- Buôn chuyện với "hội shopping", Tú nói chuyện trộm tiền nhà đi mua sắm vì "bà già tao tiêu phí vãi tè", cô đã nhớ mã két sắt nên phải "tiêu hộ" mẹ kẻo trước sau gì cũng hết.
“Mẹ tao tiêu phí vãi tè...”
Bãi sông Hồng, một nơi đi "phượt" yêu thích của teen. Ảnh: Tú Uyên |
Cả bố và mẹ đều đi nước ngoài thường xuyên như đi chợ, vào Nam ra Bắc, ký hợp đồng nọ đến hợp đồng kia, đi từ thiện, đi chùa liên tục.
Mọi việc nhà và công việc chăm sóc, quản lý cô con gái giao phó cho ôsin, là họ hàng thân cận của mẹ.
Một ngày, bố mẹ cô phát hiện 5 ngàn đô la đã "bốc hơi" từ két sắt trong nhà. Cô con gái rượu lại vắng nhà triền miên. Lo sợ Tú sa đà vào "thuốc lắc" hoặc dính vào nghiện ngập, họ đã tìm đến thám tử nhờ xác minh và báo cáo về lịch trình hàng ngày của con gái.
Sau nhiều ngày đeo bám, thám tử đã có một bảng tổng kết về chi tiêu của cô gái khá ngoạn mục.
Với thú vui chính là "shopping", cô thường đi cùng nhóm bạn chung sở thích: một chị có chồng làm việc ở nước ngoài, có mấy căn hộ cho thuê, một cô con nhà đại gia buôn gỗ, một nàng sành điệu chuyên được bồ tung tiền "bao". Thú vui của nhóm là mua sắm để thể hiện đẳng cấp, hơn là để làm đẹp.
Tú sẵn sàng mua chiếc túi LV nhái với giá 7 triệu đồng để tặng cô giáo, và nói với mẹ: "Tặng cô phải tặng hàng hiệu, vì nhà mình là nhà đẳng cấp".
Một ngày, Tú tiêu tiền triệu là chuyện bình thường. Hết la cà ở Vincom, lại lượn Bà Triệu, phố Huế, Hàng Cân. Ngồi cà phê phải ở Highland, ăn trưa thường xuyên ở nhà hàng vì cơm nhà chán ngắt.
Trong những câu chuyện tán dóc với hội bạn shopping, cô bé vô tư giải thích: "Bà già tao tiêu phí vãi tè...Mua cái gì cũng phải hàng hiệu, cho tiền họ hàng bên ngoại tóe loe. Bà ấy vừa đi cúng dường ở chùa hai trăm triệu. Tao nhớ mã số két sắt rồi, giờ thỉnh thoảng phải tiêu hộ bà ấy ít tiền kẻo rồi cũng hết".
Lấy tiền nhà để cứu bạn…
Trường hợp "thó tiền nhà" của Việt lại là một tình huống khác. Việt, một học sinh trường THPT địa bàn quận Đống Đa, được theo sát bởi hai thám tử của Trung tâm thám tử Hồng Hà.
Bố Việt tìm đến công ty thám tử để nhờ tìm cậu con trai "mất tích" đã 6 ngày nay và nguyên nhân mất 1.900 USD.
Ông nghi con trai lấy vì dạo này, con hay đi đến khuya mới về. Trước đây, cậu cũng có "tiền sử" lấy trộm tiền của nhà, nhưng lặt vặt.
Với gia đình, số tiền đó không phải là lớn, nhưng vụ trộm nhà của cậu con lần này khiến ông không thể tha thứ.
Tranh cãi, cậu không chịu nhận làm ông càng nổi đóa, đuổi ra khỏi nhà. Lập tức, cậu con trai hiên ngang đi thẳng, không thèm cầm theo quần áo.
Thường xuyên đi công tác nước ngoài, hầu như không có thì giờ ngó ngàng đến con nên người bố không biết nó chơi với bạn nào mà tìm. Liên lạc với cô giáo chủ nhiệm, cô cho biết Việt xin nghỉ học vì "ốm nặng".
Có trên tay tấm hình Việt và tên ngôi trường cậu học, thám tử đã tìm thấy cậu sau hai ngày chầu trực ở cổng trường. 6 ngày bỏ đi, trông Việt gầy tọp.
