Mỗi bận, những thước đo giá trị kiểu như Bảng xếp hạng hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index) sắp ban ra, kẻ thức giả Việt lại thấp thỏm. Bất chấp hệ sinh thái ở Việt Nam đang suy kiệt bởi những độc dược kiểu “Vedan”, các nhà thông thái phương Tây dường như vẫn tính toán “chỉ tiêu hạnh phúc” cho các quốc gia khác qua những vầng sương mù bảng lảng trên thành Luân Đôn hoa lệ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những bến bờ hạnh phúc...
Một chỉ số được xem là cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia là Chỉ số phát triển con người HDI (Human Development Index).
Hàng năm, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP phát hành bảng xếp hạng về chỉ số phát triển con người của các quốc gia.
Trong bảng xếp hạng HDI gần đây nhất, Việt Nam đứng thứ 116/182 nước (năm 2006 đứng thứ 114/179 nước). Khoảng 50 nước đứng đầu bảng HDI thường là các nước phương Tây có trình độ khoa học phát triển cao.
Điều cần chú ý của bảng này là Cuba luôn được xếp ở vị trí khoảng 50, trên cả Nga (thứ 73 năm 2006, thứ 71 năm 2009), lẫn Trung Hoa (thứ 94 năm 2006, thứ 92 năm 2009).
Là một nước có trình độ phát triển giáo dục và y tế cao, Cuba không còn là hiện tượng “lạ” đối với những ai thường theo dõi bảng HDI. HDI là bảng xếp hạng thường không có biến động lớn. Các tiêu chí hợp thành chỉ số HDI là sức khoẻ và tuổi thọ, tri thức - học vấn, và GDP bình quân đầu người. HDI còn được gọi là chỉ tiêu “chất lượng cuộc sống”, hay “mức sống”.
Tuy nhiên, HDI cũng bị phê phán quyết liệt là rườm rà, quá phụ thuộc vào GDP, và không coi trọng yếu tố môi trường, không thể hiện trách nhiệm đối với triển vọng của thế giới.
Gần với HDI có Chỉ số Chất lượng cuộc sống (Quality – of – life Index). Ngoài các tiêu chí như ở HDI, chỉ tiêu này còn tính đến các thông số như tỷ lệ ly hôn, đời sống cộng đồng (community life), ổn định chính trị và an ninh, khí hậu và vị trí địa lý, tỷ lệ thất nghiệp, tự do về chính trị, và bình đẳng giới.
Các nguồn cung cấp số liệu đều là các vụ viện trực thuộc các quốc gia phát triển, và Liên Hiệp quốc.
Bảng này, cũng như Chỉ số hài lòng với cuộc sống gần với hình dung của người Việt về “chất lượng cuộc sống”.
Nhưng điều đập vào mắt là Việt Nam (năm 2005 đứng thứ 61/111 nước, ngay sau Trung Hoa) đứng trên hầu hết các nước thuôc Liên Xô cũ, kể cả Nga (đứng thứ 105). Bảng này chỉ có 111 nước vì không tập hợp đủ số liệu cho 58 nước còn lại, hầu như toàn những nước thuộc “đáy” thế giới thứ ba.
Một “thang giá trị” nữa, được xem là đo đạc trực tiếp hạnh phúc là Chỉ số hài lòng với cuộc sống (Satisfaction with Life Index), do giáo sư Adrian White thuộc ĐH Leicester, Anh, sáng lập.
Thang đo hạnh phúc này dựa trên các thông số như sức khoẻ, sự sung túc, và học vấn. Nó được xem là cách đánh giá độc lập với cách “đo hạnh phúc” theo các tiêu chí như GDP, GNP.
Một số nghiên cứu cho rằng Chỉ số hài lòng với cuộc sống là khá hiệu quả để đánh giá sự thành đạt, niềm hạnh phúc trọn vẹn.
Theo đánh giá Chỉ số hài lòng …năm 2006, Việt Nam đứng thứ 95, chính giữa bảng. Mỹ đứng thứ 23, Trung Hoa thứ 82, Nga đứng thứ 167. Bốn nước đứng đầu bảng này đều là các nước Tây Âu ít người. Ba nước cuối bảng thuộc các nước châu Phi có thu nhập thấp.
… thấp thoáng trong màn sương?
Một tiêu chí đánh giá hạnh phúc của một quốc gia được nói đến rầm rĩ ở Việt Nam gần đây có liên quan đến Bảng chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI).
Một nhóm nghiên cứu tư nhân ở Anh (NEF) đã lập ra bảng này, chủ yếu trên các dữ liệu về tiêu hao tài nguyên và tác động của con người đối với môi trường.
Theo bảng xếp hạng HPI năm 2006 của nhóm này, Việt Nam đứng ở thứ hạng cao, thứ 12. Đặc biệt, năm 2009 đột ngột leo lên vị trí thứ 5, dẫn đến hàng loạt báo ở nước này “giật tít”: Việt Nam lọt vào top 5 các nước hạnh phúc nhất thế giới.
