Trung Quốc gần đây đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng về nhân tài quốc gia. Chiến lược phát triển nhân tài trung hạn-dài hạn (2010-2020) đưa ra kế hoạch chi tiết về việc tạo ra nguồn nhân lực quốc gia có trình độ cao trong vòng 10 năm tới.
TIN LIÊN QUAN
Đây là kế hoạch toàn diện đầu tiên của quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, là vấn đề quan trọng sống còn đối với sự phát triển Trung Quốc trong 30 năm tới.
Chuyển dịch "Sản xuất tại TQ" sang "Sáng chế tại TQ"
Một trong những nét chú ý nhất của chiến lược này là biến Trung Quốc từ một trung tâm sản xuất thành một nước hàng đầu thế giới về phát minh. Chính phủ TQ đã đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành một nước phát minh và sáng tạo vào năm 2020. Để biến mục tiêu vĩ đại này thành hiện thực, Trung Quốc sẽ phải là "vùng trũng" thu hút nhân tài, đưa con số người tài đang làm việc ở Trung Quốc là 114 triệu người lên 180 triệu người vào năm 2020.
Sinh viên Mỹ tới học ở Thượng Hải, Trung Quốc
Mặc dù TQ là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, nước này vẫn có rất ít thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Để trèo lên nấc thang công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị và sản xuất thương hiệu nổi tiếng về chất lượng, sáng tạo và dịch vụ, không còn cách nào khác phải tìm người tài.
Kế hoạch này đưa ra ở thời điểm mô hình phát triển của Trung Quốc đang trải qua những khó khăn nghiêm trọng. Nước này đang đối mặt với những thách thức sau:
Sự chia rẽ về dân số và nhân tài. Trong 30 năm qua, Trung Quốc áp dụng kế hoạch hóa gia đình chặt chẽ, đồng thời tuổi thọ trung bình tăng lên dẫn đến dân số đang già đi rất nhanh. Năm ngoái, người già từ 60 tuổi trở lên ở nước này đã đạt mức 167,14 triệu người, chiếm 12,5 % dân số.
Lâu nay, Trung Quốc phải lệ thuộc vào lực lượng lao động giá rẻ để làm điểm tựa cho phát triển kinh tế, điều này cũng dẫn tới những thách thức: các cuộc đình công của người lao động lương thấp đã tăng trong nhiều năm qua.
Thách thức nữa là tỉ lệ sinh viên cao đẳng thất nghiệp cao trong những năm gần đây. Khoảng 6 triệu sinh viên cao đẳng tốt nghiệp mỗi năm nhưng gần đây rất khó kiếm việc làm. Giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ sử dụng nguồn nhân lực này là cách tốt nhất nâng cấp nền kinh tế.
Chuyển dịch "thu hút nguồn tài chính" sang "thu hút nguồn nhân lực"
Trong những năm qua, mô hình phát triển của TQ dựa vào thu hút nguồn vốn từ bên ngoài. TQ đứng đầu về thu hút vốn FDI. TQ giờ đây là một nước dự trữ đô la lớn nhất thế giới, tăng từ 2 ngàn tỉ đô la năm 2009 lên con số kỷ lục 2,4543 ngàn tỉ đô la vào tháng 6/2010. Tuy nhiên, TQ lại bị thâm thủng nặng về người tài. TQ đã gửi đi đào tạo 1,62 triệu sinh viên và học giả từ 1978, nhưng chỉ có 497.000 người trong số họ trở về, chiếm 30%. Đáng chú ý là nguồn nhân lực cao như các tiến sĩ TQ được đào tạo ở Mỹ chỉ trở về có 8%.
TQ bắt đầu nhận ra rằng, chỉ có nguồn lực tài chính thì không đủ. Nguồn nhân lực mới là yếu tố quan trọng nhất trong nền kinh tế dựa trên tri thức ngày nay. Vì thế cần có biện pháp để thu hút những người tài TQ trở về, thậm chí thu hút người tài thế giới đến TQ làm việc, điều đó sẽ dẫn tới sự ảnh hưởng sâu sắc đối với kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước.
Chuyển dịch từ phần cứng sang phần mềm
Đó là đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển, sức khỏe cộng đồng, dự trữ năng lượng, bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực khác liên quan đến phát triển bền vững.
Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận chiến lược mới tập trung vào lực lượng lao động giỏi và trình độ tay nghề cao, cũng như cộng đồng chuyên gia và trí thức.
TQ phải tạo công ăn việc làm tốt cho các đối tượng: giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, luật sư, kế toán, tư vấn viên, nghệ sĩ, chuyên gia công nghệ thông tin, kỹ thuật viên, người làm công tác xã hội...Như vậy có nghĩa là TQ phải chuyển dịch từ nguồn lao động đông đúc sang nguồn lao động tài năng. Có như vậy, TQ mới có đà và sức mạnh để phát triển trong 30 năm tới.
- Tú Uyên (Theo China Daily)