221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1274113
Lời cảnh tỉnh đau đớn nhất cho các đấng sinh thành
1
Article
null
Lời cảnh tỉnh đau đớn nhất cho các đấng sinh thành
,

- Tôi nhớ trong tiểu thuyết “Ba ơi, mình đi đâu” – nhà văn Jean-Louis Fournier – người cha của hai đứa trẻ tật nguyền đã xoa dịu nỗi đau của mình bằng niềm an ủi: vì con cái bệnh tật nên ông đã bớt đi nỗi lo chúng có thể trở thành những kẻ tội phạm. Gần 1.000 trẻ vị thành niên đang học tập và tu dưỡng ở trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình những tưởng có một cuộc đời may mắn vì khi sinh ra, các em đã là những đứa trẻ lành lặn, sáng láng, khỏe mạnh. Nhưng rồi, hai chữ “phạm tội” đã đóng dấu lên những số phận bất hạnh này, chỉ vì các em không thể có một tình yêu thương đủ đầy của cha mẹ và gia đình như những đứa trẻ tật nguyền kia…

TIN LIÊN QUAN

Bố lấy bốn vợ, mẹ bỏ sang Trung Quốc

N quê ở Lạng Giang, Bắc Giang, được đưa vào Trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình, ngày 25.3.2010, vì tội ăn trộm 67.500 đồng tiền công đức tại chùa Trấn Vũ – Hồ Tây – Hà Nội. Trước đó, cậu HS 16 tuổi này đã từng bị công an bắt nhiều lần vì tội ăn cắp vặt và đánh nhau gây rối trật tự công cộng.

Trước khi vào trường, cuộc sống của N là những vỉa hè, góc phố, khu xóm ổ chuột trên khắp đất HN. Lần đầu bỏ nhà lên HN, N được một đại ca đường phố cho đi theo học nghề “ăn cắp vặt”. Đầu tiên là quần áo, dép guốc, nồi niêu xong chảo, sau đó là xe đạp, ví… cái gì có thể bán lấy tiền là N “vặt”.

Thời gian đầu, cứ mỗi lần có ý định ăn cắp, N lại bỏ chạy vì sợ, nhưng không ăn cắp thì không có tiền để sống. Đường cùng. N lao vào như thiêu thân và trở thành một kẻ chuyên nghiệp. Ở những phút giây gặp gỡ đầu tiên, N kể về cuộc sống của mình bằng cái giọng ngang tàng, lạnh lùng, bất cần đời, đúng “chất” của một trẻ em đường phố.

Những giọt nước mắt đã không ngừng lăn trên gương mặt đen sạm của N khi nhắc đến người mẹ chưa từng biết mặt

Những giọt nước mắt đã không ngừng lăn trên gương mặt đen sạm của N khi nhắc đến người mẹ chưa từng biết mặt

Càng về sau, khi câu chuyện chạm đến góc sâu kín nhất trong tâm hồn em, đó là mảnh ký ức về mẹ và bà, thì những giọt nước mắt đã không ngừng lăn trên gương mặt đen sạm của em.

Từ khi N còn là một đứa trẻ đỏ hỏn, vì uất ức sau những trận đòn roi, chửi mắng, đánh đập của người chồng say rượu, mẹ N đã bỏ đi và mãi mãi không quay lại. Cha đẻ, trước cú sốc đó, đã bỏ vào Đắc Lắc làm trang trại và lần lượt lấy bốn bà vợ từ hồi đó. Đứa trẻ lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà nội và chú ruột.

Bốn lần bố lấy vợ, N đều được đón vào để bố và gì chăm sóc, nhưng cảnh mẹ ghẻ con chồng với những trận đòn vô cớ của ông bố nghiện rượu đã đẩy N về lại miền Bắc.

Tình thương của người bà già nua thường xuyên đau ốm và ông chú suốt ngày lam lũ mưu sinh không đủ xoa dịu những vết thương trong lòng đứa trẻ. Khi lớn lên, N đã sớm nhạy cảm với những lời đồn đại của trẻ con hàng xóm nào là bố nghiện rượu đánh mẹ, mẹ bỏ đi lấy chồng Trung Quốc.

Vừa buồn, vừa bất mãn, lại bị đẩy vào chỗ cô lập, con đường trở thành một đứa trẻ lêu lổng, chơi bời, thường xuyên gây sự, nghịch ngợm, đánh lộn trở nên rất ngắn với N. Năm học lớp 7, N bỏ học, và sau một thời gian đi làm cùng chú, N đã đi nghe theo lời rủ rê của một đứa bạn cùng xóm lên HN mưu sinh bằng nghề… ăn cắp.

Từ lúc được đưa vào TT Giáo dưỡng, chưa một lần, N được chú hay bố vào thăm. Nhưng em cũng không lấy làm buồn, vì mỗi lúc nghĩ đến ngày sẽ bước chân ra khỏi đây, để gặp lại bà và đi tìm người mẹ đã mất tích của mình, là em cảm thấy mình có thể sống tốt, sống mạnh mẽ cho những ngày còn lại.

Không một lời oán trách hay ca thán, N nói về người mẹ đã bỏ mình đi từ lúc còn là một sinh linh đỏ hỏn, rằng em hiểu được những đau đớn và khổ sở của mẹ khi phải sống cùng một người chồng vũ phu.

Trong tâm hồn đã chai sạn của mình, N vẫn nuôi một niềm tin dù mỏng manh, là mẹ sẽ trở về trong ngày em lấy vợ, hoặc em sẽ tìm thấy mẹ bằng những nỗ lực bền bỉ của mình.