Có thể nhận thấy nếu tin HPI, thì nhiều nước mà những người Việt “mình trần mắt thịt” nghĩ rằng không bao giờ phải thở oxy, lại chiếm thứ hạng khá thấp trong bảng xếp hạng năm 2009. Đó là Nga (108/143), Hoa Kỳ (thứ 114) …
Ba năm mới bấy nhiêu ngày …hẳn NEF cần chứng tỏ là think – tank (nhóm tư duy chiến lược), nên thứ tự bảng HPI năm 2009 đảo lộn khá ấn tượng. Nhưng có một điều dường như bất di bất dịch, đó là khoảng 50 nước đầu bảng và dăm ba chục nước “đội sổ” luôn thuộc thế giới thứ ba.
Năm 2006, sau tới 60 nước đang phát triển, Áo là nước phát triển đầu tiên xuất hiện trên bảng HPI (đứng thứ 61/178 nước). Đến 2009 thì các nước giàu bỗng tiến vượt bực về chỉ tiêu hành tinh hạnh phúc, với Hà Lan, (thứ 70 của năm 2006) nhảy lên đứng thứ 43 trên 143 nước… Một trong những cường quốc thời hiện đại là Ấn Độ cũng đại nhảy vọt từ thứ 90 (năm 2006) lên 35 (năm 2009) trên bảng HPI?
Vì Vanuatu và một số đảo quốc và quốc gia ngự trên bán đảo đứng đầu bảng xếp hạng HPI năm 2006,đột nhiên biến mất khỏi bảng, không hiểu có phải là sang những bến bờ cực lạc hơn cả hạnh phúc?
Thay vào đó, ở vị trí thứ nhất là Costarica, mà “tả phù, hữu bật” đều là đại dương cuộn sóng. Rồi tới đảo Dominica, đảo Jamaica, tới Goatemala hai mặt tiếp giáp với biển, rồi tới Việt Nam, có đường biên giới biển chiếm gần hết chiều dài lãnh thổ. Năm 2006 Việt Nam cũng là nước khoá đuôi cho chuỗi 11 nước châu Mỹ Latinh thuộc thế giới thứ ba đứng đầu bảng HPI.
Giải thích về HPI năm 2006 có đoạn viết: “HPI không phải thước đo những nước hạnh phúc nhất trên thế giới … mà là thước đo hiệu quả (khai thác) môi trường lên sức khoẻ cộng đồng của một nước. Một hiệu quả môi trường cao có thể nhận thấy ở một nước tác động lên môi trường ở mức trung bình, và một thể trạng sức khoẻ thể chất và tinh thần (well-being) cao như Costa Rica, hoặc tại một nước có thể trạng sức khoẻ thể chất và tinh thần xoàng xĩnh (mediocre well-being), nhưng tác động lên môi trường còn thấp như Việt Nam".
HPI muốn chỉ ra rằng nơi nào chỉ chú ý phát triển sản xuất thì dân ở đó, mặc dù kinh tế tăng trưởng, không trở nên hạnh phúc hơn:
"Sự trừu tượng chứa đựng trong các lý thuyết kinh tế mà chính quyền các nước này theo đuổi không có điểm gì chung với đời sống người dân. Mức tiêu thụ năng lượng cao và công nghiệp phát triển không làm cho người dân hạnh phúc hơn”.
Ba thông số căn bản để xây dựng HPI là: sự hài lòng của người dân với mức sống của họ, tuổi thọ, và sự bình ổn của môi trường (hay gánh nặng môi trường phải chịu).
Các chuyên gia NEF nói họ coi trọng lượng đất đai cần thiết để đảm bảo thực phẩm đủ dinh dưỡng cho toàn dân, và kết quả vô hiệu hoá chất thải công nghiệp là quan trọng khi tính điểm HPI.
Vì thế không rõ vì sao, trong những nỗ lực, như ở đầu nguồn Hồng Hà và Mê Kông dẫn đến hai con sông này, đóng vai trò sinh tử với Việt Nam và cả Đông Nam Á nữa, đang bị biến thành dần những nguồn phù sa trong quá khứ, NFE lại cho Việt Nam thăng hạng đến như vậy trong bảng xếp hạng HPI? Và mặt trái của quá trình đô thị hoá và công nghiệp hóa kiểu Việt Nam rồi sẽ được tính đến?
"Huyền bí và phi thường" Đánh giá các nghiên cứu quốc tế về hạnh phúc, giáo sư Samuel Brittan, biên tập viên chính của tờ Financial Times, người đạt được nhiều học hàm và nhiều giải thưởng quốc tế, viết trong bài “Hơn cả hạnh phúc". “Những so sánh toàn diện về các nghiên cứu như thế (khảo sát toàn cầu về hạnh phúc) thường đem lại một số kết quả huyền bí và phi thường. Lúc thì Áo là nước kém hạnh phúc nhất phương Tây, với một chỉ số hạnh phúc là 6.51, trong khi Đan Mạch lại hạnh phúc nhất, với chỉ số 8.16. Đến cả Nigeria cũng vượt lên Áo! Rồi Thụy Điển và Phần Lan với thiên hướng tự tử cao lại vượt lên đứng đầu liên minh châu Âu về mặt hạnh phúc. Trong số các nước thuộc Liên Xô cũ Azerbaijan là nước hạnh phúc nhất, trong khi nước láng giềng Armenia lại đứng ở đáy bảng …” |
Bài 2: Hưởng lợi khác hạnh phúc như Cám với Tấm
- Lê Đỗ Huy (Lược thuật)