(VietNamNet) - Năm 2002, lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội đi một nước cờ mà nhiều người cho rằng “mạo hiểm” là đưa một Thạc sỹ trẻ tuổi, chưa hề có kinh nghiệm giảng dạy và quản lý giáo dục lên làm trưởng khoa mới thành lập Quản trị kinh doanh và Du lịch (QTKD-DL).
Bốn năm sau, QTKD-DL đã trở thành một trong những khoa “hot” nhất trường với điểm chuẩn tuyển sinh khá cao. Thầy giáo ấy là Th.S Hoàng Gia Thư (SN 1977), chính thức nhận chức trưởng khoa từ năm 25 tuổi, trở thành một trong những trưởng khoa ở ĐH trẻ nhất Việt Nam sau năm 1975.
Thầy Hoàng Gia Thư (áo carô, bên phải) cùng các SV tại buổi tổng kết công tác tình nguyện phục vụ Hội nghị thi đua yêu nước lần thứ 7 |
Giải thích cho quyết định “mạo hiểm” này, ông Nguyễn Xuân Vang, Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết: “Thầy Hoàng Gia Thư là một giáo viên (GV) trẻ nhưng có tiềm năng, có năng lực, có thái độ làm việc và hướng nhìn về tương lai tích cực mặc dù hiện nay chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Đặc biệt, thầy có sự quan tâm sâu sắc và quan hệ trong sáng với SV.”
Xây dựng khoa từ con số 0
Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, rồi tiếp tục học ở ĐH Central Queensland (Úc) và nhận bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Hoàng Gia Thư hoàn toàn có thể tìm được một công việc với mức lương hấp dẫn hơn nhiều. Nhưng chàng trai trẻ lúc ấy lại có một ước mơ mang lại sự thay đổi lớn lao cho đất nước.
Anh bồi hồi nhớ lại: “Lúc ấy tôi nghĩ rằng, một mình mình thì có thể làm gì lớn lao đây? Một ý nghĩ loé lên: chỉ có giáo dục, giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, sản phẩm tạo ra là vô giá. Đó chính là những con người tốt, phục vụ cho đất nước.”
Hoàng Gia Thư về nước đúng lúc ĐH Hà Nội đang tuyển GV cho khoa mới thành lập, Khoa QTKD-DL. Thư dự thi và trúng tuyển, được giao phụ trách khoa khi mới 25 tuổi.
Thành lập tháng 5/2002, lúc đó Khoa QTKD-DL mới chỉ có 4 người với bộn bề công việc để chào đón khoá SV đầu tiên nhập học vào tháng 9. Chỉ vẻn vẹn có bốn tháng mà phải xây dựng chương trình, kế hoạch năm học, phân công GV, thu hút GV giỏi và tìm hướng giảng dạy mới.
“Trong cuộc đua giành GV giỏi, tôi biết mình không thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài về lương nên chỉ có cách tạo ra một môi trường thật lành mạnh, môi trường để có thể học hỏi, môi trường để có thể thể hiện bản thân, được thành đạt trong nghề nghiệp.” - anh chia sẻ.
Nhưng thách thức lớn nhất đặt ra là phải giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Thầy giáo Thư tâm sự: “Lúc ấy nhiều người bảo tôi rằng: Cẩn thận không thì chuyên ngành chẳng bằng ai mà ngoại ngữ cũng không đến đâu cả, thành ra giảng dạy nửa vời.”
Với kinh nghiệm học tập ở Úc, anh quyết định xây dựng chương trình giảng dạy theo kiểu nước ngoài, chia các giờ học thành hai kiểu rõ ràng: Lecture (lý thuyết) và Tutorial (thực hành) để đảm bảo cho SV không chỉ có “lý thuyết suông” mà phải làm quen với các tình huống thực tế, sẵn sàng xử lý nếu gặp phải sau này.
Để xây dựng một chương trình học hiện đại, anh phải mày mò, tìm kiếm hệ thống học liệu mở trên internet của các trường ĐH danh tiếng thế giới. Giáo trình cũng đều biên soạn theo chuẩn quốc tế, có liên hệ với thực trạng VN để SV được cập nhật những kiến thức mới nhất.
Còn giờ thực hành của thầy giáo Thư luôn rất sôi nổi với những tình huống thú vị.
Nguyễn Trọng Bằng (Lớp 4KD-03, Khoa QTKD-DL) chia sẻ: “Môn Quản lý nhân sự, thầy đưa ra tình huống có hai ứng cử viên đi xin việc: một người làm việc chăm chỉ nhưng năng lực không tốt, một người làm việc giỏi nhưng lại không chăm chỉ, thì bạn chọn ai? SV được tự do bày tỏ và bảo vệ chính kiến của mình. Cuối giờ học thầy tổng kết lại, phân tích được và chưa được của từng phương án chứ không ép SV phải theo một đáp án có sẵn.”
Thầy giáo Thư quan niệm: “Kiến thức của người thầy chỉ là hữu hạn, mà cũng không thể truyền đạt hết kiến thức của nhân loại cho SV. Vì vậy, quan trọng là tạo động lực để SV ham học, thích học. Học cái gì đôi khi không quan trọng bằng học như thế nào. Dạy cái gì đôi khi không quan trọng bằng dạy như thế nào.”
