221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
856790
Mang nước uống đến trường 3 lần, bị thôi học!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Mang nước uống đến trường 3 lần, bị thôi học!
,

 (VietNamNet) - SV mang đồ ăn thức uống tới trường sẽ bị xử lý, nhẹ thì bị cảnh cáo, nặng thì bị thôi học. Quy định "vừa ra lò" của cơ sở 2 Trường ĐH Ngoại thương (TP.HCM) đã vấp ngay sự phản ứng của SV, dù nhà trường vẫn kiên quyết "phải giữ" để tạo nề nếp văn minh.

Soạn: HA 935263 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Những bữa cơm trưa nhấp nhổm

Năm học này, cơ sở 2 Trường ĐH Ngoại thương có quy định cấm SV mang đồ ăn, thức uống vào trường lớp.

 Quyết định do chính Giám đốc cơ sở ký, được dán ở những vị trí trung tâm tại bảng thông tin của trường từ ngày 10/10.

Cụ thể là: nghiêm cấm SV mang đồ ăn thức uống vào phòng học. SV nào vi phạm sẽ bị xử lí: vi phạm lần 1, sẽ bị khiển trách, thông báo trước toàn trường và phụ huynh; lần 2, thi hành kỷ luật cảnh cáo, thông báo trước toàn trường và phụ huynh; lần 3, buộc thôi học, thông báo trước toàn trường và phụ huynh.

Nhiều SV không tin vào quy định này.

"Chỉ ba lần đưa nước đến trường bị buộc thôi học? Việc cấm xả rác bừa bãi thì còn có thể chứ cấm SV mang đồ ăn thức uống đến trường thì…khó. Ăn uống là nhu cầu rất tự nhiên, không thể cấm chỉ vì một số bạn thiếu ý thức mà ảnh hưởng tới tất cả các bạn có ý thức” – Nguyễn Linh Chi (khoa Kinh tế đối ngoại) bày tỏ.

Thông tin lan truyền khắp trường đã gây "chấn động".

Các lớp đã lấy ý kiến của SV trình bày với giáo viên. Hầu hết SV cho rằng, không thể thực hiện quy định đó. Bởi, không thể đánh đồng việc xả rác bừa bãi với chuyện đưa đồ ăn, thức uống vào trường để cấm đoán SV.

Văn Long (khoa Kinh tế đối ngoại) và nhiều bạn cho biết, SV không phải ai cũng có điều kiện ra quán xá sẵn có bên ngoài cổng trường. Nhiều SV phải dậy sớm, mang theo cơm hộp để tiết kiệm. Và nếu cứ một chút cần uống nước lại ra quán, rất bất tiện, nhất là học ở tầng 4. Chưa kể, việc này dễ tạo thói quen la cà hàng quán, chưa hẳn đã tốt cho SV.

Liệu có khả thi?

Soạn: HA 935265 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cấm đồ ăn có thể cấm, chứ nước uống cấm thì rất... vô duyên!

Cơ sở 2 của Trường ĐH Ngoại thương tại TP. HCM vừa được đưa vào sử dụng trong năm nay.

Lãnh đạo nhà trường cho biết, không thể bỏ quy định bởi trường học là nơi cần giữ văn minh trật tự.

Trong trường, không có căn tin. Để đáp ứng nhu cầu nước uống, trường có lắp bình nước nóng lạnh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của SV, đến nay, bình thì có nhưng máy chưa hoạt động, chưa có nước. 

Nhằm thực hiện quy định mới này, 6 bảo vệ thay phiên nhau tuần trực vòng quanh sân trường, các hành lang.

Bảo vệ Đỗ V. Nghiệp cho biết: “Đã là quy định thì chúng tôi tuân theo. Nhưng thấy SV đưa đồ ăn thức uống vào trường, chúng tôi cũng chỉ nhắc nhở không được đưa vào ngay từ ngoài cổng thôi. Còn nếu bắt gặp họ ăn uống trong trường, sẽ nghiêm cấm. Việc kiểm soát hết là không thể, vì SV có cho đồ ăn thức uống vào túi xách, làm sao phát hiện ra”.

8X không-xả-rác-ra-đường

Cuộc thử nghiệm kiểm tra cặp túi của hơn 200 SV để tìm hiểu xem 8X hiện nay mang gì tới giảng đường ĐH. Kết quả thu được là...(xem bài chi tiết)

Chùm ảnh- Tìm nơi xả rác

Để đối phó với sự kiểm tra của bảo vệ, SV phải nhè… giờ bảo vệ trực cổng (ngay lúc tan trường) để ăn trưa.

