- Ngày tôi học cấp III, tôi học yếu các môn Toán, Lý, Hóa, đặc biệt là môn Lý. Dù rất nhiều lần tôi đặt kế hoạch phấn đấu những môn này nhưng kết quả vẫn chẳng mấy khả quan.
Khốn khổ cho tôi, đến năm tôi học lớp 11 thì chị gái tốt nghiệp Đại học sư phạm và xin về trường tôi dạy. Chị vốn nghiêm khắc nên tôi còn sợ chị hơn sợ các thầy cô trên lớp.
Tôi thường bị chị chỉnh đốn về việc học hành lẫn các mối quan hệ bạn bè. Vì vậy mà tôi cố gắng tu dưỡng mọi mặt để mỗi bữa cơm tối không bị chị “hát bài ca muôn thuở”. Kết thúc các “bài hát” bao giờ chị cũng nhấn mạnh:
- Mày chịu khó mà học, năm sau thi tốt nghiệp rồi. Các môn tự nhiên, đặc biết là môn Lý mày học quá tồi đấy. Liệu hồn.
Tôi chẳng dám nói gì ngoài việc cố gắng học thuộc tất cả lý thuyết môn này vì ít ra cũng được 5 điểm. Thế nhưng học xong hôm trước, hôm sau vẫn quên sạch.
Cô giáo dạy Vật ý của tôi chừng 40 tuổi, tên là Tình. Khi giảng bài, cô nói rất nhanh và cứ sau khoảng 15 phút thì có bọt mép. Tụi con gái lớp tôi chỉ chờ đến khi cô giảng được một lúc là ngồi bàn tán, rúc rích cười với nhau. Nếu cô có chuẩn bị nổi nóng thì một đứa đứa nhả nhớt
- Cái áo cô mua ở đâu mà đẹp thế ạ?
Hay là:
- Cô ơi! Kiểu tóc của cô hôm nay rất hợp với trang phục.
Sau mỗi lần như vậy cô lại hào hứng kể chuyện mua đồ ở đâu, cô dùng đồ cầu kì như thế nào…..Thành ra, lớp học lại trở thành buổi tọa đàm về thời trang, những đứa không thảo luận thì lôi môn khác ra học hoặc ngồi cắt móng tay, tỉa lông mày…
Dần dần không chỉ một mình tôi mà hầu như cả lũ con gái trong lớp đều học yếu môn này.
Về trường cùng khóa với chị tôi năm đó có thầy Hoàng dạy môn Lý. Thầy thích chị tôi nên cuối tuần nào thầy cũng đến nhà chơi. Mỗi lần thấy bóng thầy là tôi chạy tót sang nhà hàng xóm cho an toàn.
Nhưng lâu dần thì tôi cũng ngồi nói chuyện với thầy một hai lần. Sau khi biết tôi học yếu môn Lý, thầy thường xuyên đến nhà tôi hơn chủ yếu để kèm cho tôi học.
Hình như ở trường, thầy cũng nói với cô Tình về sức học của tôi và mong cô kèm cặp nhiều hơn chăng nên cô thường xuyên gọi tôi nên bảng, chủ yếu kiểm tra lý thuyết hoặc các bài tập dễ để tôi gỡ điểm. Tôi tự cảm thấy đã hiểu bài hơn nhưng vẫn chưa khả quan lắm.
Tổng kết học kì I, cả lớp hồi hộp làm phép tính để tính điểm tổng kết của mình, sau đó đối chiếu với điểm tổng kết của các giáo viên bộ môn. Đến giờ Lý, cô Tình cũng làm các thao tác đầy đủ như các thầy cô giáo khác. Tôi cũng rất vui vì năm ngoái tôi tổng kết môn này được 4.0, kì I năm nay đã đạt 4,8.
Khi cô Tình đọc điểm tổng kết cho tôi, cô đọc là 5,0. Tôi chưa kịp đính chính thì cô dõng dạc nói:
- Cô Giàu thực chất tổng kết được 4,8. Nhưng vì là chỗ thân thiết với thầy Hoàng, tôi lại cũng biết thầy Hoàng rất lao tâm khổ tứ về việc học của cô Giàu đối với môn học của tôi, tôi nhân nhượng cho nên 5,0.
Cả lớp quay lại nhìn tôi với nhiều ánh mắt khác nhau. Lúc đó, vừa tủi thân, vừa xấu hổ, vừa tức giận, tôi đứng phắt lên:
- Em thưa cô, điểm của em là 4,8 thì cô cứ tổng kết cho em 4,8. Kết quả học tập của em không liên quan gì đến mối quan hệ giữa em và thầy Hoàng.
Cô sa sầm mặt mày lại, chì chiết:
- Chị đừng có tỏ vẻ ta đây như vậy, đó là hành động vô lễ với giáo viên. Chị cần biết ơn người đã làm điều tốt cho mình.
Nhưng hình như câu nói vừa rồi vẫn không làm cho cô thỏa mãn, cô sửa lại điểm cho tôi thành 4,8 và tuyên bố: “Chị đừng hòng qua được môn này”.
Cả lớp xì xèo bàn tán.
Sang học kì II, nhà trường đổi giáo viên dạy môn Lý, cuối năm đó và sang năm lớp 12, môn học này của tôi đều đạt 5,0.
Sau này, thỉnh thoáng gặp cô ngoài chợ hay ở phố, tôi thường cố tình tránh mặt cô. Có những lần tôi không kịp tránh và cô nhìn thấy tôi, cô thường nói: “Chị Giàu đấy à, dạo này xinh nhỉ”.
- Ngọc Giàu