Xây dựng và sử dụng mọi mối quan hệ, anh thường xuyên mời lãnh đạo và các nhân viên cốt cán của các tập đoàn lớn như KPMG, PriceWaterHouseCoopers... tới trò chuyện với SV trong khoa để “họ dạy cho SV mình những thứ mà GV chúng tôi không thể dạy được”.
Những “chiêu tiếp thị giáo dục”
Với quan niệm: “Đẳng cấp của một khoa, một trường ĐH phụ thuộc vào chất lượng SV”, hàng năm, đích thân thầy Hoàng Gia Thư cùng với SV đi tới từng trường phổ thông, từng trung tâm luyện thi phát tờ rơi và thuyết trình giới thiệu về khoa.
Thầy Thư nhấn mạnh: “Cần phải quảng bá rộng rãi và thu hút những SV giỏi về khoa. Đã qua rồi thời “hữu xạ tự nhiên hương”, sau này khi xã hội hoá giáo dục thì ngay cả trường công lập cũng sẽ phải “tiếp thị” bản thân".
Năm 2004, lần đầu tiên khoa QTKD-DL tổ chức Open Day, hay còn gọi là Ngày hội hướng nghiệp với sự tham gia của hàng trăm phụ huynh và học sinh để giới thiệu về cơ sở vật chất, chất lượng và chương trình giảng dạy của khoa. Đây cũng là lần đầu tiên một trường công lập tổ chức hoạt động “tiếp thị giáo dục” quy mô và hoành tráng thế.
Những năm tiếp theo, Open Day được tổ chức thường niên ngay sau Tết, vào đúng thời điểm học sinh lớp 12 đăng ký thi ĐH, CĐ. Phương pháp tiếp thị của thầy Thư mang lại hiệu quả không ngờ. Từ ngày có Open Day, mỗi năm lượng hồ sơ đăng ký vào ĐH Hà Nội tăng tới 2000, tương đương vài chục phần trăm. Dù mới thành lập được vài năm nhưng điểm trúng tuyển vào khoa QTKD-DL luôn thuộc loại cao nhất.
Sống cùng SV
Điều khiến nhiều SV khoa khác phải “ghen tị” chính là sự gần gũi và nhiệt tình với SV của thầy Hoàng Gia Thư.
Nguyễn Trọng Bằng (Bí thư Liên chi Đoàn khoa QTKD-DL) tâm sự: “Có lẽ không trưởng khoa nào lại tham dự đầy đủ tất cả các buổi họp liên chi Đoàn như thầy. Thầy sẵn sàng ở lại tới 7h, 8h tối cùng các cán bộ Đoàn thảo luận, bàn bạc về kế hoạch hoạt động.”
Trần Minh Nguyệt (Lớp 3k-04) cũng chia sẻ: “Ấn tượng nhất là buổi dạ hội chào SV mới, bọn em đứa nào cũng tròn xoe mắt nhìn thầy trưởng khoa đứng giữa vòng tròn làm quản trò để SV chơi trò chơi. Thầy thức suốt đêm đốt lửa trại và hát cùng SV.”
Thầy Hoàng Gia Thư tâm sự: “Người ta nói “thầy già, con hát trẻ”. Càng lớn tuổi thì khả năng truyền đạt và kinh nghiệm càng nhiều nhưng lại quá nhiều lo toan. GV trẻ gần gũi và hiểu giới trẻ hơn, vì thế phải tận dụng lợi thế của mình. Hơn nữa, tôi quan niệm SV vừa là khách hàng, vừa là sản phẩm lại vừa là đối tác của mình. Vì vậy cần phải sống cùng SV, hiểu SV nghĩ gì thì người GV mới có thể làm tốt công việc của mình.”
“Sản phẩm” mà thầy Thư hướng tới không chỉ là những SV có tri thức, có năng lực làm việc mà còn phải có tấm lòng nhân hậu. Vì thế, thầy đã có sáng kiến tổ chức chương trình chiếu phim miễn phí hàng tháng để quyên góp tiền cho Câu lạc bộ Sharing Smiles (Chia sẻ nụ cười) làm từ thiện.
Chính tay thầy chọn phim, lắp đặt và điều khiển máy chiếu. Buổi đầu tiên, trước khi chiếu phim chính, thầy chiếu một đoạn phim ngắn về làng trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam-điôxin Hữu nghị. Cả hội trường lặng đi, rơm rớm nước mắt. Sau hôm ấy, thầy dẫn các SV trong khoa tới thăm và tặng quà cho các em nhỏ làng Hữu nghị. Thầy còn động viên và cùng SV trong khoa tham gia cuộc chạy Terry Fox gây quỹ cho các bệnh nhân ung thư.
“Lửa nhiệt tình và nhân hậu của thầy Thư đã truyền cho chúng em, khiến chúng em thấy mình phải sống tích cực hơn, nhân ái hơn.” – Minh Nguyệt chia sẻ.
-
Lan Hương
Ý kiến của bạn về bài viết: