221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
910886
Buổi đối thoại của Chủ tịch nước kết thúc lúc 10giờ15’
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Buổi đối thoại của Chủ tịch nước kết thúc lúc 10giờ15’
,

(VietNamNet) - 8h sáng 25/3, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo 7 bộ, ngành sẽ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với thanh niên, SV và trí thức trẻ tại ĐHQG Hà Nội. Dự kiến sẽ có khoảng 700 đại biểu thanh niên tham dự buổi đối thoại. Mời các bạn cùng theo dõi dưới đây.

 

>>> "Nhận diện" 8X

>>> Hãy cho chúng tôi hiểu nhiều hơn về 8X!

 

Quang cảnh buổi đối thoại (ảnh: Phạm Hải)
Quang cảnh buổi đối thoại (ảnh: Phạm Hải)
Bộ trưởng các bộ: GD-ĐT, Khoa học Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ VH-TT cùng với lãnh đạo Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước và Giám đốc ĐHQG Hà Nội sẽ cùng tham dự buổi đối thoại.

 

700 đại biểu thanh niên tham dự sẽ là những trí thức trẻ, viên chức, SV, giáo viên trẻ các trường ĐH, CĐ, gương mặt trẻ tiêu biểu VN 2006, doanh nghiệp trẻ, bí thư các quận, huyện Đoàn TP.Hà Nội và thanh niên công nhân.

 

Với tên gọi "Tuổi trẻ Việt Nam chủ động sáng tạo, hội nhập, phát triển", cuộc gặp gỡ sẽ xoay quanh 6 chủ đề lớn:

 

Chủ đề thứ nhất là xây dựng niềm tin, bồi đắp lý tưởng cho thanh niên, SV trong giai đoạn hiện nay.

 

Chủ đề thứ 2 rất nóng bỏng hiện nay là: WTO - cơ hội, thách thức và hành động của thanh niên, nhất là trí thức trẻ và sinh viên.

 

Chủ đề thứ 3 không kém phần thời sự là: Khoa học và công nghệ - chìa khóa để hội nhập và phát triển.

 

Hai bạn sinh viên bên cuộc đối thoại (ảnh: Phạm Hải)
Hai bạn sinh viên bên cuộc đối thoại (ảnh: Phạm Hải)
Chủ đề thứ 4, được bàn tới nhiều năm gần đây và được các bạn thanh niên, SV đặc biệt quan tâm là: Nghề nghiệp và việc làm của thanh niên, chính sách trọng dụng nhân tài.

 

Vấn đề thứ 5 sẽ được thảo luận là những yêu cầu đặt ra với thanh niên, trí thức trẻ và SV trong quá trình hội nhập và phát triển, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý trẻ giỏi, công chức trẻ giỏi, nhà khoa học, nhà văn hóa trẻ giỏi, nhà doanh nghiệp trẻ giỏi.

 

Chủ đề thứ 6, cuối cùng là tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của thanh niên, trí thức trẻ, SV với Đảng, Nhà nước về những nội dung, giải pháp nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định quyết tâm xung kích và khả năng đóng góp của mỗi cá nhân trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thông qua những hành động cụ thể, việc làm thiết thực

 

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đơn vị tổ chức buổi đối thoại, sẽ tổ chức các đầu cầu tại Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ để thanh niên ba miền có thể tham gia cuộc gặp gỡ, đối thoại.

Buổi đối thoại sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1 và tường thuật trực tuyến trên Internet trên Báo điện tử VietNamNet.

 

Xin mời theo dõi nội dung buổi đối thoại:

Tham gia đối thoại hôm nay, còn có lãnh đạo các Bộ, ngành: Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ; Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; Trần Văn Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ; Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công An; Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ lao động thương binh và XH, Trung tướng Phạm Hồng Thanh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị...

(Ảnh: Phạm Hải)
(Ảnh: Phạm Hải)
Mở đầu là phát biểu của Chủ tịch nước: "Tôi rất phấn khởi cùng với lãnh đạo các Bộ, ngành tham gia buổi giao lưu, đối thoại với thanh niên cả nước. Sau 20 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu cơ bản về đổi mới, phát triển đất nước. Vị thế đất nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Thế và lực đó đã tạo điều kiện cho đất nước ta không ngừng đi lên, tuy nhiên, quá trình đó cũng tạo ra cho chúng ta không ít thử thách.

Phát huy cao nhất sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, trong đó vai trò của thanh niên là vô cùng quan trọng. Nếu trước đây, lớp lớp thanh niên đã lên đường bảo vệ Tổ quốc thì nhiệm vụ của thanh niên ngày nay là phải chủ động hội nhập, sáng tạo để đưa đất nước phát triển. Hiện nay, thanh niên góp phần làm rạng danh đất nước, song, bên cạnh đó, vẫn còn một  bộ phận chậm tiến, kéo lùi sự phát triển. Thanh niên ngoài những mong muốn cho cá nhân, mà còn có những hoài bão, cống hiến. Do vậy, chúng tôi rất vui khi tham dự buổi giao lưu - đối thoại hôm này và buổi giao lưu sẽ được xây dựng trên nền tảng thẳng thắn và cởi mở".

