221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
873094
ĐH loay hoay chấm điểm đạo đức sinh viên
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
ĐH loay hoay chấm điểm đạo đức sinh viên
,

(VietNamNet) – Liệu quy chế rèn luyện sắp ban hành có đảm bảo công bằng cho mọi SV? Nhà trường có cách nào giám sát chặt chẽ việc tự chấm điểm rèn luyện của SV? Đó là những câu hỏi lớn mà các trường ĐH, CĐ và THCN đang tìm lời giải.

 

Tiêu chí: quá chi li và khó đánh giá!

 

Ý thức học tập của SV sẽ được chấm theo thang điểm từ 0 đến 30. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cuối tháng 11/2006, Bộ GD-ĐT đã công bố rộng rãi dự thảo Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của HS, SV các trường ĐH, CĐ và THCN hệ chính quy (gọi tắt là Quy chế rèn luyện) để lấy ý kiến đóng góp của toàn xã hội.

 

Tuy nhiên, từ năm học 2002-2003, một quy chế tương tự cũng đã được ban hành và một số trường áp dụng thực hiện.

 

Theo quy chế này, kết quả rèn luyện của SV sẽ được đánh giá trên 5 mặt: ý thức học tập (10-15 điểm), ý thức chấp hành nội quy nhà trường (0 - 30 điểm); ý thức và kết quả tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, văn thể, phòng chống tệ nạn xã hội (0-30 điểm); phẩm chất công dân và quan hệ cộng đồng (0-15 điểm); ý thức tham gia công tác phụ trách lớp, các đoàn thể, tổ chức trong nhà trường hoặc đạt được thành tích đặc biệt trong học tập rèn luyện (0-10 điểm).

 

Trên cơ sở 5 mục đó, các trường sẽ vạch ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá, tuỳ theo tình hình SV và điều kiện của mỗi trường. ĐH Sư phạm Hà Nội có tới 49 tiêu chí nhỏ. Trên lý thuyết, các tiêu chí càng được chia nhỏ, càng cụ thể thì đánh giá càng chính xác đạo đức và rèn luyện của SV.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, chính vì chia quá nhỏ, dẫn đến tình trạng một số mục rất khó đánh giá như “Có hành vi giúp đỡ, đấu tranh để đảm bảo nội quy, quy chế được thực hiện” (mục II.1.c), “Đồng tình hoặc biết mà không đấu tranh với các hiện tượng chống đối hoặc làm sai nội quy, quy chế” (II.2.c) hay “Tích cực tham gia tuyên truyền chính sách, pháp luật nhà nước” (IV.1.b)...

 

Bên cạnh đó, việc nhiều trường đưa điểm trung bình chung học tập vào làm tiêu chí tính điểm rèn luyện đã dẫn tới tình trạng điểm học tập được đánh giá tới hai lần. Không những thế, còn có sự chồng chéo giữa các căn cứ đánh giá.

 

Theo quy chế, căn cứ để đánh giá về ý thức học tập bao gồm cả “tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia dự thi HS, SV giỏi các cấp” nhưng lại có riêng một mục đánh giá về ý thức tham gia công tác phụ trách lớp, đoàn thể, tổ chức trong nhà trường hoặc đạt những thành tích đặc biệt trong học tập và rèn luyện. Như vậy, những SV đạt giải trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học hoặc thi HS, SV giỏi các cấp cũng sẽ được cộng điểm tới hai lần.

 

Nhiều SV cũng phản ánh rằng mục ý thức tham gia các hoạt động chính trị-xã hội, văn hoá, nghệ thuật, thể thao chiếm số điểm quá cao. Trong khi đó, việc tham gia này lại phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, vào năng lực và sở thích của mỗi người.

