Là dự án do một nhóm sinh viên khoa Quốc tế, đại học Hà Nội thực hiện trong một môn học mang tên “Quản lý dự án”, Sound of light đã tổ chức thu âm được 21 quyển sách nói dành cho các em bị khiếm thị, hỗ trợ giúp cho các em học tập tốt và dễ dàng hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bắt đầu từ một môn học
“Sound of light” gồm 4 thành viên Trần Thanh Thúy, Nguyễn Thu Hà, Quách Ngọc Lan, Trần Hồng Lê, tất cả là cựu sinh viên khoa Quốc tế học trường Đại học Hà Nội. Năm 2009, khi các thành viên của nhóm đang là sinh viên năm thứ 4, với môn học “Quản lý dự án” đã bắt đầu cho ý tưởng của Sound of light. “Quản lý dự án” là môn học yêu cầu sinh viên phải tổ chức một dự án thực sự: các bước chuẩn bị, điều hành, quản lý đánh giá khi thực hiện một dự án…Khi dự án được đưa ra, có 5 nhóm tham gia xây dựng dự án và “Sound of light” được đánh giá là khả thi nhất.
Kế hoạch của nhóm bước đầu đã phần nào được hoàn thành, nhưng điều khó khăn nhất là kinh phí. Và chính cô Lê Thị Hồng Vân – giảng viên của môn học, đã cấp cho cả nhóm một phần kinh phí để thực hiện dự án. Chị Trần Thanh Thúy - trưởng dự án tâm sự: “Thực ra ý tưởng thu âm sách cho các em bị khiếm thị đã có từ 2,3 năm trước nhưng bọn mình chưa có điều kiện thực hiện. Sự ủng hộ của cô Vân là nguồn động viên và cổ vũ lớn nhất giúp bọn mình bắt đầu dự án”.
Thành viên của Sound of light: Nguyễn Thu Hà, Quách Ngọc Lan, Trần Thanh Thúy (Từ trái sang - ảnh Thanh Trang) |
Để cho dự án áp dụng vào thực tế một cách thiết thực nhất, phù hợp với yêu cầu của người dùng, trước khi bắt tay vào thu âm, cả nhóm đã tham vấn ý kiến từ chính các em thuộc trường Nguyễn Đình Chiểu, các thầy cô. Nhóm đã tham vấn từ chính các anh chị khiếm thị: Anh Khúc Hải Vân, chị Đào Thu Hương…và các nhóm đã làm sách nói trước đây như “Niềm tin”, “Tình nguyện trẻ”…Sau đó Sound of light thiết kế phạm vi và loại sách sẽ thu âm. Qua điều tra, nhóm quyết định làm sách tham khảo. Bởi lẽ, sách thu âm về truyện cho các em thì nhiều nhưng tài liệu học tập thì rất hạn chế.
“Các em ở trường Nguyễn Đình Chiểu chỉ có một bộ sách nổi sách giáo khoa. Mà sách nổi thì rất đắt, lại cồng kềnh, muốn nhân bản cũng rất khó. Cái chính là nó rất đắt. Một trang sách đã là hai nghìn đồng”- chị Thúy chia sẻ. Anh Khúc Hải Vân, một người khiếm thị làm cố vấn cho dự án cho biết, một bộ sách giáo khoa lớp 6, khoảng 30 quyển là 6 triệu. Nếu chuyển thành sách nói thì chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều và cái chính là việc học tập của người khiếm thị cũng dễ dàng hơn.
21 quyển sách nói cùng 500 bản sao cho người khiếm thị
Qua điều tra tại trường Nguyễn Đình Chiểu, cả nhóm nhận thấy việc học tập của các em rất khó khăn bởi các em chỉ có một nguồn duy nhất là sách giáo khoa, sách tham khảo rất ít. Để khắc phục, các em thường nhờ bạn, người thân đọc lại sách, mình nghe hiểu và tiếp thu. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào người nhà các em cũng có thời gian để giúp đỡ việc này nên các em được tiếp xúc với sách tham khảo là việc rất khó.
Trong vai trò là đối tác, anh Khúc Hải Vân chia sẻ: “Tôi đánh giá rất cao vai trò của bạn Thúy nói riêng và cả nhóm nói chung. Các bạn có thái độ rất trọng thị, lắng nghe mọi ý kiến, phản hồi để có thể đưa ra phương pháp tốt nhất”. Một minh chứng cho sự trọng thị đó là trong sách nói của Sound of light, phần mục lục được đưa lên đầu tiên. Nó theo đúng trực quan của người khiếm thị, giúp họ biết trong sách có những gì để việc tìm kiếm thông tin được thuận lợi.
