221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1317434
"Khi thành hiệu trưởng, em sẽ trả thù cô"
1
Article
null
'Khi thành hiệu trưởng, em sẽ trả thù cô'
,

- Khi còn là một cậu học sinh trung học cơ sở, tôi luôn dẫn đầu các môn tự nhiên. Là con út, lại là con trai duy nhất nên tôi được bố mẹ và cả nhà yêu chiều hết mực.

Bản tính vốn “chẳng giống ai” nên tôi luôn gây sự khó chịu cho nhiều người và lấy đó làm hãnh diện vô cùng. Tôi vốn không thích học văn, mà cô giáo dạy văn của tôi lại nổi tiếng về sự khe khắt với học trò.

Ngay đầu năm học, từ tiết học đầu tiên cô đã đưa ra một “ yêu sách” cực kì khó chịu: “Phải học bài và làm bài đầy đủ trước khi đến lớp.

Đầu giờ học, các cán bộ lớp có trách nhiệm phải báo cáo về tình hình chuẩn bị bài và làm bài ở nhà cho cô. Mỗi kì học không ai được vi phạm quá ba lần…”

Nếu chỉ vậy thì việc đối phó với “yêu sách” ấy không có gì khó. Nhưng vấn đề là ở chỗ chẳng hiểu có ai “mật báo” mà tất cả mọi trò dối trá của tôi đều bị lộ tẩy.

Tôi bị ghi vào danh sách những thành viên thường xuyên vi phạm kỉ luật, bị nhắc nhở trước cờ. Rồi cô yêu cầu tôi mời phụ huynh đến gặp cô . Tôi chẳng sợ. Bố mẹ tôi bao giờ cũng đứng về phía tôi.

Nhưng không biết tại sao, lần này sau khi đi gặp cô, bố mẹ tôi có một thái độ hoàn toàn khác. Tôi bị kiểm tra khắt khe hơn, thời gian học tập của tôi bị giám sát chặt chẽ hơn.

Tôi bị buộc học bài và làm đầy đủ tất cả các bài tập môn văn đáng ghét ấy. Nhất cử, nhất động của tôi ở lớp, ở nhà đều được cả mẹ và cô “biết tuốt”.

Tôi bắt đầu ghét cô hơn bao giờ hết . Tôi nung nấu ý định làm cái gì đó cho bõ tức.

BÀI VIẾT CỦA BẠN ĐỌC

Tôi thấy cô hình như giả tạo. Khi giảng bài, cô có vẻ say sưa, bay bổng nhưng hễ tôi vừa có một trò nghịch trêu mấy thằng bạn ngồi cạnh là y như rằng:

- “ Đăng! Chú ý vào bài đi! ”

Làm tôi giật bắn mình. Báo hại, có lần cô còn bắt tôi đứng dậy nhắc lại lời cô vừa giảng. Tôi chôn chân tại chỗ, ấp úng chẳng nói được lời nào.

Lũ thằng Thi Thố thường ngày vẫn bị tôi “ làm khó” bây giờ được dịp thích thú ra mặt. Tôi muốn làm một điều gì đó để “chứng tỏ” nhưng không thể.

Thế rồi dịp may đã đến. Hôm ấy, giờ văn, cô dạy chúng tôi viết kiểu văn bản hành chính công vụ. Giờ học với tôi thật tẻ nhạt mà sao bọn nó cứ lặng ngắt nghe rồi hí hoáy ghi ghi chép chép.

Đúng lúc ấy thằng Tiến Ngố ở dãy bàn bên trái tôi giơ tay xin hỏi về cách xưng hô trong văn bản hành chính. Cô mỉm cười và khen nó có sự tư duy tích cực trong tiếp thu bài học. Cô nói:

- Các em ạ, cách xưng hô trong các văn bản hành chính công vụ và trong các hoạt động mang tính nghi lễ có tính quy ước. Cô lấy ví dụ: chẳng hạn, các em chăm chỉ học tập học giỏi, tốt nghiệp đại học, có năng lực, có ý thức phấn đấu , các em trở về quê hương rồi được đề bạt làm hiệu trưởng nhà trường. Lúc đó cô vẫn là giáo viên, mặc dù cô nhiều tuổi lại là cô giáo cũ nhưng trong các hoạt động chung, khi phát biểu ý kiến cô vẫn phải kính thưa đồng chí…

Lớp tôi ồ lên ra chiều thích thú. Tôi quay sang thằng Khải Béo ngồi bên và nói to lên:

- Lúc đó ta sẽ trả thù!

