- Nhiều bậc ông cha ta hẳn đã từng được đọc kịch bản “Con chim xanh” (L’oiseau bleu) khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Một thế kỷ trôi qua từ ngày vở kịch được công diễn lần đầu, nhưng hôm nay, kiệt tác này của nhà soạn kịch được giải thưởng Nobel văn học Maurice Maeterlinck như vẫn đồng hành cùng các bạn trẻ đang mưu cầu hạnh phúc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hành trang lên đường hạnh phúc hôm nay?
Các nhân vật trong vở kịch "Con chim xanh". |
Đầu thế kỷ XX, Maeterlinck đã để cho cậu bé Tyltyl và cô bé Mytyl lên đường với các con thú và đồ vật trong nhà đã được nhân cách hoá.
Đó là các phúc thần Chó, Bánh mỳ, Đường, Sữa, Lửa và Nước và thần Mèo. Hướng đạo cho họ, được bà Tiên uỷ nhiệm, là Nữ thần Ánh sáng Mặt trời, một ẩn dụ về Tri thức. Bảo bối mà bà Tiên trao cho Tyltyl là chiếc mũ có gắn kim cương, có tác dụng tựa như tàu siêu tốc, vì Tyltyl và Mytyl là con nhà nghèo, không có giày.
Con chim Xanh sẽ là liều thuốc chữa bệnh cho đứa cháu đau ốm của bà Tiên, nhưng cũng sẽ mang lại hạnh phúc, quyền năng và hiểu biết cho toàn nhân loại.
Ở đầu thế kỷ 21 này, các cô các cậu lên đường đi thám hiểm các thế giới khác để tìm Con chim Xanh cần mang thêm những gì?
Trước hết, có lẽ các em cần mang thêm … tính hài hước. Khoảng 30 năm nay, các chuyện vui, tranh vui, tranh phê bình … dường như biến mất khỏi sách báo của người lớn và nhất là của trẻ em.
Các mục tiếu lâm trên báo gần như gồm toàn chuyện dịch, đa số trong chúng không thể gây cười nổi, hoặc vì khác biệt văn hoá, hoặc được dịch quá vụng.
Dường như các thế hệ mới đã không còn biết đùa một cách vừa hóm hỉnh, thông minh, vừa trang nhã. Một cách nghịch lý, chỉ thấy các trò đùa ác, sự nhạo báng, cách pha trò thô thiển, thậm chí tục tằn.
Còn khả năng tự trào như một biểu hiện văn hoá cao gần như không được di truyền. Người Việt trở nên quá nhạy cảm với những gì có tính chỉ trích, hơi tý là nghĩ đến vũ lực. Vậy nên mang theo sự khôi hài như vũ khí tự vệ để giải toả những tình huống xung đột (muốn vậy cần phải rất thông minh, nhanh trí), và làm giảm stress.
Mang thêm tính hài hước và bỏ lại cái cười trừ. Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng |
Cũng cần mang thêm muối. Vì muối không là biểu hiện của tình cảm, mà còn là cứu tinh trong gian khổ.
Khổ đau, nghèo đói, hay đúng hơn là cảm nhận về chúng, chính là một tài sản của dân tộc Việt Nam. Mang theo ký ức đau thương của dân tộc, nhiều em sẽ dễ hoà nhập nhất là ở chặng đầu của "hành trình tìm hạnh phúc": đến Vương quốc của Ký ức và Thành trì bóng đêm.
Các em không nên mang theo cái “cười trừ” của Việt Nam, vì sẽ phải biết từ chối kiên quyết và lịch sự khi tới Chốn Khoái lạc. Thay vào đó, là từ “cám ơn” theo cả hai nghĩa chân thành và mỉa mai, và từ “xin lỗi” theo cả hai nghĩa, là tạ lỗi, và ngược lại, là “đáng tiếc” …
Các em cũng suy nghĩ xem có nên mang Sữa của Việt Nam đi không? Trên bao đề là sữa tươi nhưng để mấy ngày trong điều kiện nóng ẩm như Việt Nam mà không lên men. Một sản phẩm thiếu trung thực không thể là thần hộ mệnh về sức khỏe cho các em trên đường đi tìm hạnh phúc.
Đến Vương quốc của Ký ức và Thành trì Bóng đêm
Đường đến Vương quốc Ký ức của trẻ em Việt chắc gần hơn trẻ em nhiều nước trên thế giới, vì gần như nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên.
