"Tôi hiếm khi mặc áo trắng mà thường mặc màu tối để sẵn sàng cùng cuốc đất, trồng cây với học sinh", Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hà (Tuyên Quang) chia sẻ.
Tin mới trên VNN:
Hành trình truy tìm những kẻ “kích nổ bom tấn”
Cháy trong khu vực siêu thị Big C Thăng Long
Sĩ tử “vỡ trường thi”, phố tắc hàng cây số
"Tôi hiếm khi mặc áo trắng đến trường mà thường mặc áo màu tối để nếu cần có thể vào cuốc đất, trồng cây với học sinh", Hiệu trưởng Trường THPT Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang chia sẻ.
Gần đây, Dự án THCS 2 (Bộ GD-ĐT) đã tổ chức Hội nghị tập huấn chia sẻ kinh nghiệm triển khai phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" (THTT-HSTC). Tại đây, nhiều ý kiến của đại diện gần 100 trường đã chia sẻ cách xây dựng trường theo hướng thân thiện và tích cực.
Ngôi trường tự lực cánh sinh
Thầy Nguyễn Văn Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hà huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang đã chia sẻ cách tổ chức các cây xanh trong vườn trường cũng như việc chăm sóc vườn ươm để có kinh phí.
Nằm trên một địa bàn miền núi xa xôi, có đến 99% là dân tộc ít người nên tháng 6/2005 huyện đã xây dựng cho trường 14 phòng học - niềm mơ ước của nhân dân nơi đây. Với số học sinh khoảng hơn 400 em, trong đó hơn 100 em thuộc diện hộ nghèo nhưng tự lực cánh sinh, thầy và trò nhà trường đã cùng nỗ lực phấn đấu để tiến tới tiêu chuẩn THTT-HSTC.
Trên diện tích hơn 2 ha, ngoài phần cốt được xây dựng, còn lại đường đi, hàng rào,... thầy và trò cứ phân công cùng hoàn thiện. Từ những buổi chiều, sau giờ học, cả thầy và trò lại cùng nhau đi đổ sỏi để làm đường đi sân trường, rồi làm hàng rào,... đến việc làm khó hơn là tạo một vườn ươm.
Để vươn ươm "sinh sôi nảy nở", thầy và trò học cách ươm cây, chiết ghép cành. Đặc biệt, nhà trường đã tạo được một vườn ươm giống cây bạch đàn, mỗi năm cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Thầy Khanh cho biết, số tiền này dùng để mua quà thưởng cho học sinh nhân dịp tết thiếu nhi.
Chỉ sau 5 năm, đặc biệt 2 năm trở lại đây, thầy và trò Trường THCS Trung Hà đã tạo dựng được cho mình một ngôi trường khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nội dung yêu cầu thứ nhất của phong trào thi đua xây dựng THTT - HSTC.
Song song với việc chăm sóc cho ngôi trường xanh - sạch - đẹp, Trường THCS Trung Hà còn nỗ lực đổi mới cách dạy, cách học để học sinh ham học mà đến lớp. Thầy Khanh chia sẻ, bài học ở đây là làm cho giáo viên hiểu được động cơ, vai trò của mình trong việc đổi mới. Có đổi mới cách dạy, cách đánh giá và làm cho học sinh yêu thích việc học, yêu thích ngôi trường của mình thì việc dạy mới thành công.
Nhờ đó, số học sinh bỏ học của trường đã giảm rõ rệt. Từ hơn 70/750 HS năm học 2006-2007, năm học này chỉ còn 8/467 HS. Thầy hiệu trưởng đã đánh giá, việc học sinh bỏ học không phải do các em nghèo mà chủ yếu là lười và không có động cơ học tập.
Thầy Khanh nhớ lại, trước đây, một tuần mà không có 2 buổi cán bộ, giáo viên nhà trường rong ruổi lên các thôn bản để tìm học trò thì chưa yên. Và thầy cũng nhận ra một điều, nếu không có cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cùng lao vào "màn mưa, màn nắng" cùng các giáo viên thì việc này khó thực hiện được.
