(VietNamNet) - Mở khoá giáo dục giới tính cho SV, có tài trợ của nước ngoài hẳn hoi, ban tổ chức phải chuẩn bị cả... cơm ăn, trái cây, nước uống, quà tặng.
Nguyễn Trần Khôi, SV ĐH Luật TP.HCM cho biết, khoảng hai năm, trường mới tổ chức giáo dục giới tính cho SV một lần.
Trong những lần giao lưu với TS tâm lý mới thấy hết cái “ngố” của SV, mà theo Khôi, là “không tưởng tượng được”. Ví như: “quan hệ bên ngoài có thai không”, “làm chuyện đó khi tắm có dính bầu không”, thậm chí là “hôn nhau có bầu không”...
Ấy thế nhưng, khi thực hiện các chương trình tư vấn, ban tổ chức vẫn phải đau đầu tìm cách lôi kéo số đông SV vào cuộc.
Ở phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 (gồm có KTX một số trường ĐH lớn ở TP.HCM) thường có khoá học về giáo dục giới tính cho SV, chương trình có sự tài trợ của nước ngoài hẳn hoi. Nhưng để SV chịu bỏ ra hai ngày cuối tuần đi học, phải có cơm ăn, trái cây, nước uống, quà tặng… Nhiều SV rủ nhau đi vì lí do này.
Nhưng khi đưa “thành quả” về, M. Lê (KTX 135B Trần Hưng Đạo) cho biết, rất hiếm ai đọc cuốn sách giáo dục giới tính mà chương trình cấp phát, dù đây là cuốn sách khá đầy đủ và bổ ích.
Cá biệt, “áo mưa” (bao cao su) được phát với mục đích về phát rộng rãi cho bạn bè thì có người lại thổi thành… chùm bóng treo lơ lửng ngay nơi công cộng ký túc xá... cho vui. Hầu hết, những thành viên đi học chưa có thái độ nghiêm túc và ghi nhận được rất ít sau khoá học về giới tính.
ĐH An Giang thì có “quái chiêu" khác. Trường có hẳn một câu lạc bộ 4T (tâm tình tuổi tím), mỗi năm tổ chức vài ba dịp tâm tình với SV.
Mục tiêu đưa ra là hỏi đáp những thắc mắc, chia sẻ những vấn đề về tâm sinh lí.
Càng ngày, SV càng ngán ngẩm với “kịch bản” của chương trình, khi “Nhiều buổi, người phụ trách ôn tình kể sử từ mối tình này tới mối tình khác của mình. Kể chán chê mệt mỏi thì quay qua… bắt SV kể” (!).
Mặt khác, vì SV trường tỉnh, còn nhiều ngại ngần nên ít chịu chia sẻ, chương trình dần bị tẻ nhạt. Dù vậy vẫn phải đi vì… người phụ trách là một giảng viên trong trường. SV không đi bị trừ vào điểm rèn luyện! – V.Hoà, học năm 3 của trường cho biết.
Nhiều SV ở tỉnh đều có kiến thức giới tính rất ít ỏi nhưng cực "liều" và mạnh dạn "sống thử"; SV ở các thành phố lớn nhiều nguồn thông tin nhưng rất dễ bị "loạn". Những điều này gây nhiều hiệu quả đáng tiếc... TS Tâm lý Vũ Gia Hiền rút từ thực tế những cuộc trao đổi với các bạn trẻ như vậy.
Ông Hiền thấy, điều đáng tiếc nhất là nhiều bạn trẻ chỉ tìm tới trung tâm tư vấn hay chuyên gia tư vấn khi đã xảy ra hậu quả, hoặc khi thất vọng rối bời… là những thời điểm mà luôn phải bắt đầu bằng “giá như”.
"Nên mở mang hiểu biết giới tính của mình bằng nhiều cách: đến các trung tâm, theo dõi tìm hiểu qua sách, báo, đài và phải có sự chọn lọc. Trong thời đại công nghệ thông tin, bị mù kiến thức, trước hết trách nhiệm thuộc về chính các bạn", ông Hiền bày tỏ.
- Thu Hương
Ý kiến của bạn: