Nghị định 49/2010/NĐ – CP do Chính phủ ban hành ngày 14/5/2010, quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015. Nghị định 49 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010 và các trường ĐH, CĐ đã bắt đầu áp dụng Nghị định 49 vào đầu năm học 2010 – 2011. Thế nhưng, Nghị định không ban hành kèm theo Thông tư hướng dẫn nên các trường hết sức lúng túng khi thực hiện.
Nhà trường “chê” học phí?
Từ năm học 2010 – 2011, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM bắt đầu thực hiện Nghị định 49.
Ảnh: Lê Anh Dũng.
Theo đó, các đối tượng được miễn, giảm học phí được mở rộng hơn trước: Sinh viên là nhân thân của người có công với cách mạng, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên…
Thế nhưng, niềm vui của các sinh viên được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được bao lâu thì phải đối diện với nỗi lo mới.
Thời điểm hiện tại, hàng trăm sinh viên đang hết sức lo lắng khi học kỳ I sắp kết thúc nhưng học phí nhà trường nhất định… không chịu thu.
Thùy Trang, năm thứ 2, Khoa Công nghệ thực phẩm, cho biết: “Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo. Năm ngoái, mình được giảm 50% học phí. Đầu năm học này, mình mang tiền đến Phòng Kế hoạch tài chính nộp nhưng nhân viên không thu. Trong khi đó, kỳ thi học kỳ sắp đến. Nếu mình không đóng được học phí, mình sẽ bị cấm thi”.
Điều đáng nói, khi nhiều sinh viên mang thắc mắc lên hỏi phòng Kế hoạch tài chính thì các bạn đều nhận được câu trả lời chung chung: Các em thuộc diện miễn giảm học phí nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thể thu.
Đầu năm học, nhiều bạn được gia đình cho tiền để đóng học phí nhưng trường lại không chịu thu nên nhiều bạn phải chịu trách nhiệm giữ tiền.
Bạn Lê Bình, năm thứ 3, khoa Điện – Điện tử, tâm sự: “Phòng trọ đông người lại không an toàn nên giữ mấy triệu đồng trong người lúc nào mình cũng thấp thỏm không yên. Đời sống sinh viên khó khăn lại sẵn có tiền trong người rất dễ tiêu mất. Lỡ số tiền đó không còn, biết lấy gì đóng học phí cho nhà trường đây. Tụi mình không hiểu tại sao nhà trường lại “chê” tiền nữa”.
Về địa phương nhận tiền miễn, giảm học phí
Cũng áp dụng Nghị định 49 vào đầu năm học 2010 – 2011, trường ĐH Kiến trúc TP. HCM lại yêu cầu sinh viên phải đóng đủ 100% học phí tại trường. Sau đó, về địa phương nhận lại số tiền được miễn giảm.
Bạn Hoàng Thanh, năm thứ 2, khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, cho biết: “Gia đình mình thuộc diện giảm 50% học phí. Đầu năm học, mình mang học phí đến phòng Tài vụ đóng thì các nhân viên yêu cầu mình phải đóng đủ 100% là 3,1 triệu đồng. Mình thắc mắc thì được nhân viên đưa ra Điều 2, Bản thông báo của thầy Hiệu trưởng: “Sinh viên thuộc diện miễn, giảm và hỗ trợ chi phí học tập có nghĩa vụ nộp đầy đủ, đúng quy định cho nhà trường”. Các nhân viên còn cho biết: từ năm học 2010 – 2011, nhà trường không làm các thủ tục xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên mà chỉ xác nhận sinh viên đang theo học tại trường để địa phương xét hỗ trợ chi phí học tập và cấp trực tiếp cho sinh viên”.
Tuy nhiên, khi các bạn về địa phương để nhận lại số học phí đã đóng tại trường ĐH Kiến trúc TP. HCM thì không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chi trả.
Sinh viên mang vấn đề này ra UBND xã thì bị chỉ lên huyện. Các bạn lên UBND huyện thì nhận được câu trả lời: “Các em đóng học phí tại trường ĐH Kiến trúc TP. HCM thì các em về trường nhận lại. UBND huyện đâu có thu tiền học phí của các em mà đòi huyện chi trả”.
Thế nên, nhiều sinh viên thuộc diện được miễn, giảm học phí vẫn phải đóng đủ và đúng thời hạn như các bạn khác.