Mở đầu buổi đối thoại là câu hỏi của bạn :

* Thanh niên Việt Nam có những ý tưởng độc đáo. làm thế nào để có diễn đàn cho thanh niên phát triển? (Nguyễn Linh Giang, Viện khoa học xã hội VN)

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Thanh niên ngày nay được sống trong điều kiện thuận lợi hơn cha anh đi trước. Vì vậy Đảng, nhà nước và thanh niên toàn xã hội luôn tạo điều kiện để thanh niên phát triển ý tưởng. Diễn đàn ở khắp các trường, viện đều đã được mở ra, các bạn hãy sử dụng tối đa những diễn đàn đó để bày tỏ chính kiến, ý kiến của mình.

* Xin thay mặt giới doanh nghiệp, tôi xin đặt vấn đề sau đây. Doanh nhân (DN) được coi là chiến sĩ xung kích của thời bình, nhưng thực tế thì năng lực của giới DN hiện nay vẫn còn nhiều điều chưa như ý muốn. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của chính quyền, cộng đồng đôi lúc còn chưa được sát sao. Do vậy, chúng tôi muốn hỏi rằng hệ thống chính trị, Nhà nước sẽ làm gì để hỗ trợ cho lực lượng này tốt hơn trong thời gian tới để họ hoàn thành sứ mệnh đất nước giao phó? Đặng Lê Nguyên Vũ - giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên

(ảnh: Phạm Hải)
(ảnh: Phạm Hải)
- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đất nước chúng ta đang hội nhập, đòi hỏi bộ máy của chúng ta phải nâng mình lên để đáp ứng đòi hỏi mới. Với các DN, chúng tôi cũng biết là chúng ta đang trong quá trình ra biển lớn nên còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Nhà nước đã, đang và sẽ có những chính sách, xây dựng những cổng thông tin, dịch vụ để giúp cho giới DN tiếp thu và cọ xát với bạn bè quốc tế nhiều hơn.

Tôi cũng đề nghị giới DN chủ động đề đạt những chính sách với Nhà nước để hoàn thiện hơn lộ trình phát triển của mình. Xin chúc Nguyên Vũ cùng các bạn DN khác sẽ ngày càng đạt nhiều thành tựu hơn, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp.

* Chủ tịch có ý kiến gì với thanh niên về con đường thực hiện lý tưởng? Nguyễn Anh Tuấn - Đài tiếng nói VN

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Như chúng ta đã biết đất nước mình nhiều năm bị nước ngoài xâm lược. Đất nước xảy ra nhiều biến cố. Nhưng từ khi có Đảng CSVN ra đời, lý tưởng của thanh niên là lý tưởng của Đảng, Đoàn: xây dựng chủ nghĩa cộng sản không còn người bóc lột người. Các em có đồng ý không? Nhưng cần nói rằng, nếu ai còn băn khoăn, hãy làm một công dân tốt, yêu thương đồng bào, đồng đội... Chúc các em thực hiện lý tưởng thành công.

Toàn hội trường vỗ tay nhiệt liệt.

* Trong các năm qua, còn nhiều SV VN đi du học ở lại nước ngoài làm việc. Chủ tịch nước có suy nghĩ gì về vấn đề này?- Trần Lê Thủy (du học sinh ở Úc)

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đảng và nhà nước tạo điều kiện du học sinh học tập tron nước, nước ngoài. Nếu vì lý do nào đó các em chưa về nước. Các em cứ yên tâm học tập thêm kinh nghiệm, rồi mới trở về phục vụ, tổ quốc luôn giang tay đón các em

Anh Trần Thư, phó TBT webssite Đoàn thanh niên cho biết đến lúc này đã có trên 130 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí cả nước - con số này chưa kể đến đội ngũ phóng viên đông đảo của VTV, đài tiếng nói VN đang thực hiện truyền hình, phát thanh trực tiếp. Ban tổ chức dành cho báo chí toàn bộ tầng hai của hội trường, nhưng ngoài 32 máy tính của tám báo đang thực hiện online trực tuyến, còn có trên 70 phóng viên các báo khác đến đưa tin…

 * Ngoài sự nỗ lực phấn đấu của thanh niên, thì thanh niên chúng tôi cũng xin được trao đổi rằng, không biết trong thời gian tới, Nhà nước vẫn sẽ hỗ trợ cho thanh niên phát triển? Nguyễn Đắc Vinh, Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, Hà Nội.

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một câu nói bất hủ "Đất nước chúng ta thịnh hay suy phần lớn là nhờ có công của thanh niên", do vậy Đảng và Nhà nước ta lúc nào cũng đánh giá cao vai trò của thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển. Do vậy, tôi khẳng định không có gì thay đổi trong quan điểm này. Đồng thời, xin nhắc nhở các bạn phải luôn luôn học tập, cố gắng không phụ niềm tin của Đảng và Nhà nước, nhân dân.

* Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đặt câu hỏi ngược lại với thanh niên: Hoài bão, ước mơ của các bạn là gì? Đến giờ các bạn đã đạt được chưa? Và các bạn đang làm gì để hoàn thành hoài bão ấy?

- Lê Thanh Hành, Giảng viên Đại học Địa chất Mỏ HN: Chúng cháu luôn có hoài bão, ước mơ là làm cho đất nước của chúng ta phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, ví dụ như Nhật Bản. Và cháu cũng xin mạo muội khẳng định là mình đã hoàn thành được 60%, còn lại 40% ở phía trước.

