- “Văn học đã cảm hoá em!” - Cô nữ sinh lớp 11 Chuyên Văn Trường THPT Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ chân thành như thế khi nói về môn học đã đưa em đến giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2010.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Linh Chi. Ảnh: DT |
“Văn học đã cảm hoá em!”
Cho đến lúc này, Linh Chi - một trong ba giải nhất môn Văn kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc năm 2010 - vẫn thẳng thắn: “Thực ra em không yêu văn!”. Vậy điều gì đã khiến cô nữ sinh này chinh phục được một môn học kén tri kỷ như thế?
Linh Chi cho biết: Em học và sống với văn học vì sự trân trọng và ngưỡng mộ vẻ đẹp của môn học này.
Đối với Linh Chi, khi đến với văn học, em không đơn thuần chiếm lĩnh và phân tích những vẻ đẹp của câu chữ và hình ảnh mà quan trọng hơn, Linh Chi đi tìm những tâm hồn đồng điệu trong từng tác phẩm, từng thông điệp của nhà văn.
Mỗi lần khám phá ra những thông điệp đằng sau ngôn từ, hình ảnh hay nhân vật là một lần Linh Chi hiểu sâu thêm tâm tư nhà văn, và nhiều khi, đó cũng chính là cảm xúc của em, khiến em suy nghĩ nhiều hơn, cảm nhận mình Người hơn trong chính bản thân.
Linh Chi cho rằng, một phần nào đó văn học đã làm nên tính cách của em. Cô nữ sinh lớp 11 này thực sự “đọc nhiều và nghĩ nhiều” khi mỗi hiện tượng của văn học và cuộc sống đều khiến em rung động. Em gọi đó là sự sâu sắc, một món quà mà văn học mang đến cho em.
“Sự sâu sắc khiến em trở thành một người sống có trách nhiệm, chu đáo và yêu thương nhiều hơn nữa. Sự sâu sắc khiến em có thể khám phá được rất nhiều điều từ cuộc sống này, để thấy vẻ đẹp nằm trong cả những gì giản dị và nhỏ bé nhất.Điều đó khiến em trân trọng văn hơn bất kỳ điều gì.”- Linh Chi chân thành chia sẻ.
Có lẽ vì vậy, mỗi khi nói đến những người thân yêu cũng như thầy cô, bạn bè ở mái trường Hà Nội-Amsterdam, Linh Chi luôn dành sự biết ơn đến những người luôn ủng hộ, nhất là cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh Thủy.
Luôn làm việc hết mình
Nếu nghe Linh Chi chia sẻ những suy nghĩ về môn văn, người ta dễ nhận thấy ở em một tâm hồn giàu xúc cảm. Nhưng lại sẽ là một Linh Chi đầy lý trí, bản lĩnh và tự tin khi cùng em trò chuyện về những ngày tháng rèn luyện để đạt được thành công.
Làm việc hết sức, cố gắng hết mình cho tất cả mọi việc là thói quen thường xuyên của Chi. Vì vậy, em đã chinh phục được đỉnh cao của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ở môn văn bằng những phương pháp học khoa học và thông minh.
Đối với Linh Chi, sự tự học và việc đặt ra những kế hoạch học tập cụ thể, hợp lý nhất là những phương pháp luôn được em đề cao.
Linh Chi học được lối tư duy thông minh lôgic từ những thầy cô giáo của em. Em nhận thấy rằng, dù là học văn- một môn học thiên về cảm xúc hay bất cứ một môn học nào, tư duy khoa học là điều rất cần. Bên cạnh đó, sự tự khám phá và tính chân thật trong cảm xúc luôn được em coi trọng, bởi Chi thấm nhuần câu nói của M. Gorki: “Văn học là nhân học.”
Tìm hiểu một tác phẩm, một tác giả đối với Linh Chi là một quá trình kỳ công: bắt đầu từ những văn bản được đọc đi đọc lại kỹ càng, chú ý phân tích từng câu chữ, từng chi tiết để từ đó thấu hiểu và khám phá ra những vẻ đẹp đằng sau ngôn từ theo suy nghĩ của riêng mình.