 

Thu Hiền (ĐH Xây dựng) đặt vấn đề: “Không phải SV nào cũng có năng khiếu để tham gia đội văn nghệ hay đội bóng đá của trường. Đội SV tình nguyện của trường cũng không thể “chứa” hết mười mấy nghìn SV. Còn có cả những SV vì điều kiện kinh tế mà phải đi làm thêm suốt, không có thời gian tham gia các hoạt động phong trào. Như vậy làm sao có điểm để đánh giá?”

 

KTS Nguyễn Mạnh Hoằng (Trưởng phòng Công tác SV, ĐH Xây dựng) cho biết: “Trong đánh giá phải có sự linh hoạt. Không nhất thiết phải tham gia các hoạt động cấp khoa, cấp trường mới là được tính điểm ở mục này mà cần phải xét những công việc chung của tập thể lớp, những hoạt động sát sườn với SV nhất”.

 

Còn ông Nguyễn Văn Luật (Trưởng phòng Công tác Chính trị, HV Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “Không phải chỉ có tham gia tình nguyện, văn nghệ mới là rèn luyện. Đi làm thêm nhiều lúc lại rèn giũa con người nhiều hơn. Những trường hợp SV khó khăn, phải đi làm thêm quá nhiều là cá biệt nên không thể xét theo chuẩn chung được”.

 

Riêng mục “phẩm chất công dân và quan hệ cộng đồng” được nhiều SV đánh giá là “ngoài tầm kiểm soát của nhà trường”.

 

Bà Trần Thị Mỹ Quang (cán bộ quản lý SV khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội) thừa nhận: “Chúng tôi chỉ cộng điểm cho những SV nội trú được Ban quản lý Ký túc xá khen bằng văn bản còn các SV ngoại trú thì bị thiệt thòi vì không có cơ sở để đánh giá”.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hoằng cho biết: “Bộ GD-ĐT có quy định về quản lý SV ngoại trú là các trường mỗi học kỳ phải tổ chức gặp mặt với chính quyền địa phương nơi SV tạm trú ít nhất 1 lần. Nhưng SV lại ở rải rác nhiều địa bàn và chuyển chỗ liên tục. Vì thế, rất khó để tổ chức các buổi gặp mặt này.

 

Đồng thời còn có quy định cuối mỗi học kỳ, SV phải lấy xác nhận của địa phương về tinh thần thái độ để làm điểm rèn luyện nhưng SV kêu ca rằng phải qua rất nhiều khâu và tốn kém. Nhà trường cũng không đợi được hàng ngàn SV nộp giấy xác nhận rồi mới làm điểm. Có thể nói, đó là những quy định không hợp lý”.

 

Quy trình xét điểm: Trông chờ sự trung thực của SV

 

Quy trình tính điểm rèn luyện được thực hiện bắt đầu từ bản thân mỗi SV tự đánh giá và cho điểm mình theo đúng các tiêu chí cụ thể mà trường đưa ra. Sau đó lớp sẽ họp với sự có mặt của giáo viên (GV) chủ nhiệm và thông qua phiếu đánh giá đó. Lớp tổng kết điểm và gửi lên khoa tiếp tục xét. Cuối cùng là Hiệu trưởng công nhận sau khi thông qua Hội đồng đánh giá cấp trường.

 

Quy trình này trên lý thuyết thì rất chặt chẽ, lại tạo điều kiện phát huy dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, cũng phát sinh nhiều vấn đề không dễ giải quyết.

 

Một điều dễ nhận thấy là SV chắc chắn sẽ không tự cho điểm mình thấp hơn thực tế. Việt Hoàng (ĐH Xây dựng) tiết lộ: “SV trong lớp mình toàn tự đánh giá 80, 90 điểm trở lên hết. Bạn bè trong lớp lại có xu hướng bênh vực, bao che cho nhau. Chẳng ai quan tâm đến phiếu đánh giá của người khác hết”.

 

Bản thân lớp trưởng một lớp thuộc Khoa Vật liệu Xây dựng (ĐH Xây dựng) cũng thừa nhận: “Có nhiều mục trong phiếu tính điểm rèn luyện phải trông chờ vào sự trung thực của SV. Ban cán sự lớp không thể nắm hết được cụ thể tình hình từng bạn”.

