- Sáng nay (8/8), Hội đồng điểm sàn Bộ GD-ĐT đã công bố điểm sàn ĐH khối A, D là 13; khối B, C là 14 điểm. Với mức điểm sàn này, có trên 600.000 thí sinh dự thi ĐH năm nay có kết quả dưới sàn phải đứng ngoài cổng trường ĐH.
Xem điểm thi các trường TẠI ĐÂY
Ảnh Lê Anh Dũng
Mức điểm sàn Bộ công bố dành cho học sinh phổ thông khu vực 3 (chưa tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng). Mỗi khu vực kế tiếp được giảm 0,5 điểm, đối tượng kế tiếp được giảm 1 điểm. Theo quy định, nếu dưới sàn, thí sinh chính thức trượt đại học, không được tham gia xét tuyển nguyện vọng 2, 3 vào các trường đại học.
Tuy nhiên, nếu có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn CĐ thí sinh có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2,3 vào các trường cùng khối, còn chỉ tiêu và trong vùng tuyển.
Điểm sàn bậc CĐ thấp hơn bậc ĐH 3 điểm, tương ứng với từng khối thi. Cụ thể khối A: 10, khối B: 11, khối C: 11 và khối D điểm sàn là 10 điểm.
Với phương án điểm sàn ĐH mà Bộ công bố, khối A có 120.518 thí sinh trúng tuyển NV1, còn thiếu 37.497 chỉ tiêu và vẫn còn thừa 89.165 thí sinh trên sàn có cơ hội được xét tuyển NV2.
Khối B có 84.846 thí sinh trúng tuyển NV1, còn thiếu 5.939 thí sinh để đủ chỉ tiêu của các trường và thừa 50.000 thí sinh trên sàn.
Khối C có 18.196 thí sinh trúng tuyển NV1, còn thiếu 6.552 thí sinh trúng tuyển NV1 và thừa 13.423 thí sinh trên sàn.
Khối D có 34.037 thí sinh trúng tuyển NV1, còn thiếu 18.923 thí sinh trúng tuyển NV1 và thừa tới 30.891 thí sinh trên sàn.
Cũng theo phân tích của Bộ, với mức điểm sàn này, vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long thừa ít số thí sinh trên điểm sàn; trong khi đó vùng đồng bằng sông Hồng thừa rất nhiều thí sinh trên sàn (khối A còn thừa tới gần 46.000 thí sinh; khối B trên 26.000 thí sinh).
Vùng Đông Nam bộ cũng dư nhiều thí sinh trên sàn (khối A dư 71.741 thí sinh; khối B gần 18.000). Tương tự, số thí sinh trúng tuyển NV1 còn thiếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung-Tây Nguyên, Tây Bắc không cao so với chỉ tiêu. Trong khi, số thí sinh trúng tuyển NV1 còn thiếu ở đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ lớn hơn nhiều.
Cũng với mức điểm sàn đã được ấn định, số thí sinh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có kết quả thi từ điểm sàn trở lên nhưng không trúng tuyển NV1 khoảng trên 8.000 thí sinh; Vùng Tây bắc khoảng trên 3.600 thí sinh; miền Trung và Tây Nguyên gàn 29.000 thí sinh.
Bà Trần Thị Hà:, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết: Qua phân tích, đề thi năm nay hay, có khả năng phân loại tương đối tốt nên mặc dù số thí sinh đạt điểm tuyệt đối cũng như các mức điểm cao 28-29 điểm có thấp hơn so với năm ngoái, nhưng số lượng thí sinh nằm trong phổ điểm từ 12-13 điểm đến 19-20 điểm lại không thay đổi. Điều đó cũng có nghĩa, thí sinh có thể đạt mức đủ trên sàn để vào ĐH không thay đổi so với năm ngoái.
Vì vậy, khi tính điểm sàn là Bộ tính mức các trường có thể căn cứ vào đó để xác định điểm chuẩn của từng trường. Với mức điểm sàn năm nay thì những trường tốp cao sẽ không có ảnh hưởng gì, còn với những trường ở vùng miền khó khăn vẫn có thế tuyển được. Các trường vùng khó khăn có thể vận dụng Điều 33 để bảo đảm tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo.
"Nói chung, điểm sàn như vậy không gây khó khăn gì cho các trường, từ tốp trên đến các trường khó khăn trong việc tuyển sinh" - bà Hà nói. Bộ không quy định trường phải dành bao nhiêu chỉ tiêu cho NV2, NV3. Bộ khuyến khích các trường phải bảo đảm chất lượng đầu vào.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố mức sàn, nhiều trường ĐH đã bắt đầu công bố điểm trúng tuyển. Thông tin được cập nhật tại đây
Theo công bố của Bộ, kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ năm nay, cả ba đợt thi cả nước có 1.589.302 thí sinh dự thi ĐH,CĐ. Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm nay là 273.217 em trong đó khối A chiếm nhiều chỉ tiêu nhất (150.032 em); khối B với 28.764 em, khối C 23.987 em, khối D 54.493 em, các khối khác là 15.941 em (không kể 4.600 chỉ tiêu khối an ninh, quốc phòng). Chỉ tiêu tuyển sinh CĐ là 239.437 em.
-
K.Oanh