- Phẫn nộ, thậm chí đòi "xử" theo luật pháp...là cảm xúc của nhiều người khi xem những hình ảnh làm nhục nữ sinh ở gần cổng Trường THPT Lương Thế Vinh (Cẩm Phả, Quảng Ninh). Trong khi những người lớn đau lòng vì những hình ảnh "phản văn hóa", thiếu văn minh thì có những người trẻ dường như chưa nhận thức rõ ràng về lối hành xử vô nhân thế này.
TIN LIÊN QUAN
Buồn thay...
Anh Nguyễn Minh Tuấn ở Thái Bình, ngao ngán trước hành xử và sự vô cảm của những nhân vật trong clip:
“Buồn thay cho những cô nữ sinh có gương mặt xinh xắn lại thốt ra những từ ngữ vô văn hoá và hành động như những kẻ không còn lương tâm".
Anh Tuấn bất bình cả với những chàng trai thì đứng đó "chỉ biết ủng hộ những kẻ vô cảm ăn hiếp một người cô thế. Xã hội đang xuất hiện ngày một nhiều những con người vô cảm. Cái ác đã đáng sợ, sự vô cảm còn kinh khủng hơn gấp trăm ngàn lần...” .
Độc giả Vũ Quân ở Trực Ninh - Nam Định trăn trở: “Tại sao hiện tượng nữ sinh đánh hội đồng lại xảy ra liên tiếp như vậy? Các nhà chức trách nghĩ gì? Còn tiếp tục xảy ra những sự việc như trên nữa không? Người lớn như chúng tôi nghĩ xã hội sẽ ra sao? Đặc biệt là phẩm giá của người phụ nữ thời đại mới "lớp trẻ" sẽ phong cho họ những chữ vàng gì?... Rất buồn!”
Bạn đọc Trang Vy không kiềm chế nổi sự bức xúc trước những hành động quá hung bạo này:
“Tại sao những chuyện như thế này vẫn còn diễn ra? Chỉ vì luật pháp không nghiêm, không trừng trị đến nơi đến chốn. Lũ mất dạy này phải đuổi học vĩnh viễn và cho đi tù vài năm để xem chúng nó có còn biết sợ không? Và có là bài học cho những kẻ hư hỏng khác không? Cứ đình chỉ học có dăm bữa nửa tháng chỉ làm trò cười”.
Hình ảnh nữ sinh cư xử có văn hoá, biết chừng mực và dịu dàng, lễ độ dường như quá xa xôi đối với những nhân vật trong clip.
Những gì họ thể hiện khiến cho xã hội đang mất dần đi niềm tin vào một thế hệ trẻ văn minh. “Khi gia đình, xã hội đã yêu thương họ, nhưng chính họ đã từ chối và không xứng đáng khoác tấm áo nữ sinh”, bạn đọc Trần Nam Sách ở Cần Thơ bình luận.
Phải bị xử lý theo pháp luật
Hình ảnh gây lột áo cắt tóc nữ sinh xôn xao trên mạng những ngày qua. |
Một bạn đọc khẳng định: Đây là hành động phạm pháp rõ ràng, cụ thể là hành động làm nhục người khác (xúc phạm thân thể).
Sự việc lần này gần như vượt quá mức tưởng tượng của nhiều độc giả. Không chỉ là một chuỗi những hành động hành hung vô cảm mà còn là là những hành động lăng mạ, bôi nhọ nhân phẩm của cá nhân.
Vì vậy, hầu hết bạn đọc cho rằng, đây là hệ quả của việc chỉ xử phạt theo các hình thức dành cho học sinh.
Nhận thấy sự bất lực của những hình thức xử phạt của nhà trường đối với những kiểu học sinh này, một bạn đọc nêu ý kiến xử lý kiên quyết:
“Có lẽ, với những học sinh này, việc đuổi học không có ý nghĩa với họ, vì họ là những thành phần bất hảo làm ô nhiễm môi trường học đường, và họ cũng chẳng cần học. Nhưng việc đuổi học vĩnh viễn những học sinh này trong tất cả các lãnh vực trên địa bàn đất nước vẫn luôn phải áp dụng. Những học sinh ngoan không bao giờ có những hành động như vậy".
