221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1270832
TS"ngoại" có dám hy sinh lợi ích cá nhân vì đất nước?
1
Article
null
TS'ngoại' có dám hy sinh lợi ích cá nhân vì đất nước?
,

“Điều tôi muốn hỏi là bạn có dám thay đổi và cải tạo những gì đang có? Có dám hy sinh lợi ích của bản thân không? Tôi nghĩ, đất nước ta rất cần một đội ngũ trí thức đông dảo dám chấp nhận hy sinh lợi ích của mình vì sự phát triển của đất nước” – Một bạn đọc ở TP.HCM đã đặt lại vấn đề với nhữngtự sự “nhức lòng” của tiến sĩ “ngoại”.

TIN LIÊN QUAN

Ai dám trở thành Bruno?

Tôi nghĩ, bạn không phải là trường hợp duy nhất hay cuối cùng vấp phải những trở ngại này. Đó thực sự là những rào cản làm nản lòng các du học sinh khi về nước. Thế nhưng, chúng ta đang thể hiện một cái nhìn thiển cận và ít nhiều tách biệt với đặc thù Việt Nam.

Thứ nhất, trước khi châu Âu có một diện mạo khoa học đồ sộ như ngày nay, họ cũng phải trải qua, phải đối mặt với những khó khăn chồng chất (cả châu Âu bị đè nặng bởi các lởi răn Ki tô giáo). Thế nhưng, những con người tiên phong đã không lùi bước, họ chấp nhận sống đạm bạc, chấp nhận đối mặt hiểm nguy, thậm chí cái chết (ví dụ : Giordano Bruno) để đi tìm và chứng minh chân lý. Ở Việt Nam thì sao? Chúng ta hãy tự trả lời.

Mô tả ảnh.
Các tân tiến sĩ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp (31-10-2008) - Ảnh: TTO

Thứ hai, không thể đem so sánh nền khoa học Việt Nam và nền khoa học các nước tiên tiến để chê trách.

Cái thứ nhất vẫn còn non trẻ, vẫn loay hoay tìm một mô thức trong khi cái thứ hai đã có mô thức ổn định. Hơn nữa, điểm mấu chốt cho sự phát triển khoa học là phải gắn với sản xuất, chắc không cần phải nhắc lại Cách mạng công nghiệp đã thúc đẩy khoa học phát triển ghê gớm thế nào.

Nói cách khác, khoa học phát triển được hay không phụ thuộc một phần quan trọng vào các nhu cầu nội sinh của xã hội. Khi mà Việt Nam vẫn còn nền sản xuất "made in" thì nền khoa học vẫn là bức tranh màu xám.

Thứ ba, tôi muốn nói chút kinh nghiệm bản thân. Khi học tập ở nước ngoài, cái quan trọng học được chính là cách tư duy.

Khi làm tiến sỹ, tôi cần một số thiết bị thí nghiệm mà giá lên tới 6000 euros. Trong khi nhà trường chỉ hỗ trợ 1500 euros. Tôi thực sự hơi hoảng, thế nhưng thầy hướng dẫn thì vẫn bình thản lắm. Ông gọi tôi lên văn phòng bảo đi đến siêu thị cơ khí gia dụng với ông. Hết một buổi chiều thì cũng lắp ráp xong "thiết bị" như yêu cầu, giá thành có 800 euros. Đó là bài học lớn đầu tiên khi làm tiến sĩ của tôi.

Nhưng dường như ở Việt Nam chúng ta, từ các giáo sư khả kính cho đến các giảng viên trẻ chỉ độc diễn bài ca cẩm về cơ chế, về Nhà nước. Nó thể hiện sự từ chối trách nhiệm tiên phong của chính những người trong địa hạt khoa học.

Giờ thì ai cũng biết Trái đất quay quanh Mặt trời, nhưng ai còn nhớ sự can trường của Bruno khi bước lên giàn hoả thiêu

  • Hồ Điệp (Hà Nội)

"Hãy học cách thích nghi"

Khi đọc tâm sự của anh, tôi thấy hai điều:

Thứ nhất là về cái ăn cái mặc hàng ngày mà một trường đại học không thể đáp ứng cho anh.

Thứ hai là về môi trường không phù hợp với năng lực chuyên môn.

Anh hãy nhìn phần thấp hơn anh trong xã hội VN để thấy rằng anh đã rất may mắn.

