- Trước khi đăng đàn trên Quốc hội báo cáo giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” vào ngày hôm nay, 7/6, bên lềvà ngoài hành lang Quốc hội, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với báo giới nhiều nội dung quanh chủ đề nóng sốt này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Minh họa trên báo Pháp luật TP.HCM. |
"Bộ GD-ĐT phải đấu tranh với chính mình"
"Hơi dễ dãi" là trả lời của ông Thi với các báo trước câu hỏi đánh giá về hiện tượng Bộ GD-ĐT cấp phép cho mở nhiều trường đai học.
Chỉ trong thời gian ngắn đã có rất nhiều trường ra đời, thậm chí theo phong trào từng được ví von: Mỗi địa phương phải đua có ít nhất "một nhà máy đường, một trường đại học". Để xảy ra hiện tượng loạn cấp phép mở trường, Bộ GD - ĐT không chú ý đến quy định và điều kiện đảm bảo chất lượng như: hồ sơ thành lập thì có cam kết chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên nhưng lại không có trên thực tế.
Các báo Tuổi Trẻ, Vietnam Plus, VnEconomy nhấn mạnh đến cơ sở khoa học của báo cáo, nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân trước thực trạng giáo dục đại học yếu kém.
Ông Đào Trọng Thi. Ảnh: Nhân Dân |
Giải thích câu chuyện trách nhiệm, ông Thi nói, trước hết là Quốc hội vì vẫn chưa ban hành được Luật giáo dục đại học. Các văn bản quy phạm pháp luật ở Chính phủ, các bộ, ngành còn thiếu nhiều.
Báo cáo của đoàn giám sát cho hay, số lượng các văn bản đã ban hành chỉ đáp ứng 30-40% so với yêu cầu.
"Còn trách nhiệm cụ thể "vẫn là sự điều hành của Chính phủ và trực tiếp là Bộ GD-ĐT. Tất nhiên, ở đây chúng tôi cũng chỉ ra trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học nữa, năng lực của anh không đáp ứng được nhưng anh cứ chạy theo số lượng, đưa chỉ tiêu tuyển sinh lên cao".
Không đi sâu vào mổ xẻ nguyên nhân, Pháp luật TP.HCM và Giáo dục Thời đại nhấn vào các giải pháp.
Trên Pháp luật TP.HCM, ông Thi khẳng định không thể chấp nhận thực trạng ồ ạt mở trường, tuyển vượt chỉ tiêu trong khi điều kiện giảng dạy chưa đủ sẽ khiến xã hội phải trả giá vài thế hệ sinh viên.
Ông nói Quốc hội đã sửa Luật Giáo dục theo hướng tăng cường hậu kiểm. Hằng năm, đều kiểm tra chặt chẽ rồi mới xét mở ngành, phân chỉ tiêu tuyển sinh. Với khu vực ngoài công lập, chỉ những nhà đầu tư vốn lớn, dài hơi mới cho nhảy vào giáo dục. Với khu vực công lập, tỉnh nào tự lo được kinh phí thì mới cho mở trường, không chấp nhận việc mở trường xong lại xin trung ương hỗ trợ.
"Ngay cả Chính phủ, Quốc hội tới đây cũng phải điều chỉnh lại cách ban hành các chỉ tiêu KT-XH. Không đặt chỉ tiêu bao nhiêu sinh viên trên vạn dân nữa, mà phải là bao nhiêu người lao động được qua đào tạo và đạt yêu cầu chất lượng".
Mạch trò chuyện với tiêu đề "Lãnh đạo nền đại học: Tự huyễn hoặc, di hại nhiều năm" dẫn đến điều mấu chốt "Bộ GD-ĐT phải đấu tranh với chính mình, đây là cuộc đấu tranh nội bộ".
Muốn hết "đại học vì tiền", phải tăng tiền cho đại học
Có một điều trùng hợp thú vị, 3 tờ báo Đảng, mỗi tờ đều dành ít nhất 2 kỳ đề cập tới câu chuyện chất lượng giáo dục đại học vài ngày hoặc trong ngày diễn ra sự kiện Quốc hội thảo luận về báo cáo giám sát này.
Đặt vấn đề "Lối ra và lối lên ở đâu cho chất lượng giáo dục đại học", Hà Nội Mới cho hay, bậc đào tạo này vẫn thiếu "thước đo chất lượng".
Với "thước đo ngoại" là các bảng xếp hạng ĐH của một số tổ chức nước ngoài, các trường ĐH Việt Nam chẳng lấy đâu ra dữ liệu mà tham gia. Còn với thức đo nội là "kiểm định chất lượng giáo dục đại học" thì còn đang ở dạng thử nghiệm, chậm và sơ sài. Còn thước đo chung là "thị trường lao động" thì giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cho đến nay vẫn...chưa hài lòng về nhau.
