- So với năm 2009, lượt hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ qua các sở GD-ĐT (kênh thu nhận chủ lực) năm nay giảm đáng kể. Thanh Hóa năm nay giảm tới 14.000, Nam Định giảm gần 10.000 hồ sơ. Các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Ninh Bình, Hà Nam lượt hồ sơ "ảo" giảm từ 20%-30%...
Lệ phí tăng, hồ sơ "ảo" giảm
Chưa tính hai địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh (chuyển hồ sơ qua đường bưu điện) thì số hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ của 25 sở GD-ĐT phía Bắc bàn giao trực tiếp cho các trường sáng nay (5/5), chỉ có duy nhất Sở GD-ĐT Lai Châu tăng 40 bộ so với năm 2009.
Bàn giao hồ sơ thi ĐH sáng 5/5, tại Hà Nội (Ảnh K.O)
24 tỉnh còn lại đều có câu trả lời chung: lượt hồ sơ ĐKDT vào các trường năm nay giảm (Xem bảng phía dưới).
Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT Ninh Bình) Trần Quang Vinh so sánh, nếu như năm trước, tổng số hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ phía Bắc lên đến trên 26.000 thì năm nay giảm xấp xỉ 20%, còn gần 22.000 hồ sơ. Như vậy, số hồ sơ "ảo" giảm gần 4.000.
Năm nay, lượt hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ qua Sở GD-ĐT Nam Định giảm gần 10.000 (năm 2009 là 67.729 hồ sơ). Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên Trần Chiến cho biết, lượt hồ sơ ở tất cả các khối thi đều giảm; trong đó, khối A có lượt hồ sơ đăng ký nhiều nhất với 37.400 hồ sơ; kế đến là khối B với hơn 10.200 hồ sơ; khối D trên 6.000. Chỉ có 2.400 hồ sơ đăng ký thi khối C, con số này so với năm ngoái giảm 500.
Lý giải cho việc hồ sơ ĐKDT giảm mạnh, ông Chiến cho rằng, năm nay lệ phí ĐTDT (từ 40.000 lên 50.000 đồng) và lệ phí dự thi (từ 20.000 lên 30.000 đồng) tăng. Thí sinh thay vì nộp 2 lần như những năm trước thì năm nay phải nộp gộp 2 khoản là 80.000 kèm hồ sơ ĐKDT nên thí sinh cũng có cân nhắc...
Nhờ vậy, trung bình mỗi thí sinh ở Yên Bái năm nay chỉ nộp 1 bộ hồ sơ ĐKDT - ông Vương Văn Phát, Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên (Sở GD-ĐT Yên Bái) nói. Thống kê từ Sở GD-ĐT Hà Nội thì trung bình mỗi thí sinh năm nay nộp 1,9 hồ sơ.
Hầu hết các sở đều có lượt hồ sơ ĐKDT giảm từ vài trăm đến trên 10.000 hồ sơ "ảo". Cụ thể, Sở GD-ĐT Thanh Hóa giảm 14.000 hồ sơ so với năm 2009 (106.000 hồ sơ); Bắc Giang giảm gần 8.000, Hải Phòng giảm khoảng 7.000, Thái Bình giảm 8.000....
Trường "tốp giữa" và ĐH vùng vẫn...đắt hàng
Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia tuyển sinh, lượt hồ sơ "đầu quân" vào các trường tốp 1 năm nay như ĐH Ngoại Thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân...không có nhiều biến động. Điểm đến của thí sinh năm nay vẫn chọn ĐH tốp giữa và ĐH vùng.
Ảnh K.O
Ở khu vực Hà Nội, mấy mùa tuyển sinh gần đây hai trường ĐH Thương mại và ĐH Công nghiệp Hà Nội luôn dẫn đầu về số lượng thí sinh đăng ký. Dự kiến, năm nay cũng sẽ không ngoại trừ khả năng thí sinh đổ bộ thi vào hai trường này.
Danh sách thống kê 5 trường có lượng thí sinh ĐKDT đông nhất của Sở GD-ĐT Nam Định năm nay vẫn có tên Trường ĐH Thương mại, ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ba trường còn lại là ĐH Điều dưỡng Nam Định, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, và CĐ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, so với năm 2009 cả 5 trường đều có tỷ lệ hồ sơ ĐKDT giảm, ông Trần Chiến so sánh. Xu hướng chọn trường của thí sinh năm nay chủ yếu thi khối Kinh tế, kỹ thuật. Ít thí sinh chọn thi khối C.
Còn ở Hưng Yên thí sinh chọn chơi "sân nhà" cho dễ cầm vé vào ĐH. Bởi thế, dẫn đầu danh sách trường có thí sinh ĐKDT đông nhất của Sở GD-ĐT Hưng Yên là Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Hưng Yên.