Sau ba tháng thu âm và một tháng sửa chữa, 21 quyển sách nói tham khảo môn Văn và tiếng Anh cùng 500 bản sao được hoàn thành. Tổng kinh phí là 60 triệu từ sự hỗ trợ của cô Vân, quỹ Lê Hoàng Foundation, Đoàn sinh viên Phật Quang, và IDEA Vietnam…Trong bốn tháng liên tục chạy dự án, cả nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Trưởng nhóm tâm sự: “Vấn đề đầu tiên gây bực mình nhất chính là sách người ta luôn viết cho người sáng mắt nên có những chỗ diễn đạt, những câu chữ rất khó để cho người khiếm thị hiểu được. Có những cột những bản để diễn đạt thành lời cho các bạn hiểu là không hề dễ dàng”. Bởi vậy, cả nhóm phải chuyển cách diễn đạt lại toàn bộ để cho việc thu âm tốt nhất, người khiếm thị nghe sẽ lập tức hình dung được vấn đề. Những dấu mũi tên được chuyển thành suy ra, mô tả bảng cần nói rõ để họ có thể nắm bắt được cái bảng đó có bao nhiêu cột, bao nhiêu hàng…
Việc lựa chọn các tình nguyện viên thu âm cho dự án cũng không mấy dễ dàng. Nhóm muốn sách nói sẽ được thu đồng nhất bằng giọng Hà Nội chuẩn. Có rất nhiều tình nguyện viên đến thử giọng, qua lựa chọn những bạn không bị nói ngọng, nói lắp, nhóm tổ chức tập huấn cho các bạn rồi sau đó mới bắt đầu thu âm thực sự. Giọng đọc phải diễn tả được ngữ điệu, có sự giao tiếp với người nghe. Các tình nguyện viên cùng những thành viên trong nhóm phải rất nỗ lực bởi sự eo hẹp về thời gian, thiếu phòng thu hoặc có những phòng thu không đảm bảo chất lượng âm thanh. Có những khi chạy chương trình, cả nhóm phải làm cả đêm.
Sound of light trao tặng sách cho các em trường Nguyễn Đình Chiểu |
Những tấm lòng cùng tỏa sáng
Sau những nỗ lực không ngừng, hiện giờ nhóm đã phần nào thành công. “Khi bắt đầu dự án, chúng tôi thực hiện nghiêm túc như một công việc. Nhưng khi bắt tay vào làm, mình cảm thấy say mê nó và có tình cảm với nó. Khi thực hiện ở điều tra ở trường Nguyễn Đình Chiều, chúng tôi thấy có nhiều em đã phải bỏ học vì không thể theo được chương trình. Sao không có cách nào giúp các em có thể tự học? Chúng tôi làm sách với mong muốn cho các em có cơ hội được học tập. Có lẽ chỉ cần giúp các em được tiếp cận với sách nhiều hơn thì cũng đã cho các em cơ hội tự làm chủ ít nhất là việc học của mình”, chị Thúy, trưởng dự án, tâm sự.
Hiện cả nhóm đang chờ phản hồi để chỉnh sửa và ra đĩa đợt hai. Nhóm cũng dự định sẽ tải những phần thu âm lên mạng để phạm vi tiếp cận đối tượng người khiếm thị của Sound of light lớn hơn. Đồng thời cũng phát triển nhiều đầu sách hơn. “Khi một sản phẩm đã làm ra và đến tay một cộng đồng nhỏ. Tất yếu nó có sức lan tỏa đến cộng đồng lớn, còn sức lan tỏa thế nào hãy để thời gian và cộng đồng trả lời cho Sound of light. Đó sẽ là thước đo chính xác nhất cho cả nhóm xem thực sự sản phẩm đó có phải là sản phẩm hữu dụng hay không”.- Anh Khúc Hải Vân nói.
Những quyển sách nói của Sound of light là âm thanh mang lại tri thức và ánh sáng cho người khiếm thị. Và chính tấm lòng của tất cả những người đã nỗ lực thực hiện dự án này cũng là một ánh sáng khác mang đến cho người khiếm thị, ánh sáng của những tấm lòng nhân ái.
-
Thu Trang – Thanh Thanh