Ba thế hệ cơm trại

Nguyễn Thị Hương L., 14 tuổi, là cô bé có vầng trán cao, da nâu, lễ phép... trái hẳn với những gì em đã làm. 13 tuổi trở về trước, L. chưa một ngày đến lớp, chưa biết chữ nhưng em kiếm-đếm và tính tiền siêu đẳng bằng nghề "buôn bán ma túy". Chuyện gia đình, mưu sinh...em kể cứ ám ảnh tôi.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.

Ở gần các em mới biết các em đáng thương hơn là đáng trách. Chỉ vì người lớn sống với nhau không hoà thuận, không tốt nên đã ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của các em”. - HT Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình Trần Bá Luấn

Đến 6/4 là gần 8 tháng em được nuôi dạy trong Trường Giáo dưỡng số 2. Sinh ra không biết mặt bố, L cùng mẹ sống với ông bà ngoại, dì và cậu với nghề chính là "buôn bán ma túy".

Lớn lên, được ông Ngoại kể "bà Ngoại bị bắt từ lúc L. 1 tuổi". Hiện, bà vẫn đang cải tạo ở Trại số 5 Lam Sơn (Thanh Hóa). Vì buôn bán ma túy nên ông ngoại cũng đang cải tạo ở Trại Xuân Nguyên, Hải Phòng. Mẹ cũng bị bắt và mất trong Trại Xuân Nguyên, lúc đó em còn nhỏ nên không nhớ năm nào - L. kể.

Cậu cũng bị bắt vào Trại Xuân Nguyên (Hải Phòng) vì tội cố ý gây thương tích, giọng L. buồn buồn.

"Do nhà không có điều kiện nên em không được đến trường ngày nào 13 năm liên tục. Năm 12 tuổi, thương dì nên đã theo giúp bán ma túy. Lúc đó chỉ nghĩ đi bán hàng kiếm tiền để dì đỡ vất vả...", L. nhớ lại. Lúc mới đi thì được dì dặn "hàng này đi bán phải cẩn thận".

Rồi 7 giờ sáng, không nhớ ngày thì các chú công an vào bắt dì đi Trại Xuân Nguyên (Hải Phòng). Và sáng ngày 7/8/2009 khi đang ngủ với con cậu thì các chú công an quận vào gọi đưa lên phường, rồi em được đi cùng ô tô các chú...

Lúc đầu, em nghĩ cũng giống như lần trước, cách khoảng 1 tuần các chú có gọi lên hỏi rồi cho về ngay. Lần này, thấy các chú cho ngồi ô tô lâu nên em có xin "đến 10 giờ các chú cho cháu về nấu cơm cho em ăn. Nhưng xe đi đến quá 10 giờ chưa dừng, rồi qua trưa, đến 1 giờ chiều cùng ngày em được đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2."

Tôi hỏi: "Sao thấy ông, bà, mẹ, dì bị bắt vì buôn bán ma túy mà em vẫn theo?"

- Dạ thưa chị, em có nhận thức được việc buôn bán ma túy là nguy hiểm. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vẫn lao.

Giá bán tính thế nào?

- Dạ thưa chị, tùy hàng đóng nhiều hay ít. Giá thấp nhất là 20.000 đồng/ tép, đắt nhất là 2.300.000 đồng/ chỉ.

Một ngày em bán được nhiều không?

- Dạ thưa chị, ngày bán nhiều nhất được hơn 20 triệu.

Em nhỏ thế mà bán hàng này không sợ bị cướp à?

- (Cười) Không có ai cướp của em mà chỉ có em cướp của người ta.

Em cướp kiểu gì?

- Dạ thưa chị, ở xóm có một số nhà cùng bán nên khi họ hô "công an" là em cầm cả "hàng" và tiền chạy. Thế là em cướp của người ta...

Em không đi học, không biết chữ sao nhận biết giá trị tiền?

- Không ai dạy em nhưng em tự nhận thức giá trị từng tờ tiền từ bé (Lại cười).

Em khoe "hôm qua (ngày 5/4), em nhận được thư của dì và đã đọc được hết một bức thư dài hơn 1 trang giấy". Trong thư dì dặn "ở trường phải ngoan, nghe lời thầy cô và không được trách dì. Ngày 2/9/2010 bà Ngoại và cậu sẽ vào thăm..". Đọc xong thư em đã khóc vì thấy thương dì, không giận dì đâu.

"Trong trường, em hay nghĩ về dì. Mẹ đã mất. Ông Ngoại, bà Ngoại và cậu đang ở trại, nhưng em không trách ai", L. chia sẻ. Em đi bán ma túy là do em tự chọn vì nghĩ giúp dì để dì đỡ vất vả...

Nói về những mảnh đời bất hạnh lưu lạc nơi đây, Hiệu trưởng Trần Bá Luấn ngậm ngùi nói: “Ở gần các em mới biết các em đáng thương hơn là đáng trách. Chỉ vì người lớn sống với nhau không hoà thuận, không tốt nên đã ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của các em”. Số lượng các HS bị đưa vào ngôi trường này đang tăng dần theo mỗi ngày. Số phận thiệt thòi của các em chính là những lời cảnh tỉnh đớn đau nhất cho những cha mẹ chưa làm tròn trách nhiệm thiêng liêng của hai chữ Sinh Thành.

Số liệu thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Một nghiên cứu mới đây của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ.

  • Kiều Oanh - Sơn Khê
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,