221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
835626
Chuyển sang học chế tín chỉ: Đổi mới theo "3C"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Chuyển sang học chế tín chỉ: Đổi mới theo '3C'
,

“Để chuyển đổi sang học chế tín chỉ, yêu cầu hàng đầu lúc này là phải đổi mới phương pháp dạy, học theo 3C: Giáo viên chỉ hướng dẫn SV cách học, tăng cường hơn nữa quyền chủ động của SV và khai thác tối đa ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào nhà trường”.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, tác giả đề án đào tạo theo HCTC nhận xét.

Trong cuộc “cách mạng” nhằm thay đổi “công nghệ giáo dục” sâu rộng và toàn diện, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ trên cả nước bắt đầu nghiên cứu và tiến tới hoàn thiện chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ (HCTC) vào năm 2010.

Tuy nhiên, rất nhiều SV, kể cả những SV ở các trường ĐH sẽ bắt đầu áp dụng đào tạo theo tín chỉ từ năm học 2006-2007 như ĐHQG Hà Nội, hiện vẫn còn rất “lơ mơ” về hình thức đào tạo mới mẻ này.

Một buổi giao lưu đã được VietNamNet phối hợp với VTV2 tổ chức nhằm giới thiệu những hiểu biết cụ thể hơn về HCTC và tìm ra những giải pháp để phát huy hiệu quả của hình thức đào tạo này.

Các vị khách mời: GS.TSKH Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT, tác giả đề án đào tạo theo HCTC của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Đức Chỉnh – chuyên viên Vụ Đại học và sau Đại học - Bộ GD-ĐT và ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng - một trong những trường đã áp dụng hình thức đào tạo theo HCTC. 

Cái “được” không đơn thuần là rút ngắn thời gian học

Với HCTC, kiến thức được cấu trúc thành các mô đun (học phần) và SV phải  tích luỹ khối lượng kiến thức định sẵn theo từng học phần đó chứ không phải theo năm học.

Vì vậy, khác với đào tạo niên chế, đào tạo theo học chế tín chỉ không giới hạn thời gian học. SV sẽ phải chủ động xây dựng lộ trình học tập của riêng mình, từ lựa chọn môn học đến thời gian học, thậm chí lựa chọn cả giáo viên, sao cho phù hợp nhất với năng lực, sở thích, sức khoẻ và tình hình tài chính của bản thân.

Nhiều người cho rằng ưu điểm lớn nhất của HCTC là SV có thể rút ngắn thời gian học và tốt nghiệp sớm hơn.

Trên thực tế, mỗi năm trường ĐH Xây dựng có khoảng 50% SV tốt nghiệp trước thời hạn.

Còn trường ĐHDL Thăng Long (áp dụng hình thức HCTC từ năm 1998) có những năm chỉ có khoảng 25-30% SV ra trường đúng hạn, một số đông phải kéo dài thời gian học đến 5,6 năm, thậm chí 8,9 năm.

Đặc biệt có khoảng 20% SV “rơi rụng”, không tốt nghiệp được. Một sinh viên của trường cho biết: “Mỗi môn học trường chỉ tổ chức từ hai đến bốn lớp mỗi kỳ nên nhiều khi chúng em không còn chỗ để đăng ký. Chính điều này làm chậm tiến trình học của bọn em.”

Ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Cái cuối cùng SV cần đạt được là kiến thức tích luỹ được và khả năng làm việc sau này chứ đừng hiểu HCTC đơn giản là giúp SV ra trường sớm. Hình thức đào tạo niên chế nặng tính bao cấp khiến SV bị “ì”. Ngược lại, với hình thức đào tạo tín chỉ, SV được đặt vào trung tâm, và được phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn và sắp xếp lịch học, có trách nhiệm với quá trình học của mình hơn.” 

Cũng theo ông Hùng, ưu điểm của mô hình HCTC là đào tạo những con người có khả năng thích ứng cao, đáp ứng được yêu cầu của công việc sau này.

Còn GS.TSKH Lâm Quang Thiệp lại nhấn mạnh: “Đào tạo theo học chế tín chỉ (HCTC) kết hợp được cả hai triết lý của giáo dục đại học, đó là: giáo dục cho số đông và cá nhân hoá đào tạo đại học.”

Có nghĩa là rất đông SV cùng học nhưng không ai học giống ai cả. Mỗi người tự xây dựng một chương trình học phù hợp với riêng cá nhân mình.

SV có thể học liên ngành, tích luỹ kiến thức về nhiều lĩnh vực cùng lúc bằng cách đăng ký nhiều môn khác nhau.

