- Su-che-bi, Jay Chou, Angela, Elizabeth...những cái tên gọi líu cả lưỡi đang được các cặp vợ chồng trẻ đặt cho con. Mốt sính tên ngoại đang nở rộ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Vắt óc” nhớ tên của cháu
Cái tên nghe rất “Hàn” và được vợ chồng chị Lan ưng ý lại khiến ông bà nội vất vả “vắt” trí nhớ mỗi khi cần gọi tên cháu.
Xu hướng đặt tên cho con theo kiểu Hàn, Tây, Tàu... đang phổ biến ở Việt Nam (Ảnh mang tính chất minh họa). |
Đã từng du học tại Hàn Quốc nên khi mang thai đứa con đầu lòng, chị Lan luôn ấp ủ con mình phải có cái tên thật “Hàn”. Khi con ra đời, cái tên trên giấy khai sinh ông bà nội đặt là Nguyễn Hoài Anh nhanh chóng bị quên lãng vì cái tên Su-che-bi Hoài Anh vợ chồng chị đặt cho con.
“Mỗi lúc nghe ai hỏi tên con, tôi tự hào khi nói với họ con tôi tên Su-che-bi Hoài Anh” - chị Lan chia sẻ.
Kết cục là hai vợ chồng chị Lan phải dở khóc dở cười bao lần khi ông bà nội bé Hoài Anh từ quê lên thăm. Ông nội trí nhớ kém, nhớ được chữ nào thì gọi chữ đó nên lúc gọi “Su”, lúc gọi “Bi”. Bà nội càng khiến hai vợ chồng chị Lan “méo mặt” khi cứ “Su Chè”, khi “Chè Bí”, khi lại “Bí ơi!”...
Thậm chí khi làm thôi nôi con ở một nhà hàng sang trọng, anh chị cũng ghi thiệp mời “Thôi nôi bé Suchebi Hoài Anh” làm ai cũng tưởng chồng chị là người Hàn Quốc. Cho con học trường mẫu giáo Quốc tế nên anh chị càng tự hào về cái tên Su-che-bi đã đặt cho con vì như thế mới “hợp thời”, mới “quốc tế”.
Việc đặt tên con mang hơi hướng Hàn Quốc không phải hiếm gặp. Trường hợp của chị Thu Hiên (TP. Đà Nẵng) cũng khá phổ biến. Do quá mê xem những bộ phim truyền hình Hàn Quốc nên khi có con, chị cũng đau đầu để đặt tên ở nhà cho bé. Sau nhiều lựa chọn thì cái tên Jay Chou (tên một diễn viên Hàn) được chọn.
Khổ nỗi tên thật của bé là Hân nên khi nghe chị gọi Jay Chou (Dân-chu), bạn bè chị cứ tưởng bé tên Dân cộng với cái miệng chúm chím nên gọi yêu là “Dân chu”. Chỉ đến khi nghe chị giải thích, mọi người mới té ngửa.
Hết “Angela” tới “Elizabeth”
Không “sính ngoại” kiểu Hàn Quốc, gia đình chị Thủy Tiên (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) lại thích đặt tên con sao cho thật “Tây”. Lúc con ra đời, chị Tiên cùng bà ngoại vô cùng tâm đắc gọi con là “Angela”.
Cái tên thật “Mỹ Linh” chỉ được biết trên giấy tờ. Hàng ngày trò chuyện với con, chị Tiên vẫn gọi là “An-rê-la”. Thế nhưng, đến khi bé Linh biết đi, mỗi lần có việc gì cần gọi con gấp, chị Tiên lại gọi: “La ơi!”. Có khi chị gọi là “Rê-la ơi!”.
"Mốt" dùng tên ngoại quốc đặt cho con đang được ưa chuộng trong các gia đình trẻ hiện nay. Ảnh: Minh Quyên |
Trong khi đó, bà ngoại của Gia Linh, người khởi xướng đặt tên này lại gọi loạn xạ. Lúc thì gọi là “An-rê-la”, lúc lại gọi “An-dê-la”, nhiều khi âm “An” còn đổi thành âm “Ăng”...
Bà con xung quanh mỗi khi vào thăm nghe chị Tiên gọi con là “An-rê-la” cứ ngường ngượng. Nhưng theo cách giải thích của chị Tiên, “rồi cả xóm sẽ đặt tên con kiểu Tây giống tui cho coi” đủ hiểu chị rất tự hào với cái tên của con mình.
Bạn của chị Tiên, chị Hiền cũng bắt chước đặt tên “Tây” cho con. Thấy cái tên “Elizabeth” dễ thương, chị nói chồng đặt tên con như thế. Với cái tên này, chị càng khó gọi hơn nhưng vẫn thích thú vì tên con mình... không giống ai.
Thế là cái tên thật “Bảo Ngân” chỉ được xem là tên trên giấy... thay bằng cái tên rất “Tây”. Cũng may, bé Ngân chỉ mới vài tháng tuổi. Chứ đến lúc bé bắt đầu tập nói, nhớ và nói được cái tên “cúng cơm” của mình thật chẳng dễ tí nào. Vì ngay cả người lớn, lưỡi không líu, cũng đã thành... líu khi gọi những cái tên như thế này.
-
Diệp Đan - Minh Quyên