Trẻ em Việt, khác với một số dân tộc cũng thờ tổ tiên, được ăn đồ cúng sau khi hương tàn, coi như được hưởng lộc. Quả là giống với Tyltyl và Mytyl, ngồi ăn tối với ông bà đã quá cố và những người họ hàng đã về thế giới bên kia. Nhưng “con chim xanh” hạnh phúc của Vương quốc Ký ức lại biến thành màu đen khi thần Ánh sáng xuất hiện … Thông điệp này cũng hợp với Việt Nam.
Hành trang tìm hạnh phúc: -Mang theo: Sự hài hước và muối - Bỏ lại: Cười trừ |
Nhưng nếu quả thực có thế giới âm, thì “trần sao âm vậy”, tổ tiên sẽ phải làm lụng cật lực để kiếm tiền “gửi” cho ta. Người Nhật chẳng hạn, không xin gì từ thế giới âm. Họ chỉ cảm tạ thần linh, tổ tiên đã sinh ra họ.
Có bạn người nước ngoài nói khi thăm khu phố bán vàng mã: “Chắc sẽ cần một thông điệp quốc tế dành riêng cho Việt Nam, vì đã làm tăng hiệu ứng nhà kính”. Buộc phải mong rằng Thiên đường ở đủ xa ta, để khỏi bị nóng lên mỗi ngày rằm, ngày giỗ …
Trong kịch, Maeterlinck đã không để cho Tyltyl và Mytyl mang tiền đi đường sang Vương quốc Ký ức, cũng như các thế giới siêu nhiên khác.
Nhưng hôm nay, người Việt rải đường sang thế giới bên kia bằng những đồng tiền giấy mệnh giá 200 và 500 đồng. Đất nước đã phải chi công của để làm những đồng tiền ấy, và có lẽ chi phí thực còn cao hơn cả giá trị hôm nay của những đồng tiền “mọn” này. Còn những ai hiểu pháp luật thì kinh hoàng, vì tiền là tài sản quốc gia, cần được bảo quản gìn giữ chứ không thể đem đốt hoặc trải lên đường như … tờ rơi.
Có bạn nước ngoài hóm hỉnh: “Bây giờ tôi hiểu vì sao tham nhũng ở Việt Nam được xem là có mặt ở mọi nơi, trong khi ở nước ngoài thì khó nhận thấy hơn. Đó là vì các bạn đem tiền rải khắp đường, khắp chốn …”
Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Dù sao thì cuộc thăm viếng Vương quốc Ký ức của các em hôm nay vẫn cực kỳ có ích, vì có nhà nghiên cứu nước ngoài nói “đọc cả đời không hết những trang sử dựng nước, giữ nước của Việt Nam”.
Trong chuyến thăm Vương quốc của thần Bóng đêm, Tyltyl, được hỗ trợ bởi những giáo huấn của Ánh sáng – Tri thức, dũng cảm đòi mở tất cả các hầm, các ngục nhốt những con ma và chứa các bí ẩn khác của tự nhiên để tìm con chim hạnh phúc.
Mytyl sợ lắm, em đòi thần Đường (nay thành thần Sô cô la – làm dịu những hốt hoảng), đưa về nhà, nhưng thần này và thần Bánh mỳ đều muốn bỏ chạy. Chỉ có Thần Chó là vẫn kiên định giúp Tyltyl, nhưng tình thế không thể thay đổi, những Con chim Xanh của Vương quốc Bóng đêm, đã chết khi về đến hạ giới …
Nhưng hôm nay, nữ thần Bóng đêm dường như không còn ngự trị với quyền năng vô biên. Bà đã không còn giam giữ được những bóng ma của Chiến tranh (khủng bố, bành trướng), của Dịch bệnh (HIV/AIDS …), của Tăm tối dốt nát (tình trạng mù luật, bất chấp luật lệ), và của Sợ hãi. Thần Mèo thì vẫn thông đồng với các thế lực của bóng đêm, kể cả lũ chuột.
Hôm nay chuột nhà, chuột cống đang ở chung với người, đang lấn át con người. Chúng thoát khỏi ranh giới Vương quốc Bóng đêm, xuất hiện cả giữa ban ngày, vì người Tràng An “cho” chúng quyền ấy.
Chuột đang thoải mái reo rắc những tác hại của Bệnh truyền nhiễm - nay không còn là bóng ma mà đã là một hiểm hoạ chí mạng …
Nhưng ánh Sao đêm và Hương thầm của bóng đêm (Perfumes of the Shadow), và cả những giọt sương vẫn thánh thót khích lệ Tyltyl và đồng hành dấn thân vào hiểm nguy để tìm Con chim Xanh hạnh phúc.
Phần 2: Khám phá Rừng đại ngàn, Chốn Khoái lạc và Vườn hạnh phúc
-
Lê Đỗ Huy (lược thuật)