Viện Ngôn ngữ học vừa nhận bức thư viết tay của cụ Kiều Hữu Hòa, sinh ngày 13/2/1929, hiện trú quán tại 119/31 Mai Hắc Đế, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đề nghị được bảo vệ luận án thạc sĩ, hoặc tiến sĩ tại Viện Ngôn ngữ học.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cụ Hòa bên người vợ và cháu |
Cụ Hòa từng tốt nghiệp cử nhân sử học, giáo viên trung học phổ thông.
Trong lá thư tay cụ viết: “Tôi xin quý viện cho phép tôi đăng ký bảo vệ luận án cấp thạc sĩ hoặc tiến sĩ chi cũng được. Vì tuổi già, sức yếu, nếu xin học 3 năm hoặc 6 năm thì tôi "sợ" không kịp trước khi nhắm mắt xuôi tay, nên tôi xin quý Viện "đặc cách" (cho thi thạc sĩ, tiến sĩ - PV)…”
Cụ Hòa còn "tái bút" bằng một bài thơ: "Ông già hiếu học nêu gương tốt/Xin thi thạc sĩ 80 xuân/Được thì góp sức cho khoa học/Dẫu thua cũng mát mẻ tâm hồn".
Phóng viên đã tìm đến nhà cụ Hòa theo địa chỉ do Viện Ngôn ngữ học cung cấp, song không gặp do cụ đang dưỡng bệnh ở xa.
Anh Kiều Hữu Long, con trai cụ Hòa, cho biết: trước năm 1987, bố anh là giáo viên dạy sử tại Trường PTTH Hương Khê (Hà Tĩnh). Ngay từ hồi còn giảng dạy, cụ đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về văn học, triết học, tâm lý học.
Anh Long cho biết, cụ Hòa đã có 8 công trình nghiên cứu về “siêu hình ảnh” (tâm lý học), “quy tắc 4C” (tâm lý học), luật thơ Đường… Tất cả các nghiên cứu của cụ đều được viết bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp.
Cũng theo anh Long, cụ Hòa mong muốn, nếu không được đồng ý bảo vệ tiến sĩ, cụ rất muốn tài liệu của mình được xuất bản để cho giới nghiên cứu và sinh viên tham khảo.
Về đề nghị của cụ Hòa, giáo sư Nguyễn Văn Khang, Viện phó Ngôn ngữ học cho biết, tinh thần hiếu học của cụ Hoà được rất nhiều người trong Viện cảm phục, song rất tiếc, Viện không thể đáp ứng yêu cầu được thi tiến sĩ của cụ.
Lý do, cụ Hòa chỉ có chuyên môn về sử; mặt khác những hiểu biết của cụ về ngôn ngữ chỉ là những cảm nhận về ngôn ngữ, chưa thể coi là công trình khoa học.
Tuy nhiên, đây là vấn đề khá tế nhị, liên quan đến một người cao tuổi đáng kính trọng như cụ Hòa nên Viện Ngôn ngữ học không tiện viết thư trả lời từ chối, mà chỉ đưa thông tin này lên mạng của Viện như một lời cảm kích trước tinh thần hiếu học của cụ.
Giáo sư Khanh thông tin, sắp tới, Viện sẽ bố trí thời gian sớm nhất được vào tận nơi cụ Hòa sinh sống để gặp gỡ và động viên cụ.
(Theo Đất Việt)