Thông tin từ một số sở Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Hòa Bình...cho thấy, các trường ĐH địa phương và ĐH vùng năm nay vẫn "đắt hàng". Cụ thể là các trường: ĐH Tây Bắc, ĐH Hùng Vương, ĐH Thái Nguyên, ĐH Nông nghiệp Hà Nội...Những trường này vẫn "hút" thí sinh do điểm đầu vào không cao, vừa sức với những thí sinh có học lực từ 5-6 điểm/ môn là có thể đậu.
Vẫn rối?
Mặc dù, công tác tuyển sinh năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2009 nhưng có một số điều chỉnh khiến việc thực thi rối ngay trong khi bàn giao hồ sơ ĐKDT cho các trường sáng nay.
Theo quy định của Bộ thì tất cả các sở phải có mặt trực tiếp bàn giao hồ sơ và lệ phí tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ cả nước. Thế nhưng, tại khi vực bàn giao của Sở GD-ĐT Thái Nguyên 10 giờ sáng nay, trường "đòi" cả hồ sơ và lệ phí dự thi khối năng khiếu nhưng sở "bảo" chỉ giao hồ sơ ĐKDT....
Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến tổng số hồ sơ ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ năm nay giảm hơn năm trước. Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2009 là 2.125.975 (giảm 3% so với năm 2008). Trong đó, ĐH là 1.565.286 (73,5%), CĐ là 560.689 (26,5%).
Ông Ngô Xuân Mạnh, chuyên viên Phòng Đào tạo Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh phàn nàn: trong quy định nói các trường đến nhận hồ sơ và lệ phí thi của thí sinh tại đây (nơi các sở bàn giao hồ sơ ĐKDT cho các trường ĐH, CĐ phía Bắc) nhưng thực tế, có sở giao đúng nhưng có sở chỉ giao hồ sơ ĐKDT.
Việc thực hiện không đồng nhất như vậy, các trường sẽ phải thêm thủ tục nữa là khi thí sinh đến làm thủ tục dự thi thì mới thu lệ phí thi năng khiếu, ông Mạnh nói.
Ông Đỗ Thanh Duy, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng, một số sở làm như vậy không đúng quy định (thu gộp cả lệ phí ĐKDT và lệ phí dự thi) và gây cách rách cho trường. Như vậy, các trường khối năng khiếu sẽ mất công thu thêm một lần nữa.
Cũng theo quy định thì các sở phải có mặt để trực tiếp bàn giao hồ sơ ĐKDT cho các trường ĐH, CĐ khu vực phía Bắc. Thế nhưng, tại buổi bàn giao tại Hà Nội sáng nay, nhiều trường ĐH nháo nhác hỏi nhau địa điểm bàn giao hồ sơ của Sở GD-ĐT Nghệ An và Sở GD-ĐT Hà Tĩnh. Cho đến khi hội trường chật ních người, tài liệu, hồ sơ....cũng là lúc "loa" phát đi từ một đại diện của Bộ GD-ĐT thông báo: hai sở không đến mà chuyển hồ sơ cho các trường qua đường bưu điện.
Công tác bàn giao hồ sơ ở những sở có số lượng hồ sơ ĐKDT ít thì được "giải phóng" rất nhanh, nhưng có một số sở như Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh...đến hơn 10 giờ vẫn người chen người mong đến lượt.
-
Kiều Oanh
Sở GD-ĐT
Hồ sơ đăng ký 2010
Giảm so với 2009
Thái Nguyên
27.632
gần 4.000
Điện Biên
7.351
giảm 1.428
Cao Bằng
9.940
giảm 2.060
Tuyên Quang
9.689
giảm 2.000
Hòa Bình
9.449
giảm 1.651
Lào Cai
8.000
giảm trên 2.000
Lai Châu
2.696
tăng gần 40 hồ sơ
Lạng Sơn
14.000
giảm gần 3.000
Hà Giang
6.663
tương đương
Bắc Kạn
4.531
giảm 762
Quảng Ninh
25.853
giảm khoảng 6.000
Thanh Hóa
92.000
giảm 14.000
Sơn La
14.000
giảm 4.000
Hưng Yên
35.000
giảm 3.000
Nam Định
57.439
giảm gần 10.000
Hà Nội
160.000
giảm
Hải Dương
43.380
giảm trên 10.000
Bắc Giang
57.480
giảm gần 8.000
Vĩnh Phúc
22.000
giảm gần 30%
Hải Phòng
44.368
giảm khoảng 7.000
Phú Thọ
22.699
giảm gần 4.000
Hà Nam
22.000
giảm 20%
Thái Bình
53.508
giảm 8.000
Ninh Bình
21.931
giảm gần 20%
Yên Bái
10.289
giảm 20%