- Quá trình chấm thi, với tôi, đây là kinh nghiệm quý báu nhất trong chuyến đi này. Với tư cách là quan sát viên B, tôi và thầy Nguyễn Duy Thái Sơn sẽ tham gia chấm thi cùng với trưởng đoàn và phó đoàn (nếu các thầy yêu cầu).
HẬU TRƯỜNG OLYMPIC TOÁN QUỐC TẾ |
---|
Quy trình chặt chẽ
Ở nhà, mọi người bảo tôi đây là một việc có thể không dễ vì quan trọng là thời gian đọc bài của học sinh rất ngắn, và mình phải cố tìm trong đống lộn xộn những điều các em viết ra có được những ý gì, kể cả tìm trong nháp nữa, được ý gì ăn điểm đấy, mà nhiều khi 1 - 2 điểm chênh lệch là thay màu huy chương rồi.
Ngày trước, tôi cứ nghĩ là trưởng đoàn sẽ dịch bài giải của các em ra tiếng Anh rồi người ta chấm, đơn giản thế thôi.
Nhưng thực ra, quy trình rất phức tạp và chặt chẽ.
Các thầy sẽ được nhận bài học sinh (ban chấm thi đã phô tô lại một bản trước đó).
Các thầy có khoảng 1 hoặc 2 ngày để đọc và sau đó là bắt đầu chấm. Ban chấm thi sẽ chia vào 6 phòng, mỗi phòng tương ứng một bài.
Trong mỗi phòng, sẽ có 5 bàn A, B, C, D, E, tương ứng với trình độ mạnh yếu của các đoàn.
Mỗi bàn thường có 2 người chấm bài của nước chủ nhà. Họ sẽ hẹn giờ, ví dụ 10h, đoàn Việt Nam chấm bài 1, 14h chấm bài 2, 17h chấm bài 4, 20h chấm bài 3, ngày hôm sau chấm bài 5 và 6.
Việt Nam ở đội chấm mạnh nhất
Đoàn ta chấm tất cả các bài ở bàn A, có nghĩa là họ xếp đội ta trong nhóm những đội mạnh nhất. Khi vào chấm bài, ban chấm thi đã đọc trước bài làm của học sinh, chỗ nào chưa hiểu họ sẽ hỏi lại để ta giải thích. Nếu ta thấy họ bỏ sót phần nào thì sẽ nói với họ.
Ngọc Trung cùng gia đình, thầy cô trong ngày trở về |
Họ đề xuất điểm và hai bên sẽ có thể tranh luận để đi đến thống nhất. Nếu không thể thống nhất được thì sẽ để lại đến phiên họp toàn thể của ban chấm thi với tất cả các đoàn.
Có một tấm bảng cập nhật điểm của tất cả các đoàn mỗi khi chấm xong một bài (tuy nhiên, ở mỗi bài, họ sẽ dấu điểm của một em để tránh các đoàn biết chính xác số điểm của nhau có thể gây ra cạnh tranh).
Vậy khó khăn nhất là phải làm sao hiểu ý các em vì rất có thể các em viết tắt, viết không rõ ràng, hoặc nhầm lỗi nhỏ mà đưa đến đáp số sai. Điều quan trọng trong cách chấm thi là chấm ý tưởng, những sai sót nhỏ chỉ bị trừ rất ít điểm, và nhữngg chỗ chưa rõ ràng có thể cho qua. Bài dễ thì có thể bị trừ nhiều điểm cho sai sót, còn bài càng khó thì ý tưởng càng quan trọng.
Phức tạp vậy nhưng năm nay việc chấm thi của đoàn ta khá đơn giản. Vì bài nào các em làm được thì đã rõ ra rồi, chắc sẽ được 7 điểm thôi, còn bài nào không làm được thì xem ra cũng chẳng vớt vát được mấy. Chỉ có Kiều Hiếu có một số ý ở bài 3, cần phải tìm cách có điểm cho em. Và bài 6 có thể trong những lập luận lộn xộn, may ra có ý đúng.
