- Tôi là sinh viên sư phạm, theo học ngành "Việt Nam học”. Trong 4 năm ĐH, tôi đã được rất nhiều giảng viên tận tình chỉ bảo, dạy dỗ và định hướng. Nhiều giảng viên đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng sâu sắc. Có một sự cố và cách ứng xử của 2 giảng viên đã để lại cho tôi những suy nghĩ sâu sắc về “nghề gõ đầu trẻ”.
"Người đâu mà ngu thế"
Một giờ học giảng dạy theo phương pháp ghép hình (Ảnh: blog VanChi). |
Đó là một buổi sáng năm kì 1 năm thứ 3. Tôi đã tự nhủ phải dậy thật sớm vào sáng ấy để chuẩn bị kĩ cho bài thuyết trình môn “Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch” , nhưng vì mệt mỏi tôi lại ngủ quên đi. Tôi vội vã mở máy tính và copy bài thuyết trình của mình vào chiếc USB và phóng xe như bay lên giảng đường.
Dạy chúng tôi là một cô giáo đã trên 40 tuổi. Trong những tiết học trước, tôi đã nhận xét rằng cô là người hơi khó tính.
Tiết học đã bắt đầu từ 10 phút trước, vì trễ giờ lại vội, tôi đã quên béng đi việc photo bài thuyết trình của mình ra giấy để cho giảng viên tham khảo và đã phải năn nỉ giảng viên thông cảm cho thiếu sót của mình và hứa sẽ bổ sung sau trước cái nhìn không mấy thiện cảm của cô.
Lớp tôi có 40 sinh viên, trong giờ thuyết trình kéo dài 3 tiết hôm ấy, mỗi sinh viên có 15 phút để thuyết minh đề tài của mình và theo danh sách lớp tôi là người thứ 10 phải lên thuyết trình. Tôi bước lên bục giảng chuẩn bị thuyết trình bài huớng dẫn của mình mà không được tự tin cho lắm.
Tôi cắm chiếc USB của mình vào chiếc laptop của giảng viên để lấy slide bài giảng, màn hình laptop xuất hiện một dòng cảnh báo lạ.Lúng túng thế nào, tôi lại click chuột vào “ Yes”. Chiếc laptop tắt phụt, đen nhoà vào bắt đầu khởi động lại.
Hàng chục cặp mắt đổ dồn, mặt tôi nóng bừng, rất run, mất hơn 5 phút rồi mà chiếc laptop vẫn chưa vào lại được giao diện windows.
Không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi nhìn về phía giảng viên cầu cứu, nhưng nhận lại ánh mắt khó chịu của cô. Cô bước ra khỏi chỗ ngồi ở cuối lớp và tiến về chỗ tôi, cô nói giọng hằn học của một người mất kiên nhẫn:
“Cậu tránh ra coi, làm mất thời gian quá!”.
Tim tôi đập loạn xạ, tôi nói: “Em chỉ sơ ý click vào chữ "Yes" thôi, không ngờ lại thành ra thế!”. Cô bực mình quát: “Bước về chỗ ngồi ngay, tôi sẽ cho cậu zero, cầm lấy cái này nữa” và cô dằn mạnh chiếc USB của tôi xuống bàn.
Tôi bước về chỗ ngồi trước hàng chục cái nhìn tỏ vẻ thương hại cũng như khó chịu của đám bạn, hình như tôi là một tên tội đồ thì phải? Tôi ngước lên màn hình trình chiếu, mãi mà vẫn không vào được giao diện windows, cô cũng không rành về vi tính cho lắm nên thấy lâu mà không vào được giao diện windows là cô cứ bấm nút reset.
Cô lấy di động và gọi điện cho một giảng viên bên khoa tin, thầy chạy qua lớp tôi, xem xét chiếc lap và nói máy của cô bị lỗi win do virut và sẽ mất rất nhiều thời gian để sửa lại.
Nhìn lên bục giảng, tôi biết cô đang rất bực mình, tôi đã làm gì thế này, chỉ một sơ ý, thế mà… Chờ thầy bên khoa tin đi khỏi, cô đã hướng về phía tôi và nói trước lớp, giọng hằn học:
“Người đâu mà ngu thế, bộ cậu không có tí kiến thức nào về tin học hả, mà cậu đã diệt virut trong USB của mình chưa đấy? Chắc là chưa rồi! Đã đi trễ, không nộp bản photo bài thuyết trình mà còn gây rắc rối này nọ. Tôi sẽ cho cậu zero”.
Cô nhấn mạnh câu “người đâu mà ngu thế” và “tôi sẽ cho cậu zero” khiến tim tôi như thắt lại. Buồn và xấu hổ vô cùng, tôi ước gì có một cái hố nhảy vào đó.
Buổi thuyết trình hôm đó phải hoãn lại, cô nói với cả lớp giọng mỉa mai: “Các em phải cảm ơn cậu Tuấn đấy, tuần sau tiếp tục, tôi không thể giảng được vì không có máy”. Tôi ngồi lại lớp, buồn vô hạn, một buổi sáng đen đủi.
Hai tiết học không laptop
Kì 2, năm 3, tôi đăng ký học “nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch” để xin cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên chuẩn bị cho công việc sau này của mình ở một trường trung cấp dân lập.
Giữa kì, lớp nghiệp vụ của tôi cũng phải chuẩn bị một đề tài thuyết minh về một tuyến điểm du lịch mà mình tự chọn.
Hướng dẫn lớp nghiệp vụ chúng tôi là một cô giáo trẻ. Rút kinh nghiệm ở kì trước, tôi đã rất cố gắng và thuyết trình rất trôi chảy khi đến lượt mình.
Tưởng như buổi thuyết trình trong vòng 4 tiết học sẽ trôi qua rất suôn sẻ, nếu không có một sự cố nhỏ. Trường hợp này cũng rất giống với tôi kỳ trước tại lớp đại học.
Cuối tiết 2, một cô bạn đã vô tình để lại virut trong chiếc USB của mình và khiến chiếc laptop của cô bị lỗi win, không thể tiếp tục giờ thuyết trình của lớp được.
Tôi tưởng như số phận của cô bạn ấy sẽ được định đoạt giống như tôi vào kì trước, nhưng thật hoàn toàn bất ngờ. Người giảng viên ấy đã buớc lại gần cô bạn và nói nhẹ: "Em về chỗ đi, để cô thử xem”.
Sau khi biết sẽ không còn cách nào tiếp tục được giờ thuyết trình của lớp do laptop bị lỗi và sẽ không có công cụ để trình chiếu, cô đã nói:
“Chậc! Máy với chả móc, các em thông cảm, cô không rành về vi tính lắm, chúng ta sẽ tiếp tục thuyết trình đề tài của mình vào tuần sau và Hiền (tên bạn mắc sự cố) sẽ bắt đầu lại”.
Không hề tỏ ra khó chịu, cô không cho cả lớp nghỉ mà trong 2 tiết tiếp theo, cô kể rất nhiều về những tuyến điểm, địa danh du lịch từng đến, cô nói về đời sinh viên của mình, khơi lên niềm tự hào về nghề hướng dẫn viên mà chúng tôi sẽ chọn trong tương lai. Chúng tôi đã kết thúc buổi học rất vui vẻ.
Tôi nhớ lại sự cố chiếc laptop của mình. Cũng là những người giảng viên, nhưng lại có những cách ứng xử rất khác nhau. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc này.
-
Lê Anh Tuấn (Đà Nẵng)
***********************
Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.