221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1305125
GS Ngô Bảo Châu: "Không phải chúng tôi giành đặc quyền.."
1
Article
null
GS Ngô Bảo Châu: 'Không phải chúng tôi giành đặc quyền..'
,

 - GS Ngô Bảo Châu nói cách giữ người tốt nhất là tạo ra một nơi làm việc, dành cho nhà khoa học một vị trí làm việc tốt. Đối với những người được đào tạo ở nước ngoài, thu hút về nước tốt nhất là thời điểm ngay sau khi họ vừa hoàn thành luận án tiến sĩ. 

TIN LIÊN QUAN

GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Hương Giang
GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Hương Giang

 Trong buổi gặp gỡ với báo chí sáng nay,1/9, cùng các đồng nghiệp làm toán ở Hội Toán học, Viện Toán học Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ câu chuyện về Viện Nghiên cứu cấp cao về toán đang trong lộ trình hình thành, sau khi Chính phủ ban hành chương trình trọng điểm quốc gia về toán học.

Mở đầu buổi gặp, GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học giải thích ngay, chương trình trọng điểm này do Bộ GD-ĐT chủ trì dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chứ không phải chương trình của Viện Toán học, hay của Hội Toán học.

VietNamNet: Vậy, thưa GS, viện nghiên cứu cấp cao về toán thuộc sự vận hành của Bộ GD-ĐT thì có thuận lợi và khó khăn gì?

GS Ngô Bảo Châu: Theo tôi hiểu, viện đó có quy chế đặc biệt, độc lập với Bộ GD - ĐT, biên chế sẽ rất ít. Bộ có lẽ chỉ quản về chính sách chung, còn điều hành do ban lãnh đạo của viện.

Khi nhìn vào nhà toán học, người ta cứ tưởng nhà toán học chỉ ngồi trong phòng làm việc một mình. Cho dù cái đó rất quan trọng, nhưng động lực chính cho phát triển khoa học, cũng như toán học nói riêng, chính là sự kết hợp với nhau. Thậm chí, toán học có thể kết hợp với vật lý, khoa học máy tính, sinh học, kinh tế. Một trong những điểm then chốt là sự kết hợp các nhà khoa học có khả năng, điểm trội khác nhau.

Ở các trường đại học hầu hết là không có kinh phí để mời các nhà khoa học nước ngoài về làm việc vì không có môi trường. Viện nghiên cứu toán học cao cấp ra đời nhằm mục đích đó. Viện chỉ là vườn ươm để các nhóm làm việc ra đời, còn sau đó bản thân các trường đại học phải tự vận động chứ viện không làm thay tất cả.

(GS Ngô Bảo Châu)

Các ngành khác nhau đã đành, các nhà toán học làm việc ở Việt Nam, và các nhà khoa học trẻ đã được đào tạo ở nước ngoài, cũng cần kết hợp với nhau. 

Chúng tôi hy vọng, do có cơ sở tốt của viện đang hy vọng được thành lập sẽ lôi cuốn họ về Việt Nam làm việc 1 thời gian. Có thể không phải là vĩnh viễn, 6 tháng thôi, nhưng kết hợp, dần dần cuốn hút để nhiều nhà khoa học về Việt Nam làm việc hơn.

Tiền Phong: Thưa GS Ngô Bảo Châu, công việc của ông ở Việt Nam sắp tới ra sao?

Cá nhân tôi thì công việc chính vẫn làm GS ở ĐH Chicago. Nhưng nếu viện thành lập, từ tháng 6 đến tháng 8, tôi sẽ ở Việt Nam, trực tiếp tham gia vào tổ chức khoa học, làm khoa học ở Việt Nam. Ban lãnh đạo gọn nhẹ, nhưng có trách nhiệm tuyển chọn hồ sơ theo lí lịch khoa học, đề tài nghiên cứu, khả năng hợp tác. Chúng tôi không khuyến khích những người làm việc một mình. Khi có việc quan trọng, tôi sẽ tham gia trực tiếp.

