(VietNamNet) - Tuổi đôi mươi, "kẻ" làm Phó Giám đốc công ty tin học, "tên" làm thủ lĩnh Thách thức, người bắt đầu khởi nghiệp. Cuối năm 2003, hãng Microsoft đã chọn ba sinh viên này làm đại sứ đầu tiên của hãng tại Việt Nam.
Thủ lĩnh Thách thức
Tăng Nguyễn Trung Hiếu đang là sinh viên năm 3 Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên, thuộc ĐHQG TP.HCM. Trước khi làm đại sứ, Hiếu đã khá nổi đình nổi đám với vai trò chủ nhiệm âu lạc bộ (CLB) tin học của trường. "Ra lò" từ năm 1998, đến giờ, CLB đã có khoảng 700 thành viên, không chỉ "người nhà mình" mà cả "dân" Bách khoa, Sư phạm Kỹ thuật, Ngoại ngữ - Tin học cũng "nhảy vô" tham gia mặc dù làm hội viên thì phải góp phí (tất nhiên với mức rất sinh viên 5.000 đồng cho hoạt động "nhòe" cả năm). Thành công nhất, theo tự nhận của "chủ nhiệm Hiếu" là CLB đã tự thu, tự chi và còn "hỗ trợ kinh phí" cho các hoạt động đoàn thể khác như sinh hoạt Đoàn, Hội. Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh vừa rồi, ngoài tham gia phổ biến tin học cho cán bộ xã, CLB còn hỗ trợ cả tiền tài liệu, tàu xe cho thanh niên tình nguyện.
Đại sứ sinh viên là người có học lực giỏi, có kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện, có trình độ tin học, ngoại ngữ lưu loát và khả năng giao tiếp tốt. Nhiệm vụ chính của họ là xây dựng mạng lưới sinh viên thông qua các CLB hoặc Internet; đưa ra các chương trình và tổ chức sự kiện bổ trợ thêm các kiến thức ngoài giáo trình đã học trong trường. Tiêu điểm của năm nay là cuộc thi Imagine Cup 2004 - xây dựng các phần mềm trên công nghệ của Microsoft. Cuộc thi toàn thế giới sẽ được tổ chức tại Sao Paulo hoặc Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 6/2004. |
Để gây quỹ, Ban chủ nhiệm đã sáng chế ra "chiêu" phổ cập tin học cho sinh viên ngoại đạo, chủ yếu về thiết kế Web và sử dụng Power Point. Mỗi "cua" đào tạo ngắn hạn CLB thu học phí 5.000 đồng. Lớp học "xóa mù" tin học của CLB thường diễn ra nhanh, gọn trong một buổi hoặc một ngày mà buổi học cũng đông nghẹt người.
Riêng hoạt động thường niên của CLB cũng duy trì khá tốt. Cứ 2 tuần thì sinh hoạt chuyên môn: hội viên sẽ được giao đề tài, ai thích thì đăng ký tìm hiểu. Các bạn báo cáo trước hội trường của thành viên.
Tiếng vang của CLB rõ nhất là cuộc thi tin học trong giới sinh viên toàn thành phố, có tên "Thách thức" diễn ra thường niên do CLB tự vận động tài trợ với giải thưởng lên cả trăm triệu đồng. Tổ chức cuộc thi, mình có thêm kinh nghiệm "chai" mặt và "thủ thuật" xin tài trợ - Hiếu nói.
Làm "anh chủ nhiệm", thường xuyên nhận bằng khen về công tác Đoàn, Hội Sinh viên, hay tranh thủ giờ nghỉ học sớm đi vận động tài trợ cho các hoạt động của CLB, Hiếu vẫn sắp xếp thời gian học đủ giành điểm tổng kết 8,0 qua các học kỳ. Giờ, đảm nhiệm vai trò đại sứ, chức danh chủ nhiệm Hiếu "nhượng" lại cho thành viên khác để dành thời gian cho vai trò "ngài đại sứ".
