- Không nên cực đoan, suy nghĩ vấn đề một chiều. Đây là điều nhiều bạn thường thiếu. Nói đơn giản như việc rán bánh. Nếu chỉ để rán một mặt, để mặt còn lại trắng, không biệt lật, rán mặt còn lại thì bánh sẽ không ngon, không đẹp mắt” - Thủ khoa ĐH Ngoại thương 2009 Mai Thị Thanh Tâm với 8,5 điểm môn Ngữ văn chia sẻ kinh nghiệm gặt điểm cao cho môn này trong kỳ thi ĐH.
Cùng với Thanh Tâm, dưới đây là kinh nghiệm của thủ khoa khối C, ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, Vũ Thị Phương, (9 điểm) và một thủ khoa khối D khác của ĐH Ngoại thương là Bùi Thị Minh Trang (8,25 điểm).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vũ Thị Phương: Viết nháp để tránh quên ý
Vũ Thị Phương |
Trước hết, các bạn nên hệ thống các bài theo các giai đoạn văn học để nắm một cách hệ thống và khoa học. Đối với một tác phẩm văn học, bạn phải đọc kĩ tác phẩm, nắm được nội dung của tác phẩm, sau đó, nên hệ thống các đề văn liên quan tới tác phẩm, tìm cách giải quyết chúng bằng cách lập dàn ý ra giấy.
Đây là bước tự học rất cần thiết và quan trọng.
Không nên đọc thuộc lòng mà nên học theo ý hiểu của mình. Học theo ý, sau đó học thuộc những dẫn chứng cho ý đó. Việc đọc sách tham khảo là điều rất cần thiết khi học Văn. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng điều đó nhiều quá. Nên tìm đọc những sách của Nxb Giáo Dục vì nội dung các bài bám sát SGK.
Khi làm một bài văn, đặc biệt là bài văn thi ĐH, các bạn nên viết dàn bài ra nháp trước khi làm. Bước này tuy nhỏ, nhưng rất quan trọng nhằm tránh thiếu ý và quên ý khi làm bài.
Thời gian làm bài thi cũng phải được tính toán một cách hợp lý. Việc lập dàn ý cho cả ba câu được làm trước và chiếm khoảng 10 phút.
Điểm khác biệt giữa các bài văn chính ở giọng văn và phần mở rộng.Vì vậy, bạn nên có thêm phần mở rộng để bài văn thêm phong phú và đặc sắc. Khi phân tích cần phải có điểm nhấn. Ví dụ: Khi phân tích tác phẩm Chí Phèo, cần phân tích sâu hình ảnh, chi tiết “bát cháo hành” để tạo ra nốt nhấn cho bài viết của mình.
Phần trích dẫn dẫn chứng, nếu các bạn nhớ không rõ, không nên cho vào ngoặc kép. Điều này vô tình khiến bạn mất điểm với người chấm thi vì “tưởng mình biết mà hóa ra không biết”.
Trong thời gian làm bài 180 phút nên viết khoảng 3 tờ giấy thi là vừa.
Bùi Thị Minh Trang: Không viết tràn lan, sáo rỗng
Bùi Thị Minh Trang |
Chia sẻ về phương pháp học môn này, Trang cho biết: “Mình thường xuyên tập làm các dạng bài văn trong các đề thi ĐH-CĐ năm trước. Tự viết, tự chấm và chữa cho mình.
“Để được điểm cao môn này, quan trọng là bài làm phải có ý, không viết lan man, sáo rỗng. Bài viết nên bố cục theo lối diễn dịch, nêu các ý trước rồi trình bày sau”.
Trong ba câu của đề thi môn Văn, Trang lưu ý: “Ở câu 2, đề thường đưa ra một lời nhận xét, một trích dẫn nổi tiếng,…và yêu cầu bạn nêu chính kiến, quan điểm cá nhân. Câu này dễ viết, nhưng nhiều bạn dễ rơi vào viết tràn lan, viết theo cảm hứng, cách nghĩ một chiều”.
Kinh nghiệm của bản thân Trang cho thấy: “Các dẫn ra các ví dụ, dẫn chứng gần gũi với bản thân, đời thường trong xã hội thì sự thuyết phục người chấm bài sẽ cao hơn”.
Việc cân đối thời gian làm bài cần phải được lưu ý. Trang cho biết: “Mình thường dành 20 phút cho câu 1; 45 đến 50 phút cho câu 2; còn lại thời gian cho câu 3 (câu 5 điểm). Tất nhiên, trước khi làm bạn cần phải vạch các ý cần triển khai, tốt nhất là ra giấy để tránh thiếu ý, sót ý. Khâu này chiếm khoảng 10 đến 12 phút”.
Mai Thị Thanh Tâm: Làm văn cũng gần giống việc…rán bánh
Mai Thị Thanh Tâm |
“Đừng để câu 2, nghị luận xã hội “ngốn” quá nhiều thời gian của bạn. Phần này dễ viết, nhưng được điểm cao lại không đơn giản. Nhiều dẫn chứng được trích dẫn theo kiểu kể lể nôm na, ít dẫn chứng sẽ không “ghi điểm” trong mắt người chấm thi”.
Theo Tâm, việc chăm chỉ đọc báo, xem truyền hình, cộng thêm với vốn sống tích lũy của bản thân sẽ giúp bạn có được dẫn chứng gần gũi với thực tế, càng thời sự thì càng dễ “ăn điểm”.
"Không nên cực đoan, suy nghĩ vấn đề một chiều. Đây là điều nhiều bạn thường thiếu. Nói đơn giản như việc rán bánh. Nếu chỉ để rán một mặt, để mặt còn lại trắng, không biệt lật, rán mặt còn lại thì bánh sẽ không ngon, không đẹp mắt”.
Câu 3 là phần tự chọn. Tâm lưu ý: “Nếu đã quyết định chọn đề nào, bạn cần phải theo tới cùng, tránh tâm lý nửa vời, đi được nửa đường thì chán nản, muốn quay đầu lại chạy theo đường khác. Làm như thế vừa tốn thời gian, vừa khiến bạn rối trí”.
Tâm chia sẻ thêm: “Theo mình,các bạn cũng nên đọc, tìm hiểu cả những bài đọc thêm. Dù không có trong đề thi, nhưng các tác phẩm đó lại nằm trong mối quan hệ với các tác phẩm khác cùng thời kì. Đây là “kho” dẫn chứng thuyết phục và cần thiết khi làm bài”.
Tư duy so sánh, đối chiếu, liên hệ, mở rộng vấn đề là điều Tâm luôn khắc ghi khi làm bài ở môn Văn.
-
Văn Chung