Còn về việc cải tạo mội trường xung quanh anh, hãy cống hiến như vị giáo sư trẻ nhất vừa được phong trong nước đi. Anh ấy là tấm gương của tinh thần tự phấn đấu đấy. Chúng ta là những người làm khoa học nhưng chúng ta chưa cống hiến được gì nhiều cho đất nước này. Vậy lỗi trước nhất thuộc về chúng ta, sau đó mới thuộc về cơ chế quản lý.

Tôi nghĩ rằng, cùng học nước ngoài, chắc anh hiểu khả năng làm việc độc lập luôn là hàng đầu và người ta cần người có thể tạo ra sự đột biến chứ không phải là người làm theo sự chỉ dẫn của người khác (nói cách khác là người ăn theo phụ thuộc).

Nếu anh thực sự có năng lực lãnh đạo, có năng lực cải tạo thì tôi tin một ngày không xa, anh sẽ được người trong và ngoài nước tôn vinh. Đâu cần phải đợi người khác phải tạo điều kiện cho mình.

Mình tự thích nghi và tạo điều kiện làm việc cho mình là được. Phải không anh?

  • Nguyễn Hùng (Đông Ngạc – Từ Liêm - Hà Nội)

"Đổi thái độ, thay hoàn cảnh"

Đã sống và làm việc 17 năm tại CHLB Đức, đã thành công không chỉ trong môi trường nghiên cứu mà cả trong công nghiệp, đã được nhận không chỉ học vị bậc cao nhất mà còn cả chức danh, đã từng đứng trước bục giảng trường đại học tại CHLB Đức, lúc quay trở về tôi cũng ngổn ngang suy nghĩ, nhưng trong tôi thuần túy một suy nghĩ là làm thế nào để vượt khó khăn (chính những khó khăn mà anh đã liệt kê) với một niềm tin mãnh liệt vào quê hương, vào bản thân.

Khi trở về, tôi nhận đồng lương hệ số 2,74 (hơn hết tập sự một chút) trong 2 năm liền. Bằng năng lực nghiên cứu và đào tạo, bằng sự nỗ lực bản thân, sau hơn 10 năm làm việc, tôi đã có học trò khắp Bắc - Trung - Nam, đã có nhiều kết quả nghiên cứu được đăng, thậm chí in thành sách bằng tiếng Anh ở nước ngoài. Hoàn cảnh thì không thay đổi được, chỉ có thái độ của chúng ta là thay đổi được thôi.

Thế đấy, tôi không định làm gương cho ai, mỗi người phải tự tìm con đường đi của mình. Mọi con đường đều được tôn trọng và trân trọng (kể cả ở lại nước ngoài).

Tôi chỉ muốn nói: Việt Nam còn nghèo và còn nhiều bức bối - nhức nhối lắm, khi đã quyết định về quê hương làm việc thì mình phải nhìn thẳng vào các khó khăn ấy và sẵn sàng đối đầu với chúng.

Tôi cũng muốn nói: Các nỗ lực đó, kết hợp với trí tuệ và phương pháp đúng, anh cũng sẽ được bù đắp lại. Quê hương chẳng phụ ai bao giờ.

Nếu thấy khó khăn quá không trụ nổi thì anh lại ra đi, bây giờ có ai cấm đâu, chỉ sợ anh chưa đủ tài để ra đi thôi.

Việc nhiều người chỉ kêu ca, chờ đợi phép mầu, sẽ chẳng giải quyết được gì. Cũng trong khó khăn ấy, tôi thấy rất nhiều người vươn lên một cách rất thành công không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà còn trên nhiều lĩnh vực khác nữa.

  • Nguyễn Côi

Hãy kiên trì theo đuổi ước mơ

Sáu năm trước, tôi là thủ khoa của 1 trường đại học, được kết nạp Đảng ngay tại trường và cũng có cơ hội đi nước ngoài du học.

Nhưng tôi lại quyết định về tỉnh nhà giảng dạy tại một trường Chuyên. Lý do rất đơn giản là tôi biết nếu ở lại Hà Nội, đeo đuổi giấc mơ làm giảng viên đại học và làm nghiên cứu, tôi sẽ không chịu được những khó khăn ở trước mắt. Và tôi nghĩ đó là điều tất yếu.

Khi về trường phổ thông, với mức lương mà lúc bấy giờ mọi người trêu là "không được phép đi xe máy" vì chắc chắn là không đủ tiền để đổ xăng. Nhưng tôi vẫn tìm được trong mình tình yêu nghề, yêu quê hương và nhất là yêu học trò. Tôi cũng đi dạy thêm, đi gia sư, nhưng đêm đến tôi lại chong đèn soạn giảng và đọc tài liệu mới.