Chúng tôi bám theo Việt và người bạn đi cùng. Chỗ tá túc của cậu và đám bạn là căn phòng trọ mà sinh viên thường thuê, khá bề bộn và lôi thôi nằm trong ngõ nhỏ ở Cầu Giấy.
Bốn cậu bạn ở cùng Việt mặt non choẹt, gặp người lạ "nói phét như rồng". Cả bọn chán ở nhà lại dặt dẹo ở quán cà phê, thi thoảng chui vào quán bi-a, ăn uống đạm bạc.
Có điều lạ là cả bọn hay ra quán nước tìm ai đó rồi về, một ngày ra đó mấy lượt. Phải mất hai ngày, mỗi lần đi theo cải trang khác nhau để tránh phát hiện, mới thấy Việt và một cậu bạn gặp một thanh niên trao lại chiếc xe SH.
Hóa ra bạn mượn xe mang đi "cắm", Việt thì mượn xe đó của người quen, nếu không "nhổ" nhanh thì tiêu đời.
Thì ra nguyên nhân vụ trộm nhà của Việt thực chất là lấy tiền "chuộc" xe bị cắm ở hiệu cầm đồ. Việt và nhóm bạn chơi rất thân với nhau, trộm tiền bố mẹ bởi "đã là bạn bè thì đ...phải nghĩ".
Trộm tiền nhà, vấn đề nhức nhối của tuổi trẻ?
Nhận được thông tin, cả hai ông bố Tú và Việt chẳng hiểu sao đều chung một câu buột miệng đầu tiên: "Nó không dính vào nghiện ngập là may rồi".
Bố mẹ cô gái shopping không nói gì thêm sau khi đọc báo cáo chi tiết về cách chi tiêu của con gái, nghe được những phát ngôn thực lòng của con "xổ" ra với bạn bè. Câu chuyện dạy con mà không làm gương bằng chính mình, thì khó trách được.
Thám tử Hoàng Nhân cho biết, chuyện teen ăn trộm tiền bố mẹ để chơi bời không hiếm, chủ yếu để ăn bờ ngủ bụi cùng game. Có em lại dành cho nhu cầu làm đẹp: làm tóc, trang điểm, đầu tư cho các loại quần áo (bộ nào bộ nấy phải có giày và thắt lưng, túi xách hợp tông, ăn mặc không hợp mốt là "quê" với nhóm bạn). Nếu đi xe máy "ngon" thì ăn tiêu, bao bạn gái phải "đồng bộ".
Nhiều trường hợp bị phát hiện thì còn biết "con trót dại" hoặc "biết lỗi". Nếu không thì "vâng, dạ" xong, lại đâu vào đấy.
Với những đứa trẻ bướng, không sợ bố mẹ thì thường gia đình bất lực, trộm cắp trong nhà chỉ là dạng nhẹ, dần dần chuyển hóa sang lấy công khai, hoặc mang xe máy tới hiệu cầm đồ để sau đó bố mẹ đến lấy về.
Có cậu còn trốn ra nhà nghỉ sau đó điện về nhà, "đặt hàng ngược" với bố mẹ rằng con bị mắc nợ, và bố mẹ ra gặp thì "người ta mới trả con về nhà…
Một vài trường hợp trộm cắp do tâm bệnh, dân gian gọi là nghiện trộm cắp. Trộm cắp thường đi kèm với bỏ nhà đi bụi, vừa có tiền tiêu, vừa tránh ăn đòn, bị mắng mỏ.
Anh Nhân cho rằng trộm cắp là hành vi gây đau đầu cho nhiều phụ huynh. Các vụ việc mà anh thực hiện theo yêu cầu của thân chủ chỉ có số ít là có dấu hiệu của sự băng hoại nhân cách và nguy hiểm cho xã hội, còn đa phần chỉ là thỏa mãn nhu cầu chơi bời, mua sắm, thể hiện...không cưỡng lại được của tuổi trẻ.
Anh nói, mọi việc thường sẽ vào trật tự khi bọn trẻ hết lớp 12. Nếu thấy con có hành vi trộm cắp, các bậc phụ huynh không nên tỏ ra quá lo lắng mà nên đi tìm nguyên nhân để giúp đỡ trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn của tuổi vị thành niên.
- Tú Uyên
Kỳ cuối: Có nên phê phán trẻ hư?