221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1301362
GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields
1
Article
null
GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields
,

- 12h55, giờ Việt Nam, GS.Ngô Bảo Châu đến từ Mỹ, mang quốc tịch Việt Nam và Pháp đã được trao Huy chương Fields cùng 3 người khác tại đại hội Toán học thế giới 2010, cộng tác viên của VietNamNet từ Hyderabad, Ấn Độ, báo tin.

Chau2.jpg
Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields từ Tổng thống Ấn Độ. Ảnh: BBC

GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Bùi Tuấn
GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Bùi Tuấn

Khán phòng ở Hyderabad rộn tiếng vỗ tay khi tên GS Ngô Bảo Châu được xướng lên thứ hai, sau một nhà toán học Israel, lên nhận huy chương Fields hôm nay, 19/8.

Gia đình GS Ngô Bảo Châu ngồi gần đầu ở hội trường. Mẹ anh, PGS Trần Lưu Vân Hiền tươi tắn trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam. Người cha - giáo sư Ngô Huy Cẩn - trang nghiêm trong bộ vest tối màu.

giadinh.jpg
GS Ngô Huy Cẩn, PGS Trần Lưu Vân Hiền tại "khu vực dành cho gia đình người chiến thắng" tại đại hội (Ảnh chụp từ màn hình tường thuật trực tiếp của đại hội Toán học)

"Xúc động và tự hào đến nghẹn cả tim", Viện trưởng Viện Toán học nói với cộng tác viên của VietNamNet đang có mặt tại Ấn Độ.

"Chúng tôi thường mơ ước là đến một lúc nào đó, có người Việt Nam được giải Fields, nhưng không ngờ, nó lại đến nhanh như vậy. Giá mà các bác Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm còn sống để chứng kiến sự kiện này. Công lao xây dựng nền toán học Việt Nam của các bác và các thế hệ tiền bối đã góp phần đem đến sự diệu kỳ ngày hôm nay".

GS Ngô Việt Trung chia sẻ: Các nhà toán học ở các nước nghèo và các nước đang phát triển khi gặp ông đều coi thành tựu của GS Ngô Bảo Châu là một sự cổ vũ lớn lao đối với họ.

"Họ hỏi chúng tôi là làm thế nào mà các ông có thể đào tạo nên một con người như anh Châu. Tôi nói rằng họ cần những nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu và Lê Văn Thiêm và rằng đó là một quá trình lâu dài cần được cả xã hội quan tâm nâng đỡ".

[video(20001)]

(Xem những hình ảnh GS Ngô Bảo Châu nhận giải)

Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam từ Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu nói, giây phút này, những người thân đang ở bên mình. Anh nhớ tới ông ngoại và một GS người Pháp, là những người có ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách, nhưng nay đã mất. "Nếu còn sống, thì sẽ rất vui".

Vẫn giữ giọng nói điềm tĩnh, GS Ngô Bảo Châu cho hay, với giải thưởng này, anh có thể làm nhiều hơn cho toán học và khoa học Việt Nam và nhận thấy "tôi có trách nhiệm nhất định".

Qua điện thoại với phóng viên Hồng Hạnh, cũng là dì ruột của GS Ngô Bảo Châu, PGS.TS Lưu Vân Hiền giọng đầy xúc động: " Khó nói lắm! Vì chị thấy nước mắt chảy ra thôi, mừng lắm!...Có lẽ ở trong nước mình, nhiều người đang chờ tin, và mừng như là gia đình Châu ở bên này".

Mô tả ảnh.
Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields từ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil. (Ảnh chụp từ màn hình tường thuật trực tiếp của đại hội Toán học)

Trưa nay, GS Hoàng Tụy cũng không giấu được niềm vui. "...Như một chiến thắng Điện Biên Phủ thứ 3 trên lĩnh vực khoa học...", ông nói với phóng viên VietNamNet.

GS Tuỵ cho rằng, Ngô Bảo Châu được giải Fields là một trận "mưa rào" trên mảnh đất nhiều năm khô hạn kéo dài. Đây là một thắng lợi lớn của trí tuệ Việt Nam. Đọc cả blog cá nhân của GS Châu, vị giáo sư lão làng của toán học nhận thấy,"anh" thường xuyên sống theo "nhịp tim" của đất nước. GS Hoàng Tuỵ hy vọng ấn tượng tốt đẹp của ông về Ngô Bảo Châu không bị nhầm.

"Xin cảm ơn người mẹ đã sinh ra Ngô Bảo Châu" - chiều 19/8, đang ở Hà Tĩnh dự hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, Học sinh tích cực", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói (nghe chi tiết tại đây).

Mô tả ảnh.
Danh sách 4 người giành giải Fields từ ban tổ chức đại hội.

"Thật là tuyệt vời!" - từ Hoa Kỳ, qua điện thoại, GS Phillip A. Griffiths, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp (IAS) tại Princeton - nơi GS Châu làm việc từ năm 2007 - thốt lên.

GS Griffiths nói, điều quan trọng đối với nhà Toán học là làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, vì họ luôn cần phải năng động. Vì thế chuyện làm việc ở chỗ này hay chỗ khác không phải là vấn đề quan trọng nhất. Trong giới toán học, anh Châu vẫn được coi là người Việt Nam.

Nhà văn trẻ Phan Việt, giảng viên ĐH Chicago, người được biết đến với bài phỏng vấn thành công về GS Ngô Bảo Châu, dịp này đang về nước tham gia một số khoá đào tạo ở các trường ĐH. Gặp VietNamNet trong phút hiếm hoi trước khi lên đường sang Mỹ vào ngày mai, Phan Việt nói:

"Anh Châu là một người giản dị và nhạy cảm. Anh có ý thức về bản thân rất rõ ràng. Mỗi khi gặp anh, trò chuyện hay có thắc mắc, tôi không phải đi lòng vòng. Tôi chỉ cần nói một câu ngắn gọn là anh đã hiểu đằng sau câu hỏi đã nén những gì rồi...Tôi rất cảm phục tài năng của anh".

14.jpg
Cùng với GS Ngô Bảo Châu, ba nhà toán học khác đoạt giải Fields lần này còn có các nhà Toán học: Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp). (Ảnh chụp từ màn hình tường thuật trực tiếp của đại hội Toán học)

Đang có mặt tại Hà Nội, GS Ngô Đắc Tuấn, một người bạn thân thiết của Ngô Bảo Châu chia sẻ: "Nhận được tin chính thức của anh Châu, tôi vui như là niềm vui của chính mình vậy. Lúc này, tôi chỉ muốn chia sẻ niềm vui với anh Châu và gia đình, mong muốn anh tiếp tục sáng tạo trong khoa học và xây dựng Toán Việt Nam lớn mạnh hơn.

Ngô Đắc Tuấn nói, anh coi GS Châu giống như người anh nhiều hơn là đồng nghiệp.

"Điều tôi rất khâm phục ở anh là luôn biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, một điều rất khó với đặc thù của việc làm Toán, một công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ trong khoảng thời gian dài; nhiều khi các nhà Toán học quên mất có một thế giới rất thực đang ở bên cạnh mình".

Đánh giá của Liên đoàn Toán học thế giới khi trao giải thưởng Fields cho giáo sư Ngô Bảo Châu

Theo thông cáo chính thức từ ban tổ chức đại hội, GS Ngô Bảo Châu nhận giải Fields năm 2010 nhờ “chứng minh về Bổ đề Cơ bản trong lý thuyết các dạng tự đồng cấu khi đưa vào những phương pháp hình học đại số mới”.

Mô tả ảnh.
Nụ cười Ngô Bảo Châu tại lễ trao giải Fields. (Ảnh chụp từ màn hình tường thuật trực tiếp của đại hội Toán học)

Trong những năm 1960 và 1970, Robert Langlands đã phát biểu những cơ sở khác nhau thống nhất những nguyên lý và phỏng đoán (conjectures) liên quan đến các dạng tự đồng cấu trong các nhóm khác nhau, các biểu diễn Galois và các hàm L. Điều đó dẫn tới những vấn đề mà ngày hôm nay chúng ta gọi chung là Chương trình Langlands.

