- Trong phần tiếp theo của bài viết "Toán hay là không toán", GS ĐH Toulouse Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, đối với các cá nhân, ai thích cái gì nhất, có khiếu cái gì nhất, thì nên đi làm cái đấy nếu tìm được hạnh phúc trong đó. Còn trong quan điểm chiến lược của tập thể lớn, trong việc chia nguồn lực có hạn, thì phải phân bổ lực lượng sao cho đạt hiệu quả chung cao nhất.
TIN LIÊN QUAN
Phần 3: Từ lý thuyết đến thực tế
The distance between theory and practice is greater in practice than in theory - vô danh
Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, những thế hệ của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là những thế hệ tìm đường độc lập cho đất nước. Tiếp đến là những thế hệ phải tìm đường xây dựng Việt Nam thành một nước giàu có và văn minh. Bản thân Hồ Chí Minh cũng đã từng nói như vậy.
Việc cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyến khích phát triển toán học ở Việt Nam cũng là theo triết lý của John Adams cần toán học để xây dựng đất nước.
Các nhà toán học Việt Nam trong buổi giới thiệu về mô hình viện nghiên cứu cấp cao về Toán ngày 1/9. Ảnh: Bùi Tuấn |
Đã có thời, chúng ta lầm tưởng rằng, mô hình Xô viết là ưu việt, về mặt quản lý kinh tế và chính trị chỉ cần theo Liên Xô là đủ, nên các ngành quản lý, tài chính, luật, v.v. đã bị coi nhẹ, và "các hạt giống ưu tú nhất" chủ yếu đi học về khoa học tự nhiên.
Hệ quả là, kinh tế đì đẹt do cơ chế quản lý kém, và khoa học thì cũng suy dinh dưỡng và yếu thần kinh. Tuy nhiên, bản thân việc hướng tới phát triển khoa học công nghệ không phải là sai lầm. Sai lầm là khi chiến lược không đồng bộ, là khi bảo thủ ôm lấy giáo điều, là khi ảo tưởng về mình, là khi chạy theo những thành tích hão huyền mà không phát triển môi trường cần thiết cho tiến bộ bền vững, v.v.
Riêng về ngành toán, khi cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cử các học sinh ưu tú nhất đi học toán, thì có lẽ mục đích không phải là để các học sinh đó về sau chỉ chú tâm vào nghiên cứu toán lý thuyết.
Mục đích là học toán để phục vụ sự phát triển của đất nước, qua các ứng dụng của toán học trong mọi lĩnh vực khác, kể cả lĩnh vực quản lý.
Bản thân thế hệ của Tạ Quang Bửu cũng góp phần ứng dụng toán học vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, qua việc thiết kế những vũ khí mới.
Nếu như các sinh viên ưu tú của Việt Nam được cử đi học toán ở khối Đông Âu trong thế kỷ trước chủ yếu đi theo toán lý thuyết, là do khi họ ở Đông Âu, họ không có được người định hướng chiến lược cho họ, và cũng ít có các điều kiện tiếp xúc với các ứng dụng của toán, cuối cùng trong sự lựa chọn của họ chỉ còn toán lý thuyết, ngành mà có một thời gian dài được nhiều người coi là "cao quí hơn các ngành khác".
Những phần phía trên tôi viết không có nghĩa là Việt Nam không cần đến toán lý thuyết, vì có lý thuyết thì mới có ứng dụng.
Ý tôi muốn nói là, mục đích chính của việc học toán lý thuyết, không phải là để tiếp tục sản sinh ra toán lý thuyết, rồi lại tiếp tục sản sinh ra toán lý thuyết, theo kiểu "toán học vị toán học", để cho đẹp.
Toán học tuy đẹp thật, nhưng rất ít ai thưởng thức được cái đẹp xa xỉ phẩm đó. Vai trò chính của toán học trong xã hội không phải là để "làm đẹp", mà là làm công cụ giải quyết các vấn đề khác.
Đối với các cá nhân, ai thích cái gì nhất, có khiếu cái gì nhất, thì nên đi làm cái đấy nếu tìm được hạnh phúc trong đó. Từ quan điểm chiến lược của tập thể lớn, trong việc chia nguồn lực có hạn, thì phải phân bổ lực lượng sao cho đạt hiệu quả chung cao nhất.
Trong việc phân bổ lực lượng đó, trung bình mỗi lý thuyết cần có được nhiều ứng dụng. Tỷ lệ giữa lý thuyết và ứng dụng phải là 1:10, hay như các cụ có nói, học một hiểu mười, biết được 1 cái áp dụng được vào 10 cái, chứ không phải ngược lại.
-
Toulouse, 26/08/2010
-
Nguyễn Tiến Dũng
Phần cuối: Phát triển toán theo hướng nào?
Những bài khác cùng tác giả: |