Để trụ được ở trường Chuyên, tôi cũng phải đọc rất nhiều. chỉ cần mình không chú tâm một chút, thì ngay lấp tức đã bị hiệu trưởng gọi lên vì có ý kiến của phụ huynh và học sinh.

Tôi cũng chứng kiến cảnh tiêu cực trong giáo dục nhưng bên cạnh đó tôi cũng nhận được rất rất nhiều điều tốt đẹp. Tôi vẫn được đồng nghiệp bảo vệ, được học trò yêu quý. Và cuối cùng thì mọi người cũng công nhận khả năng thực sự của tôi khi tôi và học sinh của mình mang về cho trường những giải quốc gia.

Viết những dòng này tôi mong bạn hãy kiên trì, đừng vì những khó khăn trước mắt, cũng đừng nhìn vào những tiêu cực của xã hội mà nản trí. Đất nước mình, tổ quốc mình vẫn cần những người tài, thực sự tâm huyết lắm bạn ạ.

  • Nguyễn Nam (Hưng Yên)

Thầy tâm huyết để có trò tâm huyết

Thưa thầy, vẫn có hàng nghìn giảng viên, từ bỏ những nơi đầy đủ điều kiện vật chất để trở về với quê hương còn nghèo nàn lạc hậu.

Và chúng em đều hiểu rằng, các thầy các cô hoàn toàn có thể tiến xa hơn, thu nhập cao hơn với khả năng của các thầy cô, vậy mà các thầy cô vẫn lựa chọn giảng đường đại học. Nếu nói về thực trạng giáo dục ở VN, thì có quá nhiều điều để nói, để bàn, để phê phán, nhưng các thầy cô của em vẫn trở về nước giảng dạy với tình yêu và sự đam mê của người thầy.

Đó là điều và bao thế hệ học sinh chúng em luôn ghi nhớ, ngưỡng mộ và cảm phục vô cùng.

Nếu như thầy nói "với những cản trở “phi học thuật” còn tồn tại nhức nhối trong môi trường giảng dạy và nghiên cứu ở VN như hiện tại, thì những người có tâm và có tài thực sự sẽ lần lượt khăn gói ra đi mà không phải ân hận về bất cứ một điều gì với lương tâm mình", thì có lẽ trường em, hay bao ngôi trường khác đã không thể tồn tại, và cũng chẳng còn những thế hệ sinh viên nhiệt huyết, tài năng - là học trò của những người thầy tâm huyết ấy.

Thế nên, theo em, vấn đề là ai là người sẽ chấp nhận những bức xúc ấy để quyết tâm theo nghề giáo, quyết tâm gắn bó với học trò, với giảng đường đại học, với sự nghiệp trồng người trong nước hay không mà thôi.

Cá nhân thầy suy nghĩ rằng mình đã sai lầm khi trở về nước vì thầy "không chấp nhận" thực trạng, lương bổng,..v..v... Nhưng những thầy cô của chúng em vẫn đang ngày ngày giảng dạy đầy nhiệt tâm và yêu nghề thầy ạ!

  • Nguyễn Thị Ngọc Anh ( ĐH Ngoại thương Hà Nội)

Đất nước không ngăn những bước chân dài

Tôi thật buồn khi ở đất nước tôi người ta còn tạo ra thuật ngữ ‘tiến sỹ nước ngoài’ để đem ra mặc cả với đất nước, người ta đem những việc ‘đứng trên bục giảng ở nước ngoài’ để mà ngưỡng mộ.

Người ta đòi hỏi đất nước phải tạo ra những sân chơi cho xứng với cái danh ‘tiến sỹ nước ngoài’ trong khi đất nước không hề ngăn bước họ đến những sân chơi mà khát vọng nghề nghiệp của họ là phải chơi ở đó.

Tôi cũng thật buồn khi các ‘tiến sỹ nước ngoài’ của nước tôi nói rằng ở đây ở đó người ta trả lương thế này thế kia mà không ai nói số ‘tiến sỹ trong nước’ của Trung Quốc ra làm sau tiến sỹ ở các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới còn nhiều hơn 100 lần số ‘tiến sỹ nước ngoài’ của Việt Nam vinh quy bái tổ

  • Nguyễn Thường Dân (Hà Nội)

Nơi tôi làm việc, tiến sĩ rất được trọng dụng

Ở trường ĐH nơi đang làm việc, tôi thấy các tiến sĩ học ở nước ngoài khi trở về rất được trọng dụng và họ cũng phát huy được thế mạnh của mình.