 

TS Phạm Văn Chín (Phó trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định: “Điểm rèn luyện này có ý nghĩa rất lớn để xét học bổng, ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của SV nên sẽ không có tình trạng SV “bao che” cho nhau”.

 

Tuy nhiên, Trần Bá Trình (Bí thư Chi đoàn lớp Chất lượng cao K53, Khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội) lại thừa nhận: “Khi xét điểm rèn luyện, SV trong lớp vẫn có sự “du di” cho nhau trong giới hạn “chấp nhận được”. Chúng em có thể bỏ qua một vài lỗi nhỏ”.

 

Thầy Nguyễn Mạnh Hoằng thì khẳng định việc SV bao che, nâng đỡ nhau khi tính điểm rèn luyện là “không thể tránh khỏi”.

 

Cô Trần Thị Mỹ Quang chia sẻ kinh nghiệm quản lý SV của mình: “Tôi thường xuyên đi đến từng lớp điểm danh đột xuất 1, 2 lần/tháng bằng “phiếu bé ngoan”, sau đó tập hợp vào cuốn sổ chuyên cần mà SV vẫn gọi đùa là sổ “Nam Tào”. Cuối mỗi học kỳ, trong cuộc họp của hội đồng khoa, cuốn sổ này là một căn cứ đánh giá rèn luyện của SV. Đồng thời, ban cán sự các lớp có sự kiểm tra chéo nhau, phát hiện ra những trường hợp đánh giá chưa chính xác”.

 

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, áp dụng quy chế rèn luyện này, vai trò và trách nhiệm của GV chủ nhiệm sẽ được đặt lên hàng đầu. Cấp trường, cấp khoa chỉ có thể quản lý ở cấp vĩ mô. GV chủ nhiệm phải là người sát sao nhất với SV.

 

Trường ĐH Xây dựng tuy đã có quy định GV phải sinh hoạt với lớp ít nhất 1 lần/tháng. Nhưng theo phản ánh của nhiều SV thì GV hầu như không hoàn thành nhiệm vụ này mà chỉ thỉnh thoảng ghé qua lớp để thông báo hoặc nhắc nhở quy định mới của trường.

 

Không chỉ ở ĐH Xây dựng mà đây là thực trạng chung ở hầu hết các trường ĐH. GV chủ nhiệm có vai trò rất mờ nhạt, thậm chí không thuộc hết tên SV trong lớp chứ chưa nói đến việc nắm rõ kết quả rèn luyện của từng người để nhận xét vào phiếu đánh giá cuối kỳ.

 

Ông Nguyễn Văn Luật cho rằng cần phải cơ chế hoá hoạt động của GV chủ nhiệm, đưa ra những tiêu chí mang tính định lượng rõ ràng: “Hiện nay, nếu chấm điểm cho GV chủ nhiệm thì mức điểm có lẽ cũng chạy từ 0 tới 100 vì có những người làm rất tốt nhiệm vụ của mình, nhưng cũng có những người rất thờ ơ”.

 

Kể từ học kỳ I năm học 2006-2007 này, ĐH Bách khoa sẽ tiến hành thí điểm cho SV năm thứ nhất “chấm điểm” GV chủ nhiệm trên những tiêu chí như: mức độ thường xuyên tới lớp, liên lạc với SV, giúp giải quyết các vấn đề về học tập và kỷ luật, tạo điều kiện cho SV sinh hoạt ngoại khoá...

 

Chị Nguyễn Thanh Hải (Bí thư Đoàn trường ĐH Bách khoa) chia sẻ: “Chúng tôi rất hy vọng thông qua việc “chấm điểm” GV chủ nhiệm này, mỗi GV sẽ phải tăng cường giao lưu, hiểu biết SV, nắm rõ hơn về từng SV”.

  • Lan Hương

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,