Tự nhiên cả lớp tôi im lặng một cách khác thường. Mọi ánh mắt đổ dồn vào tôi, rồi lại nhìn cô đầy sợ hãi.Tôi dương dương chờ xem phản ứng của cô.

Tôi hình dung cô sẽ nổi xung lên, sẽ quát mắng thật dữ dội. Tôi chả sợ…Nhưng, trước sự im lặng tưởng chừng như không gian đang quánh lại, cô đi về phía tôi, gương mặt cô có một vẻ gì đó thật khác lạ. Đến gần, cô cúi xuống ghé vào tận tai, nói đủ cho tôi nghe:

- Nhưng nếu em cứ học tập và tu dưỡng như thế này thì “ mối thù” ấy không bao giờ em trả được! Còn bây giờ thì nhiệm vụ của em là hãy lắng nghe cô giảng và thực hiện các yêu cầu của cô .

Rồi cô tiếp tục giảng bài như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đột nhiên, một cảm giác xấu hổ, bẽ bàng lan tỏa trong tôi.

Tôi cúi gằm mặt xuống để tránh ánh mắt trách móc của nhỏ bạn ngồi bên. Nhưng không hiểu sao, chính lúc ấy, lời cô giảng tôi lại nghe rõ hơn bao giờ hết. Và thật bất ngờ, lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm nhận khác về môn văn .

Tôi chăm chỉ đọc sách, chú ý lắng nghe cô giảng bài và chẳng biết tự lúc nào tôi bị cuốn hút vào những bài giảng của cô. Môn văn không hề tẻ nhạt như tôi tưởng!

Mới đó mà đã mười sáu năm. Tôi đã là một người trưởng thành, đã là một viên chức nhà nước.

Tư duy của một người giỏi toán giúp cho tôi có sự khúc triết trong lập luận; nhanh nhạy trong công việc; cảm xúc văn chương giúp tôi có một sự nhìn nhận đánh giá hiện thực công bằng, khách quan và thấm đẫm tình người.

Nhân lễ đón nhận danh hiệu trường Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, tôi vinh dự được mời tham gia giao lưu với tư cách là một cựu học sinh đã trưởng thành.

Tôi gặp lại cô giáo cũ. Cô vẫn vậy, giản dị, hao gầy chỉ có điều tóc đã bạc hơn xưa nhiều lắm! Tôi lao đến, ôm chầm lấy cô và chợt thấy mình thật bé bỏng:

- Cô giáo ơi, cậu học trò ngỗ nghịch ngày nào của cô đây!

Cô mỉm cười, nụ cười thật rạng rỡ:

- Đăng của cô đã lớn thật rồi!

- Dẫu lớn, nhưng em vẫn thật lòng xin tạ lỗi với cô…

Nói được với cô câu ấy , tôi thấy lòng mình thật thanh thản. Nếu như ngày ấy, sau lời nói của tôi cô trách phạt tôi như tôi dự tính thì có lẽ tôi sẽ trở thành một con người hoàn toàn khác.

  • Lương Đăng

*********************

Là giáo viên, đã từng hay đang là học sinh, hoặc là phụ huynh, hẳn bạn đã từng biết tới các tình huống sư phạm. Mời bạn đọc tham gia giới thiệu các tình huống ứng xử sư phạm với những cách ứng xử ấn tượng mà mình đã từng biết, từng trải qua. Bài được chọn đăng sẽ có chế độ nhuận bút. Mời quý vị gửi bài viết theo địa chỉ email: lthanh@vietnamnet.vn hoặc: Ban Giáo dục, Báo Điện tử VietNamNet, 141, phố Bà Triệu, Hà Nội. Cảm ơn các bạn.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,