Sau 2 năm triển khai THTT-HSTC, bộ mặt nhiều nhà trường đã có sự thay đổi, xanh - sạch - đẹp hơn
Ngoài ra, thầy Khanh cũng chia sẻ cách thành lập các câu lạc bộ giúp đỡ bạn mà nhà trường đã tổ chức rất tốt. Hiện có khoảng 11 câu lạc bộ khoảng 3-4 em ở các thôn bản để các em cùng nhau ôn bài và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Tác động của việc hỗ trợ
Những chuyển biến của phong trào THTT-HSTC không thể không kể đến sự chung sức của Dự án THCS 2. Dự án đã đầu tư cho nhiều nhà trường các phòng học kiên cố cũng như trang thiết bị dạy học để các nhà trường từng bước nâng cao chất lượng dạy học.
Trường THCS Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước lúc trước chỉ có 10 phòng học kiên cố nên thiếu trầm trọng. May thay, năm học vừa rồi trường đã được hoàn tất thêm 6 phòng học do Dự án THCS 2 đầu tư xây dựng. Hiệu trưởng Trương Thanh Bình chia sẻ, những phòng học này nhà trường sẽ dùng để làm phòng học, phòng thư viện, thí nghiệm và phòng vi tính.
Là một huyện khó khăn của tỉnh, với 700 học sinh, dân tộc chiếm hơn 50%, dân trí còn thấp nên việc vận động học sinh ra lớp gặp nhiều khó khăn. Khi thực hiện phong trào THTT-HSTC, thầy hiệu trưởng cũng băn khoăn nhiều điều, như kinh phí để tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, dạy kỹ năng sống... để thu hút học sinh.
Tuy nhiên, trong khả năng của mình, thầy và trò đã cố gắng vươn lên để dạy và học tốt. Tỷ lệ bỏ học đã giảm từ 7% còn 5%; tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng lên (đạt 35%) nhưng tỷ lệ yếu kém không giảm (11%). Đó cũng chính là điều trăn trở của nhà quản lý giáo dục.
Nhưng cũng phải ghi nhận, phát động thực hiện trường thân thiện, ngoài việc cảnh quan nhà trường sạch đẹp hơn thì học sinh Trường THCS Tân Tiến cũng đã có nhà vệ sinh được đầu tư kiên cố, có thêm sân bóng chuyền,...
Trường THCS Bá Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang nhờ Dự án đầu tư cho thêm 2 máy chiếu mà việc dạy cũng thuận lợi hơn. Phó Hiệu trưởng Phan Thanh Cần cho biết, lúc trước trường chỉ có 1 máy chiếu, mỗi khi dạy phải vận chuyển đi lại rất khó khăn nên khi được đầu tư thêm các thầy cô đổi mới phương pháp tích cực hơn.
Đến tham quan lớp tập huấn của các cán bộ quản lý 3 miền, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng đã chia sẻ nhiều điều với những người "đứng mũi chịu sào". Thứ trưởng nhận xét, hơn 2 năm triển khai THTT-HSTC, bộ mặt nhiều nhà trường đã có sự thay đổi, xanh - sạch - đẹp hơn, học sinh bỏ học giảm, chất lượng giáo dục được nâng lên, vai trò của cán bộ quản lý rõ ràng và tích tực hơn.
Tuy nhiên, bà Nghĩa cũng nhận thấy, phong trào chưa có sự đồng đều ở các địa phương và nhấn mạnh đây chính là dịp để các địa phương cùng chia sẻ kinh nghiệm.
"Muốn đổi mới phương pháp thì trước tiên phải nâng cao trách nhiệm của đội ngũ. Đồng thời, các trường cần quan tâm đến vấn đề dạy kỹ năng sống", bà Nghĩa nói.
- Bảo Anh