Hầu hết, bạn đọc bức xúc với những cách thức xử lý đã cũ đối với học sinh khi nhận thấy chúng không có giá trị răn đe, chưa làm cho những thành phần này biết sợ, biết ăn năn.
Thậm chí, có hàng loạt ý kiến phản hồi thúc giục cơ quan công an vào cuộc và xử lý sự việc theo quy định của pháp luật.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Cần phải hành động gấp, hành động quyết liệt để răn đe. Tôi đã theo dõi các vụ việc như thế này song, cho đến nay, chưa thấy vụ nào được giải quyết triệt để, tất cả đều "rơi vào im lặng". Luật pháp không được thi hành, thì những chuyện rùng rợn hơn sẽ xảy ra mà thôi".
Độc giả Kỳ ở Sài Gòn thiết nghĩ "luật pháp phải ra khung thật nặng để những hành động như thế sẽ không xảy ra nữa".
Những hành động cố ý đánh người dã man, nguy hại đến tính mạng, làm nhục người khác nơi công cộng, hãy giam giữ tội phạm và sẽ xét xử tội phạm khi đến 18 tuổi. Lúc đó, sẽ xử như người lớn hoặc giáo dục răn đe dài hạn, phải làm công tác xã hội hàng tháng, giám sát và quản lý tội phạm cho đến khi 18 tuổi…để tội phạm hiểu và có ý thức.
Một phản hồi "lạc dòng"
Đáng chú ý hơn cả, khác với những bức xúc, phẫn nộ hay buồn lòng tê tái của hầu hết bạn đọc, có một phản hồi của bạn đọc tự xưng là "ở trường xảy ra sự việc". Không biết, những sự kiện này trở thành chuyện bình thường trong cuộc sống của họ, nên lời bình luận thật thản nhiên:
“Clip ở trường em đang học. Hot thật lên cả báo (^^) cũng bình thường mà. Mọi người không nên nói quá, thanh niên mà, giờ đánh nhau như này là bình thường. Nhiều vụ đánh nhau còn ghê hơn nữa mà. Con gái là vậy chứ con trai ở chỗ em nhiều khi là mang cả súng đi đánh nhau nữa. Quan trọng là ta nên biết kiềm chế, đi học bình thường sống đúng mực hòa đồng làm gì có chuyện đánh nhau.(^^) Mấy hôm nay, hình như mấy bạn này nghỉ học rồi. ’’Học sinh nào mà hoang mang lo lắng”, linh tinh, ám ảnh nỗi gì. Sướng, cười thích thú bỏ xừ.” Bạn đọc ĐT ở Quảng Ninh viết.
"Có nên đưa ra những trường hợp này thêm nữa không?" Tôi lo rằng, việc đưa ra chưa chắc đã cảnh tỉnh cho giới trẻ mà có khi còn phản tác dụng ngược lại. Phần đông giới trẻ vốn thích chơi trội, thích nổi tiếng kiểu những scandal. Thế nên chỉ sợ chúng không rút kinh nghiệm lại còn học đòi bắt trước với những kiểu" nghịch dại dột" nguy hiểm hơn các vụ đã gây ra trước đó để thể hiện "trình cao" của mình. Có lẽ, chúng ta nên cân nhắc khi đưa ra những bài viết như thế này, cân nhắc đến hiệu quả và tính giáo dục của các bài viết. Chớ để "nối giáo cho giặc" thì sẽ nguy hại cho chính các bạn trẻ khác. Tâm lí giới trẻ rất bất ổn và khó kiểm soát . Việc định hướng cho các bạn trẻ những lối sống lành mạnh này là rất rất khẩn cấp. Các câu lạc bộ cho các bạn trẻ tùy theo sở thích của họ cũng sẽ rất bổ ích".
|
-
Nguyễn Hường (Tổng hợp)