Thử nghiệm ’hai ngày không tin nhắn và Facebook’ tại một trường cấp 2 ở New York (Mỹ) giúp các HS ’nghiện’ nhắn tin lẫn chuyên gia nhận ra nhiều điều thú vị.
TIN LIÊN QUAN
Julia Sokoloff (14 tuổi) thức dậy lúc 8h sáng chủ nhật và với lấy chiếc điện thoại quen thuộc. Cô bé gửi một tin nhắn nói về buổi diễn tập nào đó rồi giật mình. “Khôngggg!”, Julia thét lên, chạy vào phòng Gabriel (11 tuổi) và ném “dế” về phía em trai mình: “Cầm lấy nè nhóc!”
Đây là giờ đồng hồ đầu tiên của ngày thứ nhất trong thử thách hai ngày sống-không-tin-nhắn tại trường Riverdale. Và Julia, nữ sinh lớp 8, đã “rớt đài” chỉ vì quên.
Cuối tháng 4, nhóm nghiên cứu tại ĐH Maryland (Mỹ) báo cáo những sinh viên từng cam kết tránh xa các hình thức liên lạc hiện đại của netizen đã bộc lộ các dấu hiệu giống với những người nghiện ma túy đang cai nghiện. Vậy sẽ có bao nhiêu học sinh trung học xoay sở được trong tình huống tương tự?
Alexandra Steel (giữa), giáo viên môn khoa học của trường Riverdale, trò chuyện với các học sinh hôm 26/4 về trải nghiệm sống không-nhắn-tin. (Ảnh: NYT).
Đến trưa thứ hai 26/4 – tức khi 3/4 thời gian “thử thách” đã trôi qua, một số học sinh được tập họp lại để trao đổi về cảm giác của các em. K C Cohen, nhà tư vấn tại trường công Riverdale – nằm ở khu Bronx, New York City – phát giấy "chấm công" cho học sinh và yêu cầu trả lời câu hỏi: Khi cảm thấy mình muốn nhắn tin/gửi IM/chat, có phải vì em cần liên lạc với ai đó ngay lập tức không? Hay chỉ do nhu cầu xã giao thông thường?
“Do em cần mà!”, Zachary Riopelle – học sinh 13 tuổi lớp 7 – khẳng định và còn gạch dưới câu trả lời. Cuộc thử nghiệm dựa trên ý tưởng của Cohen được tiến hành theo hình thức: yêu cầu học sinh tự nguyện bỏ việc nhắn tin trên mạng, chat, gửi tin nhắn qua ĐTDĐ và đăng nhập vào Facebook từ chủ nhật đến tối thứ hai. “Các em sẽ tìm ra những cách dễ chịu để vượt qua sức cám dỗ của những hình thức kết nối xã hội quen thuộc với thanh thiếu niên ngày nay chứ?”, bà viết trong một email giải thích đầu đuôi câu chuyện được gửi đến phụ huynh.
Tính chất tức thì trong việc nhắn tin giữa cha mẹ và con cái gây ra những ngạc nhiên về mặt giao tiếp, Cohen nhận xét trong một cuộc phỏng vấn, nhưng có vài khía cạnh của kiểu đối thoại điện tử thường xuyên này khiến bà băn khoăn. “Trẻ làm bài kiểm tra tệ và ngay lập tức trốn vào nhà tắm rồi nhắn tin cho ba mẹ”, Cohen nói. “Ở đây không thấy có gì thể hiện cảm xúc. Tin nhắn cứ như miếng băng cá nhân cấp cứu tạm thời”.
Thử nghiệm của Cohen khiến Kayla Waterman, học sinh 12 tuổi lớp 6, phát hiện ra nhắn tin tiện lợi hơn so với mở máy gọi.
Sáng thứ hai, thay vì nhắn tin, cô bé gọi điện thoại cho mẹ để báo có “vài xe chữa cháy ở trường”. Lát sau Kayla gọi lại: báo động giả - chỉ là tập luyện phòng cháy chữa cháy thôi. “Em biết mẹ thấy bực mình vì em cứ gọi liên tục”, Kayla kể. Nữ sinh này thường nhắn tin cho mẹ bao nhiêu lần trong một ngày đi học? Khoảng 10 lần, Kayla trả lời. Một người bạn cũng gật đầu đồng ý với con số đó.
Chủ nhật không-tin-nhắn hôm 27/4, theo các học sinh Riverdale, là một ngày thư giãn “bất thường”. Các cư dân mạng “nhí” rất kinh ngạc về chuyện mình nhanh chóng hoàn tất bài tập về nhà, không phát điên lên vì những cửa sổ chat video vốn luôn mở sẵn, thói quen kiểm tra status bạn bè trên Facebook hay việc hồi âm hàng trăm tin nhắn thường nhận được trong một ngày. Kayla cùng mẹ đi dạo ở SoHo – một buổi đi chơi hiếm hoi mà cả hai chịu rời mắt khỏi máy tính. “Em đã phải tìm chuyện gì đó làm để giết thời gian”, nam sinh tên Zachary kể cuối cùng hai mẹ con chọn đi xem phim.
Trường cấp 2 Riverdale có 250 học sinh và chưa tới một nửa tham gia vào thử nghiệm lần này. Nhưng Julia nhận thấy nó rất có ích. Một trong số những phát hiện sau ngày-bất-thường là phản ứng “ghen tỵ” của bố Julia; ông đã chỉ vào chiếc BlackBerry của mình và bảo con gái: “Bố sẽ đổi bất cứ thứ gì để có thể buông điện thoại xuống!”. Không giống bố, Julia nhận ra cô bé có một lựa chọn mà những người trẻ tuổi khôn ngoan nhất sẽ bắt lấy: tự do.
(Theo Goonline/New York Times)