- "Các sĩ tử trước khi bước vào phòng thi không nên suy nghĩ nhiều. Khi quá căng thẳng, có thể nhìn ra khỏi phòng thi thật xa để làm dịu mắt. Khi làm bài hãy tâm niệm một điều: Tôi làm được..." Đó là lời khuyên của thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thầy giáo Nguyễn Thành Công |
Trước mỗi kỳ thi tuyển sinh, hầu hết các em học sinh (HS) đề chung băn khoăn về cách học ôn và làm bài môn Sinh học dễ ăn điểm. Khi vào học, tôi thường dạy các học trò phải học tập một cách nghiêm túc.
Học tập là một quá trình lâu dài, không thể học trong một sớm, một chiều được cho nên việc học ngay từ đầu là điều quan trọng. Dù rằng việc tự học có vai trò rất lớn, nhưng những kiến thức mà thầy cô giảng trên lớp là nền tảng, vì vậy các HS nên hạn chế nghỉ học.
Giữ sức khỏe và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Đừng ngần ngại hỏi các giáo viên và các bạn về một vấn đề chưa rõ.
Và sau cùng, có kế hoạch học tập, thời gian biểu hợp lý cho từng môn, từng phần. Đấy là một số "vũ khí" các HS cần trang bị trước kỳ thi, còn trong quá trình ôn thi cho kỳ thi ĐH sắp diễn ra thì các em phải là gì?
Nếu HS nào sử dụng thường xuyên các "vũ khí" đã đề cập ở trên thì quá trình ôn thi sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì các em chỉ hệ thống hóa lại kiến thức, chứ không như nhiều HS là học mới kiến thức.
Kiến thức thi ĐH môn Sinh học chủ yếu ở chương trình lớp 12 bao gồm các phần: Di truyền, Tiến hóa, Sinh thái học. Tuy nhiên, HS cần có thêm một số kiến thức ở lớp dưới để có thể hiểu rõ hơn các vấn đề đưa ra trong chương trình lớp 12. Ví như các kiến thức về tế bào học và sinh học vi sinh vật cũng rất quan trọng.
Các em HS cần hệ thống hóa lại toàn bộ những kiến thức mà mình đã có theo sơ đồ ngắn gọn, dễ hiểu, thể hiện rõ được mối liên hệ giữa các thành phần kiến thức.
Mỗi chủ đề học tập sẽ là một mắt xích, nhìn vào mỗi mắt xích trong sơ đồ đó, HS phải trả lời câu hỏi “ta đã chắc chắn về nó chưa và cần bù đắp ở chỗ nào?".
Với các bài toán sinh học, việc tìm ra quy luật là tối quan trọng, giống như tìm ra chìa khóa của vấn đề, khi tìm ra chìa khóa rồi, việc giải quyết vấn đề chỉ còn là thời gian. Để làm được điều này, cần phải nắm chắc các quy luật và hệ thống dấu hiệu của chúng, trong bài tập quy luật di truyền, tỷ lệ đời con là một dấu hiệu rất quan trọng.
Làm hết các bài tập trắc nghiệm có trong SGK. Khi đã chọn được đáp án của bài thi trắc nghiệm phải tạo thói quen lật lại vấn đề: Tại sao chọn đáp án này mà không phải là đáp án kia?
Bên cạnh đó, một việc cũng quan trọng không kém đối với HS ôn thi là nắm chắc cấu trúc đề thi (tham khảo cuốn: Cấu trúc đề thi môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học dùng để ôn thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010).
Để không bị mất điểm lẻ thì khi làm bài thi là phải nắm chắc kiến thức. Tuy nhiên, nhiều trường hợp HS có kiến thức, nhưng vẫn làm bài thi sai, có hai nguyên nhân: Mất bình tĩnh và làm bài quá … tự tin.
Do vậy, khi nhận đề không nên làm ngay mà phải đọc đề để cảm nhân “linh hồn” của đề và lượng sức mình. Bài thi trắc nghiệm có thể có những đáp án gần giống nhau, chỉ sai khác ở một điểm rất nhỏ, nên việc đọc kỹ đề ở từng câu là rất quan trọng.
Sau khi đọc đề một lần, HS sẽ làm bài. Đọc đề lần 2 và bắt đầu làm, gặp câu đã trả lời được ta đánh dấu đáp án, gặp câu khó, còn băn khoăn, ta bỏ qua đến câu kế tiếp cho đến khi hết đề. Sau đó quay lại những câu khó từ đầu. Có thể làm bài thành 3 đợt hoặc hơn, phụ thuộc vào tốc độ làm bài của các em.
Sau cùng, nếu vẫn còn những câu thực sự khó mà chưa biết giải quyết như thế nào, ta có thể dùng phương pháp loại trừ, càng loại trừ được nhiều phương án nhiễu, đáp án của câu hỏi sẽ càng gần.
Với cách làm bài này, tránh cho các em bị mất điểm ở những câu dễ, không sa đà và mất thời gian ở những câu hỏi khó, giữ bình tĩnh cho các em và đây cũng là phương pháp của nhiều HS đạt điểm tuyệt đối môn Sinh học.
Thường không có nhiều học sinh đạt được điểm tuyệt đối môn Sinh học là do chưa có đủ kiến thức ở một phần nào đó, hoặc bị mất bình tĩnh, hoặc làm bài quá nhanh và ẩu? Cho nên đối với HS, cần giữ được tự tin, nhưng làm bài phải hết sức cẩn thận, suy xét từng lựa chọn để đưa ra đáp án chính xác.
Vì vậy, học môn Sinh không nên “học thuộc lòng” mà phải tìm về căn nguyên của vấn đề, tìm hiểu mối quan hệ giữa các vấn đề. Do vậy, khi đi thi việc nắm vững kiến thức nền tảng Sinh học giúp cho HS ứng dụng vào việc trả lời những câu hỏi thậm chí HS chưa gặp bao giờ.
Lời khuyên dành cho các thí sinh trước khi bước vào phòng thi là không nên suy nghĩ nhiều trước khi nhận đề tránh làm căng thẳng. Khi quá căng thẳng, có thể nhìn ra khỏi phòng thi thật xa để làm dịu mắt, nhất là nhìn vào các khoảng xanh. Trước khi làm bài hãy tâm niệm một điều: Tôi làm được.
Việc học bài và làm bài môn Sinh học không có “bí kíp”, đơn giản là cách học bài, ôn tập bài một cách khoa học, giữ bình tĩnh và làm bài cẩn thận, phương pháp làm bài hợp lý trong khi thi sẽ đạt được điểm cao.
-
Nguyền Hiền (Ghi)