GS Lê Tuấn Hoa
GS Lê Tuấn Hoa

GS Lê Tuấn Hoa: Tôi xin bổ sung nội dung của viện nghiên cứu cấp cao về toán. Trong đề án ban đầu của ban soạn thảo, viện này có tên là Viện Đào tạo và Nghiên cứu cấp cao về toán. Sau khi đóng góp ý kiến, chỉ còn tên viện nghiên cứu cao cấp về toán. Hiện nay, Viện đã có trong quyết định phê duyệt Chương trình, song khi nào được thành lập thì là chuyện khác.  Chương trình này trực thuộc Bộ GD-ĐT vì mục đích chính là phục vụ  các nhà toán học trong nước, mà lực lượng chính trong nước là ở các trường. Do đó sau khi thành lập, việc điều phối để họ đến Viện sẽ dễ dàng hơn

Tất nhiên, vẫn có một lượng đáng kể các nhà toán học nước ngoài về làm việc ở viện. Nếu không có sự tương tác như vậy thì không thể có sự phát triển toán học được.  Ngay cả các nhà vật lý, sinh học, nếu trong công trình nghiên cứu của họ có sử dụng nhiều về toán thì cũng có thể mời đến để làm việc.

GS Ngô Bảo Châu có thể về nước 3 tháng hoặc ít hơn, nhưng không hạn chế khả năng đóng góp vì  có thể trao đổi qua email thường xuyên. Nếu thành lập càng muộn thì việc GS Ngô Bảo Châu thu xếp được thời gian tham gia càng khó, vì ông đang được nhiều nơi mời.

Công an Nhân dân: Khi viện thành lập thì sẽ có sự khác biệt thế nào với Viện Toán học hiện nay? Trong tương lai, có sáp nhập hai viện hay không? 

Mô tả ảnh.
GS Ngô Việt Trung

GS Ngô Việt Trung (Viện trưởng Viện Toán học): Việc này khó nói.  

Ví dụ, chúng tôi phải liên kết với ĐH Thái Nguyên để đào tạo.  Vì vậy, cần có viện nghiên cứu với cơ chế đặc biệt, trước mắt cho sự nghiệp đào tạo, cho toán học là các ngành khoa học khác.

Các nước khác cũng tồn tại hai viện song song, như Hàn Quốc. Viện không có nghiên cứu viên cố định. Tôi nghĩ, ai được mời đến sẽ có hội đồng khoa học quyết định. Những người đến đấy làm việc, chủ yếu là  cán bộ trẻ, nhưng vẫn là người của cơ quan cử đi. Họ đến để nâng cao trình độ chuyên môn, sau đó lại trở về cơ quan mình.

GS Lê Tuấn Hoa: Hai viện nghiên cứu khác nhau về cơ chế và phương thức hoạt động.

Viện Toán hiện nay có một đội ngũ cán bộ nghiên cứu làm việc thường xuyên, được trả lương từ ngân sách nhà nước. Còn Viện NC cấp cao về Toán sẽ không trả lương. Các nhà nghiên cứu – chủ yếu là các giảng viên - trong thời gian đến làm việc tại Viện sẽ không nhận lương mà nhận một khoản tài trợ nghiên cứu đủ cao, nhưng chỉ là thời gian ngắn. Khi trở về cơ quan, họ lại lĩnh cái lương cũ.

Trong thời gian đó, họ không phải giảng dạy, chỉ tập trung cho việc nghiên cứu. Thay vì đi công tác hay nghiên cứu ở nước ngoài, các nhà toán học có một nơi để nghiên cứu ngay trong nước. Đây là mô hình có thể áp dụng cho nhiều ngành khoa học. Nhưng ngành Toán xin được mở đầu , thử nghiệm trước vì kinh phí dành cho toán ít.

Mô tả ảnh.
GS Ngô Bảo Châu cùng các đồng nghiệp ở Viện Toán học, các trường ĐH. Ảnh: Bùi Tuấn

GS.Ngô Bảo Châu: Mô hình này thích hợp với khoa học lí thuyết, không thích hợp với khoa học thực nghiệm. Vì cán bộ làm thực nghiệm thì cần máy móc, nên khi phải luân chuyển thì không thể thực hiện được. Chúng tôi tiên phong thực hiện mô hình này trong  toán học trước không phải là muốn giành cho toán học một đặc quyền gì đó. Nếu ngành khác muốn tham gia, chúng tôi rất ủng hộ.

GS Nguyễn Khoa Sơn: 15 năm trước, GS.Hoàng Tuỵ đã xây dựng một đề án thành lập một trung tâm nghiên cứu toán học trong công nghiệp và quản lí, cũng là một một mô hình đặc biệt, rất công phu, cũng đã trình lên trên và được ủng hộ. Rất tiếc là không vượt qua được trở ngại về mặt nhận thức và cơ chế quản lí.