(ảnh: Phạm Hải)
(ảnh: Phạm Hải)
* Sau đây, cháu xin đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Các bạn trong các nước ASIAN có thể dùng học bổng lo cho cuộc sống học tập, nhưng ở VN thì chưa, vì các bạn còn phải tự lo cho cuộc sống học tập, mưu sinh của mình. Không biết trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những chính sách điều chỉnh nào?

- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Nhà nước đã tăng học bổng lên gấp đôi, các giới DN cũng đã lập thêm nhiều quỹ hỗ trợ... Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta vẫn chưa có thể đảm bảo hết đời sống học tập, sinh hoạt từ học bổng. Song, chúng ta đang cải tổ tài chính của hệ thống giáo dục, để lập ra nhiều quỹ cho vay, giúp các bạn an tâm trong quá trình học tập và sau này đi làm sẽ trả lại sau.

Cũng theo kinh nghiệm của chúng tôi thì thấy rằng không phải nguồn cho vay nào cũng được thu hồi lại hoàn toàn, song đó sẽ là nguồn hỗ trợ rất lớn cho các bạn. Sắp tới, chúng tôi sẽ có dịp tổng kết lại hoạt động của ngành giáo dục trong nhiều năm qua, cũng nhằm biểu dương các đơn vị, cá nhân đã hỗ trợ cho quỹ giáo dục, tạo điều kiện ươm mầm cho các tài năng của đất nước.

* Chúng ta đang xây dựng nguồn nhân lực trẻ. Chủ trương của nhà nước như thế nào? Bạn Thanh Phú, quận 5.

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Chiến lược của Đảng và nhà nước ta là xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực trẻ. Quan trọng nhất của chúng ta là phát triển, đào tạo, đào tạo lại trong nước và nước ngoài, bằng nhiều nguồn như học bổng. Nhà nước mỗi năm tăng ngân sách đào tạo, mở rộng các trường, như ĐH Quốc gia Hà Nội đây. Các ngành các cấp, các địa phương cùng thực hiện chủ trương, chính sách đó, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Đảng và Nhà nước có kỳ vọng gì với Thanh niên, SV? Đảng và Nhà nước có lời khuyên gì và kỳ vọng gì với các bạn trẻ ứng cử Đại biểu Quốc Hội? - Phùng Thị Thu Hà, Sở xây dựng Hà Nội

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Về vấn đề kỳ vọng, niềm tin của Đảng và Nhà nước với giới trẻ thì đã quá rõ ràng, không  có gì để nói thêm. Chúng tôi rằng các bạn sẽ đáp ứng niềm tin ấy. Sắp tới, các bạn sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn trong Quốc hội và các tổ chức chính trị khác. Tôi chỉ muốn khuyên các bạn hãy tự tin và khiêm tốn học tập để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. 

* Chúng ta hiện nay nói nhiều đến hội nhập. Đối với thanh niên, chìa khóa hội nhập là gì? làm thế nào để hội nhập thành công? - Nguyễn Cẩm Hằng, Bộ Công an

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Có rất nhiều yếu tố. Nhưng theo tôi, quan trọng hàng đầu: bản lĩnh và trí tuệ. Tôi mong lớp trẻ trau dồi điều đó để đi đến hội nhập nhanh chóng.

* Xin đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Xin bộ trưởng cho biết bao giờ và làm thế nào để bằng cấp VN được quốc tế công nhận? - Lê Ngọc Hà, ĐH Nông Nghiệp 1

- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Trên thế giới, không có một tổ chức quốc tế nào công nhận bằng cấp quốc tế mà là sự thừa nhận giữa các trường. Ngay trong một nước, việc thừa nhận bằng cấp giữa các trường cũng không hoàn toàn tương đương nhau. Bằng tốt nghiệp THPT VN ra nước ngoài có thể học ĐH được không? Bằng ĐH VN có thể học cao học nước ngoài được không? Được chứ! Nhưng có trường phải làm cuộc thi kiểm tra lại, đó là điều khả dĩ.

Do vậy, để bạn bè quốc tế công nhận nhiều hơn nữa bằng cấp của VN thì chúng ta phải nâng cao chất lượng đào tạo của đội ngũ giáo viên. Chúng ta có 52% thầy cô dạy ĐH chỉ đạt trình độ ĐH. Bộ đang trình Chính phủ đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ trong thời gian tới để nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh đó, chúng ta học hỏi kinh nghiệm của các trường tiên tiến trên thế giới, như áp dụng nhiều mô hình giảng dạy hay, hoặc sắp tới chúng ta sẽ có 9 trường ĐH giảng dạy bằng tiếng Anh. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng đang trên đà hoàn thiện cơ sở vật chất. Những điều ấy sẽ góp phần cho các trường đối tác đánh giá chất lượng đào tạo của chúng ta. Chúng tôi tin rằng trong thời gian gần tới, sẽ có nhiều trường trên thế giới công  nhận bằng cấp giáo dục của VN. Chúng tôi xin hứa rằng Bộ GD sẽ đưa nền giáo dục của VN phát triển nhanh và hội nhập với thế giới trong những năm đầu của thế kỷ XXI này.

