Sau 4 năm (từ năm 2006), mái tóc “Người đương thời” đã bạc nhiều. Đỗ Việt Khoa có lẽ không phải là “người hợp thời” bởi quá cô độc trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực.
Cô con gái nhiều lúc đã không dám nhận là con bố Khoa, người vợ có lúc như phát điên, định bế con đi khỏi nhà…
Câu hỏi “được gì, mất gì” đối với Đỗ Việt Khoa lúc này thật chua chát…
Đằng nào cũng bị đuổi việc…
Thời điểm nào anh bắt đầu nghĩ đến chuyện xin nghỉ việc?
Là thời gian gần đây.
Tôi đã từng gửi đơn tố cáo các sai phạm và liên tiếp yêu cầu Sở, Thành phố hoặc Bộ giải quyết theo pháp lệnh nhưng Sở Giáo dục chưa bao giờ giải quyết. Họ không cho tôi kết luận thanh tra đã đành, nhưng cũng không bao giờ có một quyết định hành chính nào xử lý các sai phạm mà Sở đã kết luận là đúng và sai.
Giả sử tôi là người tố cáo sai, tôi cũng mong Sở làm rõ, kể cả việc ra định kỉ luật tôi, nhưng Sở không ra một quyết định nào hết, mà hoàn toàn làm ngơ.
Tại sao tôi xin nghỉ việc? Không phải tôi đầu hàng, mà đến lúc này tôi muốn tiến lên cũng không được, lùi cũng không xong.
4 năm qua, tôi bị xếp vào diện ”không hoàn thành nhiệm vụ”, 3 năm nay không được nâng lương. Chịu đựng sự trù dập như thế mấy người chịu nổi? Nhưng tôi đã kiên nhẫn để yêu cầu cấp trên làm rõ trắng – đen.
Giờ tôi cũng thấy “đấu tranh” chán quá rồi, không “đấu” được nữa. Nhưng muốn xin chuyển trường thì theo quy định của Sở, giáo viên phải hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Theo pháp lệnh công chức thì 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị thôi việc.
Vậy, tôi sẽ khó chọn con đường nào?
Anh đã đi dạy gần hai mươi năm và rất tâm huyết với nghế giáo. Lúc này, anh cảm thấy thế nào?
Tôi rất tiếc vì những gì tôi nghĩ phải làm để môi trường sư phạm trong sạch hơn thì giờ rơi vào ngõ cụt. Đấu tranh phải có người nào giải quyết, nhưng hiện nay gửi đến mấy cái đơn lên Sở rồi đơn nằm yên đó, không được xem xét thì phải?.
Do đó tôi nản và có suy nghĩ “đằng nào người ta cũng đuổi việc mình, thì thôi nghỉ trước đi…”.
Tôi đã sống đúng lòng mình
Sau 4 năm đấu tranh chống tiêu cực, anh thấy mình được gì và mất gì?
Tôi chịu vô cùng nhiều áp lực. Ngay trọng vụ 2006 rất căng thẳng rồi, và tiếp tục từ đó đến nay đấu tranh chống các tiêu cực của ngành giáo dục. 4 năm qua tôi thấy rắn rỏi lên, vững vàng lên, có suy nghĩ và quyết định khẳng khái, sẵn sàng nói và làm quyết liệt hơn, chứ không phải gặp tiêu cực là nhẹ tay với nó.
Câu hỏi được gì, mất gì đối với tôi lúc này là chua chát vô cùng.
Cái được lớn nhất là tôi sống đúng lòng mình. Tôi đã sống đúng lí tưởng mà tôi đã được dạy dỗ khi còn đi học.
Việc tiêu cực thi cử đã được chấm dứt phần nào. Sau 4 năm cuộc vận động 2 không, tôi thấy không còn việc đi giải bài tập thể, ném bài tập thể nữa.
HS thấy tỉ lệ trượt tốt nghiệp nhiều ở các khóa trước, nên các em lo lắng và chăm học hơn trước nhiều.
Cái trăn trở lớn nhất là không có cách nào chấm dứt được mấy tệ nạn của giáo dục hiện nay. Chẳng hạn như tình trạng loạn thu từ ở phổ thông lây lên đại học.
Tệ nạn cưỡng bức học thêm, và sự lãng phí trong giáo dục đào tạo. Chẳng hạn như việc HS phải học nghề và thi nghề, lãng phí và không hiệu quả.
Nhưng vợ con anh đã phải chịu quá nhiều sức ép. Khi viết một bài luận ở lớp, con anh đã viết rằng gia đình của cháu không hạnh phúc, khi ra đường, cháu cũng không dám nhắc đến bố?
(Im lặng…)
Không cậy là “Người đương thời”
"Câu hỏi được gì, mất gì đối với tôi lúc này là chua chát vô cùng". |
Nhiều người cho rằng sau vụ tố cáo tiêu cực thi cử năm 2006, anh nên dừng lại. Nhưng vì anh vẫn tiếp tục, nên thậm chí bây giờ dư luận họ cũng không tin anh?
Đúng, đây là điều có thật. Nhưng tôi không chỉ vì bản thân mình, nếu tôi vì bản thân mình để bảo vệ danh dự thì ngay vụ 2006 tôi lập tức dời khỏi ngành GD Hà Tây cho nó trọn vẹn.
Nhưng có lẽ số tôi vất vả. Ra đường thấy sự bất bình thì lên tiếng… (cười)
Nếu rời bỏ trường này là bất đắc dĩ chứ không phải tôi thích bỏ.
Quay trở lại với câu hỏi “được gì, mất gì”, tôi thấy rằng cái mất kinh khủng nhất là rất nhiều người đồng nghiệp, học sinh khi gặp tôi nói một kiểu, sau lưng nói kiểu khác. Không ai dám lên tiếng.
Về tâm lí, thì tôi cảm thấy mất niềm tin.
Phải chăng cái danh “người đương thời” đã tạo ra áp lực đối với anh, như là một sự kích thích khiến anh tiếp tục muốn là người hùng?
Điều đó không đúng, tôi là người khiếm thính, rất lười giao tiếp, không làm chức vụ gì. Ai yếu thế thì tôi lên tiếng, HS oan ức thì tôi bảo vệ.
Chỉ có điều vụ việc 2006, một số người cho rằng Đỗ Việt Khoa hoắng huýt, cậy mình là người đương thời…
Cái danh “người đương thời” chỉ là 1 việc báo chí đã đưa lên để chứng thực việc đấu tranh chống tiêu cực thi cử đã thành công. Chứ tôi không được gì cả, danh hiệu đó không bảo vệ gì được tôi cả.
Tôi không nghĩ là có gì ghê gớm, mà tôi chỉ là một giáo viên bình thường.
|
Anh có đặt vị trí ở góc độ một phụ huynh, nếu có con học không khá, mà việc chống tiêu cực khiến quyền lợi của con họ bị ảnh hưởng?
Thực ra, nhiều người mong muốn, kể cả tiêu cực đi nữa, các thầy làm thế nào cho con tôi đỗ tốt nghiệp, đóng tiền như thế chứ đóng gấp đôi, gấp ba cũng đóng, gian dối mấy cũng làm…
Nhưng đối với sự phát triển của đất nước thì không thể chấp nhận sự gian dối đó.
Không ai toàn diện, trong mỗi con người đều có mặt xấu mặt tốt. Một lãnh đạo cũ của anh nói rằng anh tố cáo quá nhiều chuyện vụn vặt, mà nó đã là thực trạng chung rồi. Anh có nghĩ mình là người có suy nghĩ quá tiêu cực không?
Tôi nghĩ cái gì đáng đấu tranh thì đấu tránh, cái gì không thì thôi. Những cái bé thì không cần nêu ra, nêu cái lớn thôi.
Nhưng có những cái đối với tôi là lớn rồi. Có thời điểm 73 HS bỏ học, thì đâu phải là nhỏ.
Chẳng lẽ nếu đã là thực trạng chung, thì chỉ những sai phạm riêng Vân Tảo có thì mới tố cáo?
Sau khi thôi việc, anh sẽ làm gì?
Tạm thời tôi sẽ giúp đỡ vợ chăm sóc, dạy 2 đứa con cho tốt. Phụ vợ đi chụp ảnh, cài đặt máy tính, internet. Sau đó, tôi sẽ đi tìm việc làm.
-
Kiều Oanh - Lan Anh (Thực hiện)