Thùy Vinh, năm thứ 3, khoa Kiến trúc, ấm ức: “Những năm trước, mình vẫn được nhà trường giảm tiền học phí. Tự nhiên năm nay trường lại bắt tất cả sinh viên phải đóng đủ. Các bạn ở xã mình cũng nằm trong diện hộ nghèo mà học trường khác, vẫn được nhà trường giảm 50%. Tại sao tụi mình lại không được giảm?”.
Phản hồi
PGS. TS Đặng Vũ Ngoạn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM, cho biết: “Nhà trường đang rất lúng túng khi thực hiện Nghị định 49. Phần lớn sinh viên của nhà trường là ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây nên đối tượng thuộc diện chính sách khá nhiều. Trong khi đó, nhà trường không dám thu học phí khiến việc hoạt động của nhà trường gặp khá nhiều khó khăn”.
Theo PGS. TS Ngoạn, vướng mắc lớn nhất của Nghị định 49 là không nói rõ diện nào được giảm học phí 70%, 50% hay 20%. Trong khi đó, Thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định lại chưa có nên trường chỉ dám thu học phí đối với sinh viên không thuộc diện miễn, giảm học phí.
Đến nay, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM vẫn chưa có con số thống kê chính xác có bao nhiêu sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí. Sinh viên năm thứ nhất đã đóng học phí lúc nhập học sẽ được nhà trường hoàn trả học phí lúc có Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Trả lời thắc mắc của sinh viên về việc chưa đóng học phí liệu có bị cấm thi, PGS. TS Đặng Vũ Ngoạn khẳng định: “Nhà trường sẽ không cấm thi bất cứ sinh viên nào thuộc diện chính sách, chưa đóng học phí do vướng mắc của Nghị định 49. Khi nào có hướng giải quyết mới, trường mới tiến hành thu học phí đối với sinh viên thuộc diện miễn, giảm. Còn không, các em có quyền học và thi cho đến lúc ra trường. Vừa rồi, trường đã làm công văn gửi Bộ GD – ĐT đề nghị Bộ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị định 49. Bộ hứa sẽ có Thông tư hướng dẫn nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy”.
TS. KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc TP. HCM cho biết: “Đúng là vừa rồi, tôi có ký Thông báo yêu cầu tất cả sinh viên thuộc diện miễn, giảm phải đóng đủ 100% học phí cho nhà trường. Sau đó, nhà trường sẽ cấp giấy chứng nhận các em là sinh viên của trường để về địa phương nhận lại tiền học phí đã được miễn giảm. Trong khi chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ, trường yêu cầu tất cả sinh viên phải đóng đầy đủ học phí. Sau khi có hướng dẫn cụ thể, nếu nhà trường phải chi trả phần học phí sinh viên được miễn, giảm thì các bạn cứ đến phòng Giáo vụ nhận lại tiền. Còn địa phương chi trả thì các bạn về tại địa phương nhận”.
TS. KTS Phạm Tứ cho rằng, việc đưa phần miễn, giảm học phí của sinh viên về cho địa phương chi trả là hoàn toàn hợp lý. Trường đại học không phải là Sở LĐ – TB - XH để giải quyết chế độ, chính sách cho sinh viên. Hơn thế nữa, nhà trường sẽ đỡ được khoản chi phí hoàn trả học phí cho sinh viên thuộc diện chính sách. Mối quan hệ giữa địa phương và sinh viên theo học tại TP. HCM cũng vì thế mà gắn bó hơn.
Ông Nguyễn Văn Quyến, Phó trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý sinh viên, trường ĐH Kiến trúc TP. HCM cho biết:
“Từ đầu năm học đến nay, chúng tôi đã nhận được nhiều thắc mắc của sinh viên về vấn đề này. Nhà trường thường đưa ra 2 cách để sinh viên lựa chọn: Nếu có tiền thì các bạn cứ đóng học phí và cất giữ biên lai cẩn thận. Sau này có Thông tư hướng dẫn, các bạn sẽ được nhận lại tiền ở nhà trường hoặc địa phương. Còn sinh viên không đủ tiền đóng học phí, chúng tôi vẫn động viên các bạn học tập và chờ hướng dẫn mới. Từ trước đến nay, Trường ĐH Kiến trúc TP. HCM chưa bao giờ đuổi học sinh viên thiếu nợ học phí. Vì thế, các bạn cứ yên tâm học tập tốt”.
(Theo Sinh viên Việt Nam)