Tất cả mới bắt đầu
Anh Phạm Vinh, phụ trách nhóm Đại sứ của Microsoft tại Việt Nam cho biết, hiện tại đã có 7 trường ĐH Việt Nam được Microsoft tặng giấy phép sử dụng MSDN AA - Microsoft Developer Network Academic Alliance. Mỗi trường đã cử được Program Administrator cho chương trình MSDN AA và đến giờ, đã chọn được 3 người. Mục tiêu là 7 trường đều có "đại sứ" . |
Ưa làm việc chính xác, khi mấy lần hẹn rồi có việc bận đột xuất, Hạnh cứ nhắc đi nhắc lại: "Đúng 10h30 nhé", "đúng 9h nhé". Hạnh là sinh viên năm thứ hai Khoa Công nghệ thông tin, ĐH dân lập Thăng Long, Hà Nội.
Vị đại sứ ở trường ĐH dân lập này có vẻ khá khiêm tốn khi nhắc đi nhắc lại: "Tại khoa và trường em có nhiều sinh viên rất giỏi. Có nhiều bạn bây giờ đang đi học nhưng đã làm việc tại các công ty và em rất phục các bạn đó".
Tại trường Thăng Long, CLB lập trình Visual Basic vừa được thành lập với 40 thành viên. Nội dung học này hiện chưa được đưa vào chương trình học của các trường. Hàng tuần, CLB có 2 buổi sinh hoạt.
Vừa nhận chức đại sứ, Hạnh đã kịp tổ chức buổi giới thiệu về bộ lập trình Visual Basic tại trường. Tuy nhiên, với Hạnh tất cả còn ít ỏi. Sang năm mới, sẽ còn nhiều việc phải làm, Hạnh nói.
Triển vọng Trí tuệ Việt Nam
Rất thực tế với quan điểm "muốn làm giàu phải có tiền và quyền", trong bài luận thi vào Câu lạc bộ tài năng tin học trẻ của Công ty FPT (FYT), với câu hỏi: "10 năm tới bạn sẽ là ai?", Dương Khánh Chương, khi ấy đang học năm cuối trường Amsterdam, đã bày tỏ ước vọng làm Tổng Giám đốc một Công ty kinh doanh về Tin học. Vượt qua 150 ứng viên với 4 cửa thi ngặt nghèo, Chương là người trẻ nhất lọt vào FYT thời điểm ấy. Năm ngoái, nhóm 5 người gồm Chương, Bình, Tuất, Hoài, Huy đã có sản phẩm "Điện thoại truyền hình" ẵm giải triển vọng tại cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2002. Sản phẩm này sau đó được nhóm của Chương tiếp tục hoàn thiện với sự thay đổi nho nhỏ về nhân lực vì Bình học xong, mở công ty riêng, Hoài đi học bên Singapore. Hiện đã có công ty ngỏ ý muốn "bao tiêu" trọn gói nhưng Chương "chưa nói được gì nhiều vì sản phẩm còn đang trong quá trình hoàn thiện'.
Hồi mới "đầu quân" vào FYT, Chương tham gia dự án "Chính phủ điện tử", đã từng mang đi Hàn Quốc thi Imagine Cup năm 2001. Sau đó, bản demo này tiếp tục được hoàn thiện. Nhóm đã hoàn thành phiên bản Version 1.0, đạt được mục tiêu đề ra ban đầu và hiện đã xây dựng xong demo để liên kết 3 sở Kế hoạch - Đầu tư, Công an và Chi cục Thuế của Hà Nội.
Ba năm học chuyên tin ở trường Amsterdam đảm nhiệm vai trò lớp phó học tập, lên ĐH kiêm chức danh lớp trưởng, về cái khoản "lãnh đạo", Chương cũng đã có "thâm niên". Vả lại, các lớp học ngắn hạn tại FYT cũng chú trọng đào tạo kỹ năng này với các cuộc thi: "Tìm hiểu nghệ thuật lãnh đạo của Bác Hồ", "Tìm hiểu về Jerusalem",v.v.... "Vì vậy, về khoản kỹ năng giao tiếp và kiến thức xã hội của một đại sứ, Chương "khỏi lo". Chỉ có điều, chưa được như Hiếu ở ĐH Khoa học tự nhiên, khoa Công nghệ Thông tin, ĐHQG Hà Nội, nơi Chương đang theo học năm thứ 2, chưa có sẵn CLB sở thích nào. Vì vậy, đại sứ sẽ còn phải xoay nhiều. Đó cũng là một công việc để tự học, tự rèn luyện và thử sức mình - Chương nói. Bật mí thêm, hiện đại sứ Chương còn kiêm vai trò Phó Giám đốc Công ty giải pháp phần mềm Hòa Bình.
-
Hạ Anh