13 tuổi chinh phục Everest là lòng đam mê và sự quyết tâm được đáp trả hay sự hiếu thắng của "bệnh thành tích"? Câu chuyện Jordan Romero đến từ California, Mỹ, vừa chinh phục "nóc nhà thế giới" đang là tâm điểm tranh cãi của giới mê leo núi và cả những ông bố bà mẹ quan tâm tới chuyện hun đúc nhiệt khí cho những đứa con để làm điều khác lạ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gây dựng thành tích đáng nể từ năm 9 tuổi
Jordan Romero
Gia đình Romero đã có ý định chinh phục 7 đỉnh núi cao nhất thế giới từ mùa hè năm 2005.
Khi đó, cậu bé Jordan mới chỉ có 9 tuổi và đã leo qua 5.895m để chạm đến đỉnh của dãy Kilimanjaro ở Tanzania.
Sau đó, cậu tiếp tục chinh phục Kosciusko ở Australia, Elbrus ở Nga, Aconcagua ở Argentina và McKinley ở Alaska.
Để chuẩn bị cho cuộc chinh phục đỉnh Everest, Jordan và bố đã luyện tập với những chiếc lều thiếu oxy để làm quen với môi trường ở độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển.
Bố cậu từng chia sẻ với CNN rằng mình tự tin với quyết định, để tiết kiệm khoản tiền 65.000 đô la Mỹ thuê một người dẫn đường chuyên nghiệp. “Chúng tôi biết khi nào nên quay trở lại và khi nào nên đi đường vòng.”
Cảm hứng để cậu bé phi thường này quyết tâm chinh phục những thử thách gian nan đó đơn giản chỉ là nhờ một bức tranh vẽ 7 ngọn núi cao nhất được treo trên tường ở trường học.
“Tôi đã nói với bố về chuyện đó và bố đã không phản đối. Ông chỉ giảng giải cho tôi về những khó khăn sẽ gặp phải và những gì tôi cần phải làm. Và chúng tôi bắt đầu luyện tập từ lúc đó.” – Jordan kể.
Hành trình của bố mẹ
Ông Drake – bố Jordan cho biết, từ khi học lớp 4, cậu đã muốn chinh phục được những đỉnh núi cao nhất thế giới của mỗi lục địa.
Bố mẹ chính là những người cổ vũ nhiệt tình nhất cho ước mơ này của Jordan. Họ đã dạy con trai đi xe đạp và đi bộ đường dài từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, cả hai người đều chưa từng có kinh nghiệm leo núi cho đến khi Jordan quyết định thực hiện ước mơ của mình.
“Chúng tôi đã nói rằng ‘Được thôi! Chúng ta sẽ bắt đầu luyện tập". Lúc đó, tôi nghĩ rằng thằng bé chưa từng đạp xe quá hai dặm.” – bà Drake chia sẻ.
Bà cùng với một người bạn của mình đã cho Jordan đi bộ từ một địa điểm cách nhà 6 dặm. Ban đầu thằng bé rên rỉ và khóc suốt, song lúc đi xuống thì nó đã muốn tiếp tục luyện tập.
Bà nói với BBC: “Thằng bé rất trầm tính và kiên quyết. Nó sẽ không lên đó để chấp nhận mất mát".
Gia đình Jordan. |
Học kỳ này, Jordan đã đăng ký chương trình học độc lập để có thời gian chinh phục Everest và còn mang theo cả sách Đại số và một vài bài tiểu luận trong hành lý của mình.
“Jordan sẽ có cả thời gian nghỉ ngơi trong lều, vậy nên không có lý do gì để không mang theo những cuốn sách!”
Còn bố cậu cho hay, sẽ đưa con trai mình đi khắp thế giới, cố gắng để dành cho thằng bé sự giáo dục tốt nhất, những trải nghiệm cuộc sống tuyệt vời nhất. "Tôi cho rằng, đó là trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ.”
Chỉ là chuyện điểm 10 của luận văn tiến sĩ
Tuy nhiên cái mà Jordan gọi là "giấc mơ đã thành hiện thực" này lại đang gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng những người leo núi chuyên nghiệp.
Trường hợp của cậu là đề tài nóng trên blog của dân leo núi. Một vài người lo ngại, liệu một cậu bé 13 tuổi có thể hiểu hết được những nguy hiểm sẽ phải đối mặt trên đỉnh núi cao đã lấy đi mạng sống của hơn 200 nhà leo núi này không.
Ông Todd Burleson – người đã từng dẫn đường trong 8 cuộc hành trình chinh phục Everest, đồng thời là người thành lập Trường dạy leo núi Alpine Ascents International cho biết:
“Cậu bé đã dành tất cả thời gian của mình để leo lên đỉnh Everest. Là người trẻ nhất chinh phục được ngọn núi này có vẻ như là một cái gì đó rất nổi trội và đình đám. Tuy nhiên, điều đó không nói lên được tình yêu dành cho những ngọn núi. Nó giống như là bạn đang cố gắng để đạt được điểm 10 trong luận án bảo vệ tiến sĩ mà thôi.”
Ông cho rằng, gia đình Romero đã có một quyết định không bình thường khi chọn con đường phía bắc ở bên Trung Quốc để bắt đầu cuộc chinh phục bởi con đường đó nhiều chông gai hơn và cũng là nơi thu hút những người bán dụng cụ leo núi có ít kinh nghiệm hơn phía nam Nepal.
Ngoài ra, chuyên gia leo núi hàng đầu này còn cho biết rằng cho dù cậu bé đi và về an toàn thì vẫn có thể phải đối mặt với những nguy hiểm về não sau một chuyến đi dài ngày như vậy. Đã có các bằng chứng cho thấy hiện tượng suy giảm hệ thần kinh trong môi trường ở độ cao lớn. Chụp cắt lớp thấy rằng, khối lượng não nhỏ hơn sau khi leo núi Everest.
Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Tây Ban Nha chỉ ra rằng những hành trình gian nan như vậy có thể gây hại cho thùy não trước – nơi giúp con người lập kế hoạch, tập trung và đưa ra những quyết định phức tạp.
Doug Fields - nhà nghiên cứu cấp cao tới từ Viện y tế quốc gia Mỹ nói rằng với một cậu bé 13 tuổi thì phần não đó vẫn còn đang phát triển. Nhiều nhà leo núi đã bị suy yếu khi trở về sau những chuyến đi. Họ gặp những vấn đề về không gian và khó khăn trong việc tập trung.
Tuy nhiên, bố cậu bé chỉ ra rằng chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh được độ cao cực điểm có thể gây hại đến sự phát triển của não. Tiến sĩ Fields nói lập luận này là đúng, song các nhà khoa học chưa hề nghiên cứu vấn đề này ở những người leo núi trẻ tuổi như Jordan. Mới chỉ có một vài người trẻ chinh phục được Everest trong những năm gần đây – trong đó có một cậu bé người Mỹ 17 tuổi và một cô bé người Nepal 15 tuổi.
Muốn thay đổi tương lai béo phì? Hiện tại niềm hân hoan của Jordan đã tạm gác lại để nhường cho những ngày được nghỉ ngơi sau một chuyến đi đầy gian nan. |
-
Nguyễn Thảo (Tổng hợp)