Không dừng lại ở đó, Chi tham khảo không ít sách vở, tư liệu của những nhà phân tích, phê bình có uy tín để hiểu thêm về những tầng ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm. Quá trình tìm hiểu những tài liệu khó này đã rèn luyện thêm cho em một thế mạnh về lý luận văn học.
Đối với không ít học sinh, đây được coi là phần khô khan và khó học, nhưng với Linh Chi, em lại thấy ở đó sự lôgic trong lối tư duy nghiên cứu và tìm về bản chất cốt lõi của văn học.
Và cuối cùng, bao giờ Chi cũng đi tìm phong cách, hay chính là cái “tôi” của tác giả, cái đã làm nên và phân biệt nhà văn ở tầm vóc tư tưởng và nghệ thuật.
Đề cao sự đồng cảm với nhà văn, Linh Chi còn chịu khó đi tìm hiểu đời tư, cuộc sống ngoài nghệ thuật của nhà văn bởi theo em, điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sáng tác của họ. Dù nhà văn là ai, họ cũng viết bằng rung động và xúc cảm của chính họ.
Với cách trang bị kiến thức toàn diện như thế, Linh Chi tự tin đứng trước kỳ thi quốc gia, kỳ thi mà theo em, kiến thức sẽ được đặt lên hàng đầu, chứ không phải là sự may mắn.
Và bây giờ, dù vừa hoàn thành xong một kỳ thi vất vả nhưng Linh Chi không cho phép mình nghỉ ngơi. Hiện tại, cô bạn ham học này lại đang tiếp tục với những mục tiêu học tập mới được lên kế hoạch rõ ràng và nghiêm túc.
Môt điều đặc biệt nữa là Linh Chi không chỉ là học sinh giỏi xuất sắc từ ngày đi học đến giờ mà em còn là một cán bộ lớp năng động trong những hoạt động của lớp, trường, Đoàn, Đội. Bảng thành tích học tập và hoạt động của em vì vậy cứ dài ra theo từng năm học.
Cô gái nhỏ tin rằng, với sự tự tin chưa bao giờ mất và thói quen làm việc hết mình sẽ giúp em thực hiện được những gì mình mơ ước.
Từ khi đi học đến giờ, Linh Chi đã có một bộ sưu tập dày đặc các thành tích: 1. 10 năm liền là học sinh giỏi xuất sắc 2. Học sinh giỏi cấp Quận năm học 2002-2003 3. Đạt danh hiệu “Người tốt- việc tốt” của huyện Gia Lâm năm học 2002-2003 4. Giải Khuyến khích kì thi Học sinh giỏi cấp Thành phố năm học 2003-2004 5. Được tặng giấy khen của Quận Đoàn Long Biên năm học 2004-2005 6. Được tặng giấy khen của Thành Đoàn Hà Nội năm học 2005-2006 và 2006-2007 7. Giải Nhì cuộc thi viết thư UPU cấp Liên đội năm học 2006-2007 8. Giải Ba cuộc thi cắm hoa do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đoàn 9. Giải Nhất kì thi Học sinh giỏi Thành phố môn Văn năm học 2007-2008 10. Đạt danh hiệu “Người tốt- việc tốt” của quận Long Biên năm học 2007-2008 11. Được tặng bằng khen của Giám đốc Sở giáo dục đào tạo Hà NộI trong Lễ tuyên dương học sinh giỏi Thủ đô năm học 2007-2008 12. Được tặng giấy khen của Hội Khuyến học quận Long Biên năm học 2007-2008 13. Á khoa kì thi vào lớp 10 chuyên Văn trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam 14. Nhận học bổng danh dự của trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam 3 học kỳ 15. Giải Ba cuộc thi “Viết về trường em” năm học 2009-2010 16. Giải Nhì kì thi Học sinh giỏi môn Văn lớp 12 Thành phố Hà Nội năm học 2009-2010 17. Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Văn năm học 2009-2010 18. Giải Nhì kỳ thi Olympic Hà NộI- Amsterdam năm học 2009-2010 |
-
Nguyễn Hường