- Vấn đề được đưa ra tại hội thảo “công tác thi chọn HSG quốc gia, tuyển chọn và tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 12/10 tại Hà Nội.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho hay, từ năm 2006 đến năm 2010, kết quả dự thi các môn Olympic quốc tế môn Toán, Vật lí, Hóa học đoạt tương đối ổn định. Riêng môn Toán, hàng năm đều có Huy chương (HC) vàng và thành tích của đội tuyển ở thứ hạng cao trong Olympic, tuy có giảm sút so với năm 2004 trở về trước.
Thứ trưởng Nguyễn Quang Quý và "gương mặt Vàng toán học" Nguyễn Ngọc Trung (Ảnh Bích Ngọc)
Còn hai môn Sinh học và Tin học kết quả đạt được tại Olympic quốc tế chưa cao và không ổn định.
Theo TS.Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông năng khiếu ĐHQG TP.HCM, từ khi có quy định mới về chế độ ưu đãi đối với học sinh đoạt giải quốc gia, phong trào "có phần đi xuống".
Cụ thể, khi Bộ GD-ĐT bỏ chế độ tuyển thẳng vào ĐH thì phụ huynh và học sinh không còn mặn mà với các kỳ thi học sinh giỏi. “Đích" đến khi học xong THPT là vào được một trường ĐH trong hoặc ngoài nước.
Đại diện Trường THPT Chuyên ĐHQG Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chính khiến thành tích học sinh giỏi quốc tế đi xuống, học sinh không mặn mà là do chuyên môn "có phần giảm" với thực tế hiện nay, đội ngũ bồi dưỡng đều đã cao tuổi.
Số đông ý kiến đều cho rằng, muốn vực dậy phong trào học sinh giỏi, phải có chế độ khen thưởng, đãi ngộ hợp lý đối với học sinh và giáo viên. Đồng thời, đề xuất Bộ GD-ĐT khôi phục chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi đoạt giải quốc gia vào ĐH.
Đáp lại các ý kiến đề xuất, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay, một trong mục đích của trường chuyên là để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, nhất là từ đội học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
“Vừa qua, Chính phủ phê duyệt đề án phát triển trường chuyên. Trước khi có sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields, nhiều ý kiến phản đối đề án này, vì cho rằng trường chuyên chỉ là nơi đào tạo "gà nòi". Nhưng sau đó thì không ai phản đối nữa. Tất nhiên, nếu nói trường chuyên làm nên Ngô Bảo Châu thì chưa đúng, mà chỉ là góp phần làm nên thành tích của GS" - ông Hiển nói.
Ông Hiển cũng nói, việc thành tích các đội tuyển HSG đi xuống phải được xem lại. Trường chuyên, ngoài mục tiêu trở thành hình mẫu cho các trường THPT, trước hết phải là nơi phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Về đề xuất phục hồi chính sách tuyển thẳng vào ĐH - Thứ trưởng Hiển khất "cần phải tính tiếp":
"Việc tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào ĐH làm giảm giá trị của học sinh trường chuyên. Nếu chỉ cần HS đỗ ĐH thì không cần học trường chuyên".
Tuy nhiên, cách tuyển chọn thi học sinh giỏi sẽ phải có thay đổi, cải tiến - ông Hiển cam kết. Thi học sinh giỏi là một phần trong chiến lược phát hiện bồi dưỡng nhân tài. Mà để có nhân tài không phải là "cách thi" mà là "cách dạy và học".
Trước mắt, có thể những môn khác nhau có những hình thức thi khác nhau. Ví như môn Tin học có thể thi qua mạng. Hoặc ngay trong năm tới có thể triển khai thi thí nghiệm thực hành đối với môn Lý - Hóa - Sinh.
-
Kiều Oanh