28 tuổi, tốt nghiệp 2 trường đại học và có một bằng thạc sĩ, Hoa cũng đang làm phó phòng của một trung tâm nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đến giờ cô vẫn chưa có một “mảnh tình vắt vai”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Bây giờ Hoa đã có nhiều thứ. Bằng cấp vài tấm, công ăn việc làm khá ổn. Nhưng nỗi buồn lớn nhất của cô hiện nay là gia đình liên tục nhắc nhở chuyện chồng con. Cô thường nói với những người bạn, người thân trong gia đình rằng: “Lấy chồng làm gì cho khổ, một mình làm, một mình ăn cho sướng!”
Nói vậy nhưng trong bụng Hoa cũng khát khao có một mái ấm gia đình. Song hình như điều ấy đối với cô trở nên xa vời.
Đầu năm ngoái, sau nhiều đắn đo, cân nhắc Hoa dũng cảm đến đăng ký tham gia một câu lạc bộ kết bạn. Trong phiếu khai yêu cầu, Hoa đề nghị câu lạc bộ chú ý giới thiệu cho cô những bạn trai tuổi khoảng ba mươi, có công ăn việc làm ổn định, có nhà cửa đàng hoàng, lịch sự, ga lăng, có học vị thạc sĩ trở lên. Đặc biệt Hoa không muốn làm dâu, nghĩa là cô chỉ muốn yêu và lấy những anh nào sống độc thân, hoặc nếu có thì bố mẹ ở xa.
Một tuần sau câu lạc bộ giới thiệu cho Hoa một người con trai có gần đủ các tiêu chuẩn như cô mong muốn, nhưng cô chê anh ta vì lần đầu tiên hẹn gặp, anh ta không đi giày mà lại đi xăng-đan, trông quê quê.
Lần thứ hai, Hoa từ chối gặp một anh là tiến sĩ ở một Viện nghiên cứu, có căn hộ chung cư, thu nhập tàm tạm, nhưng mỗi tội nói ngọng. Buổi gặp đầu tiên Hoa đã cười phá lên khi anh ấy hỏi: “Đợt nũ nụt vừa rồi, nhà em có bị sao không?”.
Mấy lần sau, câu lạc bộ chú ý giới thiệu cho Hoa những người Hà Nội gốc, kinh tế khá giả, tác phong lịch sự, dáng cao ráo, mặt mũi sáng sủa, nhưng cô chê họ là dân buôn bán, không cùng đẳng cấp với cô.
Nhiều lần giới thiệu bạn trai cho Hoa không thành công, người của câu lạc bộ trở nên ngao ngán mỗi khi thấy Hoa đến. Có lần họ đã nói khéo rằng: “Chỗ các chị chỉ có những đối tượng chán lắm, không phù hợp với em. Hay là em cứ nghỉ một thời gian, khi nào có anh kha khá, bọn chị sẽ nhắn cho em!”.
Hoa không muốn nghỉ, mà xin hạ tiêu chuẩn xuống, không yêu cầu bằng cấp, miễn là trông tàm tạm là được. Nhưng rồi một năm sau cô cũng chưa chọn được anh nào.
Một lần cô làm một người đàn ông bẽ mặt vì đang ngồi bên nhau, cô buột miệng hỏi: “Anh có hay đọc sách không?”. Lần thì cô làm cho một người đàn ông khác giận tím mặt, chỉ vì khi nói chuyện với anh, cô luôn luôn đệm vài từ tiếng Anh. Có lần một người đàn ông đã bỏ cô ở một quán ăn, chỉ vì cô cứ tranh trả tiền ăn với anh ta, đôi bên giằng co khiến khách trong quán tưởng hai người cãi nhau. Cô thản nhiên nói với chủ quán rằng: “Đừng lấy tiền của anh ấy, để tôi trả. Còn anh, không cần phải sĩ diện đâu!”.
Hiện tại, Hoa vẫn là người lẻ bóng. Cô không nản chí, thỉnh thoảng đến câu lạc bộ để xem có đối tượng mới không. Khi rỗi rãi, cô ngồi trò chuyện với các cán bộ câu lạc bộ, lôi hết chuyện gặp anh này đến anh khác ra kể. Cô liên tục kết luận: “Đàn ông nó thấy chị nhiều chữ, nó sợ, nó chạy”.
Là một người gần hai chục năm làm cái nghề “Alô, tôi xin nghe”, đã gặp hàng ngàn lượt khách hàng tư vấn về tâm lý, tôi dám khẳng định rằng cái sự “lắm chữ” phải nâng cao con người lên, khiến cho người ấy trở thành người khéo léo, hấp dẫn, tế nhị, mang lại cảm giác dễ chịu cho người khác khi nói chuyện với mình... mới đáng kính trọng. Còn những người tự nhận mình là lắm chữ, nhưng gặp ai người ta cũng bỏ chạy, cần phải xem lại bản thân mình. Thật ra, đàn ông không sợ phụ nữ lắm chữ, họ chỉ sợ những người “ngộ chữ” mà thôi.
(Theo Phụ nữ Việt Nam)
********************************
Bạn có đồng ý với ý kiến của tác giả? Làm thế nào để những người như Hoa tìm được "một nửa" của mình? Bạn nghĩ như thế nào về hiện tượng các bạn gái lập gia đình muộn?