- Bên ngoài điểm thi của một trường CĐ về nghệ thuật tại Hà Nội, những câu chuyện của các phụ huynh về niềm đam mê, khát khao của con mình cứ kéo dài, kéo dài mãi, tưởng như không có hồi kết.
TIN LIÊN QUAN |
|
---|---|
|
Hi sinh đời bố
Bác Minh năm nay 52 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An. Hai vợ chồng làm công chức Nhà nước, cả tháng tổng thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng. Ngày xưa đi bộ đội rồi làm ăn kinh tế, mãi 33 tuổi, bác mới lập gia đình.
Bác tâm sự: “Bằng tuổi mình, người ta có cháu nội ngoại, tay bồng tay bế cả. Còn mình, đứa bé mới lên 5. Cháu gái lớn năm nay mới đi thi ĐH”.
Phụ huynh ngồi đợi con phía bên ngoài cổng trường thi (Ảnh: VNN). |
Bác kể, cậu con trai cứ "xểnh ra là hát. Ở thị trấn, nhà ai có đám cưới lại mời cháu đến biểu diễn văn nghệ góp vui. Tiền ít thôi nhưng cháu thích vì được thể hiện mình trước đám đông (cười). Cơ quan làm lễ tổng kết này nọ kiểu gì cũng mời cháu tham gia”.
Con ở trên hát, còn bố ở phía dưới quan sát thái độ của mọi người: “Xem họ có thích nghe cháu hát hay không để còn quyết (cho con thi vào trường nghệ thuật)?”
Cái Hương, con bác tính xin nhà thi vào một trường nghệ thuật phía Nam nhưng bác gàn, bảo khó lắm. Nằn nì mãi rồi bác cũng thuận cho con đăng kí vào ĐH Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội và trường CĐ này. Khốn nỗi hồ sơ đăng kí vào ĐH Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội em lại tích nhầm vào chuyên ngành đòi hỏi phải có bằng Trung cấp mới thi lên được.
Thi tốt nghiệp THPT xong một cái, hai vợ chồng hùn được gần 20 triệu, bác vội vàng cho con ra Hà Nội tìm lớp học âm nhạc cấp tốc ngay. “Mấy triệu mua cho cháu cây đàn organ, tiền học, thuê trọ, đi lại, tính tới giờ, hai bố con ở Hà Nội gần 1 tháng, số tiền kia cũng tạm hết”.
Gần giống với trường hợp bác Minh, mẹ con cô Hà quê Lào Cai xuống Hà Nội từ hôm 28/6 đến giờ, cũng gần cả tháng. Cộng gộp tất tật cả khoản học hành của con, ăn uống, ngủ nghỉ, ước cũng hết gần 20 triệu. "Nhà buôn bán lặt vặt, cũng khó khăn nhưng đành “bấm bụng” vì các con thôi”.
Có củng cố được đời con?
“Hương học kém. Nó sợ nên không đăng kí trường nào ngoài mấy trường năng khiếu này cả” – Bác Minh cười buồn cho biết.
Tự biết sức của con, muốn “thi đỗ vào trường này cũng khó lắm, chả chắc được”, nhưng như bác vẫn thường nói với mọi người: “Cháu nó đam mê. Mình là phụ huynh, cũng chẳng muốn cấm đoán, để cháu tự lựa chọn. Năm nay không đỗ thì về nhà, tiếp tục ôn, năm sau thi tiếp”.
Theo đuổi con đường nào cũng vậy, nhất là nghệ thuật lại càng vất vả và đầy gian truân (Ảnh: Hương Giang). |
Không như Hương, cả ba đợt thi tuyển sinh ĐH-CĐ con cô Hà đều tham gia. Cô cho biết: “Khối A và C cháu đều thi vào trường ĐH Công đoàn mà toàn ngành thấp điểm nhất. Còn kết quả chắc cũng chỉ trên 5 dưới 10 ba môn thôi (cười)”
Cùng ngồi trên mép tường trước cổng trường thi, cạnh cô Hà là một cô Hoa quê ở Quảng Ninh, có con gái thi chuyên ngành Múa. Cô cho biết: “Kinh tế nhà mình chỉ thường thôi. Cháu nó có chút năng khiếu về tổ chức sự kiện và ca hát. Thỉnh thoảng đi hát ở các đám cưới với tổ chức một số sự kiện cho cơ quan mẹ”.
Rồi giọng cô như trầm xuống: “Cố lần này! Nếu cháu thi không đỗ năm nay thì cho nghỉ, ở nhà đi làm rồi lấy chồng…
Nghệ thuật hay con đường nào trải bước trên hoa hồng?
Cách đó một quãng, phía gần lòng đường là Dũng, quê Hải Dương sinh năm 1990, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia. Hôm nay, Dũngđưa anh trai cậu bạn đi thi. Trước Dũng cũng thích hát hò, đã từng học đàn organ từ nhỏ nhưng lại chọn thi vào hệ Trung cấp về trống vì hiện tại “cửa” khi ra trường về chuyên ngành này còn khá rộng.
Em tâm sự: “Học hành ở trường vất vả lắm. Hết giờ học trên lớp, về kí túc xá, ít nhất cũng phải thêm 3-4 tiếng nữa luyện. May mà em ở kí túc xá, gần khu luyện tập của trường nên có điều kiện rèn thêm. Chứ về phòng muốn tập tành sợ ồn, chỉ làm trống kiểu cao su, nho nhỏ, gõ cho đỡ nhớ thôi”.
Dũng cho biết thêm: “Học đã vất, khi ra trường, muốn đi biểu diễn phải sắm đồ biểu diễn. Mà muốn có bộ trống “ra hồn” phải rơi vào khoảng 60 triệu. Nhưng nói vậy chứ, học cái này có thể vừa học vừa làm được, thu nhập cũng khá. Mỗi buổi biểu diễn, 2-3 tiếng cũng kiếm được 400.000 đồng - 500.000 đồng. Bạn bè em, một số anh chị học ở các trường nghệ thuật, có người một tháng kiếm cả chục triệu là thường”.
Và theo cậu, điều đầu tiên phải có đam mê, chăm chỉ luyện tập, và cả đôi chút may mắn nữa mới mong thành công được. Là dân tỉnh lẻ, gia đình lại khó khăn thì càng phải cố nhiều hơn nữa.
-
Văn Chung