đoạn này cũng mất khoảng 20 phút. Do đó, mỗi lớp chỉ một em để công đoạn chấm của thầy cô được dàn đều.
Vào một chiều Thứ Bảy đầu Tháng Ba, VietNamNet đã theo chân các em đến lớp.
Lớp 11 A9 trên tầng 2 của dãy nhà 3 tầng, ngay dãy giữa, bàn đầu được ưu tiên cho Cao Thị Yến và Dương Thị Xuân. |
Yến vừa nghe cô giảng vừa thoắn thoắt đưa tay trên bảng chữ nổi để viết. Còn Xuân, may mắn hơn vẫn còn nhìn thấy lờ mờ trên bảng. |
Người mắt sáng ít đọc cho người không thấy gì những nội dung của bài học. |
Không thể lên bảng giải bài tập như các bạn cùng lớp nhưng Yến vẫn thường xuyên được cô giáo gọi lên phát biểu ý kiến. |
Cô hỏi về bài tập và Yến trả lời theo kiến thức được học và cả trí tưởng tượng. |
Lớp 11A5 trên tầng 3 là nơi "cư trú" của Nguyễn Thanh An. Không dùng cách viết chữ nổi như các bạn khiếm thị khác mà An sử dụng khá thành thạo việc chép bài trên laptop. |
Cô cứ giảng bài và em gõ rất nhanh. Nếu không kịp, bạn Phan Hải Nam ngồi kế bên sẵn sàng đọc giúp em. Bài kiểm tra có sẵn đề được cô giáo đưa USB để copy vào laptop sẽ được cô chấm trên máy tính. |
Còn thông thường, nếu làm bài kiểm tra ra giấy và viết bằng chữ Brain, cô (hình: cô chủ nhiệm dạy môn Toán) sẽ chấm bằng cách nghe HS đọc lại bài làm của mình. Hoặc bài kiểm tra dài (1 tiết), các em sẽ làm và đọc lại kết quả cho bạn chép hộ rồi nộp cho cô giáo. |
Đọc bài làm của mình để cô chấm theo barem. |
Ngay kế lớp của Yến và Xuân là lớp 10A8 của Phạm Thị Huế. Hết giờ học, HS các lớp sẽ ùa ra rất đông nên các bạn cùng lớp thường dắt Huế ra hành lang. |
Huế đứng ở hành lang lớp học chờ Yến và Xuân để cùng về khu nhà trọ. |
Còn An thì được bạn Hưng cùng lớp đèo về vì mẹ bận công việc không đến đón được. |
Đúng hôm Yến phải ở lại để cô giáo dặn dò đội tuyển Văn lớp 11 của trường sẽ thi ngày hôm sau. Lo lắng không ghi chép kịp lời cô dặn nên Yến phải dùng máy ghi âm để ghi lại. |
Xuân và Huế dắt nhau về trước. |
Quãng đường từ trường về nhà trọ dài khoảng 700m. Nhưng để đi được thì Huế và Yến hành ngày phải nhờ đến sự giúp đỡ đắc lực của Xuân |
Huế vừa lần chìa khóa mở cửa, vừa ríu rít trò chuyện với các bạn. |
Yến đi học về. Dù tầng 1 rất chật chội nhưng em cũng lách mình và tìm được lối đi lên. Yến ở trên tầng 3 của ngôi nhà này và với em, "rất thích cầu thang hẹp vì giúp em đi lại dễ dàng hơn". |
Hết tầng 2, qua bể nước, xỏ một đôi dép và từ từ đi tiếp lên tầng 3. |
Căn phòng của Yến cũng đầy đủ các vật dụng sinh hoạt và chiếc laptop mới mua được nhờ dành dụm. |
Sử dụng máy tính thành thạo nhờ phần mềm được cài đặt cho người khiếm thị. |
-
Thực hiện: Ảnh: Lê Anh Dũng - Bài: Bảo Anh