Chính phủ Anh cần xem xét đóng cửa những trường đại học hoạt động không hiệu quả để tránh ảnh hưởng tới chất lượng và danh tiếng của các ĐH hàng đầu ở nước này, theo tiến sĩ Richard Lambert, Tổng Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đề nghị này được được đưa ra trong một bài phát biểu gần đây tại ĐH Sheffield, với mục đích giảm chi phí và đồng thời cho phép các trường ĐH “ngoại hạng” đươc tăng học phí để đảm bảo chất lượng đào đạo.
Tiến sĩ Richard Lambert, tổng giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI).
Đề nghị này xuất hiện vài tuần sau khi chính phủ Anh công bố kế hoạch cắt giảm 200 triệu bảng ngân sách giáo dục ĐH. Đây được coi là một phần của chính sách cắt giảm chỉ tiêu công cộng mà chính phủ Anh đang triển khai.
Tiến sĩ Lambert cho rằng, hiện tại, chỉ một số lượng nhỏ trường ĐH ở Anh đang gặp những khó khăn về vấn đề tài chính, nhưng về lâu dài, đây sẽ là một vấn đề lớn nếu như không có những biện pháp giải quyết hữu hiệu. Vì thế, ông cảnh báo chính phủ sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn để bảo vệ danh tiếng của nền giáo dục ĐH Anh quốc.
“Có thể sẽ gây ra một cú sốc về mặt chính trị, nhưng việc đóng cửa hay sát nhập những trường ĐH hoạt động không hiệu quả sẽ hữu ích nếu xét về mặt kinh tế. Hơn nữa, những trường có chất lượng không tốt có thể làm ảnh hưởng tới danh tiếng trên trường quốc tế của các trường ĐH hàng đầu”, tiến sĩ Lambert nói.
Hiện tại, nước Anh có khoảng 150 trường ĐH. Bốn trường ĐH, bao gồm Cambridge, London, Oxford và Hoàng gia thuộc nhóm 10 trường ĐH học danh tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ có 8 trường ĐH của nước này lọt vào danh sách 100 trường ĐH danh tiếng nhất thế giới.
Cambridge, một trong 4 ĐH học của Anh lọt vào top 10 ĐH danh tiếng nhất thế giới.
Vì thế, tiến sĩ Lambert cho rằng chính phủ Anh cần xem xét cho phép những trường ĐH hàng đầu được tăng học phí.
Ông nói: “Nếu muốn nâng cao tính cạnh tranh của các trường ĐH trên thị trường giáo dục quốc tế, chúng ta cần tìm gia giải pháp hữu hiệu giúp các trường ĐH cải thiện được tình hình tài chính.
Rất nhiều trường ĐH đã đề nghị mức học phí 3.250 bảng/năm cần phải được tăng lên nữa. Các trường ĐH có thể đòi tăng mức học phí tương đương với các trường ĐH hàng đầu ở Mỹ, với mức cao nhất vào khoảng 20.000 bảng/năm.
Trong bài phát biểu của mình, tiến sĩ Lambert bức xúc về thực trạng những học sinh có hoàn cảnh khó khăn có rất ít cơ hội được học đại học.
Theo một cuộc điều tra mới đây, khoảng 2/3 các trường ĐH ở vùng kinh tế kém phát triển không tuyển đủ sinh viên theo chỉ tiêu đã đề ra. Bên cạnh những khó khăn về kinh tế, tiến sĩ Lambert cho rằng các trường ĐH không tuyển đủ chỉ tiêu một phần là do chất lượng giáo dục phổ thông ở Anh bị giảm sút trong những năm gần đây. Bằng chứng là gần ½ học sinh không vượt qua kỳ thi GCSE, một trong những điều kiện để học sinh nộp đơn vào ĐH.
“Khoảng 16% số học sinh không thể tốt nghiệp phổ thông, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới. Đáng lo ngại là phần lớn những học sinh không thể tốt nghiệp đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều này gây ra một sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực”, tiến sĩ Lambert.
Cũng liên quan tới vấn đề cải cách giáo dục ở Anh, ông Lord Browne, cựu chủ tịch tập đoàn năng lượng BP, đang xem xét lại hệ thống chính sách hiện tại của các trường ĐH ở Anh. Dự kiến, ông sẽ đưa ra một loạt những đề nghị trong những tháng tới. Những kiến nghị này có thể sẽ tập trung vào các vấn về học phí, các khoản vay ưu đãi cho sinh viên và vấn đề trợ cấp.