Báo Nhân Dân giới thiệu "trong quá trình thực hiện quyền giám sát tối cao về giáo dục đại học, đoàn giám sát của Quốc hội đã phát hiện nhiều vấn đề rối ren, từ việc thành lập trường ĐH, suất đầu tư cho đến chất lượng đào tạo đang ngày càng xuống cấp so với chuẩn Việt Nam, mặc dù chuẩn này đưa ra là rất thấp so với chuẩn các nước trong khu vực và quốc tế".
"Chúng ta đang ngày càng bỏ xa cái mức chuẩn đã đưa ra đó, chỉ vì chạy theo số lượng’ - ông Thi nói với báo Nhân Dân như vậy, còn phó của ông, GS Nguyễn Minh Thuyết "vạch" cụ thể hơn với Người Lao Động rằng"Giáo dục đại học chỉ vì tiền".
Cả ông Thi, ông Thuyết một thành viên đoàn giám sát khác - GS Phạm Phụ - khi được hỏi về giải pháp để sửa chữa cho "nền giáo dục vì tiền" này đều đồng ý với ý tưởng "tăng tiền cho đại học".
Trên báo Sài Gòn Giải Phóng có 2 kỳ phỏng vấn GS Phạm Phụ với chủ đề những "những tồn tại kìm hãm phát triển giáo dục đại học.
Khi bàn về "suất đầu tư" và công bằng xã hội, GS Phụ khẳng định "đầu tư thấp thì đừng đòi hỏi chất lượng "và đề xuất tăng mức đầu tư cho sinh viên lên gấp 2 lần hiện nay, với chi phí đơn vị cho mỗi sinh viên hàng năm khoảng 1.200 USD.
Còn trên báo Giáo dục Thời đại, sau khi giới thiệu nhiều lựa chọn cho câu hỏi về "kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng" với các phương án như "đối với trường đã thành lập, cứ theo quy định mà siết lại", "những ngành không đủ điều kiện không cho đào tạo nữa", bài báo đi đến giải pháp tăng học phí.
Ông Thi lý giải: "Phải chấp nhận giá thành cao hơn, không thể hy sinh chất lượng để chạy theo số lượng". Ông giải thích thêm rằng, dù có thực hiện nghiêm túc, thì giá thành đào tạo ở nước ta cũng quá thấp. Ở Mỹ, chi phí đào tạo mỗi sinh viên là hàng chục nghìn USD/năm, nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 300 USD.
Ông Thi cũng "nói đỡ" rằng Bộ GD-ĐT vừa qua đã giao chỉ tiêu không đúng năng lực nhà trường, giờ chỉ cần siết cho đúng lại.
Theo dự báo của ông, nếu làm nghiêm túc thì sau 5 năm sẽ chấn chỉnh được chất lượng giáo dục đại học."10 năm thì sợ quá dài, người ta quên mất. 5 năm cũng không quá “sốc”, phù hợp với việc lập kế hoạch, nhiệm kỳ lãnh đạo" - ông nói.
-
Hạ Anh (Tổng hợp)
Giáo dục đại học: Bức tranh đáng báo động: Trường đào tạo chất lượng cao chi phí nhiều hơn, không khuyến khích họ làm theo chất lượng đã đành, mà nếu làm chất lượng lại thiệt hơn, nên cuối cùng các trường không chạy theo chất lượng mà chỉ chạy theo số lượng mà thôi.
Giáo dục đại học vì tiền Đây là một thực trạng nhưng không ai chịu thừa nhận. Việc tăng quy mô bất kể điều kiện đào tạo, tăng sĩ số trong lớp lên quá lớn... đã thể hiện rõ động cơ lợi nhuận. Người quản lý hoặc không nhận ra hoặc cố tình không nhận ra.
Chất lượng giáo dục đại học: Lối ra và lối lên ở đâu? Ba trục chính của nền GDĐH là hiệu quả, chất lượng và công bằng xã hội. Ba cái trục này lại được đặt trong bối cảnh hiện nay của đất nước và xu hướng toàn cầu hóa thì trở nên hết sức phức tạp.
Chấp nhận giá cao để có nguồn nhân lực chất lượng Phải chấp nhận giá thành cao hơn, không thể hy sinh chất lượng để chạy theo số lượng. Cần gì những SV đào tạo ra không đủ chất lượng, tốt nghiệp ĐH không bằng học CĐ, TC. Điều đó là có hại cho xã hội, là cung cấp sản phẩm “dởm” cho xã hội.
Đại học – Những tồn tại kiềm hãm phát triển Trong những điều kiện tương tự như ở Việt Nam, chính sách học phí thấp chính là cách “lấy thuế của dân chúng cấp thêm cho người giàu”.
Cần giải thể một số trường đại học Hi vọng Bộ GD-ĐT quyết tâm và mạnh tay giải thể một số trường đã thành lập mười năm, hơn mười năm rồi mà chưa xây dựng được cơ sở vật chất, không có khả năng đảm bảo chất lượng hoặc là những trường có vi phạm nghiêm trọng.