Cảm giác thật thích thú khi đi cùng ba thầy vào phòng chấm thi. Nhìn phong thái lịch lãm và tươi vui của thầy Khoái, nhìn cách nói sôi nổi và sắc sảo của thầy Minh, có lẽ là ban chấm thi cũng đã thấy thoải mái và cởi mở. Và như vậy, ở cả 3 bài 1, 2 và 4, các em học sinh đều được 7 điểm, duy Minh Hiếu 6 điểm bài 1.
Tối hôm ấy thật là một ngày vui, điểm của đoàn VN coi như toàn là 7. Trong bữa tối, mấy người bạn ở các đoàn khác đến bắt tay chúc mừng và ngưỡng mộ. Tôi buồn cười quá,bảo rằng ngày mai các bạn sẽ thấy bọn trẻ con của chúng tôi chẳng được mấy điểm bài 5, 6 đâu. Nhiều người không tin.
Họ cũng có lý để không tin, vì bài 2 là bài Hình, chúng ta được trọn vẹn điểm, trong khi rất nhiều đoàn ngang hàng đều mất điểm bài này. Nhiều nước châu Âu, như Pháp, học sinh không được học hình như ở nước ta, họ đại số hóa hình học và làm mất đi cảm nhận trực giác, điều cần có trong giải các bài hình ở IMO.
Lúc chấm thi hồi hộp nhất có lẽ là ở bài 3. Vì nhiều đoạn Trung viết tắt, dễ thấy. Mà như thầy Khoái nói, dễ thấy này viết ra cũng nửa trang. Và còn Kiều Hiếu nữa, không biết có được điểm nào cho em không.
Đây cũng là hai bài ban chấm thi đưa ra để cùng xem và tranh luận. Rất mừng là với bài 3, một bài khó, thì người ta đã thấy ý tưởng của Trung là hoàn toàn đúng, và những chỗ viết tắt chỉ là rất nhỏ so với ý tưởng nên em đạt 7 điểm. Đến bài của Kiều Hiếu, thầy Khoái và thầy Minh đã giải thích khá lâu với ban chấm thi để lộ ra được ý của em. Và các thầy đề nghị em được 1 điểm bài đó. Họ đồng ý.
Khi ra khỏi phòng, hai thầy bảo tôi rằng ta đề nghị 1 điểm là đúng, không bao giờ nên đề nghị quá mức đáng lẽ được. Tôi rất thích quan điểm chấm thi của thầy Khoái - và thầy Minh hoàn toàn ủng hộ - đó là nhiệm vụ của thầy là làm sao tranh luận để đạt được đúng điểm cho các em, không bỏ sót ý nào làm được của các em; chứ không lấy thành tích làm quan trọng nhất đến mức đề nghị mức điểm cao hơn thực lực của học trò.
Tối hôm đấy, hai thầy vẫn kỳ cụi ngồi đọc lại các bài làm và các bản nháp, hy vọng kiếm được điểm nào bài 5 hay 6. Nhưng sáng ra, các thầy lắc đầu, không thể được. Vì vậy, ngày chấm thi thứ hai thật nhẹ nhàng, có những lúc các thầy thử hỏi họ xem ý như vậy liệu có được gì không, nhưng khi họ cười bảo không thì ta cũng đồng ý ngay. Vậy là 12 con số 0 tròn vo cho 2 bài cuối.
Đoàn ta vậy là ký xong, thong dong. Tổng điểm là 133.
Có một chuyện rất buồn cười và cảm động là ngày hôm sau, trước buổi họp cuối cùng của toàn bộ ban chấm thi và các đoàn, thầy Khoái bảo “hôm qua thầy Minh đi nghe có đoàn bảo họ nhặt nhạnh được thêm 1 điểm sau khi bới rác (bọn tôi gọi việc tìm ý trong đống nháp như vậy) nên về lại còn thức cả đêm để hy vọng nhặt rác được 1 điểm cho đoàn ta dù đã ký rồi”.
Thầy Minh ngao ngán “Ừ, cố gắng cuối cùng nhưng mà không nhặt được cọng rơm nào cả”. Hi hi! Vậy là tất cả được một trận cười cho con người ham công tiếc việc.
-
Phan Thị Hà Dương
Phần 4: Chuyện Triều Tiên ở Olympic Toán quốc tế