* Thí điểm thi chức danh lãnh đạo được làm tại Đà Nẵng rất thành công. Nếu triển khai rộng việc này sẽ tạo một sự công minh, nhiều người ủng hộ. Đảng và nhà nước chủ trương vấn đề này như thế nào? Trần Vũ Duy Mẫn - Thành đoàn Đà Nẵng

- Ông Trần Văn Tuấn - Bộ trưởng Bộ nội vụ: Tuyển công chức ở nước ta có quy trình cụ thể. Vừa qua, Đà Nẵng thí điểm thi công chức, quản lý công khai. Bộ Nội vụ hướng tới việc tạo điều kiện cho bạn trẻ học giỏi, có trình độ thi vượt bậc vào chuyên viên chính, giảng viên chính... không theo quy trình. Các bạn trẻ nếu trau dồi tốt, thấy đủ sức có thể tham gia.

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bổ sung: Thi công chức là việc làm cần thiết. Nhưng theo tôi, cán bộ không chỉ giỏi nghiệp vụ mà phải có tâm, có tấm lòng vì dân vì nước. Thi để xem cán bộ cái tài có đồng hành với cái tâm không. Các đồng chí có đồng ý như vậy không?

Cả hội trường vỗ tay đồng tình.

* Xin Chủ tịch nước cho biết, để giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập thì vấn đề gì là quan trọng nhất? - Đinh Xuân Tùng, đại diện khối Dân vận

- Bộ trưởng Bộ văn hóa - Thông tin Lê Doãn Hợp: Tôi xin trả lời như sau: nếu chúng ta muốn hội nhập thành công thì chúng ta phải đưa hai bàn tay ra thế giới bên ngoài, một bàn tay là kinh tế - mà biểu hiện là sức mạnh của giới DN; một tay là chính trị, mà biểu hiện trọn vẹn nhất là văn hóa. 

Văn hóa có 3 điều phải quan tâm: thứ nhất là văn hóa ứng xử, thể hiện nếp sống và sức thu hút của dân tộc; thứ hai là văn hóa gia đình, đó là nền tảng cho sự phát triển của con người và XH; thứ ba là văn hóa dân tộc (gồm văn hóa vùng miền và các cộng đồng dân tộc). Chúng ta nếu bảo đảm tốt cho ba vấn đề này sẽ

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Tôi xin bổ sung thế này. Đất nước chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng vẫn tồn tại oai hùng. Suy cho cùng, đó là vì chúng ta vẫn bảo tồn được văn hóa, là truyền thống đoàn kết - ý chí quật cường, một lòng một dạ vì Tổ Quốc. Chúng ta phải cố gắng phát huy và giữ gìn truyền thống văn hóa này - nhất là trong bối cảnh mới.

* Muốn phát triển khoa học công nghệ cần nhiều yếu tố, trong đó có thị trường công nghệ. Đến khi nào đất nước ta có thị trường khoa học công nghệ?- Nguyễn Văn Quý, Học viện chính trị

Bộ trưởng Hoàng Văn Phong (trái) dang trả lời (ảnh: Phạm Hải(
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong (trái) đang trả lời (ảnh: Phạm Hải)
- Bộ trưởng bộ Khoa học và công nghệ Hoàng Văn Phong: Thị trường CN là một công đoạn quan trọng, tạo ra một nhu cầu thực sự đối với lãnh vực nghiên cứu, tức là đặt ra được cái cầu lớn. Không có cái cầu này thì không giải quyết được vấn đề sản xuất kinh doanh đất nước. Cơ hội nhưng cũng là thách thức. Thị trường công nghệ tạo cầu kích thích: có kẻ mua, người bán. Ngoài ra còn phải có hàng hóa.

Thời gian qua, Quốc hội chúng ta tạo nền tảng phát triển quan trọng, Chủ tịch nước ký ban hành luật chuyển giao ban hành, bảo hộ hàng hóa, thừa nhận ý tưởng, hàng hóa. Để hàng hóa trở thành thị trường thì cần thời gian. Thị trường tiền tệ mới được công nhận 20 năm nay; tương tự thị trường chứng khoán mới được công nhận 7 năm nay, nói vậy để thấy rằng phải có căn cứ khoa học thì mới thành thị trường. Theo tôi, khi nào 1/2 viện, trung tâm nghiên cứu tham gia thị trường mua bán và 1/2 doanh nghiệp tham gia việc giao dịch thì thị trường công nghệ mới bắt đầu đều đặn và phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (phải) đang trả lời (ảnh: Phạm Hải)
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân (phải) đang trả lời (ảnh: Phạm Hải)
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Nguyễn Thiện Nhân bổ sung.

- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Thời làm ở TP.HCM chúng tôi có nhiều trăn trở: doanh nghiệp thích sản phẩm công nghệ, bảo mua nhưng làm xong mới mua. Vậy ai cung cấp tiền để làm? Chúng tôi chọn giải pháp: các trường trình bày, Sở KHCN ứng tiền làm, doanh nghiệp theo dõi quá trình. Khó khăn thứ nhất "tiền đâu" đã giải quyết được. Vừa qua chúng ta cũng đã có chợ công nghệ thiết bị, phát triển thành chợ truyền thống, rồi chúng ta có chợ trên mạng. Hiện nay chúng ta đã có 3000 thiết bị giao dịch để bán.