Bình nước, sữa cho vào cặp, lúc không có bảo vệ vẫn thản nhiên để trên bàn học. Tuy vậy, “dù vẫn có thể ăn uống lúc không có bảo vệ  nhưng cảm giác rất khó chịu vì chuyện tế nhị này lại bị xét nét” – Thanh Hiếu, SV khoa Quản trị Kinh doanh bức xúc.

Cô Minh Hiền, giáo viên Anh văn của trường cho biết: Đã nhiều lần, tôi chứng kiến lao công quét cả một đống rác rưởi, nước nôi dính bết lại rất dơ. Đó là “sản phẩm” của SV thiếu ý thức. Nếu để tự các em có ý   thức mà không có được thì việc nhà trường quy định cấm là đúng. Nhưng cũng cần có sự du di. Ví dụ, SV có thể đưa nước, sữa đến trường nhưng phải giữ vệ sinh sạch sẽ. Và nếu xả rác, sẽ bị phạt nặng.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Phó Giám đốc của trường cũng thấy khó để thực hiện quy định này. Ông xác định: “Chúng tôi nhận thức nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục và đào tạo con người nên quy định đặt ra nhằm tuyên truyền cho SV về ý thức gìn giữ môi trường sống. Quy định có tính chất nghiêm ngặt vì tinh thần tự giác của SV chưa tốt. Làm như vậy cũng vì quyền lợi các em".

Tuy vậy, dù quy định ghi rõ có hiệu lực từ ngày 10/10 nhưng đến nay vẫn trong giai đoạn giáo dục. Trên thực tế, chưa xử lí một trường hợp nào. Ông Minh cho hay.

Theo bạn, nếu không có quy định xử phạt nghiêm, để  tự ý thức về giữ gìn vệ sinh, liệu sinh viên có thực hiện tốt không?"

Văn Long (khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương): Chắc chắn sẽ có một phần không thực hiện tốt. Nếu tốt, đã không có quy định ấy. Con sâu làm rầu nồi canh là thế đấy.

Thanh Hiếu (khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại thương): Nhà trường cũng như xã hội thu nhỏ thôi, có người có ý thức, có người không. Nhưng tôi tin là phần vô ý thức không nhiều vì dù sao ở môi trường đại học các bạn cũng có vốn văn hoá đáng kể. Nếu có những lúc “lỡ quên” thì nhà trường có thể nhắc nhở bằng cách đặt nhiều bảng “Cấm xả rác” hay “Giữ gìn trường lớp sạch sẽ" như… ở tiểu học chẳng hạn. Đặt nhiều thùng rác hơn nữa cũng là cách nhắc nhở tế nhị đối với sinh viên.

Mỹ Khanh (khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương): Tôi không quan tâm đến nội quy đó vì nó không khả thi. Sớm muộn gì sẽ bỏ hoặc có mà không ai chấp hành được. Như vậy, đặt ra làm gì cho thêm bức xúc? Bản thân tôi, có hay không có nội quy tôi cũng có ý thức không xả rác. Nếu có chút tự trọng, bạn sẽ thấy ngại khi xả rác nơi công cộng.

Nguyễn Văn Lộc (khoa Môi Trường, ĐH Bách Khoa TP.HCM): Thay vì cấm đoán xử phạt nghiêm khắc, điều cần làm là nhà trường phải tạo thức gìn giữ vệ sinh cho SV. Ví dụ như sẽ làm những “Ngày chủ nhật xanh” để sinh viên dọn dẹp trường lớp chẳng hạn. Ở trường tôi ý thức SV khá tốt vì được giáo dục như thế chứ không vì sự cấm đoán nào.

  • Thu Hương (thực hiện)
Lời toà soạn: Bạn là học sinh, sinh viên hay du học sinh, hoặc đơn giản là người quan tâm đến giới trẻ. Hãy gửi về cho chúng tôi tin, bài, ảnh phản ánh các hoạt động của giới trẻ trong và ngoài học đường theo địa chỉ bangiaoduc@vasc.com.vn. Bài được đăng, nhuận bút sẽ được thanh toán theo chế độ hiện hành.
 
Ý kiến của bạn:

 
 
 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,