Bây giờ, chúng ta đã có một tư duy mới. Vì vậy, chúng tôi rất tin và kì vọng vào điều này.

Từ trước tới nay, các nhà khoa học nước ngoài cũng về nước nhiều, nhưng về với tư cách tham gia một vài công việc nào đó (như dạy một chuyên đề), xong lại đi. Chứ  chuyện trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học một cách bài bản thì chưa có.

Chúng ta cần huy động những trí tuệ đó. Đây là mô hình để họ tham gia, như một tập thể khoa học. Đây là một cơ sở tạo điều kiện cho họ tham gia tổ chức các nhóm nghiên cứu, phát triển toán học..

Tiền Phong: Ngoài phần đầu tư từ ngân sách Nhà nước, viện có các nguồn tài trợ từ bên ngoài không?  

GS Lê Tuấn Hoa: Nếu chính phủ không có sự quan tâm đầu tư thì không thể thành lập được.

Chẳng hạn, Viện KIAS của Hàn Quốc có kinh phí hoạt động một năm là 18 triệu USD. Trong đó 15 triệu USD do chính phủ cấp, 3 triệu USD còn lại do viện tự vận động tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng, chưa thể kỳ vọng nhiều vào sự tài trợ của giới  doanh nghiệp hay tài trợ từ xã hội. Ngân sách Nhà nước vẫn phải đóng vai trò quan trọng trong đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản như toán học.

GS Ngô Bảo Châu:Viện nghiên cứu cao cấp Princeton có một quỹ huy động từ tư nhân, lên tới 500 triệu USD. Nhưng số tiền này được gửi ngân hàng hoặc quỹ đầu tư,  chỉ lấy lãi hàng năm làm kinh phí hoạt động, và chỉ trả lương cho 50 GS cơ hữu của Viện. Những người  khác đến Viện đó làm việc ngắn hạn như làm sau tiến sĩ (khoảng 70 người hàng năm), hay làm nghiên cứu… thì hoàn toàn do Nhà nước trả lương (qua quỹ NSF của Mỹ). Mỗi năm có hàng trăm các nhà khoa học đến làm việc tại Viện theo  các hình thức đó.

Chúng ta đã đánh giá toán học Việt Nam đang xếp thứ 55 đến 60 thế giới và phấn đấu xếp thứ 40. Giáo sư nghĩ sao về xếp hạng này? Chúng ta nên đặt vai trò của Toán ứng dụng vào vị trí nào?

 GS Ngô Bảo Châu: Con số 55 hay 40 không có ý nghĩa gì cả, ý nghĩa của chương trình là chấn hưng nền khoa học Việt Nam. Mục đích của chương trình là tạo ra nhóm nghiên cứu mới, nguồn nhân lực mới cho các trường đại học Việt Nam.

Về Toán ứng dụng, Toán học là một khối thống nhất nếu như cắt ra một phần toán học làm việc với Vật lý, một phần làm việc với kinh tế thì bản thân nó sẽ tự hủy hoại mà chết.

Động lực của toán học chính là sự thống nhất của nó. Khi làm về “Bổ đề cơ bản” tôi không bao giờ nghĩ rằng cái mình làm liên quan đến vật lý lý thuyết. Nhưng chính mô hình của vật lý lý thuyết là chìa khóa mở ra “Bổ đề cơ bản”. Đây là ví dụ về công trình của tôi nhưng là ứng dụng của rất nhiều các ngành khoa học khác.
 
Theo tôi nghĩ, nếu chúng ta ra nghị quyết là chỉ làm về ứng dụng thôi, đó là làm toán liên quan đến đê điều, liên quan đến thời tiết thì  sẽ mãi mãi không bao giờ có một công trình khoa học có giá trị.

Một trong những tôn chỉ hoạt động, mục đích của Viện  nghiên cứu cao cấp Princeton là đào tạo sau tiến sĩ. Sau khi làm xong PhD (tiến sĩ), muốn trở thành nhà toán học chuyên nghiệp thì phải làm post doc (sau tiến sĩ). Trong thời gian làm post doc tại Viện, tiến sĩ trẻ sẽ có  cơ hội học hỏi từ người giỏi gần như số một thế giới, hoặc được họ truyền cảm hứng hay cho một lời chỉ dẫn nào đó làm thay đổi hẳn việc nghiên cứu khoa học của người tiến sĩ đó.Viện IAS của Princeton có được khoản vốn 500 triệu USD là vì họ đã tích lũy trong 70 năm. Bây giờ, chúng ta mới thành lập thì không thể làm giống như vậy, đạt được ngay như họ. Vì thế, chúng ta mới phải đặt ra vấn đề có một cơ chế đặc biệt cho hoạt động của viện.

VietNamNet: Như GS Ngô Bảo Châu nói, một trong những mục tiêu của viện nghiên cứu cấp cao này là tạo vườn ươm cho các nhóm nghiên cứu. Liệu có tình trạng những người nghiên cứu ưu tú nhất từ các trường ĐH sau khi về viện làm việc một thời gian, nâng cao được trình độ, năng lực, sẽ tiếp tục ra nước ngoài nghiên cứu và không quay về trường cũ? Như vậy liệu có phải là một sự đầu tư lãng phí của Nhà nước?

GS Ngô Bảo Châu: Cách giữ người tốt nhất là tạo ra một nơi làm việc, dành cho nhà khoa học một vị trí làm việc tốt. Hiện nay, nhà nước cũng đang đầu tư rất nhiều tiền cho chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Nếu không có chính sách, việc thu hút những người cử đi đào tạo ở nước ngoài về cũng còn khó khăn, nói gì đến những người tự tìm kiếm được cơ hội đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

Đối với những người được đào tạo ở nước ngoài, thu hút về nước tốt nhất là thời điểm ngay sau khi họ vừa hoàn thành luận án tiến sĩ. Còn sau đó, nếu họ đã ổn định cuộc sống gia đình, công việc ở nước ngoài, việc thu hút họ về hẳn sẽ khó hơn. Việc hình thành một viện nghiên cứu có thể đảm nhận được việc đào tạo sau tiến sĩ ngay trong nước cũng là một điều kiện để thu hút các nhà khoa học sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ trở về Việt Nam.

GS Lê Tuấn Hoa
: Nếu sau thời gian làm việc ở viện nghiên cứu cao cấp về toán, các nhà toán học Việt Nam nào đủ trình độ, uy tín được các trường nước ngoài nhận đi làm nghiên cứu tiếp thì theo tôi, đó là một điều đáng mừng, đáng tự hào chứ không đáng lo. Điều đó sẽ chứng tỏ uy tín của Viện.

Mặt khác, ta phải nhìn vấn đề trong trạng thái động. Nếu một số người sau một thời gian (có thể chia thành 2-3 lần)  làm việc tại Viện nghiên cứu cao cấp về Toán mà trình độ cao lên hẳn, đủ sức được nước ngoài trọng dụng, thì trong thời gian đó (thường phải 3-4 năm) họ cũng đủ tài đào tạo ra 2-5 người khác trình độ giỏi. Như vậy dù ra đi, họ đã tạo ra một số lượng thay thế nhiều hơn!

Còn nếu đấy là các tiến sĩ từ nước ngoài chỉ về 4-6 tháng rồi lại ra đi, thì trong toàn bộ 4-6 tháng đó, sinh viên, nghiên cứu sinh của ta đã có cơ hội học được các ý tưởng của họ do tích lũy hàng chục năm mới có. Suy ra chúng ta vẫn có lời đấy chứ.

Nhân Dân: Trong bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu ở Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình có đề cập tới điều kiện cho khoa học phát triển lành mạnh là cần có tự do tuyệt đối. Đặt trong bối cảnh của mình hiện nay, nên hiểu ý của GS như thế nào?

GS Ngô Bảo Châu: Khoa học cơ bản do sự đầu tư của nhà nước một cách có định hướng. Nhưng nếu nhà nước chỉ định đề tài nghiên cứu cụ thể, tôi không tin điều đó sẽ giúp cho khoa học phát triển.

Tự do tức là việc tự nhà khoa học chọn đề tài để làm, chứ không phải người khác bảo làm cái gì. Một ví dụ cụ thể, những nơi mà khoa học phát triển, chẳng hạn, Pháp đầu thế kỷ 19, Đức cuối thế kỷ 19 và Mỹ trong thế kỷ này, là những nơi mà tinh thần tự do học thuật đạt đến đỉnh cao.

  • Hương Giang - Hạ Anh (Ghi)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,