* Chủ tịch nước đã là Bí thư T.Ư Đoàn năm 40 tuổi, thì không biết Chủ tịch có kỷ niệm sâu sắc nào trong khi làm BT T.Ư Đoàn? - Bạn Nguyễn Văn Nhân, Hà Nội

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Tính đến nay, tôi đã cống hiến cho Đoàn hơn phân nửa tuổi đời của mình, cũng có nhiều kỷ niệm - nhất là trong thời gian đấu tranh: bị bắt, bị tra tấn; đi công tác bị lạc giữa rừng...

Trong thời gian công tác ở T.Ư Đoàn, có một lần vào năm 1984, các đồng chí đưa tôi về xã Chư Bân, một xã anh hùng ở Daklak. Bà con ở đó vui mừng lắm và ra tận đầu làng để đón tôi. Khi gặp, họ rất vui nhưng cũng ngạc nhiên vì họ tưởng tượng rằng ông Bí thư T.Ư Đoàn là to cao lắm, nhưng khi thấy tôi thì nhỏ bé!

Cả hội trường cười vang với sự dí dỏm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Chủ tịch nước tiếp tục dòng chảy của kỷ niệm khi ông kể một câu chuyện cũng vào năm 1984, khi ông đi công tác ở Liên Xô, lúc đó lại kẹt... tiền trả taxi trong khi tiếng Nga thì lõm bõm, phải đến gõ cử Đại sứ quán Việt Nam vào lúc nửa đêm,  "Sau đó, tôi về nói lại với các đồng chí khác, rằng sau này nếu đi công tác thì các đồng chí phải ứng trước một ít, chứ nếu ở đất khách quê người, không biết tiếng mà trong túi không có một đồng thì kẹt quá!".

Các cán bộ Đoàn trong hội trường cười, vui vẻ và thông cảm...

* Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã khiến bộ mặt doanh nghiệp nhà nước phát triển, đời sống người dân có tăng. Nhưng có một vấn đề: Người lao động trẻ trong các doanh nghiệp không có điều kiện mua cổ phiếu, tạo điều kiện cho các cá nhân thu gom. Nhà nước có hành động gì không trong việc này? - Doãn Trung Tuấn, đại diện Bộ công nghiệp

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Câu hỏi thú vị mà khó. Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, làm nhiều năm nhưng còn những vấn đề cần hoàn chỉnh. Bán cổ phần cho công nhân: tốt nhưng công nhân không có tiền đã bán cho người khác, vô tình rơi vào tay một cá nhân thu gom. Đó là bất hợp lý mà Đảng, nhà nước cũng đã thấy, đang điều chỉnh.

Tôi cũng xin nói thêm thời gian qua quá trình cổ phần hóa của chúng ta chưa tính thương hiệu, mà thương hiệu thì ý nghĩa lớn lắm. Đất đai cũng vậy, cho thuê rẻ trong khi muốn có đất thì phải tốn nhiều tiền. Người ta nói một số doanh nghiệp giá cổ phiếu tăng là giá ảo, nhưng thật ra cũng có thật. Sắp tới sẽ có những điều chỉnh hợp lý hơn.

* Xin được hỏi Chủ tịch nước: thực hiện chủ trương cải cách hành chính trong những năm qua, chúng ta đã cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, bộ máy này vẫn còn rất cồng kềnh, trong khi đó, nhiều bạn trẻ muốn được tham gia đóng góp mà chưa có nhiều cơ hội...

Đề nghị lãnh đạo Bộ Nội Vụ cho biết các phương án đào tạo đội ngũ hiện nay. Theo chúng tôi thì chương trình đào tạo thì áp dụng chung, trong khi các công chức ở các ngành thì đòi hỏi chuyên môn khác nhau. Giáo trình thì chưa thực tiễn; đào tạo thì thiếu kỹ năng... (Ngô Duy Hiểu, đại khối Đoàn dân chính đảng HN)

- Ông Trần Văn Tuấn, thứ trưởng Bộ Nội Vụ: Về việc cải cách hành chính bao gồm nhiều lãnh vực. Đảng và Nhà nước ta cũng đã đạt nhiều thành tựu rất là tốt trong quá trình đổi mới. Tuy nhiên, nhìn nhận lại, chúng ta vẫn còn nhiều nơi vẫn còn gây phiền hà. Sắp tới đây, chúng ta sẽ có hội nghị bàn và tổng kết về vấn đề này; trong đó có công tác tiếp xúc với dân vẫn còn những khuyết điểm.

Về vấn đề đào tạo thì Bộ Nội vụ cũng thấy thực tế này. Hướng cải cách hành chính của chúng ta cũng có nội dung là các cuộc thi tuyển cán bộ công chức sẽ ngày một cải tiến hơn.

* ĐBSCL được đánh giá là trung tâm kinh tế lớn của đất nước, đời sống người dân có phát triển. Tuy nhiên theo một khảo sát mới đây, trình độ học vấn khu vực này thấp nhất nước? Nhà nước có giải pháp gì cho việc này? Một SV tại hội trường B, ĐH Cần Thơ

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đúng như bạn nói, ĐBSCL là trung tâm kinh tế lớn của đất nước, đặc biệt lúa gạo, lương thực, thực phẩm. Song, giáo dục, y tế, văn hóa xã hội còn một số hạn chế. Đời sống người dân ở đây có phong phú nhưng phong phú thực phẩm thôi. Nhà dân còn là nhà tranh vách lá đơn sơ, gió bão đi qua chịu không nổi.