Thậm chí, một SV học khối tự nhiên cũng có thể đăng ký học môn xã hội nếu thấy cần thiết hoặc yêu thích. SV cũng có quyền tự do lựa chọn giáo viên giảng dạy. Vì thế mà chính giáo viên cũng phải hoàn thiện chuyên môn để “hấp dẫn” được SV đến với giờ học của mình. 

Đổi mới theo "3C"

Đi tiên phong tiếp cận với mô hình HCTC là trường ĐH Bách khoa TP.HCM (từ năm 1993). Cho đến nay, đã có gần 10 trường ĐH trên cả nước áp dụng hình thức này nhưng thực chất chưa có trường nào xây dựng được mô hình hoàn thiện mà mới chỉ đang ở mức “tiệm cận”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sự chần chừ của các cấp lãnh đạo, thiếu thốn cơ sở vật chất, nhưng quan trọng hơn cả là sự thiếu chủ động cả về phía SV lẫn giáo viên.

Với HCTC, chỉ có 1/3 thời gian lên lớp được giáo viên hướng dẫn, còn lại 2/3 thời gian SV phải tự học, tự nghiên cứu tại nhà.

Nhưng đa phần SV vẫn quen với hình thức “đọc, chép” từ thời phổ thông nên chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu phải tự nghiên cứ tài liệu.

Vì thế, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho rằng yêu cầu hàng đầu lúc này là phải đổi mới phương pháp dạy và học theo 3C: Giáo viên chỉ hướng dẫn SV cách học, tăng cường hơn nữa quyền chủ động của SV và khai thác tối đa ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào nhà trường.

Khán giả Nguyễn Văn Bình ở Hà Tĩnh đặt câu hỏi: “Liệu có thể đưa sẵn bài giảng lên mạng cho SV tham khảo trước được không?” ông Thiệp trả lời thành thực rằng “Chưa làm được ngay vì việc chuyển từ giáo trình giấy lên mạng tương đối khó và mất nhiều thời gian.”

Khi chuyển sang mô hình đào tạo tín chỉ, các trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong khâu quản lý vì phải hoàn toàn quản lý và sắp xếp lịch học cho từng SV trên máy tính, đảm bảo không chồng chéo và nhầm lẫn. Với hệ thống máy tính và trình độ tin học của những người làm công tác sắp xếp, quản lý hồ sơ SV như hiện nay thì đây không phải công việc dễ dàng.

Ông Nguyễn Đức Chỉnh nhấn mạnh: “Cần phải xây dựng một hệ thống các cố vấn học tập (thay cho giáo viên chủ nhiệm) giàu kinh nghiệm và tâm huyết để tư vấn cho SV lựa chọn môn học, ngành học, thời gian học sao cho hợp lý nhất.”

Tỉ lệ khoảng 1 cố vấn/15 SV là vừa phải trong khi ở một số trường đào tạo theo HCTC ở nước ta hiện nay, con số này lên tới vài chục, thậm chí cả trăm SV có một cố vấn phụ trách.

Hoạt động Đoàn - Hội: Không đáng lo!

Một vấn đề nữa đặt ra là việc sinh hoạt Đoàn - Hội sẽ gặp nhiều khó khăn do SV không học cố định ở một lớp nào, rất khó để sinh hoạt chung với nhau.

Sinh viên vì muốn rút ngắn thời gian học mà có thể ít chú ý đến các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học hay hoạt động ngoại khoá.

Tuy nhiên, ông Thiệp lại cho rằng từ thực tế ở trường ĐH Bách khoa TP.HCM, HCTC không những không làm giảm đi chất lượng của hoạt động Đoàn-Hội mà thậm chí còn làm tăng hiệu quả các hoạt động này do SV có ý thức chủ động hơn.

Bản thân ông Thiệp, tác giả của đề án đào tạo theo HCTC của Bộ cũng phải thừa nhận lộ trình chuyển đổi đến năm 2010 là “quá nhanh và quá tham vọng”.

Bởi để chuyển sang HCTC, một trường ĐH phải mất không dưới 10 năm chứ chưa nói đến cả một nền giáo dục ĐH.

Chỉ còn chưa đầy bốn năm nữa là tới “hạn chót” mà Bộ GD-ĐT giao cho các trường phải hoàn thành chuyển đổi sang cơ chế đào tạo tín chỉ nhưng dường như vẫn chưa có trường ĐH nào tìm ra lời giải hợp lý cho bài toán “chuyển đổi như thế nào cho hiệu quả".

  • Lan Hương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,