Công cụ chủ yếu trong việc chứng minh một số trường hợp của những phỏng đoán này là công thức vết và trong khi áp dụng công cụ đó nhằm đáp ứng những mục đích kể trên, xuất hiện khó khăn trung tâm ngăn cản các nhà toán học: chứng minh sự đồng nhất (identities) tự nhiên trong giải tích điều hòa (harmonic – đồng điều?) với các nhóm địa phương (local) cũng như các nhóm liên quan tới các đối tượng của hình học số (arithmetic geometric). Vấn đề này được biết đến với tên gọi Bổ đề Cơ bản. Sau nhiều tiến bộ với một loạt nghiên cứu vào năm 2004. Laumon và Ngô đã chứng minh được bổ đề cơ bản cho một lớp nhóm riêng, và bây giờ Ngô chứng minh được Bổ đề một cách tổng quát.

Chứng minh kiệt xuất của Ngô cho những dự báo rất quan trọng và đã tồn tại rất lâu dài này dựa một phần trong việc đưa những kỹ thuật và đối tượng (objects) hình học mới vào giải tích sophisticated. Thành tựu của ông, nằm trên giao điểm của hình học đại số, lý thuyết nhóm và các dạng tự đồng cấu, dẫn tới nhiều tiến bộ có tính đột phá trong chương trình Langlands cũng như trong các lĩnh vực liên quan tới chương trình này..

Những thông tin đặc biệt về GS. Ngô Bảo Châu

Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972)

Mô tả ảnh.
Ngô Bảo Châu nhận Giải thưởng Fields. (Ảnh chụp từ màn hình tường thuật trực tiếp của đại hội Toán học)

Đơn vị công tác: Giáo sư của cả 3 cơ quan: Viện nghiên cứu cao cấp IAS Princeton (Mỹ); Khoa toán Đại học tổng hợp Paris 11 và Viện Toán học (Việt Nam).

1978-1982: Học sinh Trường Tiểu học Thực nghiệm Giảng Võ

!982-1986: Học sinh Trường THCS Trưng Vương

1986-1989: Học sinh khối phổ thông chuyên Toán, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

1988: Huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Úc (đạt điểm tuyệt đối 42/42)

1989: Huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại CHLB Đức

1990-1991: Học tại ĐH Tổng hợp Paris 6, Pháp

1992-1995: Học tiếp ĐH tại Trường Sư phạm cấp cao Paris (ENS)

1993-1997: Làm nghiên cứu sinh tại ĐHTH Paris 11 với GS. G. Laumon. Bảo vệ luận án xuất sắc vào năm 1997.

1998-2004: Nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp tại Trường ĐH Tổng hợp Paris 13.

2004: Bảo vệ tiến sĩ khoa học (Habilitation)

2004: Được trao Giải thưởng Toán học Clay (cùng với GS G.Laumon). Giải thưởng này có từ năm 1999, mới trao cho 23 người. Người đầu tiên được trao giải Clay chính là A.Wiles- người đã chứng minh được Định lý cuối cùng của Ferma tồn tại hơn 300 năm. Ngay sau khi được trao giải thưởng này, thầy của Ngô Bảo Châu là GS G.Laumon đã được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp.

2004- nay: Giáo sư tại ĐH Tổng hợp Paris 11 (Pháp)

2005: Được Hội đồng học hàm Giáo sư nhà nước Việt Nam phong đặc cách giáo sư.

2006: Được mời đọc báo cáo tiểu ban tại ĐH Toán học thế giới tại Madrid (Tây Ban Nha). Chỉ có chuyên gia hàng đầu trong chuyên ngành mới được mời báo cáo.

2007- nay: GS tại Viện nghiên cứu cao cấp (IAS) ở Princeton (Mỹ)

2007: Được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức. Cho tới nay mới có 8 nhà toán học được vinh dự này. Giải thưởng được tặng cho các nhà toán học trẻ của Châu Âu, 3 năm một lần.

2007: Được trao Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp mang tên Sophie Germain. Giải này được trao hàng năm cho một nhà toán học Pháp.

2007- nay: GS đặc biệt tại Viện Toán học Việt Nam

2009: Công trình "Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie" (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie) dày 169 trang của Ngô Bảo Châu đã được tạp chí Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.

2010: Được mời đọc báo cáo tại phiên toàn thể của Đại hội Toán học thế giới tại Ấn Độ.

Từ tháng 9/2010: sẽ chuyển sang làm GS của ĐH Chicago (Mỹ)

  • Nhóm phóng viên giáo dục
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,