Không phải hôm nay mà từ nhiều năm qua, Đảng, nhà nước có những nghị quyết phát triển ĐBSCL; thành lập ban chỉ đạo miền Tây nam bộ, trực tiếp chỉ đạo điều hành khu vực này. Nhà nước cũng đang làm con đường thứ 2 chạy về miền tây thay vì con đường độc nhất trước nay. Tôi tin những yếu kém đang trên đà khắc phục

* Hiện cháu đang học tập tại Mỹ, nhân dân nước Mỹ nhiều người hiểu về VN, phấn khởi trước những thành tựu của VN, song bên cạnh đó, còn rất nhiều người Mỹ chưa hiểu về VN. Cháu rất buồn, xin bác cho biết, chúng ta trong thời gian tới sẽ có giải pháp cho vấn đề này?Nguyễn Vũ Minh (gửi câu hỏi qua email)

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đây là một câu hỏi rất thực tế. Tôi được biết, hiện có nhiều thông tin VN đến với thế giới chưa đầy đủ, có còn sai lệch. Vừa qua, trong hội nghị APEC, khi tiếp kiến với Tổng thống Bush, sau khi trao đổi một số thông tin về sự phát triển của VN, thì Tổng thống Bush mới ồ lên, ngạc nhiên vì trước đó chưa từng nghe đến. Sau đó, ông đề nghị chúng ta phải cung cấp thông tin ra nước ngoài nhiều hơn nữa, nhanh nhạy hơn nữa.

Chúng ta cũng có kênh VTV4 phát ra nước ngoài, tuy nhiên, VTV4 thì ở nơi bắt được, nơi không. Chúng ta cũng có một số website, tuy nhiên, thông tin không phải lúc nào cũng được chọn lọc và hoàn toàn chính xác. Do vậy, tôi mong muốn các đơn vị thông tin tuyền truyền phải cố gắng hơn nữa trong việc cung cấp thông tin ra nước ngoài để kiều bào, các du học sinh VN, cũng như bạn bè quốc tế hiểu hơn về VN.

* Hiện nay Đảng và nhà nước có những biện pháp mạnh chống tham nhũng. Nhưng tham nhũng vẫn còn, ngày càng tinh vi. Đảng và nhà nước làm gì để triệt tiêu tình trạng này? - Vũ Quang Hưng, Bộ công an

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đảng và nhà nước đang rất quyết tâm phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng ở đâu cũng có không chỉ riêng VN. Gần chúng ta có các nước mà bộ trưởng, thứ trưởng đều vướng vào điều này. Cho nên, không nên nói VN tham nhũng nhất thế giới. Cán bộ đảng viên không phải nhìn đâu cũng tham nhũng. Theo tôi, chúng ta quản lý yếu kém nên có người không muốn tham nhũng nhưng thấy... dễ quá, cầm lòng không đậu nên vướng vào.

Trong khi đó, có nhiều nước quản lý theo kiểu muốn tham, tham cũng không được. Chúng ta diệt mầm mống tham nhũng, đồng thời phải nâng tầm quản lý. Nhà nước đã thành lập ban chống tham nhũng toàn quốc do Thủ tướng đứng đầu là ban hoạt động mạnh nhất. Hy vọng chúng ta sẽ thành công.

Tôi mong các bạn góp tay phòng chồng, tham nhũng ngay trong đơn vị mình. Tôi thấy có người lên hội trường nói mạnh, nhưng nhìn lại chính cơ quan của mình thì chưa nghiêm. Cần làm việc đó ngay trong nội bộ của chúng ta.

* Hiện nay, đại bộ phận SV đều mong muốn sau khi ra trường sẽ có việc làm ổn định, nhưng thực tế thì việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Không biết Nhà nước có những chính sách nào giải quyết vấn đề này?- Nguyễn Lan Anh, SV Học viện Tài chính Hà Nội

- Ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng Bộ lao động: Dân số chúng ta 85 triệu, có 50% trong độ tuổi lao động (42 triệu), thanh niên chiếm 35%. Hàng năm, lao động bổ sung mới là 1,1 triệu. Con số đó cho thấy lực lượng lao động thì tương đối trẻ, tuy nhiên chất lượng đào tạo thì thấp so với các nước trong khu vực.

Trong thời gian qua, chúng ta có nhiều chính sách cho vấn đề giải quyết việc làm. Bộ luật lao động qua hai lần sửa đổi thì đã đáp ứng cơ bản. Năm 2006, chúng ta cũng đã thông qua ba bộ luật, để đảm bảo hành lang pháp lý cho việc sử dụng lao động của các nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có nhiều chính sách thu hút đầu tư trong nước và ngoài lao động, giải quyết được 1,1 triệu lao động hằng năm. Chính phủ cũng có chính sách Quốc gia giải quyết việc làm, thông qua nguồn quỹ này, cũng có 300.000 - 400.000 lao động/năm được nhận vốn và tự giải quyết việc làm.

Ngoài ra, chúng ta cũng có chính sách hợp tác lao động, hàng năm đưa ra thị trường lao động quốc tế từ 85.000 - 100.000 lao động. Song, trình độ ngoại ngữ, tay nghề của nhóm đối tượng này không hoàn toàn đáp ứng được. Trong khi có rất nhiều cánh cửa mở ra, chúng ta lại không thể đáp ứng!

Do vậy, vấn đề nằm ở chỗ đào tạo nghề và nội lực của các ứng viên xin việc. Tôi xin được phép khuyên các bạn hai điều:

- Chúng ta cần học đúng những ngành nghề mà XH và thế giới cần chứ không phải chỉ phụ thuộc vào nhu cầu, ý thức cá nhân.

- Đã học thì phải học cho giỏi, phải biết trang bị nhiều kỹ năng khác - trong đó là khả năng ngoại ngữ. 

-  Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Chúng ta vừa trải qua câu hỏi thứ 20, chúng ta chưa có câu hỏi quốc phòng và an ninh. Phải chăng an ninh và quốc phòng của nước ta quá ổn định nên không có thắc mắc gì? Tôi xin thay mặt tuổi trẻ hỏi Bộ quốc phòng và Bộ Công an:

Tình hình quốc tế phức tạp quá, bom mìn, khủng bố... Ở VN, về mặt an ninh quốc phòng ổn định thời gian qua. Tôi nghĩ chúng ta không thể chủ quan. Tuổi trẻ cần làm gì song song hội nhập kinh tế để bảo vệ an ninh đất nước?

- Ông Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Công an: Bảo vệ an ninh quốc phòng là trách nhiệm toàn đảng toàn quân toàn dân ta, đặc biệt thế hệ trẻ. Thành công thời gian qua trong công tác bảo vệ an ninh trật tự có công sức của thanh niên, HSSV, trí thức trẻ. Theo tôi 4 việc phải làm của thanh niên là:

           1. Nắm vững luật pháp hơn ai hết và thực hiện nghiêm túc

           2. Giáo dục, tuyên truyền động viên nhân dân cùng thực hiện nghiêm luật.

           3. Cống hiến sức trẻ giúp đỡ lực lượng công an bảo vệ an ninh trật tự, như thanh niên tình nguyện đã làm thời gian qua.

          4. Theo dõi, giám sát hoạt động để phát hiện kịp thời hạn chế của lực lượng công an để xây dựng họ vững mạnh.

- Trung tướng Phạm Hồng Thanh - Phó chủ nhiệm tổng cục chính trị - quân đội NDVN: Bảo vệ đất nước trở thành quy luật của VN, đặc biệt thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta phải lo giữ nước trong thời bình, mạnh lên về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Đó là việc giữ nước cơ bản nhất. HSSV, chúng ta đứng trước thử thách lớn, các thế lực thù địch đang khiến thanh niên xa rời lý tưởng của Đảng, Đoàn, sa vào thực dụng, nên chúng ta cần thận trọng.

Hiện nay 60% lực lượng an ninh tổ quốc là thanh niên đang giữ vị trí các biên giới, hải đảo. Một số ngành đào tạo quân đội là ngành mở sẵn sàng thu hút các bạn vào làm việc trong quân đội. Hàng năm con số này ngày càng tăng. Tôi muốn nói quân đội là con em của nhân dân, môi trường xã hội là môi trường lớn, nên toàn dân, nhất là giới trẻ cần tham gia để đưa đất nước ổn định, an ninh.

* Có người cho rằng WTO là một bó hoa hồng đầy gai mà chúng ta tự nguyện ôm lấy một cách tích cực. Tuy nhiên, có nhiều sự kiện trong nước thời gian qua, gây mất niềm tin, không biết ý kiến của CT nước thế nào? - Nguyễn Quang Cảnh, Đoàn khối 1

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Bất cứ một thắng lợi nào cũng trải qua những hy sinh, mất mát, phải có trả giá. Song, muốn đất nước phát triển, chúng ta phải gia nhập WTO, để có cơ hội nhiều hơn. Chúng ta phải đương đầu với nhiều thử thách. 150 quốc gia gia nhập WTO thì không phải ai cũng phát triển.

Chúng tôi tin rằng với sức mạnh và trí tuệ của VN, chúng ta sẽ thắng lợi. Đảng và Nhà nước trong quá trình đàm phán, đã có nhiều chính sách theo một lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển của VN, chứ không phải tất cả đều đồng loạt thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tuân thủ nghiêm túc "luật chơi" quốc tế. Có đơn vị trụ vững, có đơn vị phải thay đổi, có đơn vị phải ra đi... Song, chúng ta chấp chận hy sinh để có cái lớn hơn.

Các Bộ, ngành đều phải nâng mình lên như Bộ tư pháp - nhất là khi phải tranh tụng với bạn bè quốc tế. Những gì yếu kém, trì trệ phải thay đổi, những cán bộ yếu kém cũng phải thay. Chúng ta đang gấp rút xây dựng một bộ máy nhân sự đủ tiêu chuẩn, đáp ứng với yêu cầu mới.

Đây là câu hỏi cuối cùng được Chủ tịch nước trả lời. Vì thời gian có hạn, nên rất nhiều câu hỏi khác sẽ được chuyển đến Văn phòng Chủ tịch nước để nghiên cứu, trả lời sau đó.

* Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu kết luận buổi đối thoại: Chúng tôi rất vui mừng khi thấy nhiều bạn trẻ quan tâm, theo dõi buổi đối thoại này. Buổi đối thoại đến đây kết thúc, nhưng chỉ kết thúc ở hội trường này, còn việc đối thoại giữa các bạn trẻ với chúng tôi thì sẽ không bao giờ kết thúc. Chúng tôi mong muốn, bằng nhiều hình thức khác nhau - kể cả việc đối thoại trực tiếp như hôm nay, sẽ được tiếp tục. Nếu các bạn trẻ có vấn đề gì, hãy mạnh dạn gửi ý kiến.

Tôi cũng mong rằng các lãnh đạo Bộ, ngành hãy quan tâm trả lời một cách rốt ráo và bản thân tôi sẽ cố gắng hết mình cho việc đối thoại với các bạn.

Tôi đã từng gặp nhiều bạn trẻ, trong đó có bạn Đặng Lê Nguyên Vũ. Nguyên Vũ đã có nhiều hiến kế, ý kiến rất hay, tôi rất hoan nghênh và tìm cách áp dụng. Chính những ý kiến của các bạn sẽ giúp rất nhiều cho công cuộc phát triển của quốc gia.

Bản thân tôi, sau cuộc đối thoại rút ra nhiều điều tâm đắc cho mình khi được nghe những phát biểu về các vấn đề thiết thân của các bạn. Để từ đó, cân nhắc công việc của mình cho tốt hơn, để đáp ứng những gửi gắm của thanh niên.

Tôi cũng có một số điều gửi gắm: con tàu VN đang bước ra biển lớn, chắc chắn sẽ gặp sóng to gió lớn, nên chúng ta phải bình tĩnh. Nếu có người cầm lái giỏi, cùng với sự đồng lòng của những người giỏi nhất, chúng ta sẽ về đến đích thắng lợi.

Giờ đây, chúng ta không chỉ nêu cao khẩu hiệu tinh thần làm việc bằng hai, mà là bằng ba. Có như thế, chúng ta mới có thể theo kịp được sự phát triển của khu vực và thế giới.

Kế đến, chúng ta phải tiếp tục học tập, học - học nữa, học mãi. Nhu cầu xã hội cần gì thì chúng ta phải học cái đó để đảm bảo cho sự phát triển, làm sao để gặt hái tinh hoa của nhân loại để giúp cho đất nước phát triển.

Một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa chính là sự trau dồi đạo đức. Bên cạnh một đội ngũ thanh niên tiên tiến thì còn một bộ phận thanh niên yếu kém. Tiếc rằng không còn nhiều thời gian, nếu không tôi sẽ đặt vấn đề chúng ta đã làm gì để giúp đỡ bộ phận thanh niên này? Chúng ta đã hết lòng giúp đỡ họ hay còn bỏ rơi họ?

Đối với tổ chức Đoàn - Hội - Đội, trước hết, các đồng chí phải củng cố, tăng cường xây dựng cho các tổ chức này thực sự vững mạnh, phải là người bạn vững mạnh của thanh niên; phải kiểm tra xem các tổ chức này đã sát cánh với thanh niên? Một lần, tôi trao đổi với một cán bộ có nhiều đóng góp cho các hoạt động của thanh niên, nhưng con của anh ấy lại phạm nhiều sai lầm. Tôi đã chia sẻ "Trong công tác Thanh niên, anh thực sự là người anh của chúng tôi, song trong gia đình, anh chỉ mới là người cha, chưa phải người bạn của con". Anh ấy đã gật đầu đồng ý. Là cán bộ Đoàn - Hội - Đội, trước hết các bạn phải là bạn của thanh niên.

Vừa rồi, tôi cũng nhận được một câu hỏi về lý tưởng của thanh niên, đoàn viên. Quá trình đi lên, giác ngộ của các bạn có thể từ từ, chậm một bước, nhưng phải là sự tiến lên cùng với chế độ, khi Đảng CSVN đã đem đến cho các bạn một cuộc sống tự do, cơm no, áo ấm. Có thể lúc đầu, các bạn chưa đồng tình, song, đừng có chống lại. Đến một lúc nào đó, ý thức đầy đủ thì khi ấy các bạn có thể tự giác đồng tình.

Nếu tuổi trẻ làm được như vậy, các tổ chức Đoàn - Hội - Đội làm được như tôi nói, thì các bạn có thể tự hào đã đóng góp hết sức mình cho đất nước. Đảng, Nhà nước, nhân dân VN luôn giành hết tình cảm, sự tin cậy với các bạn. Các bạn đừng băn khoăn thêm về vấn đề này mà hãy nỗ lực hết mình để không phụ niềm tin yêu ấy.

- Anh Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn: Đây là món quà có ý nghĩa đặc biệt trong Tháng Thanh niên. Tuổi Trẻ có cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình đồng thời có dịp nhìn lại mình, nỗ lực rèn luyện. Ban bí thư trung ương Đoàn xin tiếp thu ý kiến của Chủ tịch nước và các đồng chí các bộ ngành nhằm đưa phong trào thanh niên ngày một phát triển.

Thời gian cho chương trình đối thoại đã hết. VietNamNet sẽ tiếp tục tường thuật ý kiến phản hồi của các bạn trẻ về buổi trục tuyến hôm nay. 

  • VietNamNet
     
    Ý kiến của bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,