Các TS “ngoại” không chỉ giảng dạy bằng tiếng Việt, tham gia các chương trình đào tạo liên kết, chất lượng cao bằng tiếng Anh, làm đề tài, viết bài đăng báo quốc tế, mà họ còn tham gia tư vấn thêm cho một số doanh nghiệp.

Vì vậy, cuộc sống cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên, với một khối lượng công việc như ở VN, thì đúng là quá sức tưởng tưởng và có thể các nhà khoa học chưa tìm ra được những công trình lớn có giá trị lớn cho xã hội Việt Nam là như thế. Người giỏi ở Việt Nam không thiếu tiền để sống, nhưng nếu đã là giảng viên, thì tốt nhất là đừng nghĩ đến việc làm giàu hay nghèo.

  • Phạm Hải Hà

"Bắt đầu bằng những bài giảng hay"

Đọc bài viết tôi không đồng tình với quan điểm của anh. Anh là giảng viên của một trường ĐH nước ngoài thì tôi nghĩ anh cũng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Vậy tại sao khi trở về VN, đương đầu với những khó khăn mới anh lại lùi bước ?

Tôi cho rằng, vì anh đã sống ở nước ngoài rất lâu. Anh không thường xuyên cập nhật tình hình và có những mối quan hệ trong nước, và rõ ràng anh đã không chuẩn bị tốt tư tưởng trước khi trở về!

Đúng là VN có rất nhiều những rào cản trong NCKH, trong cách thức quản lý... Nhưng giá như, anh phát huy được những phẩm chất vượt khó mà anh rèn luyện được ở nước ngoài thì tôi tin anh cũng sẽ tìm thấy chỗ đứng của mình ở VN.

Tôi không hiểu sao khi sang nước ngoài học, tôi chỉ thấy mọi người nói chuyện về những khó khăn, những bất cập ở VN. Người đi càng lâu năm càng nghĩ nhiều đến tiêu cực ? Nói cho thực tế thì chẳng mấy người muốn về cả!

Điều tôi muốn nói là bản thân anh cũng chỉ nên nghĩ và làm những điều nhỏ đã. Anh hãy bắt đầu bằng những bài giảng hay, những kiến thức hữu ích anh thu lượm được để truyền đạt cho sinh viên. Anh hãy nghĩ tới gia đình và những người xung quanh xem có thể giúp gì được họ trước đã. Anh chưa cần thiết phải suy nghĩ hoặc bức xúc với việc thay đổi cơ chế hay đại loại những điều lớn lao. Đó là công việc của toàn xã hội.

Anh hãy tin rằng, những cơn sóng nhỏ như anh, như của rất nhiều người đang một lòng hướng về tổ quốc rồi sẽ có một ngày làm nên sóng lớn.

  • Bình An (Hải Phòng)

Cơ hội để bạn phát triển tài năng ở VN có rất nhiều

Là một người có bằng tiến sĩ, đã học tập và làm việc nhiều nơi cả trong và ngoài nước tôi có thể khẳng định rằng:

Cơ hội để bạn phát triển tài năng ở VN có rất nhiều, vấn đề là bạn có khả năng nhìn thấy nó hay không thôi.

Quanh ta, có hàng tỷ thứ để bạn có thể đóng góp cho đất nước ở đẳng cấp tiến sỹ mà bạn đang có đó. Hãy cố nhìn thấy mà tận dụng đi, đừng có đưa cái “Tôi” quá lớn của mình ra, và chỉ nghĩ đến những điều viển vông ở đâu đâu.

Tiền ở VN rất nhiều, cơ hội kiềm tiền có ở quanh ta chỉ cần bạn có một chút “tư duy” thì việc bạn là một tiến sĩ kiếm đủ tiền một cách hoàn toàn hợp pháp để trang trải cuộc sống và lo việc học hành cho các con không có gì khó khăn và cũng không mất quá nhiều thì giờ. Bạn cũng còn nhiều thời gian để làm những việc bạn yêu thích khác nữa.

Đất nước VN còn nghèo, môi trường và điều kiện làm việc chưa thể bằng các nước châu Âu tiên tiến và Mỹ, nhưng cơ hội để cho bạn không phải là không có. Bằng chứng là trên đất nước này, hàng ngày có hàng triệu con người vẫn đang miệt mài làm việc và không ít người trong số đó vừa có bằng tiến sĩ đồng thời cũng là những người rất giàu có đóng góp rất nhiều cho xã hội. Vì vậy, hãy thể hiện đẳng cấp của mình đi, nếu không tấm bằng tiến sĩ mà bạn đang có cũng chỉ là “hão” mà thôi.

  • Việt Tiến (TP.HCM)
  • Sơn Khê (Tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,